Khánh Hoà: Khuyến cáo nông dân không nên chặt bỏ cây bưởi da xanh
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Khánh Hoà phối hợp với Phòng Nông nghiệp huyện Khánh Sơn và UBND xã Sơn Hiệp, huyện Khánh Sơn vừa tiến hành khảo sát thực địa về tình trạng một số hộ dân chặt bỏ cây bưởi da xanh; đồng thời, khuyến cáo nông dân không nên chặt bỏ loại cây này.
Người dân xã Sơn Hiệp chặt bỏ cây bưởi. Ảnh: baokhanhhoa.vn
Ông Trần Thiện Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Khánh Hoà khẳng định, sau khi tiến hành kiểm tra thực tế các vườn cây ăn quả tại huyện Khánh Sơn, xác nhận có tình trạng chặt cây bưởi với diện tích nhỏ ở một số vườn cây ăn quả.
“Trên thực tế, các nhà vườn trồng xen 3-4 loại cây ăn quả như: sầu riêng, bưởi da xanh, măng cụt, chôm chôm… Sau một thời gian các loại cây phát triển, tạo tán nên nông dân phải chặt bỏ cây bưởi da xanh kém hiệu quả để ưu tiên chăm sóc cây sầu riêng, măng cụt có giá trị kinh tế cao hơn. Thời gian gần đây, cây sầu riêng cho giá trị kinh tế cao, quả sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, tiêu thụ mạnh ở thị trường trong nước, nên nông dân tập trung chăm sóc loại cây này. Trong khi đó cây bưởi có giá thấp, nông dân không thâm canh, chăm sóc theo đúng quy trình nên cây bưởi không đạt chất lượng, giá thấp”, ông Trần Thiện Hùng chia sẻ thêm.
Video đang HOT
Theo Phòng Nông nghiệp huyện Khánh Sơn, hiện nay, diện tích bưởi da xanh của địa phương có khoảng 300 ha, sản lượng 600 tấn/năm. Năm nay do tình hình giá bưởi giảm nên một số bà còn ít quan tâm chăm sóc dẫn đến sản lượng giảm, giá bán dao động từ 10.000 – 20.000 đồng/kg tuỳ mẫu mã. Trong khi đó, cây bưởi da xanh được trồng tập trung chủ yếu tại vùng chuyên canh bưởi huyện Khánh Vĩnh với diện tích khoảng 700 ha.
Trước thực trạng trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa đã khuyến cáo người dân không nên chặt bỏ cây bưởi da xanh mà tiếp tục chăm sóc vườn ăn quả trồng xen bưởi nhằm “lấy ngắn nuôi dài”. Tránh tình trạng nông dân “chạy” theo cây trồng khác, gây thiệt hại về kinh tế.
Ông Trần Tấn Chóng, Chủ tịch UBND xã Sơn Hiệp, huyện Khánh Sơn cũng xác nhận, sau khi nắm được thông tin trên, địa phương đã cử cán bộ đến các nhà vườn để vận động người dân, kịp thời đưa ra các khuyến cáo nói trên.
Khánh Sơn: Nhiều vườn bưởi bị chặt bỏ
Thời gian gần đây, một số hộ dân trên địa bàn huyện Khánh Sơn đã quyết định chặt bỏ cây bưởi để trồng cây ăn quả khác mang lại giá trị kinh tế cao hơn.
Trước hiện tượng này, địa phương đang vận động người dân giữ lại các vườn bưởi và triển khai các biện pháp nhằm ổn định đầu ra cho quả bưởi.
Thay bưởi bằng sầu riêng, măng cụt
Thời gian qua, giá bưởi xuống thấp, có thời điểm chưa đến 10.000 đồng/kg nhưng cũng không bán được. Vì thế, gia đình bà Hoàng Thị Hiền (thôn Xà Bói, xã Sơn Hiệp) đã quyết định chặt bỏ toàn bộ 200 cây bưởi đã cho trái để trồng sầu riêng, mang hiệu quả kinh tế cao hơn. Tại một số địa phương khác như: Ba Cụm Nam, Sơn Trung, Sơn Bình, Thành Sơn... cũng có hiện tượng người dân chặt bỏ cây bưởi để trồng các loại cây ăn quả khác có giá trị kinh tế cao hơn như: sầu riêng, măng cụt.
Người dân xã Sơn Hiệp chặt bỏ cây bưởi.
Ông Nguyễn Doãn Đạt - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hiệp cho biết: "Nguyên nhân khiến người dân chặt bỏ cây bưởi là do hiệu quả kinh tế của cây bưởi thời gian qua thấp hơn nhiều các loại cây trồng khác, một phần do chất lượng không cao, mẫu mã không bắt mắt nên giá mua thấp. Địa phương đang tích cực tuyên truyền vận động người dân giữ lại các vườn bưởi để tiếp tục đầu tư chăm sóc, nhất là sản xuất đạt tiêu chuẩn để tiêu thụ dễ dàng hơn. Tuy nhiên, các cấp, ngành cũng cần quan tâm hỗ trợ kết nối để tạo đầu ra ổn định cho quả bưởi, từ đó mang lại thu nhập cho người trồng".
Hỗ trợ người trồng bưởi
Hiện nay, diện tích trồng bưởi trên địa bàn tỉnh tập trung chủ yếu ở 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh với hơn 1.200ha. Riêng huyện Khánh Sơn có 345ha, với sản lượng gần 1.000 tấn. Những năm gần đây, thị trường tiêu thụ bưởi có sự cạnh tranh, giá trái bưởi giảm sâu dẫn đến người dân không quan tâm tập trung đầu tư thâm canh nên chất lượng mẫu mã kém hấp dẫn, sản lượng thu hoạch không tập trung nên khó liên kết tiêu thụ...
Theo ông Đỗ Nhi Huy - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Sơn, để nâng cao hiệu quả, nhất là thu nhập cho người trồng, ngành Nông nghiệp huyện sẽ tiếp tục tăng cường tập huấn hỗ trợ hướng dẫn quy trình canh tác; xây dựng các mô hình hỗ trợ thâm canh đối với cây bưởi nhằm tăng năng suất, chất lượng mẫu mã sản phẩm; xây dựng mô hình trồng bưởi đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Năm 2023, huyện Khánh Sơn sẽ triển khai xây dựng nhãn hiệu chứng nhận đối với sản phẩm bưởi da xanh và mía tím trên địa bàn huyện; đăng ký tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đối với trái bưởi tươi và các sản phẩm chế biến từ quả bưởi. Bên cạnh đó, huyện chú trọng hỗ trợ nông dân tham gia các hội nghị kết nối cung cầu, liên kết tiêu thụ nông sản; tham gia tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử, siêu thị sau khi đạt chứng nhận sản phẩm OCOP; hỗ trợ nông dân trồng bưởi đăng ký cấp mã vùng trồng để thuận lợi trong việc tiêu thụ tại các thị trường trong nước và xuất khẩu chính ngạch...
Hơn 14.500 ha sắn ở Phú Yên mắc bệnh khảm lá virus Ngày 31/8, ông Nguyễn Lê Lanh Đa, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Phú Yên cho biết, niên vụ sắn 2022 - 2023, nông dân tỉnh Phú Yên đã trồng 25.191 ha sắn nhưng hiện nay, bệnh khảm lá virus đang phát sinh gây hại trên 57% diện tích, ở giai đoạn sắn phát triển thân...