Khánh Hòa: Định hình hoạt động du lịch ở Khánh Sơn
Những năm gần đây, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa đã dành nhiều sự quan tâm đến việc phát triển hoạt động du lịch.
Địa phương đã xác định được loại hình, mô hình, sản phẩm du lịch phù hợp với đặc điểm tự nhiên, con người nơi đây. Tuy nhiên, hiệu quả của hoạt động du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Những kết quả bước đầu
Hiện nay, diện mạo huyện Khánh Sơn đã có sự thay đổi với nhiều hạng mục công trình phục vụ cho công tác phát triển du lịch của địa phương như: Điểm dừng chân đỉnh đèo với cụm biểu tượng nông sản Khánh Sơn (xã Ba Cụm Bắc); đường đi bộ trong khuôn viên đồi thông; các hạng mục công trình tại thác Tà Gụ (xã Sơn Hiệp)… UBND huyện đã có định hướng phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Đây là hướng đi hợp lý để huyện có thể phát huy tốt các tiềm năng thế mạnh sẵn có.
Theo ông Cao Minh Vỹ – Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, để triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển du lịch, địa phương lập đề án khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Raglai gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Huyện cũng khuyến khích, tạo mọi điều kiện về đất đai, cơ sở hạ tầng và chính sách theo quy định của pháp luật để các tổ chức, doanh nghiệp tham gia đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái thác Tà Gụ. Hiện nay, đã có một số công ty lữ hành hình thành tour du lịch nội tỉnh đưa khách du lịch lên Khánh Sơn.
Một trong những yếu tố làm nên tính đặc trưng của du lịch Khánh Sơn chính là bản sắc văn hóa của đồng bào Raglai. Thời gian qua, huyện đã tích cực triển khai công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người Raglai, mở các lớp truyền dạy hát sử thi, chơi nhạc cụ mã la, đàn đá, phục dựng các nghi lễ truyền thống… Huyện đã chủ động đăng cai tổ chức các lễ hội văn hóa, thể thao cấp tỉnh và tổ chức sự kiện lễ hội trái cây thành hoạt động định kỳ; các địa phương đã khôi phục các đội văn nghệ truyền thống, tập luyện đánh mã la, đàn đá để phục vụ nhân dân và du khách. Bên cạnh đó, huyện thực hiện việc sửa chữa nhà dài truyền thống thôn Hòn Dung (xã Sơn Hiệp) và đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ biểu diễn văn nghệ, các hoạt động tham quan, vui chơi của khách du lịch; quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông sản, ẩm thực đặc trưng, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, các địa điểm danh lam thắng cảnh, nét văn hóa của người Raglai đến du khách.
Video đang HOT
Đồng bào Raglai huyện Khánh Sơn tái hiện lễ ăn mừng lúa mới. Ảnh minh họa.
Còn nhiều việc cần làm
Theo ông Cao Minh Vỹ, hiệu quả mang lại từ hoạt động du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của huyện. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch chưa đáp ứng nhu cầu thực tế của địa phương. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch như lưu trú, ăn uống, mua sắm chưa phát triển; các điểm du lịch chưa nổi bật, phát triển chưa đồng bộ. Ngoài ra, việc huy động nguồn lực xã hội hóa, thu hút các nhà đầu tư, dự án du lịch chưa mang lại hiệu quả.
Mặc dù đã có định hướng phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, nhưng huyện vẫn chưa có những chính sách cụ thể để xúc tiến, quảng bá, khuyến khích hỗ trợ người dân tham gia phát triển các loại hình du lịch này. Sản phẩm du lịch tuy đã xác định được, nhưng để khôi phục, duy trì hoạt động các ngành nghề truyền thống đang rất khó khăn. Hoạt động tiếp đón du khách đến địa phương tham quan vẫn còn mang tính chất tự phát, chưa có sự tổ chức, quản lý bài bản. Cùng với đó, các điểm di tích lịch sử chưa được cải tạo, chỉnh trang, mở rộng; người dân địa phương chưa có kinh nghiệm, kỹ năng trong làm du lịch cộng đồng, hoạt động du lịch chưa bài bản; nguồn nhân lực phục vụ du lịch cộng đồng vừa thiếu, chưa được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ…
Theo ông Cung Quỳnh Anh – Phó Giám đốc Sở Du lịch, đơn vị đã có văn bản đề nghị huyện Khánh Sơn đề xuất khảo sát điểm đến phục vụ khách du lịch. Qua báo cáo của UBND huyện Khánh Sơn, đã có nhiều nội dung được địa phương tích cực triển khai với định hướng phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, để thực hiện thành công loại hình du lịch này đòi hỏi sự kiên trì của chính quyền và người dân. Sở Du lịch sẽ đồng hành với địa phương để triển khai các giải pháp một cách bài bản, đồng bộ.
Nhiều hoạt động tại Lễ hội trái cây Khánh Sơn lần thứ hai
Sáng 19-7, UBND huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) tổ chức họp báo thông tin về Lễ hội trái cây huyện Khánh Sơn lần thứ hai năm 2022.
Đồng chí Nguyễn Văn Nhuận, Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn thông tin những nét khái quát về tình hình kinh tế-xã hội của địa phương. Theo đó, huyện Khánh Sơn có vị trí về phía Tây Nam của tỉnh Khánh Hòa, cách thành phố Cam Ranh 40km, cách thành phố Nha Trang 100km, có dân số trên 26.000 người. Toàn huyện có 21 dân tộc sinh sống, chiếm đại đa số là đồng bào Raglai trên 73%, dân tộc Kinh chiếm khoảng 25%, còn lại các dân tộc thiểu số khác như: Tày, Thái, Nùng, Hoa, Chăm... Huyện Khánh Sơn nằm ở độ cao trung bình từ 400m đến 800m so với mặt nước biển, có khí hậu đặc trưng nhiệt đới gió mùa, khí hậu ôn hòa, thổ nhưỡng phù hợp hình thành vùng chuyên canh các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao.
Đồng chí Nguyễn Văn Nhuận, Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn thông tin tại họp báo.
Để giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh nông nghiệp, du lịch của địa phương và từ thành công của lễ hội trái cây lần thứ nhất năm 2019, UBND huyện Khánh Sơn tiếp tục tổ chức Lễ hội trái cây huyện Khánh Sơn lần thứ 2 năm 2022. Theo đó lễ hội diễn ra trong 4 ngày, từ ngày 4 đến ngày 7-8-2022, tại Quảng trường 20-11, thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn.
Trong khuôn viên lễ hội, Ban tổ chức sẽ bố trí 50 gian hàng trưng bày các loại trái cây có giá trị kinh tế như: Sầu riêng, măng cụt, bưởi da xanh, mít nghệ, mít tố nữ, mía tím... Ngoài ra, còn có các hoạt động Hội thảo xây dựng nền nông nghiệp sạch phát triển bền vững, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, giao lưu trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất; biểu diễn dù lượn có gắn động cơ; giải Việt dã "Check in Khánh Sơn"; Hội thi "Già làng khéo tay"; Chương trình "Ẩm thực Khánh Sơn" giới thiệu các món ăn truyền thống, đặc trưng của địa phương; múa hát tập thể...
Lãnh đạo UBND huyện Khánh Sơn tại buổi họp báo.
Tại buổi họp báo, đại diện các cơ quan báo chí đặt nhiều câu hỏi về tính hiệu quả khi tổ chức lễ hội trái cây, gắn với phát triển nông nghiệp bền vững, việc đảm bảo lưu trú cho du khách khi về tham gia lễ hội, kết nối tiêu thụ sản phẩm với các địa phương lân cận, các biện pháp bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm với trái cây, nhất là đối với sầu riêng...
Đại diện các cơ quan báo chí đặt câu hỏi tại buổi họp báo.
Lãnh đạo UBND huyện Khánh Sơn giới thiệu các sản phẩm trái cây của địa phương.
Trả lời báo chí, đại diện UBND huyện Khánh Sơn cho biết, cây sầu riêng là loại cây trồng chủ lực của địa phương với khoảng 5.000 ha, trong đó đã có hơn 3.000 héc ta cho thu hoạch, bình quân mỗi năm khoảng 10.000 tấn. Địa phương cũng có nhiều giải pháp phối hợp cùng với các cơ quan chức năng để phát hiện những sản phẩm giả mạo, bảo đảm giữ vững thương hiệu trái cây sạch Khánh Sơn. Thông qua lễ hội để trao đổi kinh nghiệm trong quá trình sản xuất, tiếp cận thông tin, tiếp cận công nghệ mới trong lĩnh vực nông nghiệp; giới thiệu hình ảnh, con người, ẩm thực và sản phẩm du lịch của huyện Khánh Sơn, góp phần thực hiện định hướng phát triển kinh tế - xã hội huyện Khánh Sơn thành đô thị sinh thái núi rừng, sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng phát triển bền vững.
Khánh Hòa: Hứa hẹn bùng nổ du khách dịp hè Liên tục tạo ra các sự kiện cũng như kết nối, bổ sung sản phẩm du lịch mới, các chương trình văn hóa ẩm thực, cáclễ hội đặc sắc... được tổ chức hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm mới mẻ, khác biệt trong mùa hè năm nay. Thành phố biển Nha Trang sẽ là điểm đến hút khách...