Khảo sát: Đa số người trưởng thành ở Mỹ đánh giá Facebook ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội
Khoảng 3/4 người trưởng thành ở Mỹ tin rằng mạng xã hội Facebook khiến xã hội nước này xấu đi.
Đây là kết quả khảo sát mới được hãng tin CNN công bố.
Biểu tượng Facebook tại Arlington, Virginia, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo đó, có 76% người tham gia khảo sát cho rằng Facebook khiến xã hội Mỹ trở nên tồi tệ hơn và chỉ có 11% tin vào điều ngược lại, trong khi 13% còn lại không cho rằng Facebook có tác động theo 2 chiều hướng trên. Trong tất cả các nhóm giới tính, độ tuổi và chủng tộc đều có ý kiến đánh giá tiêu cực. Ngay cả trong nhóm những người thường xuyên sử dụng Facebook – ít nhất vài lần/tuần – cũng có đến 70% cho rằng mạng xã hội gây hại cho xã hội Mỹ hơn là giúp ích.
Video đang HOT
Trong nhóm đa số tin rằng Facebook khiến xã hội Mỹ xấu đi, có 55% cho rằng lỗi chủ yếu là do cách sử dụng Facebook của người dùng chưa đúng, 45% cho rằng bản thân Facebook chưa được vận hành đúng cách. Bên cạnh đó, 49% người tham gia khảo sát trả lời rằng họ có biết những người từng tin vào một thuyết âm mưu nào đó dựa trên các nội dung đăng tải trên Facebook. Tỷ lệ này cao hơn trong nhóm người trẻ tuổi ở Mỹ, với 61% người dưới 35 tuổi có câu trả lời này trong khi tỷ lệ ở nhóm người trên 65 tuổi là 35%.
Hiện Facebook đang trở thành tâm điểm chú ý sau khi để lọt các tài liệu nội bộ cho thấy nhiều góc khuất trong văn hóa công ty, các chính sách về nội dung và cách thức mạng xã hội này xử lý các vụ việc thông tin sai sự thực và cực đoan xuất hiện trên nền tảng của mình.
Frances Haugen, người phát giác các thông tin trên, đã ra điều trần trước Thượng viện Mỹ trong tháng trước, kêu gọi cơ quan lập pháp nước này tăng cường các biện pháp quản lý Facebook. Sau đó, Facebook Inc., công ty chủ quản của mạng xã hội Facebook, đã đổi tên thành Meta.
Về vấn đề này, khảo sát của CNN cho thấy có khoảng 53% người được hỏi cho rằng chính phủ liên bang nên tăng cường các biện pháp quản lý Facebook, 11% có câu trả lời ngược lại trong khi 35% cho rằng không nên thay đổi. Xét rộng hơn, có khoảng 38% người được hỏi cho biết không tin tưởng các công ty công nghệ lớn như Google, Facebook hay Amazon sẽ làm điều tốt nhất cho người dùng. Con số này tăng nhẹ so với mức 29% ghi nhận trong khảo sát hồi tháng 3/2019. Chỉ có khoảng 34% người được hỏi tin tưởng các công ty công nghệ lớn, giảm so với mức 40% ghi nhận 2 năm trước.
Khảo sát của CNN được thực hiện trực tuyến từ ngày 1 – 4/11, với 1.004 người Mỹ ở độ tuổi trưởng thành được lựa chọn ngẫu nhiên trên cả nước.
Châu Âu muốn Mỹ công bố thời điểm nối lại vận tải hàng không xuyên Đại Tây Dương
Liên minh Hàng không châu Âu (A4E) đã hối thúc giới chức Mỹ ấn định thời điểm cụ thể nhằm mở cửa trở lại biên giới đối với những hành khách đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 và sớm công bố danh sách các loại vaccine được phê chuẩn.
Hành khách chờ làm thủ tục tại sân bay quốc gia Reagan Washington ở Arlington, Virginia, Mỹ, ngày 22/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Tháng 9 vừa qua, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thông báo từ tháng 11 tới sẽ mở cửa biên giới cho những hành khách đã tiêm vaccine ngừa COVID-19, đặc biệt những hành khách đến từ châu Âu. Tuy nhiên, trong một tuyên bố sau cuộc họp với giới chủ doanh nghiệp tại Brussels (Bỉ) ngày 13/10, A4E cho biết châu Âu vẫn đang chờ phía Mỹ ấn định thời điểm rõ ràng cho việc này. Tuyên bố của A4E nhấn mạnh sự cần thiết phải có thời điểm rõ ràng cho việc mở cửa trở lại đối với hoạt động đi lại xuyên Đại Tây Dương.
A4E cũng hối thúc cơ quan chức năng Mỹ công nhận "chứng nhận COVID-19 số" (DCC) của Liên minh châu Âu (EU), vốn trên thực tế đã trở thành tiêu chuẩn quốc tế. Giám đốc điều hành A4E, ông Thomas Reynaert cho rằng một cách tiếp cận chung giữa châu Âu và Mỹ có ý nghĩa quan trọng nhằm đảm bảo sự minh bạch và tin tưởng của hành khách.
Liên minh trên cũng hối thúc các cơ quan chức năng Mỹ thống nhất một danh sách gồm các loại vaccine đã được hai bên phê chuẩn cũng như sử dụng danh sách vaccine được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê duyệt làm cơ sở để tiến hành các cuộc đàm phán trong tương lai. Vấn đề hiện nay là các nhà chức trách Mỹ chưa cấp phép sử dụng vaccine của hãng AstraZeneca trong khi vaccine này đang được sử dụng rộng rãi ở các nước châu Âu.
Các hãng hàng không châu Âu như Air France, KLM và Lufthansa đã phải thu hẹp phần lớn hoạt động kinh doanh do các chuyến bay xuyên Đại Tây Dương bị gián đoạn trong 18 tháng qua do đại dịch COVID-19.
Iran sẵn sàng bồi thường vụ bắn rơi máy bay Ukraine Đại sứ quán Iran tại Ukraine ngày 5/6 cho biết nước này sẵn sàng bồi thường 150.000 USD cho mỗi nạn nhân thiệt mạng trong vụ máy bay chở khách của Ukraine bị bắn rơi gần Tehran. Hiện trường vụ rơi máy bay của hãng hàng không quốc tế Ukraine gần sân bay Imam Khomeini ở Tehran, Iran, ngày 8/1/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN...