Khẳng định thương hiệu chiếu cói Quảng Phúc
Là địa phương có diện tích đất bãi bồi ven sông lớn, với những cánh đồng cói trải dài, xã Quảng Phúc ( Quảng Xương) đã duy trì và phát triển nghề dệt chiếu cói hơn 50 năm nay.
Không những giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, việc phát triển nghề dệt chiếu cói còn góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa nghề truyền thống của địa phương.
Sản phẩm chiếu cói đang trong quá trình hoàn thiện.
Toàn xã hiện có gần 400 ha diện tích trồng cói, chiếm khoảng 64% diện tích đất sản xuất nông nghiệp; tập trung tại các thôn Liên Sơn, Văn Giáo, Ngọc Bình, Ngọc Nhị và Ngọc Đới. Từ nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, xã Quảng Phúc đã khuyến khích, động viên, tạo điều kiện cho những hộ có tâm huyết với nghề được vay vốn để mở rộng sản xuất, đầu tư mua máy dệt chiếu, nâng cao chất lượng sản phẩm; từ đó, tạo việc làm và đem lại thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động địa phương. Hiện nay, sản phẩm chiếu cói Quảng Phúc đã được người tiêu dùng quan tâm, khẳng định chất lượng tại thị trường trong và ngoài nước. Để mục sở thị quy trình dệt chiếu cói, chúng tôi tìm đến gia đình bà Lê Thị Dục, là một trong những “người giữ nghề” dệt chiếu cói có thâm niên tại thôn Ngọc Bình. Trong không gian nhà xưởng nhộn nhịp người qua lại cùng những loại máy móc đang hoạt động hết công suất, bà Dục đang tất bật xếp gọn những chiếc chiếu để kịp cho chuyến hàng. Là thành viên của gia đình nhiều năm lưu truyền nghề dệt chiếu cói, bà chia sẻ: Chiếu cói Quảng Phúc được sản xuất từ 2 nguyên liệu chính là cây cói và sợi đay. Nghề dệt chiếu không quá khó, nhưng vất vả vì phải trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ từ thu hoạch cói, phân loại, đem phơi,… đến dệt; đòi hỏi người thợ phải xử lý thật tinh ý, sao cho các đường bẻ mép, bắt biên gọn gàng đều tắp”. Theo bà Dục, sau khi thu hoạch cói, người dân sẽ gom cói thành những bó vừa tay để giũ cho sạch cỏ, rác hoặc những sợi chết khô và chỉ để lại những sợi cói tươi xanh, sau đó sẽ phân loại những sợi dài, ngắn khác nhau và đem phơi ngay trên ruộng vừa thu hoạch xong. Khi dệt chiếu, đòi hỏi người thợ phải có đôi bàn tay khéo léo để sợi cói vào khuôn dệt theo quy luật sao cho nhanh và đều, tránh làm đứt sợi đay; phải giấu được sợi đay, mối ghim đều, chắc, cắt biên đều nhau; sau khi dệt xong sẽ tiếp tục công đoạn may viền chiếu với các loại vải phù hợp, tạo mẫu mã đẹp và độ bền cho sản phẩm… Sau nhiều năm dệt chiếu thủ công, năm 2013, trước thách thức của thị trường, đòi hỏi số lượng hàng hóa nhiều hơn, mẫu mã, chất lượng bền đẹp, gia đình bà Dục đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng để mua máy dệt chiếu, máy may bìa và mở rộng xưởng sản xuất. Đến nay, mỗi tháng, gia đình bà Dục cung cấp cho thị trường khoảng hơn 20.000 chiếc chiếu thô; doanh thu trung bình mỗi tháng đạt khoảng hơn 1 tỷ đồng. Hiện, xưởng sản xuất chiếu cói của gia đình bà Dục đang tạo việc làm cho khoảng 20 lao động, với thu nhập từ 4 đến 6 triệu đồng/người/tháng.
Ông Bùi Ngọc Tam, Chủ tịch UBND xã Quảng Phúc, cho biết: Nhiều năm trở lại đây, để duy trì và phát triển nghề, người dân xã Quảng Phúc đã mạnh dạn áp dụng khoa học – kỹ thuật, đầu tư các loại máy móc để nâng cao năng suất, chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Vì vậy, không chỉ thu hút khách hàng trong và ngoài tỉnh, chiếu cói Quảng Phúc còn được xuất bán ra các nước như Trung Quốc, Lào, Thái Lan… Để nghề dệt chiếu cói giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, xã Quảng Phúc đã thành lập HTX sản xuất, kinh doanh và dịch vụ nông nghiệp Quảng Phúc; bên cạnh công tác đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật dệt chiếu, HTX còn hỗ trợ người dân bao tiêu sản phẩm, liên kết sản xuất; giới thiệu, quảng bá sản phẩm của địa phương ở thị trường trong nước và quốc tế.
Vừa qua, UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành quyết định công nhận làng nghề truyền thống dệt chiếu cói cho các thôn: Ngọc Đới, Ngọc Bình, Ngọc Nhị, Văn Giáo và Liên Sơn. Đây là cơ sở và niềm tin để người dân tại các làng nghề chiếu cói tiếp tục gắn bó, gìn giữ và phát triển nghề; bên cạnh đó, tích cực ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, đầu tư máy móc hiện đại để nâng cao chất lượng, mẫu mã và giá trị của sản phẩm chiếu cói Quảng Phúc.
Tháo gỡ khó khăn, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng nông nghiệp
Quý I/2022, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đã vượt kế hoạch nhưng về tăng trưởng toàn ngành dù đạt mức tăng tích cực 2,45% nhưng vẫn chưa đạt kế hoạch đề ra (3,1%).
Video đang HOT
Điều này, đòi hỏi toàn ngành nông nghiệp phải tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh nông sản hàng hóa của từng vùng miền để tăng trưởng quý II có thể đạt từ 2,9 - 3%.
Thu hoạch lúa trên cánh đồng mẫu lớn tại xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Ảnh minh họa: Ngọc Thiện - Lê Nghĩa/Báo Tin Tức
Nỗ lực tháo gỡ khó khăn
Những tháng đầu năm, thời tiết rét đậm rét hại kéo dài tại các tỉnh phía Bắc, dịch bệnh trên vật nuôi vẫn xảy ra, giá nguyên liệu đầu vào, vật tư nông nghiệp tăng. Nhưng giá sản phẩm nông, lâm, thủy sản lại bấp bênh, đặc biệt đối với những sản phẩm vào vụ thu hoạch như: thanh long, mít, xoài, thịt lợn, tôm trong khi nhu cầu tiêu thụ trong nước hạn chế, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.
Đặc biệt, tình hình xung đột chính trị giữa các nước trên thế giới đã khiến giá nhiều nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao. Cụ thể: ngô hạt tăng gần 23% so với cùng kỳ năm ngoái; khô dầu đậu tương tăng 13,4%; DDGS (bã ngô) tăng 14,3%; bột cá tăng trên 14%... Theo đó, giá các loại thức ăn chăn nuôi công nghiệp thành phẩm cho lợn thịt tăng 22,5%; cho gà lông trắng tăng 28,8%; cho gà lông màu tăng 24,2%.
Trong tình hình đó, các lĩnh vực đã chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất nhằm hạn chế thiệt hại do thiên tai và biến động thị trường. Các địa phương chuẩn bị giống, phân bón, vật tư nông nghiệp để xuống giống, chăm sóc và thu hoạch lúa, hoa màu trong khung thời vụ tốt nhất, hạn chế tối đa ảnh hưởng của rét đậm, rét hại, hạn hán, xâm nhập mặn.
Tính đến trung tuần tháng 3/2022, vụ lúa Đông Xuân, cả nước đã thu hoạch được 864,6 nghìn ha, năng suất trên diện tích thu hoạch đạt 71,2 tạ/ha. Các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã hoàn thành thu hoạch lúa Mùa với sản lượng tăng khá và đạt 881,2 nghìn tấn, tăng 32,4% (tương đương 215,8 nghìn tấn).
Sản lượng nhiều cây ăn quả và cây công nghiệp chủ lực tăng so với cùng kỳ; chăn nuôi bò, lợn và gia cầm giữ nhịp tăng trưởng, sản lượng thịt hơi các loại đều tăng. Sản lượng nuôi trồng thủy sản và khai thác gỗ tăng mạnh.
Đặc biệt, lĩnh vực thủy sản tiếp tục được điều chỉnh sản xuất theo đúng định hướng là giảm khai thác, tăng nuôi trồng. Tổng sản lượng ước đạt 1.863,6 nghìn tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng sản lượng khai thác đã giảm 1,2%, còn nuôi trồng tăng 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Tổng cục Thủy sản, ngành tiếp tục hướng dẫn các địa phương tập trung phát triển nuôi trồng các đối tượng nuôi chủ lực và các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao theo hướng nâng cao giá trị thương mại và phát triển bền vững. Theo dõi diễn biến thời tiết, dự báo ngư trường, tình hình khai thác hải sản của ngư dân trên các vùng biển để kịp thời hỗ trợ ngư dân yên tâm sản xuất an toàn, hiệu quả.
Trước tình hình giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, các địa phương cần từng bước điều chỉnh cơ cấu vật nuôi theo hướng tăng chăn nuôi gia súc ăn cỏ, giảm chăn nuôi lợn, gia cầm để tận dụng các loại phụ phẩm trồng trọt, ngô sinh khối, cỏ, giảm tiêu thụ ngô, khô dầu các loại. Tăng diện tích đất trồng thâm canh các loại cỏ, ngô sinh khối làm thức ăn cho gia súc ăn cỏ. Hay việc ứng dụng công nghệ, xây dựng công thức khẩu phần thức ăn có nguyên liệu trong nước để giảm giá thành sản phẩm thức ăn chăn nuôi.
Đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm
Trang trại chăn nuôi lợn liên kết với doanh nghiệp ở huyện Quốc Oai, TP Hà Nội. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn trên trong khi nhu cầu tiêu thụ trong nước hạn chế, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục trồng trọt cho biết, Cục sẽ theo dõi sát diện tích lúa tại khu vực nhiều khả năng bị ảnh hưởng khô hạn, xâm nhập mặn để có các giải pháp chỉ đạo sớm, tích trữ nước ngọt nhằm đảm bảo năng suất, sản lượng lúa. Ngành sẽ cùng các địa phương theo dõi, chỉ đạo sản xuất các cây công nghiệp, cây ăn quả, đặc biệt đối với cây ăn quả chủ lực phục vụ xuất khẩu như thanh long, nhãn, xoài, chôm chôm, sầu riêng để có chỉ đạo rải vụ các đối tượng cây trồng này phù hợp với thị trường tiêu thụ, có giá bán tốt và hiệu quả kinh tế cao.
Đến nay, việc rải vụ trái cây tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long thành công mang hiệu quả kinh tế đối với 5 loại cây như: thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng, nhãn, giúp tăng hiệu quả từ 1,5 - 2 lần so sản xuất chính vụ.
Để thúc đẩy phát triển chăn nuôi, đảm bảo nguồn cung thực phẩm, Cục Chăn nuôi cho biết, đơn vị tiếp tục hỗ trợ phát triển, hỗ trợ tiêu thụ, lưu thông sản phẩm của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chăn nuôi. Đặc biệt là triển khai nhanh mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh trên các đối tượng vật nuôi, nhất là đối với chăn nuôi lợn.
Cục tăng cường giám sát quản lý chất lượng vật tư lĩnh vực chăn nuôi, đặc biệt là kiểm soát an toàn thực phẩm. Đồng thời phối hợp với các đơn vị chức năng có liên quan tiến hành xử lý các vụ việc vi phạm về chất lượng giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi...
Để phát triển thị trường tiêu thụ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Bộ theo dõi, nắm bắt và tổng hợp thông tin, số liệu về giá cả, tình hình sản xuất và nguồn cung các mặt hàng nông sản tại các địa phương trong nước trong điều kiện mới. Qua đó tăng cường hỗ trợ kết nối, thúc đẩy chế biến, tiêu thụ trong nước. Đặc biệt là tiếp tục tháo gỡ khó khăn tiêu thụ, xuất khẩu nông sản tại địa phương sản xuất nông nghiệp trọng điểm và tại các cửa khẩu chính với Trung Quốc.
Các đơn vị chức năng tiếp tục thúc đẩy mở cửa thị trường nông sản với các nước; kịp thời cung cấp các thông tin, các quy định thị trường, kiểm soát xuất nhập khẩu Việt Nam-Trung Quốc.
Riêng với thị trường Trung Quốc, xuất khẩu nông sản sang thị trường này quan trọng là việc thực hiện Lệnh 248 và Lệnh 249. Bên cạnh đó, Trung Quốc vẫn siết chặt nhập khẩu bởi chính sách "Zero COVID" với tất cả các nước nhập khẩu, nên các cơ quan quản lý khuyến cáo các doanh nghiệp kiểm soát hàng hóa từ khâu đóng gói, vận chuyển... để đảm bảo trong kiểm soát dịch.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, đối với thị trường truyền thống thì cần tận dụng tối đa; tập trung phát huy các thị trường ngách; thị trường mới cũng cần nghiên cứu, phát huy. Khi dịch COVID-19 làm đứt gãy nhiều chuỗi sản xuất nhiều quốc gia thì cần đẩy nhanh xuất khẩu vào các thị trường như Mỹ, EU, Nhật Bản... Việc phát triển toàn diện các thị trường, vừa để phát triển xuất vừa để thúc đẩy xuất khẩu nông sản.
Đề án nâng cao hiệu quả khuyến nông: Không tăng biên chế, nhưng cán bộ khuyến nông phải sống được bằng nghề Lực lượng khuyến nông cộng đồng sẽ được tập huấn, nâng cao trình độ. Không mở rộng biên chế nhưng cán bộ khuyến nông phải sống được bằng nghề của mình. Đó là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam tại hội nghị công bố đề án nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở...