Khánh Hòa: Thiết bị làm lạnh nước biển nuôi tôm hùm trên cạn
Một nhóm giảng viên bộ môn Kỹ thuật nhiệt lạnh, Khoa Cơ khí, Trường Đại học Nha Trang đã nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thành công thiết bị làm lạnh nước biển điều hòa nhiệt độ cho bể nuôi tôm hùm thương phẩm (gọi tắt là thiết bị làm lạnh).
Kết quả thử nghiệm cho thấy, thiết bị hoạt động ổn định, duy trì nhiệt độ nước trong bể nuôi từ 27C đến 28C, đáp ứng nhu cầu công nghệ nuôi tôm hùm thương phẩm trên cạn.
Thiết kế thiết bị làm lạnh nước biển
Theo Thạc sĩ Lê Như Chính, những năm gần đây, do biến đổi khí hậu, bão lụt khiến nghề nuôi tôm hùm trên biển gặp nhiều khó khăn, tôm dễ lây dịch bệnh, ô nhiễm môi trường nước. Ở Việt Nam đã có một số người thử nghiệm nuôi tôm hùm thương phẩm trên cạn và cho thấy nhiệt độ thích hợp để tôm sinh trưởng tốt khoảng 27C đến 28C.
Thiết bị làm lạnh nước biển trong các bể nuôi tôm hùm.
Trong khi đó, vào mùa hè, nhiệt độ trong bể nuôi ban ngày có khi lên tới 32C đến 34C, dễ làm cho tôm bị chết. Để khắc phục nhiệt độ cao, người nuôi thường thả nước đá cây có bọc túi ni lông xuống bể để làm lạnh nước biển.
Tuy nhiên, cách làm này dễ làm cho tôm bị nhiễm bệnh, khó điều chỉnh được nhiệt độ nước biển trong bể và chi phí khá cao. Cùng lúc đó, Tiến sĩ Mai Duy Minh (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3) tiến hành thực hiện đề tài cấp bộ “Nghiên cứu công nghệ nuôi thâm canh tôm hùm thương phẩm (tôm hùm bông Panulirus ornatus) bằng thức ăn công nghiệp trong hệ thống tuần hoàn.
Sau khi trao đổi với Tiến sĩ Minh, nhóm tiến hành nghiên cứu và đưa ra nhiều phương án để lựa chọn nhằm tìm ra ưu và nhược điểm của thiết bị. Phương án được nhóm lựa chọn để tính toán, thiết kế và chế tạo là dàn lạnh dạng ống xoắn với ưu điểm vệ sinh dễ dàng, dễ chế tạo, sự chênh lệch nhiệt độ nước vào và ra không lớn nên không làm ảnh hưởng đến sinh trưởng của tôm.
Video đang HOT
Sau hơn 1 tháng nghiên cứu, bước đầu, nhóm đã thiết kế, chế tạo thành công thiết bị làm lạnh. Theo đó, thiết bị hoạt động hoàn toàn tự động, tự điều chỉnh nhiệt độ nước trong bể ổn định thích hợp để tôm sinh trưởng tốt từ 27C đến 28C.
Kết quả khả quan
Sau khi hoàn thành, thiết bị đã được đưa vào thử nghiệm tại khu vực nuôi tôm hùm của Trung tâm Quốc gia giống hải sản miền Trung ở dốc Đá Trắng (thôn Xuân Đông, xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh), Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3.
Tiến sĩ Minh cho biết: “Thiết bị hoạt động ổn định. Hàng năm, các thành viên trong nhóm định kỳ bảo trì. Thiết bị chạy trên nguồn điện 3 pha, điều chỉnh nhiệt độ làm mát nước dưới 30oC, làm ấm nước trên 25oC, đáp ứng nhu cầu công nghệ nuôi tôm hùm thương phẩm trên cạn. Đặc biệt, dàn lạnh chịu nước mặn rất tốt, ít gây ồn”.
Nói về quá trình nghiên cứu, Thạc sĩ Chính cho biết, khó khăn lớn nhất là dàn lạnh như thế này trên thị trường hoàn toàn chưa có bán (hoặc không đáp ứng được yêu cầu công nghệ), nhóm phải tự tính toán, thiết kế, chế tạo ra một dàn lạnh mới. Nhóm phải tính toán đưa vật liệu ống thép Inox 316L vào để vừa không bị nước biển ăn mòn, vừa hiệu quả làm lạnh nhanh nhưng không ảnh hưởng đến sự phát triển, sinh trưởng của tôm.
Ngoài ra, để đánh giá hiệu quả chi phí của thiết bị, nhóm đã sử dụng các thông số để so sánh với việc sử dụng nước đá cây làm lạnh. Theo tính toán của nhóm, chi phí làm lạnh và duy trì cho 1m3 nước biển/ngày hơn 580 đồng (thiết bị làm lạnh), còn bằng đá hơn 2.500 đồng.
Điều đó cho thấy, dùng thiết bị để điều hòa nhiệt độ nước biển cho bể nuôi tôm hùm thương phẩm trên cạn không những duy trì nhiệt độ nước biển trong bể ổn định, điều kiện vệ sinh tốt cho môi trường thích hợp để tôm sinh trưởng mà chi phí ít hơn gần 5 lần so với dùng nước đá cây.
Ngoài Trung tâm Quốc gia giống hải sản miền Trung, hiện nay, thiết bị được Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc tại Phú Yên ứng dụng nuôi tôm hùm trên cạn, với kinh phí đầu tư hệ thống 450 triệu đồng. Sau gần 6 tháng lắp đặt, bước đầu thiết bị hoạt động ổn định, tôm sinh trưởng bình thường.
“Có thể nói, đây là một sản phẩm có tính ứng dụng thực tế cao, mở ra một hướng đi mới cho nghề nuôi tôm hùm trên cạn. Mục tiêu của nhóm sắp tới là tiếp tục nhân rộng sản phẩm; đồng thời nghiên cứu nâng cấp để thiết bị có tính tự động hóa cao hơn. Ngoài ra, nghiên cứu thêm một số chất liệu làm dàn lạnh khác, phù hợp hơn với môi trường nước biển mà giá thành rẻ hơn, nhằm giảm chi phí đầu tư cho người nuôi…”, Thạc sĩ Chính nói.
Theo Khánh Hà (Báo Khánh Hòa)
Giải cứu tôm hùm: Dân Phú Yên nuôi tiếp, cho ăn ít đi, nuôi thêm hàu
Thời gian gần đây, việc xuất khẩu tôm hùm sang thị trường Trung Quốc bị ngưng trệ bởi ảnh hưởng của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra, làm cho một số ngư dân nuôi tôm hùm trên địa bàn tỉnh Phú Yên gặp khó khăn. Tuy nhiên, người nuôi vẫn tiếp tục chăm sóc đàn tôm, chờ thời điểm thích hợp sẽ xuất bán.
Tôm hùm khó tiêu thụ
Việc tạm ngưng xuất khẩu tôm hùm sang thị trường Trung Quốc đã làm cho một số người nuôi tôm hùm trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn, bởi tôm đã đến kỳ thu hoạch. Ông Lê Thanh Phong ở phường Xuân Yên (TX Sông Cầu), nói: Người nuôi tôm hùm ở TX Sông Cầu đa số nuôi nhiều lứa trong năm nên vào thời điểm nào cũng có tôm thịt đến kỳ xuất bán.
Trước Tết Nguyên đán, thời điểm tôm hùm được giá, gia đình tôi đã xuất bán khoảng 1.000 con. Hiện nay, gia đình tôi còn khoảng 3.000 con tôm hùm thịt đã đủ tuổi xuất bán, nhưng không có người mua nên gặp khó khăn bởi gánh chi phí khoảng 3 triệu đồng/ngày mua thức ăn cho tôm.
Người dân ở TX Sông Cầu tiếp tục chăm sóc tôm, chờ thời điểm thích hợp mới xuất bán. Ảnh: ANH NGỌC.
Ông Lê Hữu Nam, Phó Chủ tịch UBND phường Xuân Yên cho biết: Hiện phường Xuân Yên có gần 390 hộ nuôi tôm hùm với khoảng 9.500 lồng. Trong đó, khoảng 200.000 con đến thời kỳ xuất bán, chiếm khoảng 1/4 tổng lượng tôm nuôi. Trước Tết Nguyên đán, giá tôm hùm tương đối cao (tôm hùm bông loại 1 khoảng 1,6-1,7 triệu đồng/kg, tôm hùm xanh khoảng 700.000-800.000 đồng/kg) nhưng nhiều người nuôi chỉ xuất bán cầm chừng chờ sau Tết giá tôm có khả năng tăng nữa sẽ xuất bán.
Không chỉ ở các vùng nuôi thuộc vịnh Xuân Đài mà tại các vùng nuôi thuộc đầm Cù Mông (TX Sông Cầu) cũng có nhiều người nuôi tôm hùm không thể xuất bán tôm. Ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND xã Xuân Thịnh (TX Sông Cầu) cho hay: Trên địa bàn xã hiện có khoảng 17.000 lồng nuôi tôm hùm; trong đó khoảng 7.000 lồng nuôi (mỗi lồng khoảng 200 con) đã đến kỳ thu hoạch nhưng vẫn chưa xuất bán được.
Những năm trước, sau Tết Nguyên đán, hoạt động mua bán tôm hùm diễn ra rất sôi động. Năm nay, ảnh hưởng dịch virus corona, việc xuất khẩu tôm hùm sang thị trường Trung Quốc đang tạm ngưng nên các thương lái, doanh nghiệp chuyên thu mua tôm hùm xuất khẩu cũng tạm dừng thu mua.
Tiếp tục chăm sóc tôm hùm nuôi
Hiện người nuôi tôm hùm vẫn tiếp tục ra bè nuôi chăm sóc đàn tôm đã tới kỳ thu hoạch nhưng chưa xuất bán được. Ông Lê Văn Ngọc ở xã Xuân Phương (TX Sông Cầu), nói: Để kéo dài thời gian, nhiều người nuôi tôm hùm ở TX Sông Cầu đã bớt khẩu phần ăn của tôm lại còn khoảng 40-60% so với trước và nuôi thêm hàu để cho tôm ăn nhằm giảm chi phí. Nếu tình trạng không có thương lái mua tôm kéo dài thì người nuôi tôm hùm thật sự khó khăn bởi chi phí nuôi ngày càng tăng...
Nuôi tôm hùm bằng lồng tại Phú Yên - Ảnh: TTXVN.
Theo Bộ NN-PTNT, tác động của dịch bệnh Corona và các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan đã khiến nhu cầu tiêu thụ nông sản, thực phẩm và hoạt động thương mại nông sản tại Trung Quốc bị ảnh hưởng. Hiện nay, các bộ NN-PTNT, Công thương tiếp tục tìm giải pháp để hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản, thủy sản. Theo Sở NN-PTNT, không chỉ riêng tôm hùm, các mặt hàng nông sản, thủy sản khác cũng đều bị tác động.
Sở NN-PTNT đang phối hợp với các địa phương nắm lại tình hình sản xuất, tiêu thụ thủy sản của người dân để có biện pháp ứng phó phù hợp. Theo ông Nguyễn Thái Hải Anh, Phó Trưởng Phòng Kinh tế (TX Sông Cầu), hiện trên địa bàn TX Sông Cầu có khoảng 70.000 lồng nuôi tôm hùm thương phẩm, trong đó gần 10.000 lồng nuôi có tôm đến thời kỳ xuất bán nhưng không có thương lái thu mua.
Trong quá trình nuôi, người nuôi cần lưu ý thả nuôi đúng quy hoạch, có đăng ký, kê khai đầy đủ với cơ quan quản lý và áp dụng quy trình nuôi an toàn sinh học. Để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nuôi trồng cho nông dân, địa phương kiến nghị tỉnh có chỉ đạo và định hướng cụ thể; các doanh nghiệp thu mua cần xúc tiến việc tìm kiếm thêm một số thị trường khác và mở rộng thị trường nội địa.
Ông Nguyễn Thái Hải Anh, Phó Trưởng Phòng Kinh tế TX Sông Cầu: Đối với lượng tôm đã đến kỳ thu hoạch nhưng chưa xuất bán được, trước mắt người nuôi cần tập trung các biện pháp để nuôi lưu giữ, tiếp tục chăm sóc tốt; đồng thời theo dõi sát tình hình thị trường để xuất bán vào thời điểm thích hợp.
Theo Anh Ngọc-Nhật Huy (Báo Phú Yên)
Tôm hùm bị bơm tạp chất để tăng trọng lượng Ngày 21/10, Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an TP Đà Nẵng) phối hợp Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Đà Nẵng tiếp tục lấy mẫu tôm hùm tại một cửa hàng hải sản nằm trên đường Hoàng Hoa Thám (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) để kiểm tra làm rõ việc tôm hùm bị bơm tạp chất. Công an lấy...