Khánh Hòa: Bão Damrey tàn phá khủng khiếp nhất trong 35 năm qua
Trong 4 năm qua, tỉnh Khánh Hòa phải gánh chịu nhiều loại hình thiên tai cực đoan khác nhau, trong đó có cơn bão Damrey tàn phá khủng khiếp nhất trong 35 năm qua.
Nhà dân ở TP Nha Trang (Khánh Hòa) đổ sập trong bão Damrey
Ngày 31/5, tại Hội nghị Tổng kết công tác phòng, chống thiên tai năm 2017, UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, cơn bão số 12 – Damrey đổ bộ vào cuối năm ngoái đã khiến 44 người chết, 229 người bị thương. Về vật chất, hơn 2.000 căn nhà bị phá hủy; hơn 70.000 lồng bè bị mất trắng; 300 trường học bị sụp đổ, hư hỏng; tổng thiệt hại ước tính hơn 15.500 tỷ đồng.
Trước đó, vào cuối năm 2016, Khánh Hòa có 4 đợt mưa lũ lớn trên diện rộng, với tổng lượng mưa từ 1.100mm đến 1.750mm. 4 đợt mưa lũ khiến 8 người chết, 146 căn nhà bị sập, hư hỏng; hàng trăm nghìn m3 đất đá bị sạt lở gây ách tắc giao thông, nhiều cơ sở hạ tầng hư hỏng.
Cũng trong đợt mưa lũ vào cuối năm 2016 đã xảy ra vụ sạt lở đất nghiêm trọng tại xã Phước Đồng (TP Nha Trang) chôn vùi cả một khu dân cư dưới chân núi, 4 người bị vùi lấp, tử vong. Hàng chục người dân ở khu dân cư này phải bỏ nhà cửa, di dời đi nơi khác sinh sống.
Theo Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Khánh Hòa, từ nửa cuối năm 2014 đến giữa năm 2016 tại Khánh Hòa đã xảy ra đợt hạn hán lịch sử làm 18.400 ha lúa dừng sản xuất, hơn 52.000 ha cây trồng bị ảnh hưởng; hơn 16.600 hộ dân, với gần 73.000 khẩu thiếu nước sinh hoạt.
Theo Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Khánh Hòa, tình hình thiên tai xảy ra trên địa bàn trong những năm qua là “bất thường, trái quy luật và ngày càng nghiêm trọng” về cường độ, tần suất.
Hậu quả thiên tai nặng nề là do một số bộ phận chính quyền, người dân nhận thức về công tác phòng chống thiên tai còn hạn chế, lúng túng khi có tình huống thiên tai xảy ra. Đối với các cơn bão lớn, đặc biệt là cơn bão số 12 – Damrey, mạnh nhất trong vòng 35 năm qua, với sức gió đạt cấp 12 giật cấp 15, đã vượt quá sức chống chịu của đa số nhà ở của người dân.
Video đang HOT
Ngoài ra, Khánh Hòa với 6/9 địa bàn huyện là vùng ven biển và hải đảo, số hộ dân sinh sống ven biển đông đúc nên dễ bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề từ bão, áp thấp nhiệt đới.
Trước đó vào trưa 23/5, hàng chục người dân tại huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa), đã tập trung trước Văn phòng UBND tỉnh để kiến nghị sớm được hỗ trợ thiệt hại nuôi, trồng thủy sản do bão số 12 gây ra vào cuối năm 2017.
Hệ thống điện trên quốc lộ 1 đoạn qua huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) hư hỏng nặng, tê liệt nhiều ngày liền
Theo người dân, họ thuộc 2.900 hộ nuôi trong thủy sản tại Vạn Ninh bị thiệt hại do bão số 12. Người nhiều trong số đó mất trắng hàng chục tỷ đồng, người ít cũng vài chục triệu đồng. Sau bão đến nay đã hơn 6 tháng nhưng họ vẫn chưa nhận được kinh phí hỗ trợ để tái sản xuất.
Đầu tháng 4 vừa qua, sau khi địa phương nơi họ sinh sống công bố danh sách các hộ được hỗ trợ, hàng trăm người dân đã bức xúc, bỏ công việc làm để tập trung tại trụ sở UBND xã Vạn Thạnh, xã Vạn Hưng và UBND huyện Vạn Ninh để phản đối những khuất tất trong hỗ trợ.
Người dân bất bình khi trong danh sách niêm yết có tên nhiều cán bộ, người nhà cán bộ, mà nhiều người dân lại không có. Sau đó, huyện Vạn Ninh đã tạm dừng chi trả hỗ trợ. Do chờ đợi quá lâu nên sáng 23/5, nhiều người dân đã tập trung để kiến nghị với UBND tỉnh Khánh Hòa.
Trao đổi với báo chí, Chánh văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết đã nhận được đơn tập thể của 31 hộ dân huyện Vạn Ninh và sẽ đề nghị UBND tỉnh xem xét lại việc phân bổ hỗ trợ cho các hộ, đồng thời xem xét hướng dẫn vấn đề vay vốn tín dụng tại các ngân hàng.
Viết Hảo
Theo Dantri
Chặn "sốt" đất ở đặc khu tương lai Bắc Vân Phong
Chiều 30/5, ông Võ Lục Phẩm - Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) cho biết, huyện này đang tăng cường công tác quản lý đất đai, ngăn chặn phá rừng trước thông tin huyện này sắp được quy hoạch thành đặc khu.
Du khách đổ về Vịnh Vân Phong (Khánh Hòa) tham quan nhộn nhịp trong thời gian gần đây
Theo ông Phẩm, hiện nay tình trạng người dân đổ ra các hòn đảo trên Vịnh Vân Phong phá rừng nhằm chiếm đất đã được ngăn chặn. Không có trường hợp nào phát sinh mới trong tháng 5.
Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - ông Lê Đức Vinh đã ký văn bản số 4391 chỉ đạo UBND huyện Vạn Ninh phối hợp với Sở TN&MT, Sở Xây dựng, Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong thực hiện nghiêm các chỉ thị của UBND tỉnh Khánh Hòa về việc chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai, quy hoạch xây dựng, trật tự xây dựng, hoạt động kinh doanh bất động sản trên địa bàn.
Theo đó, UBND tỉnh Khánh Hòa giao UBND huyện Vạn Ninh tạm dừng tiếp nhận, giải quyết hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển quyền sử dụng đất và thực hiện việc tách thửa cho đến khi Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt có hiệu lực và quy hoạch chung xây dựng Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Theo ghi nhận thực tế, sau các chỉ đạo quyết liệt từ UBND tỉnh Khánh Hòa, tình trạng giới "cò đất" từ các nơi đổ về huyện Vạn Ninh thu gom đất, thổi giá đất đã giảm hẳn, hoạt động giao dịch đã không còn rầm rộ như trước.
Trước đó, vào hồi tháng 3, lãnh đạo địa phương cho hay, đất ở tại khu vực đường biển chạy qua thị trấn Vạn Giã (huyện Vạn Ninh) có giá "khủng", lên tới 100 triệu đồng/m2; đất ở trong khu dân cư (tùy vị trí) có giá 20-30 triệu đồng/m2.
"Chúng tôi nghe nói dân Hà Nội, Sài Gòn đến mua. Một số hộ dân vừa rồi bị thiệt hại do bão nên đã bán đất, có hộ bán 100m2 được 4-5 tỷ đồng rồi đi nơi khác cất nhà", một lãnh đạo thị trấn Vạn Giã cho biết.
Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, trong những tháng đầu năm nay, tình hình vi phạm pháp luật đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn huyện Vạn Ninh vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp, tách thửa... của các tổ chức, cá nhân nhằm thu gom đất, đẩy giá đất lên cao sẽ gây khó khăn trong công tác quản lý đất đai khi Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt có hiệu lực thi hành.
Trong 3 tháng đầu năm nay, toàn huyện Vạn Ninh đã tiếp nhận và giải quyết hơn 2.200 hồ sơ đất đai, bằng 65,3% tổng số hồ sơ cả năm ngoái.
Huyện Vạn Ninh nằm ở phía bắc tỉnh Khánh Hòa, giáp với tỉnh Phú Yên. Huyện này là nơi được dự định thành lập đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong.
Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, Bắc Vân Phong là một trong những vịnh tự nhiên được đánh giá tốt nhất vùng Đông Á, là điểm hội tụ của các cảng biển khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Từ vịnh Vân Phong vượt Thái Bình Dương là con đường ngắn nhất, thuận lợi hơn so với nhiều quốc gia khác. Vịnh Vân Phong có diện tích lớn, độ sâu trung bình từ 20-27m, tương đối kín và chắn gió tốt.
UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, vị trí khu vực Bắc Vân Phong từng được nhiều nhà đầu tư nước ngoài từ các quốc gia lớn như Mỹ, Châu Âu, UAE, quần đảo Cayman... tổ chức khảo sát và đánh giá cao khả năng hội đủ các điều kiện lý tưởng về địa lý để xây dựng, phát triển thành một đặc khu Hành chính - Kinh tế.
Viết Hảo
Theo Dantri
Lãnh đạo Bộ GTVT đồng thuận phương án "hạ nhiệt" BOT Ninh Lộc Chiều 10/5, Thứ trưởng Bộ GTVT - ông Lê Đình Thọ cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa liên quan đến tình hình kẹt xe tại trạm BOT Ninh Lộc (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa). Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ tại buổi làm việc Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Đình Thọ...