Khao khát ái dục đến mờ mắt của nàng thơ đa tình trong “Loài Chim Vô Danh”
Ảm đạm, day dứt và vương đầy nỗi bi thương là Birds Without Names ( Loài Chim Vô Danh), một bộ phim đậm tính nghệ thuật, ghi dấu diễn xuất đầy quyến rũ, mê hoặc và táo bạo của ngọc nữ Nhật Bản – Aoi Yuu.
Tác phẩm điện ảnh năm 2017 của đạo diễn Kazuya Shiraishi Bird Without Names (Loài Chim Vô Danh) được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của tác giả Mahokaru Numata. Đây là một câu chuyện rất “đời” dành cho những kẻ trưởng thành cô đơn, những ai đang khao khát tìm kiếm, chinh phục và hiểu rõ về định nghĩa thực sự của ái tình.
Loài Chim Vô Danh kể về cuộc sống của người phụ nữ Towako Kitahara (Aoi Yuu), cô nhân tình trẻ của gã đàn ông trung niên xấu xí, nghèo khó Jinji ( Sadao Abe). Hàng ngày, cô ngán ngẩm và buồn chán sống cùng với Jinji nơi căn phòng nhỏ lộn xộn và bẩn thỉu trong khi tâm trí thì luôn nghĩ về hình bóng người yêu cũ Kurosaki ( Yutaka Takenouchi).
Một ngày nọ, người bán đồng hồ Mizushima ( Tori Matsuzaka) xuất hiện với dáng dấp và tính cách giống với người tình cũ. Kể từ đó, Towako bằng đam mê yêu đương cháy bỏng đã khờ dại lao vào mối tình vụng trộm với kẻ đã có gia đình Mizushima để rồi trở thành kẻ si tình ngu muội.
Towako vì những khát khao về nhục dục, danh vọng và hạnh phúc đã bước đi sai lầm; cô giống như một con thiêu thân bay vào biển lửa của tình ái, ngây thơ và ngu ngốc để rồi nhận lấy kết quả đau thương, bi phẫn. Cuộc đời của Towako rất thực, thực đến đau lòng, như thể phơi bày tất cả những tâm tư, tình cảm của một người phụ nữ đang khát cầu tình yêu, sự chung thủy, yêu thương, quan tâm chăm sóc với một chút chân tình xuất phát từ người đàn ông.
Tình yêu, tình dục và đam mê thể xác cùng sự xa hoa, bóng bẩy của vật chất đã che mờ đôi mắt của kẻ đa tình. Cái kết của phim chính là một bài học, một cú đâm chí mạng cứa sâu vào trái tim đam mê tội lỗi của Towako. Nữ chính giật mình nhận ra thứ quý giá nhất, tình yêu chân thành nhất mà mình kiếm tìm đang mờ dần, nhạt nhòa dần để rồi biến mất trong đau thương và nước mắt.
Một câu chuyện rất nhân văn và ý nghĩa dành tặng cho những ai đã và đang trải qua tình yêu. Yêu trong phim rất thực tế, không lãng mạn, trữ tình hay bay bổng với những tình tiết hường phấn mộng mơ. Yêu trong Loài Chim Vô Danh là đòi hỏi, mưu cầu, là lấp đầy sự trống rỗng cô đơn đến cùng cực của một kiếp người khi mất đi hết những hy vọng và ước mơ.
Tác phẩm này quả thực khiến khán giả bị sốc bởi sự tàn nhẫn và thực dụng khi triển khai chữ “tình” trong lối sống hiện đại của người Nhật. Một thế hệ những con người cô đơn, bơ vơ đi kiếm tìm những nhu cầu về yêu thương, chạy theo ảo vọng của hạnh phúc, của đam mê nhất thời mà bỏ quên đi những bình dị, chân chật nhất. Kurosaki là ảo tưởng, ký ức đẹp đẽ; Mizushima là cám dỗ sai lầm của thực tại còn Jinji chính là hiện thực đời thường, mộc mạc đầy sự chân phương. Ba người đàn ông đó là những cung bậc đầy thăng trầm trong cuộc đời của Towako, giúp cô biết yêu, biết đau khổ và biết nhận ra đâu là hạnh phúc đích thực mà cô hằng mong mỏi.
Không gian phim bị bao trùm bởi tông màu tối, trầm lạnh nhằm gợi tả sự ám ảnh, kinh dị đầy kịch tính, gay cấn. Điểm thêm vào đó là chút chất trinh thám hình sự xung quanh việc điều tra về sự mất tích bí ẩn của người tình cũ Kurosaki. Nhịp phim chầm chậm, day dứt với những cảnh quay góc hẹp nhằm tạo sự tù túng, ngột ngạt trong mạch cảm xúc và tâm lý của từng nhân vật.
Phim thiên về phân tích tâm lý nhân vật nên đòi hỏi cao về khả năng diễn xuất. Mỗi nhân vật đều có tính cách, hoàn cảnh và ngoại hình riêng. Ai cũng mang trong mình những tâm tư, nỗi niềm đầy trăn trở. Ai cũng đáng thương hơn là đáng trách hay bị chỉ trích. Và những ngôi sao xứ hoa anh đào như Aoi Yuu, Sadao Abe, Yutaka Takenouchi và Tori Matsuzaka đều đã khiến mỗi nhân vật của họ tỏa sáng bằng khả năng hóa thân xuất thần, rất chuyên nghiệp với lối diễn tự nhiên, chân thật mà giàu cảm xúc.
Nàng thơ xứ Phù Tang Aoi Yuu lần nữa chinh phục người xem bằng lối diễn nữ tính, dịu dàng đầy ma mị khi lột tả hoàn hảo vẻ đẹp của một người phụ nữ trưởng thành, toan tính và đa tình, vì yêu mà bất chấp tất cả. Niềm vui và nỗi buồn của Towako đều được thể hiện trọn vẹn trong đôi mắt trong veo và gương mặt thánh thiện, ngây thơ nhưng vương vấn những ai oán tình trường qua diễn xuất đỉnh cao của Aoi Yuu.
Loài Chim Vô Danh là một tác phẩm rất kén người xem, một bộ phim chỉ dành cho kẻ trưởng thành, những người từng trải qua dăm ba mối tình đậm sâu hay dang dở. Khi thưởng thức “ly cà phê” điện ảnh đắng ngắt này, họ sẽ được đồng cảm, được san sẻ và gào khóc trong tuyệt vọng vì những chuyện tình đã qua.
Trailer “Loài Chim Vô Danh”
Loài Chim Vô Danh là bài học đắt giá cho tình yêu. Con người tựa như một loài chim vô danh cứ rong ruổi mãi, kiếm tìm tổ ấm đích thực mà không thể dừng chân đáp xuống điểm tựa của những yêu thương chân thành mà giản dị. Rốt cuộc, tình yêu đích thực sẽ chiến thắng những cám dỗ của vẻ ngoài giả tạo và chữa lành những vết thương trong tim của mỗi người.
Theo Trí Thức Trẻ
"Yurigokoro" Câu chuyện ám ảnh về cô gái Nhật phải giết người để tìm kiếm sự thanh thản
Ám ảnh, tội lỗi và khắc khoải những đam mê yêu thương cháy bỏng, đó chính là "chân dung" của "Yurigokoro", tác phẩm tâm lý đậm tính nhân văn của đạo diễn Naoto Kumazawa.
Ngay từ khi ra mắt, Yurigokoro - tác phẩm điện ảnh chuyển từ tiểu thuyết cùng tên của tác giả Mahokaru Numata - đã "gây choáng" với những yếu kinh dị đến từ tâm lý con người, từ trái tim của một người con gái.
Câu chuyện bắt đầu với cuộc sống của Ryosuke (Tori Matsuzaka), người con trai duy nhất của gia đình đơn thân gồm hai cha con. Anh có vị hôn thê xinh đẹp là Chie (Nana Seino) cùng một nhà hàng nhỏ làm ăn rất phát đạt. Nhưng cuộc sống vốn không thể cứ phẳng lặng và yên bình mãi, những "cơn sóng ngầm" chợt nổi lên khi Chie mất tích và người cha của Ryosuke mắc bệnh nan y.
Giữa lúc tuyệt vọng đó, anh tình cờ tìm thấy một cuốn sổ cũ với câu chuyện kể về một cuộc đời lạ lùng và ghê rợn. Đó là cuốn nhật ký của một kẻ sát nhân. Người viết những dòng tâm sự đầy tính sát khí này thực sự là ai? Sự thật gì khiến Ryosuke bàng hoàng và rơi vào một bi kịch đau thương của số phận?
Yurigokoro miêu tả sự hoen ố trong tâm hồn của con người, mà cụ thể ở đây chính là Misako (Yuriko Yoshitaka), nhân vật chính trong quyển nhật ký, người bị số mệnh định sẵn phải giết người để tìm được sự thanh thản. Cuộc sống trong phim là những lời tự sự của những kẻ bị trầm cảm, lạc lối và tự tách mình giữa xã hội hiện đại. Họ sống trong thế giới linh hồn của chính mình và tự làm đau bản thân để có thể cảm nhận được sự tồn tại khi sự sống đang chảy tràn trong cơ thể. Họ không tin tưởng, họ sợ hãi thậm chí là giết chính đồng loại để biết đến cảm giác bình yên trong tâm hồn.
Đó là một thực tế đau lòng, nhưng xã hội trong tác phẩm chính là vậy - "người giết người" để sinh tồn tựa như một quy luật tất yếu của cuộc sống. Những cái chết trong phim chỉ là bề nổi của một "tảng băng chìm" để phê phán, phản ánh trực diện thực trạng của cuộc sống hiện đại. Khi sự hờ hững, vô tâm ngày càng phát triển theo thời đại công nghệ số, con người dần xa lánh con người và tự giết chết chính mình trong sự khao khát được quan tâm, được yêu thương.
Một bộ phim hay đủ để những ai theo dõi sẽ phải "rợn người" và ám ảnh với câu chuyện khác thường, kỳ bí nhưng thấm đẫm những triết lý nhân sinh sâu sắc. Mạch phim bắt đầu phát triển lên tình tiết cao trào với câu nói: "Để có cảm giác an toàn cho tâm hồn, con người cần một cái gì đó làm si tâm", sự "si tâm" ở đây chính là cái chết và nỗi đau. Những yếu tố này cứ bám trụ, dai dẳng suốt chiều dài của tác phẩm. Nhưng "ánh nắng sẽ xua tan mây mù", tình yêu, sự khoan dung xuất phát từ sự đồng cảm, thấu hiểu sẽ cứu rỗi lấy những linh hồn lạc lõng trong bóng tối, soi sáng và đưa họ đến bến bờ của sự thanh thản, an nhiên trong tâm hồn.
Giữa một kịch bản đan xen hiện tại và quá khứ, giằng xé trong những đau đớn như vậy, bộ phim vẫn "cháy" lên những "ngọn đuốc" của yêu thương và tha thứ. Liều thuốc chữa lành tâm hồn chính là tình yêu. Một tình yêu chân thật, không toan tính, vụ lợi, chỉ đơn giản là sự cảm thông, chia sẻ và thấu hiểu trong sự đồng điệu về tâm hồn. Tình yêu của Yosuke (Kenichi Matsuyama) dành cho Misako là như vậy, cho dù cô là một ác quỷ thì Yosuke vẫn tha thứ, che chở và chờ đợi người con gái của mình. Đó chính là sự nhân văn của tình yêu.
Cảnh sắc trong phim đã làm nổi bật "hình ảnh tâm lý" của mỗi nhân vật. Ở thời hiện tại là khung hình sáng với ánh nắng, những tia sáng soi rõ khuôn mặt, góc độ biểu cảm của con người hài hòa trong một thiên nhiên trong lành nhưng khắc khoải bi thương, trống rỗng đến lạ lùng. Ngược lại, quá khứ với những hồi ức của kẻ sát nhân lại là màu tối, đặc quánh trong sự mơ hồ của tội ác và tâm lý bất ổn của nữ chính Misako. Hai màu sắc điện ảnh đậm chất nghệ thuật đó dường như hài hòa và "loãng" dần rồi bừng sáng lên khi câu chuyện được "gỡ rối" trong một phần kết xúc động và đẫm nước mắt.
Mỗi diễn viên đều như hòa làm một với nhân vật của riêng mình. Yuriko Yoshitaka đã dùng đôi mắt trong vắt, ẩn khuất những nỗi buồn của mình để diễn tả một Misako trầm mặc, nguy hiểm. Một kẻ sát nhân xem giết người như một sở thích điên rồ nhưng cũng là một Misako hiền hòa, day dứt trong tội lỗi khi nếm trải mùi vị đích thực của ái tình. Đây là vai chính tiếp theo của Yoshitaka sau 5 năm kể từ Bokura ga Ita đóng cặp cùng Ikuta Toma. Vẫn là vẻ đẹp mong manh, thuần khiết đó nhưng với Misako, nét trưởng thành nữ tính đầy "sát khí" trong diễn xuất của Yoshitaka đã được bộc lộ.
Nổi bật trong tuyến vai nam là một Yosuke ấm áp, dịu dàng nhưng đầy u ám trong nỗi giày vò tinh thần về tội lỗi quá khứ. Nhân vật này hiện lên rất chân thật qua sự hóa thân của Kenichi Matsuyama. Chàng L trong Death Note bản điện ảnh năm nào nay đã trở thành một người tình vị tha, cao thượng, sẵn sàng tha thứ và che chở cho cô gái mình thương yêu.
Bên cạnh Yosuke còn có Ryosuke do Tori Matsuzaka thủ diễn. Matsuzaka là nam diễn viên 8X có gương mặt điển trai, lãng tử được biết đến qua dòng phim Tokusatsu. Với vai diễn Ryosuke, anh đã khắc họa được sự đau khổ, bi lụy cùng diễn biến thay đổi tâm lý phức tạp của nhân vật khi phát hiện ra được bí mật kinh khủng về cuộc đời của mình.
Mặc dù điểm sáng là phần nội dung kịch tích, diễn xuất tự nhiên và khung cảnh đậm chất nghệ thuật nhưng Yurigokoro vẫn thiếu chút "tinh tế" để trở thành một tuyệt tác. Phim chưa khai thác triệt để thông điệp ám ảnh trong tác phẩm gốc, độ ghê rợn trong hành vi và tâm lý của nhân vật vẫn chưa thực sự ấn tượng, sự phát triển các tình tiết trong phim chưa đủ để khán giả cảm thấy ớn lạnh hay giật mình sợ hãi. Nếu xét về yếu tố tâm lý, kinh dị đậm chất điện ảnh Nhật thì phim chỉ dừng ở mức "an toàn".
Con người là một sinh vật rất khó hiểu, luôn ẩn chứa những bí mật trong sâu thẳm tâm hồn, tự bảo vệ và huyễn hoặc bản thân với những chấp niệm mà mình cho là đúng đắn dù có phải chịu đựng trong đau đớn và cô đơn. Nhưng tình yêu lại là một thứ "thần dược" diệu kỳ ngự trị trong xã hội loài người để xoa dịu nỗi đau và giúp con người có niềm tin, hy vọng để cảm nhận được hạnh phúc. Một con người dù xấu xa, dơ bẩn đến đâu cũng có quyền yêu và được yêu.
Theo Trí Thức Trẻ
Nhật Bản cử phim mới thắng Cannes dự tranh Oscar 2019 "Shoplifters" sẽ đại diện cho điện ảnh xứ sở hoa anh đào để dự tranh hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc tại Oscar năm sau. Báo chí Nhật Bản đồng loạt đưa tin Shoplifters của đạo diễn Hirokazu Kore-eda là tác phẩm được nước này gửi đi dự tranh hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc tại Oscar...