Khánh thành chùa Ba Vàng trên núi Thành Đẳng
Ngày 9-3, ngôi chùa có tòa chính điện lớn nhất Việt Nam – chùa Ba Vàng, phường Quang Trung, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh sẽ chính thức khánh thành.
Chùa Ba Vàng còn có tên chữ là Bảo Quang tự tọa lạc tại núi Thành Đẳng, bắt nguồn từ dãy Yên Tử, chùa là sơn môn thuộc Trúc Lâm Yên Tử. Từ thế kỷ thứ 13 đến thế kỷ 21, qua 800 năm, chùa Ba Vàng đã qua 1 lần khai sơn lập tự và 4 lần trùng tu. Tuy nhiên do những biến thiên của lịch sử, những kiến trúc cũ đã không còn hiện hữu.
Năm 1987, một người dân địa phương tình cờ phát hiện ra dấu vết phế tích kiến trúc. Liền sau đó các nhà khảo cổ đã tiến hành thám sát và phát hiện nhiều hiện vật như cây hương đá, cùng nhiều vật liệu kiến trúc cao cấp đặc trưng thời Trần… Năm 1988, UBND thị xã Uông Bí đã trùng tu lại ngôi chùa trên nền cũ. Đến năm 1993, ngôi chùa tiếp tục bị xuống cấp nặng nề, thêm một lần nữa ngôi chùa được tu sửa.
Do chưa có sư trụ trì nên Bảo Quang tự chỉ dừng lại: đường lên chùa là lối mòn rậm rạp, điện thắp sáng và nước sinh hoạt đều không có. Tới năm 2007, Đại đức Thích Trúc Thái Minh – nguyên là Trưởng ban Tri khách Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử đã về trụ trì chùa Ba Vàng. Đại đức cùng các đệ tử, du khách thập phương đóng góp công sức tiến hành trùng tu ngôi chùa lần thứ tư với quy mô hiện đại và được công nhận kỷ lục là ngôi chùa có tòa chính điện lớn nhất Việt Nam.
Theo ANTD
Video đang HOT
Non thiêng Yên Tử phía sườn Tây
Nói đến Yên Tử nhiều người nghĩ ngay đến Yên Tử nơi có chùa Hoa Yên nằm lưng chừng núi, nơi có chùa Đồng bốn phía mù sương. Nhưng mấy năm trở lại đây, dân du lịch còn biết đến một Yên Tử khác ở sườn phía Tây (Tây Yên Tử), nơi tu thiền thực sự của Phật Hoàng Trần Nhân Tông - đệ nhất Tổ Thiền phái Trúc Lâm. Leo lên Tây Yên Tử thăm chùa Hồ Thiên và chùa Ngọa Vân, từ sườn núi này sang sườn núi khác giữa cơ man rừng trúc thông đàn để cảm nhận về Phật pháp dòng tu Thiền phái Trúc Lâm đã tồn tại và phát triển bảy trăm năm lẻ.
Trước chùa cổ Ngọa Vân, non thiêng Tây Yên Tử
Phế tích Trù Phong Tự
Lần đầu tiên đến Tây Yên Tử, tôi chọn đường đi đò qua hồ Bình Khê nên leo núi xa hơn tới gần 10km. Từ năm 2013, đường lên Tây Yên Tử có thêm nhiều lối vào, từ phía thôn Linh Tràng theo con đường rừng vừa hai bánh ô tô chạy suốt hơn 10km tới tận chân núi. Từ đây không thể đi xe máy tiếp được nữa nhưng cuốc bộ leo núi cũng chỉ hơn một tiềng đồng hồ là tới chùa Hồ Thiên với Tháp đá 7 tầng cổ kính. Với trang phục gọn nhẹ của người đi rừng, nhặt cây trúc ai chặt bỏ ven rừng làm bạn đồng hành, tôi một mình leo dốc. Đường lên chùa Hồ Thiên ban đầu đi giữa những tảng đá hộc lớn trong lòng suối, rồi đi giữa rừng trúc đang mùa măng nhú, dốc gần như dựng đứng, khi thấy những bậc đá kê như thang không rõ do lâu ngày hay ai đó đã đẽo thành là lúc gần đến chùa Hồ Thiên.
Gần đến chùa Hồ Thiên, đã nghe văng vẳng tiếng chó sủa khi phát hiện bước chân người lạ. Sau quãng đường leo núi mướt mồ hôi chợt thấy trên chùa có vài cụ già đã lên núi trước đó từ lúc nào, tay còn xách theo vài cây mẫu đơn khiến tôi thấy mình đúng là nam nhi bàn giấy, quanh năm ngồi máy tính điều hòa, lười vận động. Tôi cũng gặp 3 người bạn cùng tuổi 7X lên chùa trước đó vài tiếng đồng hồ, họ đã trở thành bạn đồng hành lên Am Rồng và có một đêm đàm đạo cùng nhau trên non thiêng.
Chùa Hồ Thiên có tên cũ là Trù Phong Tự, chính là nơi Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông (1258 - 1308) đã đăng đàn thuyết giáo cách đây bảy trăm năm lẻ. Khi đó, Phật Hoàng Trần Nhân Tông cũng đã cho xây dựng nhiều am, chùa trên dãy Yên Tử. Riêng Trù Phong Tự vẫn còn lưu dấu cho đến ngày nay với nền chùa với những bông sen đá tạc làm hòn kê, tháp đá 7 tầng sau một lần phục hồi, đặc biệt là tấm bia đá niên đại 1738 còn nguyên vẹn ghi lại về Trù Phong Tự và đợt trùng tu triều Lê Ý Tông. Khác với lần trước, lần này, sư thầy Thích Đạt Ma Trí Thông đồng ý cho 4 chúng tôi leo núi lên Am Rồng - nền chùa cổ xây dựng ở vị trí ấn đường của rồng.
Tháp đá 7 tầng trên chùa Hồ Thiên
Am Hàm Rồng - duyên may thiền định
Từ chùa Hồ Thiên lên Am Rồng đường đi thực sự khó khăn với vách đá dựng đứng cheo leo bên bờ vực. Đứng sát mép đá có thể phóng tầm mắt xuống tận hồ Bình Khê nhưng phải bám dây rừng uốn lượn như con trăn đất mà ngược dốc leo lên. Gần nửa tiếng đồng hồ leo núi, chợt một vách đá gồ ra tạo thành một hang nhỏ rất kỳ lạ. Nền hang là một tảng đá lớn đã được ai đó đắp đất cho phẳng như để làm chỗ ngồi thiền. Nguyễn Khang, một trong ba người bạn mà tôi may mắn được gặp tại chùa Hồ Thiên giải thích, đây là nơi có một người ngồi thiền vài năm qua. Một số dụng cụ sinh hoạt vẫn còn và dấu vết cuộc sống sinh hoạt còn vương lại như cây thiết mộc lan cao hơn hai mét mọc cửa hang, lác đác vài đám rau diếp cá mọc lẫn thài lài hoa trắng và cỏ lá nếp. Gọi là hang nhưng chỉ đủ cho một người chui vào ngồi trên phiến đá. Bốn kẻ chúng tôi luân phiên nhau vào ngồi nhắm mắt vận khí, cảm nhận linh khí non thiêng.
Từ vách đá lên đến Am Rồng đường còn dốc đứng và trơn trượt hơn nhiều, vẫn phải bám dây rừng, những cây trúc buông mà leo lên. Rồi một vùng bằng phẳng hiện ra với một lán dựng bằng cây rừng, che chắn bằng các tấm nilon. Phía trước là một giếng cạn rộng hơn hai mét, bờ giếng xếp bằng những phiến đá nhìn mắt thường cũng biết là những xà, kè của một công trình đá cổ nào đó. Ban thờ đơn sơ một ban hương với bức ảnh Phật bà, vài bó hương bị sương mây làm ẩm đốt mãi mới cháy. Những hòn kê chân cột to lớn đường kính tới gần 90cm, chạm rất đẹp những cánh hoa sen bay lần lượt từ am lán tới giếng bát quái như vị trí ngồi lần lượt vẫn thấy trong chùa. Tối ấy, có thêm mười bạn trẻ trên diễn đàn phượt cũng lên đến chùa Hồ Thiên khi leo núi từ hướng qua đò, rồi lạc đường hơn 10km trong rừng nên mất tới hơn năm tiếng đồng hồ leo núi. Giờ tụng kinh sám hối trên chùa Hồ Thiên trong tiếng chuông mõ vang lên bay tỏa ra rừng núi hòa với sương mây như quyện giữa âm thanh và màu sắc. Kết thúc giờ tụng kinh, bữa cơm tối với rau ngót rừng, rau mồng tơi rừng cùng đồ chay thanh cảnh mà ngon miệng đến lạ. Tối ấy, chúng tôi được lắng nghe sư thầy Thích Đạt Ma Trí Thông nói chuyện về cuộc sống tu hành, cuộc đời giống như chiếc áo, ban đầu rất sạch, mặc thì nó bẩn, bẩn thì phải làm sạch lại, đơn giản vậy thôi.
Đêm trên chùa Hồ Thiên, ấm trà Tân Cương sư thầy ban lộc pha bằng nước suối non thiêng khiến cho chúng tôi say trong câu chuyện đời, chuyện đạo, chuyện du lịch, quả là chưa có bao giờ. Nửa đêm, giấc ngủ sâu nhưng thi thoảng vẫn chập chờn nghe thấy tiếng mõ tụng kinh của sư thầy, thầy đã quen ngủ ít từ nhiều năm nay. Sáng hôm sau, trở dậy từ tinh sương, bỗng nhớ câu thơ của Hương Vân Đầu Đà (pháp hiệu của Phật Hoàng Trần Nhân Tông): "Ngủ dậy ngỏ song mây..." mà thấy lòng thư thái. Lang thang quanh chùa rồi lại chuẩn bị bữa sáng cùng vãi An, bữa sáng tùy duyên lại được lắng nghe kinh Bát Nhã. Ba người bạn còn ở lại chùa, riêng tôi khoác ba lô tạm biệt sư thầy rồi xuống núi sang chùa Ngọa Vân.
Xuống núi tới bãi gửi xe, gặp khách thập phương cả đoàn từ các vùng xung quanh lên núi, ai cũng ái ngại khi biết tôi sẽ đi bộ sang chùa Ngọa Vân. Quả thật, từ chùa Hồ Thiên sang Ngọa Vân là cả một hành trình trong rừng và rất dễ bị lạc đường, cho đến khi nhìn thấy mỏm đá trên đỉnh Bãi Đá Chồng mới có thể lấy đó làm đích ngắm và rẽ cây bước tới. Gần tới chùa Ngọa Vân là con đường trúc hai bên ken dày, dân quanh vùng đi lễ tranh thủ bẻ ít măng, chặt ít trúc non bó chổi quét sân. Nơi đây là thiên đường của giống chim dẻ cùi tốt mã dài đuôi, cứ một đoạn đường lại nhặt được một cọng lông đuôi loan phượng tím đủ làm một chiếc quạt Khổng Minh.
Sau gần 3 tiếng leo núi, chùa Ngọa Vân hiện ra còn nguyên hình dáng và con voi đá cổ quỳ trước Phật Hoàng Bảo Tháp giữ xá lỵ Hương Vân Đầu Đà. Chùa Ngọa Vân thuộc thôn Tây Sơn, xã Bình Khê, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, còn chùa Hồ Thiên thuộc thôn Linh Tràng. Ngọa Vân am những năm gần đây đông khách thập phương đến hơn, lối lên chùa từ hướng Trại Lốc đã có bậc thang. Sư thầy Thích Thanh Tiến vẫn lên hương tụng kinh hàng ngày và khách vẫn hỏi về câu chuyện sư nhặt từng mảnh vỡ ghép lại thành tấm bia nham nhở đặt cạnh chùa. Bảy trăm năm lẻ, qua bao biến cố vật đổi sao dời nhưng những năm cuối cùng thế kỷ 20 và những năm đầu tiên thế kỷ 21, các công trình Phật giáo trên Tây Yên Tử bị phá hoại kinh khủng nhất.
Tôi chỉ ở lại chùa Ngọa Vân một tiếng đồng hồ rồi, kịp ngồi thiền trên phiến đá trước chùa để cảm nhận ngũ hành xung quanh. Lại con đường xuống núi ngược trở lại vườn vải chân núi chùa Hồ Thiên. Gặp hai người đàn ông tay thuổng đang đào gì đó. Lại gần hỏi thăm mới biết họ đi tìm cây mai vàng Yên Tử về trồng đến Tết sang năm bán kiếm chút đỉnh. Đặc sắc trên non thiêng Yên Tử này chính là loài hoa mai vàng miền bắc, có cả hoa trà vàng nhưng đang dần cạn kiệt như thế đấy.
Theo ANTD
Đặt thiết bị đo nhiệt độ dọc đường hành hương ở Yên Tử Gần một tuần nay, Ban Quản lý khu di tích - danh thắng rừng Quốc gia Yên Tử đã cho lắp đặt thiết bị cảnh báo nhiệt độ trên đường lên chùa Đồng. Trao đổi với Thanh Niên Online sáng nay 15.2, ông Nguyễn Trung Hải, Trưởng ban quản lý Khu di tích - danh thắng và rừng Quốc gia Yên Tử (Uông...