Khánh thành bệnh xá đầu tiên ở đảo Song Tử Tây
Nơi đây có thể kết nối trực tiếp với bệnh viện ở đất liền để tiến hành mổ tại chỗ.
Sáng nay, tại xã đảo Song Tử Tây đã diễn ra lễ khánh thành bệnh xá do Tổng liên đoàn Lao động VN đầu tư xây dựng.
Bệnh xá 3 tầng khang trang, được khởi công tháng 5/2015, hoàn thành tháng 3/2016.
Một em bé chào đời ở Bệnh xá đảo Trường Sa lớn dưới sự chỉ đạo trực tiếp từ đất liền thông qua hệ thống truyền trực tiếp (Telemedicine) hồi cuối năm 2015. (Ảnh: Thanh Huyền)
Phát biểu tại buổi lễ, ông Đặng Ngọc Tùng, nguyên Chủ tịch Tổng liên đoàn cho hay bệnh xá là món quà đặc biệt của người dân lao động cả nước trao tặng quân dân đảo Song Tử Tây nói riêng và quần đảo Trường Sa nói chung, góp phần động viên quân và dân yên tâm bám biển, bám đảo, đánh bắt thủy hải sản và làm dịch vụ kinh tế biển.
Tổng giá trị xây dựng và trang thiết bị y tế cho bệnh xá trị giá 28 tỷ đồng. Bộ Y tế sẽ cung cấp toàn bộ trang thiết bị và thuốc men cho bệnh xá.
Nhân dịp này, Tổng liên đoàn cũng trao tặng bệnh xá máy siêu âm cùng các trang thiết bị khác trị giá hơn 1 tỷ đồng.
Video đang HOT
Các bác sĩ đã được trải qua khóa đào tạo về đa khoa.
Chuẩn Đô đốc Ngô Sỹ Quyết cho biết, bệnh xá Song Tử Tây với các trang bị hiện đại sẽ đáp ứng yêu cầu phẫu thuật tại chỗ.
“Khi cần phẫu thuật, bệnh xá có thể kết nối trực tiếp với bệnh viện 175 tiến hành mổ tại chỗ hoặc đưa bác sĩ trong đất liền ra đảo”.
Đảo Song Tử Tây là 1 trong 3 xã, thị trấn của huyện đảo Trường Sa. Bên cạnh các đơn vị quân đội còn có các hộ dân sinh sống, những công trình dân sự, văn hóa.
Đảo có âu tàu với sức chứa hàng trăm tàu cá công suất lớn, là địa chỉ an toàn cho ngư dân đánh bắt xa bờ.
Đảo cũng có trạm dịch vụ sửa chữa, cung cấp dầu diesel, nước ngọt cho tàu cá của ngư dân.
Diệu Thuý
Theo_VietNamNet
"Gia đình khí tượng" thay nhau ra Trường Sa
Gần 40 năm công tác trong ngành khí tượng, ông Võ Thống (trú xã Hoài Hảo, huyện Hoài Nhơn, Bình Định) thường xuyên ra đảo Trường Sa làm nghề "đo gió, đếm mưa". Điều thú vị là, khi ông về đất liền, những đứa con lại nối nghiệp cha ra đảo, lặng lẽ với công việc cha mình đã theo đuổi.
Hồi ức Trường Sa
Dáng người mảnh dẻ, nét cười đôn hậu, ông Võ Thống - Trạm trưởng Trạm khí tượng Hoài Nhơn, chào khách bằng giọng nói sang sảng, giòn giã. Ông Thống kể: "Công việc thường ngày của tôi là đo gió, mưa, nắng, mây, đo chấn động mặt đất để phục vụ công tác dự báo trước thời tiết hàng ngày. Dù trời nắng hay mưa vẫn chừng ấy công việc, bão lũ thì phải túc trực 24/24 giờ để thường xuyên cập nhật số liệu. Thâm niên gần 40 năm rồi. Năm 2007, tôi nhận công tác tại Trạm Khí tượng - Hải văn Trường Sa ở đảo Trường Sa Lớn. Năm 2008, tôi được chuyển sang làm Trạm trưởng Trạm Khí tượng trên đảo Song Tử Tây cho đến năm 2010 mới về lại đất liền".
Ông Võ Thống lặng lẽ với công việc "đo gió, đếm mưa". Ảnh: Dũ Tuấn
Theo lời kể của ông Thống, đó là mốc thời gian đẹp và đáng nhớ nhất trong cuộc đời ông. Trạm khí tượng tại đảo nơi ông công tác nằm cạnh Bia chủ quyền của đảo. Trạm chỉ có 3 người nhưng san sẻ và yêu thương nhau như anh em ruột. Ở đảo, không khí, gió... đều mang độ mặn cao nên công việc của ông gặp rất nhiều khó khăn. Máy móc dễ bị hư hỏng nên các cán bộ tại trạm phải kiêm luôn công việc bảo dưỡng thiết bị.
"Vào mùa mưa bão phải thực hiện công việc thường xuyên, khoảng 30 phút/lần. Nhiều đêm bão lớn, gió giật ầm ầm, bước ra ngoài có thể bị gió cuốn mất, nhưng chúng tôi vẫn phải ra vườn nắm số liệu để kịp thời báo cáo về đất liền. Khi đã ở Trường Sa rồi, chúng tôi càng nhận thức rõ hơn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc" - ông Thống cho hay.
Sau năm 2010, ông Thống về công tác tại Trạm khí tượng Hoài Nhơn (xã Hoài Đức, huyện Hoài Nhơn, Bình Định).
Cha, con thay nhau ra đảo
Sau những lần theo cha học lỏm nghề "đo gió, đếm mưa", khi trưởng thành những người con của ông Thống đều nối nghiệp cha. Điều thú vị là, khi ông Thống về đất liền thì những đứa con của ông lại thay nhau ra đảo để tiếp tục công việc của cha mình.
Ông Thống cho biết: "Cả 3 đứa con tôi đều chọn học ngành khí tượng tại trường Cao đẳng Tài nguyên - Môi trường TP.Hồ Chí Minh. Năm 2010, khi tôi từ đảo Song Tử Tây về đất liền thì con trai đầu là Võ Thanh Hải nhận công tác tại Trạm Khí tượng - Hải văn Trường Sa. Hơn một năm sau, vì mới cưới vợ, Hải xin về đất liền công tác 1 năm thì đứa em Võ Thành Tín lại ra đảo để thay cho anh trai. Tháng 4.2014, thằng Tín lại về đất liền, công tác tại Trạm Khí tượng Hoài Nhơn cho đến nay".
Nhìn những đứa con tâm đắc với nghề của cha đang theo và chúng làm việc say mê, lòng tôi lại chộn rộn niềm vui". Ông Võ Thống
Sau khi về đất liền và chào đón đứa con đầu lòng ra đời, anh Hải lại vội vã lên đường ra đảo nhận nhiệm vụ Trạm trưởng Trạm Khí tượng đảo Song Tử Tây. Ở nhà, vợ anh hạ sinh đứa con trai, nay đã hơn 1 tuổi nhưng vẫn chưa một lần được nhìn mặt cha.
Tiếp gót những người con trai trong gia đình, chị Võ Thu Hương (con gái ông Thống) hiện là cán bộ Đài Khí tượng Thủy văn Nam Trung Bộ và anh Đào Bá Cao (chồng chị Hương) cũng công tác tại Trạm Khí tượng - Hải văn Trường Sa.
Ông Thống chia sẻ: "Tôi còn có người em trai là Võ Thái Hoàng, đang công tác tại Đài Khí tượng Thủy văn Nam Trung Bộ. Ai cũng bận rộn với công việc nên Tết cũng ít được quây quần bên nhau, chỉ đơn giản gọi chúc nhau qua điện thoại, vậy nhưng ai cũng yêu nghề. Nhìn những đứa con tâm đắc với nghề của cha đang theo và chúng làm việc say mê, lòng tôi lại chộn rộn niềm vui"./.
Theo_Dân việt
Nữ công dân mới chào đời ở Trường Sa Sáng 27.8, bác sĩ Trần Tuấn Linh, Bệnh xá Trưởng Bệnh xá Đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) cho biết: hiện tại sức khỏe hai mẹ con sản phụ Trương Thi Thanh Xuân đã ổn định và tiếp tục được chăm sóc tại Bệnh xá. Y, bác sĩ bệnh xá đảo Song Tử Tây và mẹ con sản phụ - Ảnh...