Khẳng định vai trò của KHCN trong nông nghiệp
Trong 5 năm triển khai thực hiện, Chương trình “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ phục vụ sản xuất các sản phẩm chủ lực” (mã số KC.06/11- 15) đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Nhiều kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng vào thực tế. Đây chính là những cơ sở quan trọng khẳng định vai trò của khoa học và công nghệ (KHCN) trong sản xuất các sản phẩm chủ lực của nông nghiệp.
Góp phần quan trọng phát triển kinh tế – xã hội
Ông Phạm Hữu Giục – Phó Ban chủ nhiệm Chương trình KC.06/11-15 cho biết, chương trình có 24 đề tài, 23 dự án sản xuất thử nghiệm. Mục tiêu của chương trình là làm chủ được các công nghệ then chốt và giải pháp kinh tế – kỹ thuật tiên tiến để nâng cao hiệu quả kinh tế, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm chủ lực đáp ứng yêu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu.
Áp dụng được các công nghệ và giải pháp kinh tế – kỹ thuật vào sản xuất quy mô lớn các sản phẩm hàng hóa có hàm lượng khoa học, giá trị gia tăng cao nhằm gia tăng tỷ trọng xuất khẩu hoặc thay thế một số mặt hàng nhập khẩu. Các đề tài/dự án của chương trình tập trung ở 2 lĩnh vực là nông nghiệp, công nghiệp và phát triển cơ sở hạ tầng.
Sản xuất giống cá tầm Xibêri là một sản phẩm của đề tài KC.06.17/11-15. Ảnh: P.V
Báo cáo tổng kết tại hội thảo cho biết, trong giai đoạn qua đã có 8 giống lúa mới được nghiên cứu nằm trong nhóm chọn tạo các giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao. Sau khi kết thúc chương trình trồng trên 100.000ha, năng suất tăng so với đối chứng 0,5 tấn/ha thu được 50.000 tấn thóc, giá trung bình cả nước là 6.500 đồng/kg thu được 325 tỷ đồng.
Chương trình KC.06/11-15 được thực hiện trong 5 năm (từ 2011 – 2015), với 47 nhiệm vụ, trong đó có 23 đề tài và 24 dự án sản xuất thử nghiệm (SXTN). Kết thúc chương trình có 108 quy trình công nghệ được chuẩn hoá đồng bộ, tiên tiến trong sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, tiêu biểu như quy trình thâm canh ngô thương phẩm cho giống ngô lai LVN111, LVN102 cho năng suất cao hơn giống khác 2-3 tấn/ha. Đặc biệt, quy trình công nghệ ương giống và nuôi thương phẩm cá chình hoa theo hình thức công nghiệp cho thu nhập từ 32-64 tỷ đồng/năm/1 triệu con.
Cú hích cho nông nghiệp
Đối với nhóm sản phẩm ứng dụng, chương trình đã tạo ra 19 cây trồng được công nhận là giống sản xuất thử và giống chính thức (gồm 8 giống lúa, 2 giống đậu tương, 2 giống ngô, 1 giống cây trinh nữ hoàng cung, 2 giống cam quýt không hạt và 2 giống thanh long).
Video đang HOT
TS Phạm Hữu Giục cho rằng: Nhìn chung Chương trình KC.06/11-15 đạt được các tiêu chí đã đề ra như trình độ KHCN, sở hữu trí tuệ, đào tạo, phục vụ sản xuất kinh doanh. Về phát triển doanh nghiệp, Công ty TNHH Thiên Dược đã được Bộ KHCN công nhận là doanh nghiệp KHCN; những đề tài, dự án đóng góp vào sự phát triển của doanh nghiệp như máy biến áp 220kV đạt tiêu chuẩn IEC60076, viên thuốc Crila forte, chế phẩm sinh học của Công ty CP Thanh Hà, các giống ngô, lúa của Công ty CP Giống cây trồng Miền Nam, Thái Bình… “Đối với Chương trình KC.06/11-15 còn một mảng các đề tài, dự án phục vụ sản xuất nông nghiệp. Những đề tài, dự án này khi kết thúc sẽ có hàng loạt tiến bộ kỹ thuật được áp dụng đại trà. Đây là cú hích quan trọng để nông, lâm, ngư nghiệp của chúng ta với các mặt hàng thuộc vào loại nhất nhì thế giới tiếp tục giữ vững vị trí của mình” – TS Phạm Hữu Giục cho biết.
Cũng theo Ban chủ nhiệm Chương trình, sản phẩm của các đề tài, dự án mang lại doanh thu từ việc tiêu thụ sản phẩm khoảng 255.425 triệu đồng, từ chuyển giao công nghệ khoảng 350 triệu đồng, từ cung cấp các dịch vụ đạt 1.080 triệu đồng. Đồng thời tạo việc làm cho 2 triệu lao động. Giảm nhập khẩu nguồn vật liệu, thức ăn 370.000 triệu đồng, cũng như đảm bảo an ninh lương thực cho đất nước.
Một số đề tài/dự án nổi bật là đề tài KC.06.11/11-15 “Nghiên cứu giống bông kháng thuốc trừ cỏ bằng kỹ thuật chuyển gen”. Đề tài đã thiết kế được các vectơ chuyển gen cũng như xây dựng được các dòng/giống bông có gen kháng sâu và thuốc diệt cỏ. Cung cấp các dẫn liệu khoa học, cơ chế của quá trình cũng như quy trình cơ bản về chuyển gen thực vật, cung cấp phương pháp cơ bản nghiên cứu, đánh giá và chọn lọc cây chuyển và góp phần phát triển lĩnh vực khoa học, tạo các giống cây trồng chống chịu sâu và thuốc trừ cỏ. Giống bông đưa vào sản xuất sẽ giảm đáng kể chi phí và chất lượng của sản phẩm.
Tiếp đó là dự án sản xuất thử nghiệm KC.06.DA14/11-15 “Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất viên nang cứng Crila đáp ứng nhu cầu xuất khẩu”. Lần đầu tiên một sản phẩm Việt Nam Crila forte được cấp phép và xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Công ty Zuelling Pharma đã ký hợp đồng độc quyền phân phối trên thị trường Việt Nam.
Trong lĩnh vực thủy sản có thể kể đến đề tài KC.06.06/11-15 “Nghiên cứu công nghệ sản xuất giống cá tầm Xibêri”. Thành công trong sinh sản nhân tạo cá tầm mở ra việc chủ động sản xuất giống cá trong nước, giảm phụ thuộc nguồn giống nhập nội, là cơ sở giảm giá thành sản xuất và phát triển nuôi cá tầm giá trị kinh tế cao.
Cần đẩy mạnh triển khai
Những thành công này của chương trình đã khẳng định vai trò quan trọng của nông- ngư nghiệp trong việc phát triển kinh tế – xã hội đất nước cũng như khẳng định vai trò không thể thiếu của KHCN trong sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chương trình cũng gặp một số khó khăn. Ông Phạm Hữu Giục nhận định, hình thức tổ chức hoạt động KHCN theo chương trình là rất hay và có hiệu quả. Những kết quả của các đề tài riêng lẻ sẽ là tiền đề cho việc phát triển những ngành nghề quan trọng trong tương lai như nuôi tôm, nuôi cá tra, cà phê, điều, nhất là các đề tài về lúa. Hiện nay, việc xác định nhiệm vụ thuộc các chương trình tương đối phức tạp với các nhà khoa học.
Vì vậy, để xây dựng nhiệm vụ thuộc chương trình trong thời gian tới, ông Phạm Hữu Giục kêu gọi các nhà khoa học, các nhóm nhà khoa học thuộc các viện, trường, doanh nghiệp đề xuất ý tưởng rồi thông qua các hội đồng tư vấn do Bộ KHCN chủ trì quyết định thành lập hội đồng này để lựa chọn cách đề xuất tốt nhất.
Do vậy, Nhà nước nên sớm công bố các chương trình phát triển KTXH ngắn hạn 5 năm và dài hạn 10 năm để các nhà khoa học dựa vào đó đề xuất những ý tưởng hoặc nhiệm vụ nghiên cứu có tính khả thi cao phục vụ việc phát triển KTXH.
Các đại biểu tham dự hội nghị tổng kết vừa qua cũng đề xuất tiếp tục duy trì Chương trình KC.06/11-15 ở giai đoạn tới vì nó thực sự hiệu quả về khoa học, kinh tế môi trường.
Mới đây, tại hội nghị tổng kết chương trình, Thứ trưởng Bộ KHCN Phạm Công Tạc đánh giá cao kết quả mà Chương trình KC.06/11-15 đạt được. Đồng thời Thứ trưởng cũng cho rằng với những sản phẩm chủ lực đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường EU, Mỹ, như cá chình hoa hay viên nang thực phẩm chức năng Crila Forte thuộc Dự án hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất viên nang cứng Crila (TS Nguyễn Thị Ngọc Trâm làm chủ nhiệm), được bào chế từ nguyên liệu là cây trinh nữ hoàng cung với vùng trồng đạt tiêu chuẩn GMP. Đây là sản phẩm chủ lực, thể hiện chỗ đứng của nông nghiệp và trình độ nghiên cứu khoa học của Việt Nam có chỗ đứng ở thị trường trong nước và thế giới.
Theo Danviet
Nuôi cá tầm trên "đất lửa" khó mà dễ
"Nếu chỉ nuôi cho sống thì đó là một việc quá đơn giản, thế nhưng để cá tầm phát triển tốt và mang lại lợi nhuận thì đòi hỏi phải có những kinh nghiệm thực tế nhất định", ông Trần Quý, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) mở đầu câu chuyện.
Dù là con vật hoàn toàn mới và đang trong giai đoạn thử nghiệm, thế nhưng qua 2 lần nuôi với trọng lượng đạt cao hơn từ 20-30% so với lý thuyết, có thể khẳng định mô hình nuôi cá tầm là sự lựa chọn đúng, thành công của huyện miền núi Sơn Tây.
Đảm bảo nhiệt độ nguồn nước là yếu tố quyết định đến sự thành bại trong việc nuôi cá tầm.
Theo ông Quý, so với lý thuyết trên thực tế việc nuôi cá tầm có rất nhiều điều chỉnh. Yếu tố đầu tiên quyết định đến sự thành bại đối với vật nuôi mới này đó chính là nhiệt độ nước.
Là con vật sống ở xứ lạnh nên đòi hỏi nhiệt độ nguồn nước chọn nuôi ở các khu vực trong tỉnh phải đạt từ 18-23 độ C. Bên cạnh đó, quá trình chăm sóc cũng đóng vai trò không kém phần quan trọng để cá phát triển.
Tùy theo cân nặng của cá mà lượng thức ăn cho cá ở mỗi giai đoạn khác nhau.
Ông Quý bộc bạch: Theo hướng dẫn của một số tài liệu thì tùy theo cân nặng mà thức ăn cho cá dao động từ 5-10% so với trọng lượng của cá. Thức ăn cho cá được chia từ 2-4 lần/ngày....
Thế nhưng qua thực tế 2 lần nuôi đã có một số khác biệt. Cụ thể số lần cho cá ăn trong ngày tăng lên là 6, với số lượng thức ăn cho mỗi lần cũng có sự khác nhau. Theo đó với tập quán ban đêm cá thường ăn nhiều hơn ban ngày, nên lượng thức ăn cho cá vào ban ngày khoảng 1,5 kg/hồ (hồ có diện tích 100m2/hồ), ban đêm tăng gấp đôi là 3kg/hồ.
Tuy nhiên cần phải theo dõi kỹ, nếu thấy thức ăn trong hồ dư thừa nhiều, hoặc ít thì phải điều chỉnh giảm, hoặc tăng thêm.
Thường xuyên kiểm tra vệ sinh và sự phát triển cá thả nuôi để có điều chỉnh, biện pháp xử lý phù hợp, kịp thời.
Tuyệt đối không nên để thức ăn thừa còn lại trong hồ nuôi nhiều dẫn đến bị ô nhiễm, cá sẽ bị nhiễm bệnh kém phát triển, hoặc chết.
Ngoài ra cần phải thường xuyên thay nước hồ nuôi. Theo đó cứ 2 ngày phải thay nước một lần. Và mỗi tuần ít nhất phải chà, cạo sạch rong rêu bám xung quanh hồ 1 lần.
Một trong số ao nuôi cá tầm vừa được thả nuôi thêm tại Sơn Tây.
Với trọng lượng trên 9kg/con sau khoảng 18 tháng, mô hình thí điểm đã đạt thành công ngoài mong đợi.
Mặc dù có sức đề kháng khá mạnh, nhưng không cá tầm vẫn có thể bị bệnh, và bệnh hay gặp nhất đối với cá tầm là nấm.
Khi cá tầm bị nấm, cần phải tháo nước ra ngoài, chỉ còn để lại khoảng 5m3 nước/hồ, sau đó bỏ lượng muối xuống để khử, với số lượng từ 3-5 kg muối/hồ (100m2/hồ), ông Quý cho biết.
Theo Dantri