Khẩn trương ngăn dịch bùng phát khi người từ TP.HCM về các tỉnh
Các chuyên gia cho rằng việc người dân rời TP.HCM về quê là nhu cầu chính đáng. Vai trò của các tỉnh là kiểm soát tốt những người này khi độ phủ vaccine Covid-19 còn thấp.
Bà Trần Hồng (49 tuổi, Cà Mau) đứng lặng người nhìn dòng xe máy chạy ngang con đường nhỏ trước chợ huyện Thới Bình. Suốt mười mấy năm qua, lần đầu tiên bà chứng kiến cảnh tượng xe nối tiếp xe vội vã chạy theo đoàn cán bộ dẫn đường, đến thẳng trường học để cách ly.
“Có người vẫy tay khi gặp người quen, nhưng không giống niềm vui của ngày về quê đón Tết. Nhìn cảnh tượng lúc đó, tôi cũng tự nhiên chảy nước mắt, mừng và thương bà con về quê an toàn”, bà Hồng nói với Zing .
Tại Cà Mau, nhiều trường học đã được trưng dụng thành nơi cách ly tạm cho người dân trở về từ vùng dịch.
Những ngày qua, hàng chục nghìn người từ Long An, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai chạy xe máy trên khắp các tuyến quốc lộ tỏa về các địa phương. Lực lượng chức năng tại các tỉnh miền Tây đang căng sức phân luồng cách ly, sàng lọc F0 để tránh lây lan dịch bệnh.
Miền Tây căng sức phòng dịch
Trao đổi với Zing , ông Ngô Văn Tán, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bến Tre, cho biết trong ngày 4/10, tỉnh đã tiếp nhận 605 trường hợp ở các tỉnh, thành phố tự phát trở về. Tỉnh đã huy động và sẵn sàng trưng dụng các nhà văn hóa, đình, trường học… để phục vụ cách ly người dân trở về.
Vợ chồng ở An Giang mang theo đồ đạc lỉnh kỉnh từ Bình Dương trở về quê sau 4 tháng thất nghiệp vì dịch Covid-19. Ảnh: Duy Hiệu.
“Chúng tôi xác định khi người dân từ vùng dịch khi trở về, nguy cơ xảy ra dịch sẽ cao. Vì vậy, chủ trương của chúng tôi là rà soát, cách ly và xét nghiệm, đảm bảo quản lý tốt bà con, không bỏ sót trường hợp F0″, ông Tán nói.
Bên cạnh đó, Bến Tre đang rà soát những trường hợp công dân ngoài tỉnh về địa phương. Trường hợp nguy cơ cao sẽ được ưu tiên tiêm vaccine để phòng bệnh.
Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Bến Tre, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam nhấn mạnh địa phương này tổ chức cách ly tập trung để quản lý chặt chẽ tất cả người từ vùng dịch về tỉnh. Quá trình cách ly tập trung là 7 ngày để ngành chuyên môn có đủ thời gian phân loại và cách ly điều trị nếu có F0.
Ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết nhiều ngày qua, tỉnh đón hàng nghìn người đi xe máy về quê. Để đảm bảo kiểm soát tốt trường hợp này, bà con được bố trí cách ly tạm tại các trường học để xét nghiệm sàng lọc. Lãnh đạo tỉnh Cà Mau cũng cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch Covid-19.
Video đang HOT
Ông Việt cho biết các tỉnh miền Tây đã kiến nghị TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An ngừng cho bà con tạm trú về quê. Bởi số lượng người về quê quá lớn khiến tỉnh gặp khó khăn và quá tải trong việc kiểm soát.
Vợ chồng anh Lê Thanh Tài và chị Nguyễn Thị Ngân (quê An Giang) lên Bình Dương được 4 tháng thì 3 tháng mất việc vì dịch, họ quyết định đi xe máy trở về quê. Ảnh: Duy Hiệu.
Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh An Giang, trong ngày 4/10, tỉnh này ghi nhận 15 F0 là người về từ Long An, TP.HCM, Bình Dương, được phát hiện tại chốt kiểm soát dịch.
Từ ngày 1/10 đến sáng 4/10, tỉnh đã tiếp nhận trên 27.000 người qua chốt kiểm soát. Các huyện, thị xã, thành phố đã đón về địa phương trên 15.000 người. Số lượng này vượt quá quy mô, khả năng cách ly, điều trị của tỉnh.
Trước tình hình này, An Giang đã thành lập Ban Tổ chức tiếp nhận công dân ngoài tỉnh về địa phương. Để giảm tải áp lực cho hệ thống y tế, tỉnh quyết định cho phép cách ly tại nhà với người trở về tỉnh đủ điều kiện gồm: tiêm 1-2 mũi vaccine, test nhanh hoặc rRT-PCR âm tính (kể cả chưa tiêm vaccine).
Giải pháp giúp giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh
Trao đổi với Zing , PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội kiểm soát nhiễm khuẩn TP. Hà Nội, cho rằng trước tình trạng người dân từ vùng dịch trở về quê, nếu không kiểm soát chặt chẽ, các địa phương sẽ rất khó khăn trong công tác phòng dịch.
“Rất nhiều tình huống lây nhiễm có thể xảy ra trong bối cảnh hỗn loạn tại chốt kiểm soát, từ việc lây nhiễm khi tụ tập đông đúc, lây nhiễm trên đường đi. Chỉ một F0 không cách ly nghiêm túc, nguy cơ lây lan dịch tại các tỉnh này rất cao”, PGS Hùng nói.
Chuyên gia này cho rằng để đảm bảo không xảy ra lây nhiễm, địa phương cần lên kế hoạch và có đầu mối làm việc với TP.HCM, Bình Dương, tổ chức đón người dân có nguyện vọng về quê.
Ông nhấn mạnh khâu tổ chức rất quan trọng để tránh xảy ra lây nhiễm. “Việc không chấp thuận cho bà con về quê sẽ dễ xảy ra tình huống lén lút và trốn trách khai báo y tế. Điều này nguy hiểm tương tự giai đoạn Việt Nam cảnh báo nguy cơ dịch từ người nhập cảnh trái phép”, ông nói thêm.
Chuyến xe khách đưa người dân từ chốt kiểm soát về quê. Ảnh: Chí Hùng.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia dịch tễ, cho rằng việc người dân ồ ạt rời TP.HCM về quê là nhu cầu chính đáng. Do đó, vai trò của các địa phương là đảm bảo kiểm soát tốt những người này, trong bối cảnh hầu hết tỉnh miền Tây có độ phủ vaccine rất thấp.
Đầu tiên là phân loại qua test nhanh kháng nguyên, người đã tiêm ngừa 1 hoặc 2 mũi vaccine, người có nguy cơ cao, chưa tiêm vaccine… để có phương án cách ly phù hợp.
Đặc biệt, ông cảnh báo nguy cơ lây nhiễm dọc đường đi rất cao, nhất là tình huống người về quê ghé vào hàng quán. Do đó, để đảm bảo không xảy ra bùng phát dịch, vai trò của chính quyền xã, phường, thị trấn, đặc biệt là người dân rất quan trọng.
“Người dân lúc này có vai trò như pháo đài quan trọng để cảnh báo dịch. Khi thấy người từ tỉnh khác về mà chưa cách ly, cần thông báo cho chính quyền địa phương. Các chủ cửa hàng buôn bán dọc quốc lộ cũng cần tuân thủ 5K vì có thể bà con về quê sẽ tạm dừng chân”, bác sĩ Khanh khuyến cáo thêm.
Chuyên gia này cho biết ông vẫn mong muốn bà con cố gắng ở lại thành phố, tranh thủ tiêm vaccine phòng bệnh. Nếu có nguyện vọng về quê, bà con nên kết nối với chính quyền địa phương.
“Thời gian tới, khi tình hình dịch ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai ổn định hơn, rất có thể hàng chục nghìn người vừa trở về này sẽ tiếp tục di chuyển lên để làm việc, nguy cơ dịch lúc này có thể chuyển về hướng các tỉnh Đông Nam bộ”, bác sĩ Khanh nói thêm.
Cà Mau phát hiện chùm ca dương tính SARS-CoV-2 liên quan BN22348
Qua tầm soát, xét nghiệm trong khu cách ly tập trung, Cà Mau phát hiện thêm 7 người dương tính với SARS-CoV-2 liên quan BN22348.
Chiều 7/7, UBND tỉnh Cà Mau ban hành công điện về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới khi phát hiện nhiều người dương tính trên địa bàn.
Theo đó, qua tầm soát, xét nghiệm trong khu cách ly tập trung, Cà Mau phát hiện thêm 7 người dương tính với SARS-CoV-2, đều liên quan đến BN22348.
Báo cáo nhanh của ngành y tế địa phương cho thấy đây là chùm ca bệnh chỉ lây lan tại 2 hộ gia đình do không tuân thủ đúng qui định cách ly tại nhà.
Ảnh minh hoạ.
Nhằm tăng cường kiểm soát không để lây lang dịch bệnh trong cộng đồng, từ 0h ngày 8/7, Cà Mau tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh, dịch vụ: quán bar, vũ trường, karaoke, phòng game, rạp chiếu phim, bi da, cơ sở massage, cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, phòng tập gym, yoga, phòng tập thể hình, thể dục dụng cụ, sân bóng đá, hồ bơi, các hoạt động ca hát tập trung đông người.
Các công ty, doanh nghiệp, hộ gia đình kinh doanh ăn uống không được mua, bán tại chỗ. Chỉ được mua, bán bằng hình thức mang về, đặt hàng và thanh toán trực tuyến. Người giao hàng phải đảm bảo đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt phải đeo khẩu trang và giữ khoảng cách.
Yêu cầu các địa phương, cơ sở tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm những cơ sở kinh doanh không thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Các cơ sở giáo dục, đào tạo công lập và ngoài công lập dừng cho học sinh, sinh viên, học viên đến trường (trừ các học sinh đang tham dự kỳ thi THPT đến hết ngày 8/7).
Cà Mau yêu cầu tất cả các công dân khi đến/về tỉnh Cà Mau cung cấp kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 3 ngày kể từ ngày có kết quả xét nghiệm.
Dừng tổ chức tiệc chiêu đãi, ăn uống đông người; hạn chế tham gia các buổi gặp mặt, tiệc tùng, liên hoan. Dừng tất cả các đoàn đi công tác ngoài tỉnh; trường hợp đặc biệt phải được cấp có thẩm quyền cho phép.
Chính quyền Cà Mau cũng kêu gọi người dân hạn chế đi ra khỏi nhà, nơi cư trú nếu không thật sự cần thiết. Trường hợp ra khỏi nhà, nơi cư trú phải thực hiện nghiêm các biện pháp 5K theo quy định. Không chia sẻ, dẫn lại những thông tin chưa được kiểm chứng, đồng thời cần tích cực thông tin tốt, các tác động lan tỏa nhận thức và hành động đúng đắn trong công tác phòng, chống dịch COVID - 19.
BN 22348 là người giao nước đá tại chợ Bình Điền, ngụ ấp Đầu Nai, xã Tân Phú, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau.
Trước 1/7, bệnh nhân làm công việc giao nước đá cho các vựa cá trong chợ đầu mối Bình Điền, quận 8, TP.HCM.
Sáng 2/7, bệnh nhân xe máy từ TP.HCM về Cà Mau. Trên đường đi, bệnh nhân ghé đổ xăng, ăn uống, nghỉ ngơi và khai báo y tế ở nhiều nơi.
Sau khi về đến nhà tại ấp Đầu Nai, bệnh nhân tiếp xúc 6 người (mẹ ruột, vợ, cháu vợ và 3 người con). Đến 14h cùng ngày, bệnh nhân ra trạm Y tế xã Tân Phú khai báo y tế và được ra quyết định cách ly tại nhà. Tại đây, bệnh nhân tiếp xúc với 1 nhân viên của trạm Y tế.
Đến khoảng 8h ngày 5/7, bệnh nhân nhận được tin người làm chung kết quả test nhanh dương tính với SARS-CoV-2 nên gọi điện báo cho trạm Y tế. Sau đó bệnh nhân được đưa đi cách ly tập trung tại ban Chỉ huy quân sự huyện Trần Văn Thời.
Đến 21h ngày 6/7, phòng xét nghiệm CDC Cà Mau trả kết quả bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Bệnh nhân hiện tại đang được cách ly điều trị tại bệnh viện Đa khoa Trần Văn Thời.
Cà Mau: Sau 9 ngày âm tính, mẹ và cháu của ca F0 dương tính SARS-CoV-2 Tỉnh Cà Mau vừa ghi nhận thêm 2 ca dương tính SARS-CoV-2 liên quan đến chùm ca bệnh tại xã Tân Phú (huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) là mẹ con. Ngày 16/7, tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau cho biết, 2 ca dương tính SARS-CoV-2 đều có liên quan đến BN22346 (tên Th., 30 tuổi). Bệnh nhân...