Khánh Hòa: Cho tôm sú “chung nhà” với cá đối, 2 con không “cãi nhau” mà sống khỏe có ích
Đề tài nuôi tôm sú kết hợp cá đối mục vừa được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Khánh Hòa thử nghiệm đã mang lại kết quả tích cực trong việc cải thiện môi trường nuôi tôm bền vững trong ao đìa.
Trong quá trình nuôi tôm, vấn đề người nuôi thường xuyên gặp phải là thức ăn thừa, rong tảo phát triển quá mức làm biến động môi trường ao nuôi, khiến tôm chậm lớn hoặc bị bệnh.
Năng suất cao hơn
Năm 2019, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Khánh Hòa triển khai đề tài khoa học cấp cơ sở “Nuôi kết hợp tôm sú với cá đối mục”, tại Trại Thực nghiệm nuôi trồng thủy sản Ninh Lộc, xã Ninh Lộc, thị xã Ninh Hòa. Quá trình triển khai cho thấy, môi trường ao nuôi ổn định hơn, năng suất tôm, cá cao hơn so với nuôi đơn 1 đối tượng.
Kỹ sư Hương Thảo kiểm tra cá đối mục thời điểm thu hoạch.
Kỹ sư Nguyễn Thị Hương Thảo – Phó Phụ trách Phòng Khuyến ngư, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Khánh Hòa, chủ nhiệm đề tài cho biết, đề tài được thực hiện ở 2 ao nuôi bằng đất, diện tích mỗi ao gần 2.000m2. Trước khi thả giống tôm sú, ao nuôi đã được cải tạo kỹ lưỡng gồm các khâu như: tháo cạn nước, rải vôi bột, bừa kỹ cho vôi ngấm vào đáy ao, phơi đáy ao.
Trong trường hợp ao lót bạt thì chỉ cần vệ sinh bạt sạch sẽ. Sau đó, tiến hành lấy nước vào ao khi thủy triều lên cao, rồi diệt tạp, gây màu nước; khi nước có màu xanh và đo các yếu tố môi trường nằm trong ngưỡng thích hợp thì tiến hành thả giống tôm.
Tôm giống PL15 (chiều dài 13 – 15mm) được thả nuôi với mật độ 10 con/m2, cá đối mục giống đạt kích cỡ 4 – 6cm, thả nuôi với mật độ 0,5 con/m2; sau khi thả tôm khoảng 15 ngày thì tiến hành thả cá đối mục. Tôm, cá giống mua ở cơ sở uy tín, đảm bảo an toàn vệ sinh thú y. Tại mô hình thử nghiệm, nhóm nghiên cứu đã thả 20.000 con tôm sú giống và 1.000 con cá đối mục.
Sau thời gian nuôi 5 tháng, sản lượng tôm đạt 655kg, tỷ lệ sống hơn 70%, cỡ tôm thu hoạch trung bình 43 con/kg, năng suất trung bình đạt 1,6 tấn/ha. Với cá, sau 5 tháng nuôi có thể đạt 0,4 – 0,5kg/con và thu tỉa dần, đến 6 tháng nuôi đạt trọng lượng bình quân 0,5 con/kg thu toàn bộ.
Tổng cộng các đợt thu trên 2 ao nuôi trong phạm vi đề tài cho về sản lượng 687kg cá, tỷ lệ sống 70%, cỡ cá thu hoạch trung bình 0,5kg/con, năng suất 1,7 tấn/ha. Điều quan trọng là tỷ lệ sống của cá và tôm đều ở mức cao nhờ môi trường nuôi luôn ổn định.
Video đang HOT
Từ kết quả đề tài, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với Trạm Khuyến nông thị xã Ninh Hòa tổ chức 2 lớp tập huấn kỹ thuật nuôi kết hợp tôm sú với cá đối mục cho hàng trăm nông dân các xã, phường: Ninh Hải, Ninh Hà, Ninh Ích, Ninh Lộc.
Tại đây, các học viên đã được cung cấp kiến thức về quy trình nuôi kết hợp tôm sú và cá đối mục trong toàn bộ các công đoạn, từ quá trình chuẩn bị ao nuôi, chọn con giống, thả giống, chăm sóc quản lý tôm, cá trong suốt quá trình nuôi, thu hoạch.
Góp phần cải tạo ao đìa
Theo nhiều ngư dân, tôm sú là một trong những giống tôm không quá khó nuôi nhưng đòi hỏi môi trường nuôi phải sạch, ổn định. Vì thế, nếu việc xử lý môi trường trong suốt quá trình từ thả giống đến thu hoạch tôm không tốt, tôm dễ bị bệnh, chết, tỷ lệ hao hụt cao, hiệu quả kinh tế thấp, thậm chí không ít hộ nuôi tôm phải chịu lỗ.
Cá đối mục có tốc độ sinh trưởng nhanh, khả năng thích nghi tốt ngay trong điều kiện môi trường nuôi có sự chênh lệch lớn về độ mặn, nhiệt độ, mức độ ô nhiễm…
Kỹ sư Nguyễn Thị Hương Thảo cho biết, dựa trên đặc tính của 2 đối tượng nuôi này, trung tâm đã triển khai mô hình nuôi kết hợp tôm sú với cá đối mục. Trong ao nuôi, cá đối mục tận dụng tốt nguồn rong, tảo và một phần thức ăn thừa cùng mùn bã hữu cơ trong ao, giúp môi trường nước nuôi sạch hơn và ít bị biến động, giảm thiểu dịch bệnh, từ đó giảm được chi phí về thuốc và hóa chất trong quá trình nuôi.
Đặc biệt trong tình hình hiện nay, khi hầu hết các hệ thống ao, đìa nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa vẫn chưa được đầu tư về cơ sở hạ tầng như hệ thống cấp, thoát nước, hệ thống xử lý, lắng lọc nước bài bản. Hơn nữa, do sự phát triển nuôi tôm ồ ạt, tự phát, thiếu quy hoạch trong những năm trước đây đã làm cho chất lượng môi trường ao nuôi ngày càng suy thoái, dịch bệnh phát sinh làm cho tôm nuôi chết hàng loạt.
Nhiều ngư dân đã bất lực trong vấn đề nuôi tôm, nhiều ao hồ phải bỏ hoang vì nuôi thua lỗ dẫn đến nợ nần và thiếu vốn đầu tư. Một trong những giải pháp cho vấn đề hạn chế ô nhiễm môi trường và nuôi bền vững là nuôi kết hợp nhiều đối tượng không cạnh tranh thức ăn của nhau, thậm chí hỗ trợ cho nhau phát triển.
Giải pháp nuôi kết hợp tôm sú với cá đối mục phần nào giảm thiểu dịch bệnh, ô nhiễm môi trường trong ao nuôi tôm, tăng thu nhập cho nguời dân trên một đơn vị diện tích.
Theo ông Lê Bá Ninh – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa, đề tài đã đạt được mục tiêu, đó là đưa ra một trong những lựa chọn, giải pháp cho người nuôi tôm hạn chế ô nhiễm môi trường và nuôi bền vững; đồng thời mang về thu nhập ổn định hơn cho người nuôi trồng thủy sản. Sở đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tiến hành tập huấn, phổ biến mô hình đến người nuôi trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Cấy lúa bằng máy, hàng thẳng tắp, ruộng đẹp như tranh, nông dân miền Bắc nhàn hẳn
"Việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt trong sản xuất lúa là con đường tất yếu để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, đem lại hiệu quả cao nhất cho người sản xuất" - ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia nhấn mạnh.
Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp "Đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa tại các tỉnh phía Bắc" do Trung tâm Khuyến nông quốc gia (KNQG) phối hợp Sở NNPTNT tỉnh Hải Dương tổ chức sáng 10/7.
Góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), tổng diện tích lúa năm 2019 (tính trên 2 vụ/năm) của toàn miền Bắc đạt 2.367.000ha, trong đó vùng ĐBSH đạt khoảng 1.012.000ha. Mức độ áp dụng cơ giới hóa trong khâu gieo cấy lúa vùng ĐBSH tuy đạt mức cao, 25% nhưng chủ yếu áp dụng ở công cụ sạ lúa theo hàng, năng suất lao động thấp.
Hiện nay, các tỉnh phía Bắc có khoảng 1.154 máy cấy các loại, trong đó vùng ĐBSH có số lượng máy nhiều nhất, đạt khoảng 768 máy (66,5% toàn vùng). Bình quân diện tích được gieo cấy bằng máy (2 vụ/năm) khoảng 57.000 ha/năm. Trong đó vùng ĐBSH có hơn 38.000ha được gieo cấy bằng máy.
Theo Sở NNPTNT tỉnh Hải Dương, hàng năm tỉnh gieo cấy khoảng 115.000ha lúa. Tính đến ngày 9/7, toàn tỉnh đã gieo cấy được khoảng 50.000ha lúa mùa, đạt gần 90% kế hoạch, trong đó có gần 6.000ha cấy lúa bằng máy, chiếm 10% diện tích gieo cấy, tăng gấp đôi so với vụ mùa trước.
Tính đến tháng 6/2020 toàn huyện Bình Giang có 239 máy làm đất, 34 công cụ cấy kéo giật tay, đặc biệt là 25 máy cấy 6 hàng. ảnh N.H
Từ năm 2010 đến nay, cơ giới hóa khâu gieo cấy lúa được tỉnh Hải Dương áp dụng với các hình thức gieo cấy và phương tiện sử dụng như: Gieo lúa bằng công cụ sạ hàng; cấy lúa bằng công cụ kéo giật tay và cấy lúa bằng máy cấy.
Theo bà Vũ Thị Hà - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hải Dương, việc đưa cơ giới hóa vào nông nghiệp đã góp phần làm tăng năng suất lao động, chất lượng nông sản và hiệu quả sản xuất nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm. Qua đó, làm tăng sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa trên thị trường, từng bước nâng cao đời sống và thu nhập cho nông dân.
HTX sản xuất dịch vụ nông nghiệp Mộ Trạch, huyện Bình Giang (Hải Dương) hiện có trên 200ha diện tích trồng lúa, với 607 thành viên. Việc sản xuất mạ khay cấy máy được HTX đưa vào ứng dụng từ năm 2016.
Ông Vũ Đình Tam - Giám đốc HTX sản xuất dịch vụ nông nghiệp Mộ Trạch cho hay, việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, sản xuất mạ khay cấy máy đã góp phần rất lớn vào việc giảm nhân công lao động, chi phí gieo cấy lúa cho người nông dân. Hiện HTX có 6 máy cấy, mỗi máy có thể cấy được 4ha/ngày.
Tham quan cơ sở sản xuất mạ khay cấy máy tại HTX sản xuất dịch vụ nông nghiệp Mộ Trạch và trình diễn vận hành máy cấy trên đồng ruộng, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh đánh giá cao việc đẩy nhanh tiến độ sản xuất vụ mùa, bảo đảm khung lịch thời vụ của tỉnh Hải Dương.
Thứ trưởng Doanh cũng đề nghị tỉnh có giải pháp thực hiện cơ giới hóa đồng bộ, nhất là khâu cấy máy. Tỉnh cần có cơ chế hỗ trợ đặc thù, khuyến khích người dân mở rộng diện tích lúa cấy máy; quan tâm phát triển các cơ sở sản xuất mạ khay.
Gỡ khó cho nông dân
Ông Vũ Đăng Toàn - thành viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Mộ Trạch chia sẻ: "Gia đình tôi có 2 mẫu ruộng (7.200m2). Năm 2016, HTX đưa máy cấy về làng, gia đình tôi bắt đầu chuyển sang cấy bằng máy".
Đến nay, toàn bộ diện tích lúa của gia đình ông Toàn đều cấy và gặt bằng máy. Năng suất cao hơn 35-40kg/sào (360m2) so với cấy bằng tay.
"Từ khi cấy bằng máy đỡ mệt hẳn, không mất nhiều công lao động mà chất lượng, năng suất lúa hơn hẳn. Lúa cấy thẳng hàng, đều và cứng cây nên chống chịu được sâu bệnh, ngã đổ, năng suất cao hơn" - ông Toàn chia sẻ.
Tại diễn đàn, nhiều câu hỏi, thắc mắc của bà con nông dân về cơ giới hóa nông nghiệp, gieo mạ khay và cấy máy đã được gửi đến ban cố vấn.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - nông dân ở thị trấn Kẻ Sặt (huyện Bình Giang, Hải Dương) hỏi: Máy bay không người lái có phun thuốc hiệu quả khi diệt rầy nâu bằng phun thủ công không?
Trả lời câu hỏi này, ông Hà Văn Biên - Phó Trưởng phòng Khuyến nông, trồng trọt và lâm nghiệp (Trung tâm Khuyến nông quốc gia) cho biết: Chúng tôi đã thử nghiệm trong vùng ĐBSCL và cho thấy, hiệu lực trừ cỏ, rầy nâu khi phun thuốc bằng máy bay không người lái rất tốt, năng suất lao động rất cao. Ngoài ra, biện pháp này còn giúp hạn chế thuốc trừ sâu tiếp xúc trực tiếp đến người phun.
Giải đáp câu hỏi của một nông dân ở huyện Bình Giang về giải pháp để đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ, hạn chế sản xuất manh mún, ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, đối với những thửa ruộng nhỏ, chưa dồn điền đổi thửa, nông dân cần sử dụng máy nhỏ để phù hợp với đồng đất. Mặt khác nông dân cần phối hợp tốt với đơn vị cung cấp dịch vụ để đưa cơ giới hóa vào sản xuất hiệu quả.
Chương trình "Nhịp Cầu Nhà Nông" năm 2020 Chương trình Nhịp Cầu Nhà Nông là diễn đàn khuyến nông nhằm liên kết một cách có hiệu quả nhất giữa bà con nông dân với các nhà khoa học, nhà doanh nghiệp. Chương trình gắn kết với chuỗi các hoạt động đối thoại và quảng bá hình ảnh, thông tin doanh nghiệp, hướng dẫn phân biệt phân bón thật giả, cung cấp...