Khánh Ly: Tôi đối với Trịnh Công Sơn mãi mãi ‘tương kính như tân’
Tranh cãi xoay quanh các tình tiết trong phim Em và Trịnh với các nhân vật ở đời thực thu hút sự quan tâm của công chúng. Chia sẻ với truyền thông chiều 24.6, danh ca Khánh Ly đã hé lộ cuộc gặp gỡ và mối quan hệ thực sự giữa bà với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Danh ca Khánh Ly tiết lộ về mối quan hệ với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. NVCC/ CHỤP MÀN HÌNH
Thời điểm gặp Trịnh Công Sơn, danh ca Khánh Ly cho biết bà đã yên bề gia thất với một chồng, hai con. Ông xã nữ ca sĩ là người gốc miền Trung, cùng gia đình di cư vào Đà Lạt sống một thời gian dài. Bước vào cuộc sống hôn nhân ở tuổi 16, “nữ hoàng chân đất” bộc bạch thời xuân sắc của mình chìm trong cái nghèo và sự thất bại.
Ngay từ thời niên thiếu, giọng ca Diễm xưa đã sớm phải lòng với âm nhạc nhưng chịu cảnh ngăn cấm, đòn roi bởi lề lối gia đình. Bà nghẹn ngào tâm sự: ” Ngày xưa, bố mẹ không cho tôi đi hát ngay từ lúc còn nhỏ. Các cụ ngày xưa thường nói đó là nghề “xướng ca vô loài”. Tôi còn nhớ mẹ tôi bảo rằng nhà này không thích có người làm ca sĩ. Tôi bị rất nhiều trận đòn vì hay hát. Nhưng tôi thích hát mà, tôi đâu có thể làm gì khác được”.
Danh ca Khánh Ly kể cơ duyên gặp nam nhạc sĩ họ Trịnh. NVCC
Đỉnh điểm, Khánh Ly tâm sự từng mặc cảm với chính cội nguồn của mình. “Mỗi một người sinh ra đều mang theo một số phận, tôi không làm khác hơn được. Tôi được đi học nhưng tôi không học được cái gì ở trường cả. Trong lúc các bạn tôi học thì tôi đọc thơ, thơ của Nguyễn Bính. Và tôi cũng nghe nhạc nữa. Tôi là một sự thất bại của mẹ tôi bởi vì bà ấy rất đẹp, rất giỏi. Trong khi tôi lại rất xấu, chẳng có tài năng gì, học hành cũng chẳng tới đâu“, nàng thơ của Trịnh Công Sơn nói.
Tuy nhiên, chính cuộc gặp gỡ với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã giúp cuộc đời bà từ kẻ vô danh thành “nữ hoàng chân đất”. Dù bị cấm cản nhưng nữ ca sĩ vẫn theo đuổi âm nhạc khi biểu diễn cho một số tụ điểm tại Sài Gòn. Đến năm 1962, bà chuyển đến Đà Lạt và kiếm sống bằng nghề hát tại một nhà hàng.
Danh ca Khánh Ly ‘đổi đời’ nhờ cuộc gặp gỡ tình cờ với nam nhạc sĩ họ Trịnh. CHỤP MÀN HÌNH
Giọng ca Hạ trắng kể: “Năm 1962 rất cơ cực vì tôi phải nuôi con, phải sống mà không có nghề nghiệp gì cả. Không có chữ, không có nghề. Lúc đó, có một bà chủ ở Đà Lạt xuống Sài Gòn tìm ca sĩ hát cho nhà hàng của bà ấy. Tôi mới theo lên Đà Lạt. Lúc đó, tôi nhớ lương của tôi là 12.500 đồng. Năm 1962, lương của một người lính chỉ có 2.500 đồng thôi. Với số tiền đó, tôi đủ để nuôi con. Mặc dù ở cùng với gia đình chồng, tôi cũng phải cần có tiền tiêu vặt và lo cho con tôi. Chính ở đây là nơi tôi gặp ông Trịnh Công Sơn”.
Tuy nhiên, cuộc gặp gỡ của họ chấm dứt đột ngột khi Khánh Ly từ chối lời mời vào Sài Gòn hát cùng ông Sơn. Bà gọi Đà Lạt là nơi dung dưỡng, cho bản thân “chốn dung thân” vì “tôi không có mơ ước gì ở Sài Gòn”. Hơn hết, lời “chiêu mộ” của nam nhạc sĩ không đi kèm bất kỳ hứa hẹn nào cho một tương lai đầy rẫy bất định phía trước.
Hình tượng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và nhân vật Khánh Ly trong phim Em và Trịnh. CHỤP MÀN HÌNH
Sau này, Khánh Ly cho biết cả hai chẳng giữ liên lạc, lo sống cuộc đời của riêng mình nhưng số phận đã thay họ làm điều đó. “Năm 1967, gia đình chúng tôi chia tay, tôi mới về lại Sài Gòn. Tình cờ, tôi gặp lại ông Trịnh Công Sơn. Ông ấy chỉ rủ tôi một câu thôi: “Mai, đi lên hát với anh!”. Tôi nghe thế thì tôi đi và tôi cũng không biết đi hát thì sẽ được cái gì. Thời ở Đà Lạt, dù tôi làm được tiền để nuôi con, nuôi mình nhưng vẫn nghèo. Đến khi về Sài Gòn, tôi gặp ông Sơn, tôi vẫn nghèo lắm. Mặc một bộ đồ đi mượn, không biết phấn son, đi một đôi giày cũng xơ xác. Tôi chỉ biết đi hát thôi. Tôi hoàn toàn không có gì cả”, bà nói.
Từ đây, Khánh Ly bắt đầu hát nhạc Trịnh nhiều hơn và dần trở thành hiện tượng trong làng tân nhạc Việt Nam ở cuối thập niên 1960. Được công chúng Sài Gòn ưu ái gọi là “nàng thơ”, và sau này vẫn vậy, nhưng giọng ca Mưa hồng cho biết bà với ông Sơn không hề có chuyện trai gái.
Danh ca Khánh Ly cho biết Trịnh Công Sơn là ân nhân của cuộc đời bà. NVCC
Nữ danh ca trải lòng: “Thời gặp tôi, ông Sơn cũng rất nghèo. Chúng tôi có những tháng ngày chia chung một đĩa cơm, một điếu thuốc. Nhưng anh em chúng tôi thật tình cho đến bây giờ. Chúng tôi tương kính như tân cho đến bây giờ. Ông Trịnh Công Sơn cũng như Đà Lạt, ông là người ơn của tôi, cho tôi một đời sống tốt đẹp”.
Đồng thời, danh ca Khánh Ly cũng thừa nhận nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là người thay đổi quan điểm lẫn cách sống của bà. Bà kể: “Ông ấy dạy tôi sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Tôi nghĩ khi mình nghèo, tấm lòng đó, mình không thể ăn được. Tấm lòng đó không cho mình được cái áo, đôi giày thì tại sao phải cần tấm lòng. Hồi còn nhỏ, tôi ngu lắm. Tôi nói như vậy làm ông Sơn cười. Và ông nói rằng em hãy cứ sống với một tấm lòng dù chẳng để làm gì cả, dù chỉ để gió cuốn đi”.
Video đang HOT
Danh ca Khánh Ly trải lòng về bài học đáng nhớ về Trịnh Công Sơn. NVCC
Nữ danh ca nói thêm: ” Thực tình, lúc đó tôi cũng chưa nghĩ nhiều. Nhưng về sau này, khi ra đời rồi, khi đụng chạm, khi trải qua nhiều gian truân, khổ ải… thì tôi mới nghiệm ra được một tấm lòng chỉ để gió cuốn đi. Cứ sống với tấm lòng như thế dẫu là gió cuốn đi. Và đó chính là điều tôi mang ơn ông Trịnh Công Sơn và Đà Lạt suốt đời”.
Mới đây, danh ca Khánh Ly bức xúc khi hình tượng nhân vật phỏng theo bà trong bộ phim lấy cảm hứng từ cuộc đời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn Em và Trịnh vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Đặc biệt, chi tiết Khánh Ly đút sữa chua cho ông Trịnh Công Sơn bị phản ánh dựng chuyện, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của bà. Giọng ca sinh năm 1945 bức xúc khi cho biết đến chồng, con còn chưa đút đừng nói ông Trịnh Công Sơn.
Chia sẻ thêm với Thanh Niên, đại diện truyền thông của nữ ca sĩ thẳng thắn: ” Nếu đặt vị trí là con của ca sĩ Khánh Ly, khi phim ra rạp, người con sẽ nghĩ gì về người mẹ của mình. Nhân vật Khánh Ly trong phim lúc gặp ông Sơn đã có chồng và hai con, sao có thể làm vậy được. Phụ nữ xưa không như vậy và cô Khánh Ly cũng không như vậy. Hình ảnh hư cấu đó xúc phạm cô. Không thể nói phim là có thể hư cấu khi bạn đang lấy tên người ta, thương hiệu của người ta mà. Trước mắt cô không thấy vui, cô phân tâm liệu mình có phải đi giải thích với từng người là tôi không có như vậy không. Mặc dù hiện tại cô không sống với chồng, nhưng quan hệ với họ hàng và 4 người con, danh dự của người ta không dễ chấp nhận được”.
Khánh Ly: "Các con tôi sẽ nghĩ gì khi xem phim thấy cảnh mẹ chủ động đi tìm ông Trịnh Công Sơn"
Danh ca Khánh Ly đã chia sẻ về chuyện đời, về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và phiên bản Khánh Ly trên màn ảnh rộng, bằng tầm nhìn của một người trong cuộc.
"Các em ngồi gần lại đây. Cô thích trò chuyện với các bạn trẻ", danh ca Khánh Ly bắt đầu buổi trò chuyện với chúng tôi bằng những câu nói gần gũi và thân tình như thế.
Ở tuổi 77, dáng đi của bà vẫn nhanh nhẹn, giọng nói vang, cách kể chuyện hóm hỉnh, cuốn hút. Trở lại gặp khán giả sau hai năm vắng bóng vì đại dịch Covid-19 bằng một tour xuyên Việt, Khánh Ly cho biết bà cảm thấy hạnh phúc.
Bà cũng thẳng thắn khi trao đổi với chúng tôi câu chuyện về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, phiên bản Khánh Ly trên màn ảnh rộng.
Thời điểm này, khán giả nhắc tới Khánh Ly không chỉ về show diễn cuối trong sự nghiệp mà có cả Khánh Ly trong phim về Trịnh Công Sơn đang công chiếu. Bà nhận xét gì về phiên bản Khánh Ly trên màn ảnh rộng?
Thật sự mà nói, tôi không biết nhiều về phim ảnh vì tôi ít có cơ hội đi xem. Mặc dù vậy, tôi vẫn có khả năng nhận biết phim nào hay, phim nào dở. Phim hay dở thế nào là tùy ý kiến người xem. Mọi người xem phim sẽ biết được phim hay, phim dở ở đâu và họ sẽ tìm hiểu lý do vì sao lại có những tình tiết như thế. Tôi có nhiều việc để làm, để nghĩ, không nhất thiết phải chú tâm đến những việc không liên quan đến mình.
Trong phim, Khánh Ly hiện lên là người thẳng tính, có những câu nói như: "Ông thó bài này của Văn Cao đấy à". Bên cạnh đó, phim có những khoảnh khắc Khánh Ly đút sữa chua cho ông Trịnh Công Sơn, ôm ông khi ông buồn. Bà và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có từng tình tứ như thế?
Tôi không xem phim, chỉ nghe bạn bè kể lại và các bạn hỏi về chuyện có một cuốn phim như thế, có những cảnh, lời thoại như vậy. Thật sự mà nói tôi không có ý kiến đâu vì không thể ý kiến được trước những sự việc xảy ra như vậy. Làm gì có chuyện tôi bằng vai phải lứa với ông Sơn đâu.
Tôi chỉ nghĩ một điều là vì sao người ta làm như thế trong khi tôi còn sống. Tôi chưa chết mà. Người ta có thể bán người chết được vì người chết không trả lời được nhưng mà tôi còn sống. Tôi không biết khi con tôi xem phim đó, chúng sẽ nghĩ thế nào về mình.
Và bạn bè của tôi, những người đã biết tôi 60 - 70 năm nay, họ hiểu rõ con người tôi thế nào, khán thính giả yêu thương tôi 60 năm qua, họ biết tôi ra sao. Bạn bè biết 60 năm qua, chưa bao giờ tôi lớn tiếng với bất cứ ai. Bạn bè, người thân của tôi sẽ nghĩ sao, đánh giá gì về những làm phim đó.
Đoàn phim có liên lạc với bà để có thêm tư liệu cũng như hình dung về nguyên mẫu cho nhân vật Khánh Ly?
Đại diện của đoàn phim đã liên lạc, có cho tôi xem kịch bản những phân đoạn Khánh Ly trong phim. Với những cảnh họ dự định thực hiện, tôi đã không đồng ý. Và tôi cũng nói nếu muốn sáng tạo, muốn giữ kịch bản thì phải đổi tên nhân vật. Nhưng cuối cùng, một số cảnh tôi không đồng ý vẫn đưa lên phim và tên Khánh Ly không hề thay đổi.
Vậy thật sự mối quan hệ ngoài đời của bà và ông Trịnh Công Sơn như thế nào?
Tôi là một người có tính đàn ông. Tôi không biết e lệ, thẹn thùng nhưng tính đàn ông của tôi cũng có giới hạn. Chuyện tôi tôn trọng, kính nể ông Trịnh Công Sơn như một người cha, ai cũng biết cả. Tôi luôn khẳng định là mình với ông Sơn hoàn toàn là anh em, bạn bè. Trong nhà, ngoài ngõ, trong gia đình, ngoài xã hội ai cũng biết điều đó nhưng họ vẫn cố tình gán ghép chúng tôi thành một đôi. Để làm gì, tôi không hiểu. Để cho họ thỏa mãn à?
Nếu được là người yêu của ông Sơn, tôi hãnh diện chứ. Dễ gì được làm người yêu của Trịnh Công Sơn. Tôi có gì đáng để cho ông ấy yêu đâu. Nếu điều đó là sự thật thì ông Sơn là người thiệt, và tôi là người có lợi. Nhưng mà tôi không thể tự nhận điều đó được. Tôi không thể tham lam, nhận những điều không phải của mình.
Và quan trọng là lúc đó tôi đã có gia đình. Các con tôi sẽ nghĩ gì khi xem phim có cảnh mẹ chủ động đi tìm ông Trịnh Công Sơn. Trong khi tôi với bố nó vẫn ở với nhau.
Thời điểm quen biết Trịnh Công Sơn là khi bà đã có chồng và hai con. Vậy có bao giờ bà đi B'lao, chủ động đi tìm ông Trịnh Công Sơn?
Không, tôi chẳng bao giờ đi tìm ông Trịnh Công Sơn cả. Điều đó có nhiều người biết. Tôi không tìm ông Sơn để xin nhạc hay cầu cạnh một điều gì cả. Không việc gì tôi phải đi tìm ông Trịnh Công Sơn bởi yêu thì không, nhạc ông đưa thì tôi hát.
Tôi kính trọng ông ấy là bởi ông là một người tài hoa, viết nhạc hay, một người có tư cách. Những người đã có chồng rồi, không bao giờ ông Sơn "vờn" cả, không bao giờ có chuyện đó.
Ở đời có nhiều việc để làm lắm, những trẻ em đi học vượt sông, vượt cầu bị chết đuối, người già lê la ăn xin ngoài đường. Hãy làm những phim như vậy đi để kêu gọi lòng từ tâm của mọi người, hãy đi xây cầu, xây dựng trường học, nhà tình thương cho người khó khăn, kém may mắn.
Sau những tranh cãi về hình ảnh nhân vật Khánh Ly, bà có thay đổi suy nghĩ và sẽ xem phim không?
Tôi đã hơn một lần trả lời rằng mình sẽ không đi xem vì bản thân đã có một ông Trịnh Công Sơn thật rồi.
Là người đã tiếp xúc lâu năm với nhạc sĩ, bà nhận thấy ông Sơn yêu thế nào?
Tôi nói thật, ông Sơn ông chẳng yêu ai đâu. Chắc chắn là như vậy. Ông ấy chỉ yêu tình yêu của ông ấy thôi. Đừng lầm là ông ấy yêu ai đó. Ông Sơn cũng không hề viết là tôi làm bài hát này cho ai, mà chỉ do những người yêu nhạc tự động thêm vào mà thôi. Điều đó giống như bài Nước mắt mùa thu, sau này ông Phạm Duy mất rồi, mới in ra và chú thích là viết cho Lệ Thu. Người ta tự đặt ra như vậy đấy.
Tình yêu của ông Trịnh Công Sơn không dành cho một người nào. Người duy nhất ông dành tình yêu trọn vẹn, thiêng liêng và đẹp đẽ là mẹ ông. Còn lại, ông ấy chỉ yêu cái đẹp, như vai em gầy, tóc em dài, môi em hồng. Mà thực tế, đâu có em nào cả đời đẹp được như vậy. Do đó, ai mà nghĩ ông Trịnh Công Sơn yêu mình là nghĩ sai đó.
Đừng đánh giá tình yêu qua những bức thư tình vì khi viết thành con chữ đó, đã phải qua nhiều cái máy lọc rồi.
Bà nói Trịnh Công Sơn là người rất yêu cái đẹp, đến với những người con gái vì họ đẹp chứ thực chất không yêu ai cả. Điều này có thể khiến khán giả cho rằng ông thuộc tuýp "bad boy"?
Tất cả nhạc sĩ, văn sĩ, thi sĩ cũng như mọi người đều yêu cái đẹp. Nhưng ông Trịnh Công Sơn cũng từng nói: "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng". Tôi từng hỏi ông ấy: "Cần tấm lòng để làm gì? Tấm lòng đâu có ăn được đâu, đâu có đổi để mua một cái áo đẹp được đâu?". Ông cười và nói: "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, dù không để làm gì cả, dù chỉ để gió cuốn đi và hãy sống với nhau bằng một sự tử tế".
Ông Trịnh Công Sơn đã nhắn nhủ với chúng ta rất nhiều trong âm nhạc của ông ấy.
Còn cái đẹp, ở đời ai cũng yêu cả. Những bông hoa đẹp hay người đẹp không có tội. Ai cũng có quyền yêu cả, đừng kết tội những người yêu cái đẹp. Còn với riêng ông Trịnh Công Sơn, ông có một ngàn, một vạn cái hơn như thế. Tôi cứ nghĩ mấy chục năm mọi người phải hiểu, phải biết sống trong đời sống cần có một tấm lòng, và Trịnh Công Sơn đã sống với tấm lòng đó.
Khánh Ly phiên bản điện ảnh được nhắc tới là một trong những nàng thơ của ông Trịnh. Vậy trong mối quan hệ với nhạc sĩ, từ "nàng thơ" có đúng với bà?
Một cây hoa đẹp cũng là nàng thơ của các nhạc sĩ. Các ông nhạc sĩ hay lắm, qua lăng kính của họ một cái cây, một bông hoa, con chim, cũng có thể trở thành một người đẹp. Có những người không có tình yêu thật, họ tự hình dung để viết nhạc. Chẳng hạn, với ông Phạm Duy, Văn Cao, Đoàn Chuẩn... mình đâu có biết người yêu của họ là ai. Nhưng mà các ông ấy viết về các mối tình rất đẹp, lãng mạn. Đó là những người nhạc sĩ tài hoa của nền âm nhạc Việt Nam.
Với nhiều người, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là một huyền thoại, vì sao bà lại khuyên không nên tạc tượng Trịnh Công Sơn?
Nghĩ về ông Sơn như thế nào là quyền của mọi người. Nếu bạn hỏi tôi, nhiều khi tôi nghĩ khác bạn. Ai cũng có quyền riêng tư và đánh giá của mình. Nếu bạn đã yêu nhạc của ông Sơn như thế, coi ông là huyền thoại thì cứ giữ như vậy đi, cứ vững tin vào những điều bạn đã cảm nhận được. Bạn sẽ không lầm đâu.
Vậy nếu phải dành cho ông Trịnh Công Sơn một danh xưng, bà sẽ dành danh xưng nào?
Vẫn là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thôi.
Cuộc sống hiện tại của bà ở Mỹ hiện thế nào?
Cuộc sống của tôi bình an. Bình an bởi vì mình cảm thấy bình an. Thật sự bình an trong cuộc sống mình phải tự tạo ra, không ai đem lại cho cả. Khi mình cảm thấy đủ, sẽ thấy bình an, hài lòng với những gì mình có, dẫu là ít. Đừng nhìn qua bên cạnh thấy nhà lớn mà nghĩ nhà mình nhỏ. Dẫu cái nhà mình nhỏ đó, nhưng là nơi để mình về. Đó là nơi duy nhất để mình mong ước trở về mỗi khi đi xa.
Đời sống này phức tạp và mình tự tạo cho bản thân sự bình ổn trong tâm hồn. Giàu chưa chắc là hạnh phúc, mà nghèo chưa chắc đã không vui. Hạnh phúc vẫn có thể đến với những mối tình, tình yêu nghèo nhưng cảm thấy vui vì chúng ta có nhau trong đời.
Hơn 8 năm qua, Quang Thành đã giúp tôi quay trở lại với chương trình thiện nguyện Vòng tay nhân ái. Tôi mong có cơ hội đi được nhiều hơn, đến được với nhiều người bất hạnh, để có niềm tin mình còn có thể đóng góp một chút nhỏ nhoi cho quê hương. Đó là niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi trong chặng đường cuối này
Quay trở lại với show diễn xuyên Việt vào dịp này, bà đã chuẩn bị thế nào để đảm bảo đủ sức hát hơn 20 bài mỗi đêm?
Công việc của một người ca sĩ trước những show diễn là chuẩn bị thật tốt cho sức khỏe của mình và lựa chọn những tình khúc nào được mọi người yêu thích nhất để phục vụ khán giả.
Lo lắng trước mỗi show diễn là điều không thể tránh khỏi. Tôi cố gắng có một ngày hoặc một đêm nghỉ ngơi, có giấc ngủ thật tốt. Bên cạnh đó, tôi chỉ cố gắng hoạt động một chút, tập thể dục được thì càng tốt, còn không thì mình nói chuyện, hát, để thanh quản nở ra, cổ họng sẽ thích ứng được.
"Như một lời chia tay" có thể là show diễn cuối của bà. Đã hơn 60 năm đứng trên sân khấu, bà có hình dung được ngày mình rời xa ánh hào quang thì cuộc sống sẽ ra sao?
Thật ra tôi không nghĩ đây là lần cuối đâu nhưng lần cuối có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Show diễn này như một lời chia tay, chứ không phải là lời chia tay.
Trong mùa dịch Covid-19 vừa qua, nhiều người ra đi mà chúng ta không còn cơ hội để nói lời chia tay. Họ đã ra đi trong lặng lẽ, rất đáng thương, không được gặp chồng con, không được nhắn nhủ một câu nào. Vì vậy, tôi nghĩ chi bằng mình gặp nhau bây giờ, đừng để ngày mai, đừng để lúc không còn cơ hội nào nữa. Nếu sau này, mình không còn cơ hội chào nữa thì trong lòng cũng không tiếc, không buồn.
Trải qua mùa Covid-19, tôi cảm thấy có một vài thay đổi nhỏ thôi, trong đời sống. Hình như người ta quan tâm nhau hơn một tí. Vì vậy, nếu có yêu tôi thì yêu bây giờ, đừng đợi tôi chết rồi mới ra mộ khóc lóc. Lúc đó, khóc để làm gì, nói yêu thương để làm gì? Do đó, cho tôi xin một lời chào từ ngày hôm nay. Nếu ngày mai, may mắn gặp lại tôi xin chào khán giả một lần nữa. Sau này, nếu không gặp thì cũng coi như tôi đã chào rồi.
Cảm ơn danh ca Khánh Ly vì cuộc trò chuyện này!
Danh ca Khánh Ly 'vén màn' con người thật của Trịnh Công Sơn, tiết lộ chuyện từng ngủ chung với nhau Chia sẻ của ca sĩ Khánh Ly về Trịnh Công Sơn khiến công chúng không thể không chú ý. Lý do đơn giản bởi nữ danh ca là người hiếm hoi hiểu và từng đồng hành với cố nhạc sĩ. Trong buổi trà đàm trước thềm liveshow concert tour Việt Nam với tên gọi Khánh Ly - 60 năm hát tình ca, nữ...