Khẩn trương hồi sinh Làng Nủ sau lũ quét kinh hoàng
Trong phút chốc, ngôi Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai xinh đẹp, bình yên đã bị lũ dữ kinh hoàng xóa sổ.
Chỉ ít người trong thôn Làng Nủ may mắn thoát nạn, số còn lại bị vùi lấp dưới hàng triệu triệu đất đá, cành cây, dưới con suối Ủ bên cạnh núi Voi.
Nén đau thương và cố gắng vượt lên nỗi đau đớn mất mát khủng khiếp ấy, chính quyền và những người dân may mắn sống sót còn lại ở nơi đây đang nỗ lực tái thiết, hồi sinh Làng Nủ…
Ám ảnh kinh hoàng
5 ngày sau cơn lũ quét kinh hoàng, không khí tang thương vẫn bao trùm nơi đây, nhiều người dân trong làng với ánh mắt thất thần nhìn xa xăm vào đống đất đá hàng triệu tấn từ núi Voi đổ xuống, vùi lấp, san bằng cả thôn Làng Nủ chỉ trong tích tắc. Họ mong ngóng các lực lượng chức năng nhanh chóng tìm được những người thân mất tích trong cơn lũ dữ.
Chưa hết bàng hoàng trước những thiệt hại nặng nề do trận lũ ống, lũ quét gây ra đối với người dân địa phương, ông Hoàng Văn Diệp, trưởng thôn Làng Nủ cho biết: Núi Voi là ngọn núi bao đời che chở, bảo vệ cho các thế hệ người dân Làng Nủ và cũng là nơi cung cấp nguồn nước làm nên cánh đồng lúa trù phú bên dưới, nay lại nổi cơn thịnh nộ khiến cả thôn chìm trong tang tóc, đau thương. Chỉ sau một tiếng nổ, hàng triệu mét khối đất đá của núi Voi đã san phẳng ngôi làng nhỏ, cuốn 37 hộ gia đình với 158 nhân khẩu ra suối.
Lãnh đạo tỉnh Lào Cai và lực lượng chức năng kiểm tra, rà soát vị trí tái thiết Làng Nủ.
Những hình ảnh kinh hoàng về cơn lũ quét đổ xuống Làng Nủ vẫn còn ám ảnh trong tâm trí thân nhân các nạn nhân xấu số. Với vẻ mặt thất thần, đôi mắt trũng sâu sau mấy ngày không ngủ, anh Sầm Văn Bóng (sinh năm 1980) kể lại: Trước khi lũ quét xảy ra, trời mưa rất nhiều, có khi kéo dài đến cả tháng trời. Vì thế, bản thân anh và các thành viên trong gia đình nhiều ngày qua thường thay nhau thức để canh chừng, sợ lũ quét đổ về. Ngày 10/9, do có công việc phải đến nhà người em nên tôi dậy sớm và rời nhà lúc hơn 5h sáng.
Vừa đi được 400-500 mét thì nghe tiếng nổ lớn, quay lại thì mọi thứ đã quá muộn, lũ quét đổ về ầm ầm bao trùm cả Làng Nủ. Cơn lũ đã cướp đi 5 người trong gia đình anh Bóng gồm vợ anh là chị Hoàng Thị Xuyến (sinh năm 1984), con trai cả Hoàng Ngọc Bàn (sinh năm 2002), con dâu Đặng Thúy Nhài (sinh năm 2006), con gái út Hoàng Thị Xuân Mai (sinh năm 2008) và cháu nội mới 38 ngày tuổi. Sau 4 ngày, dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo kịp thời của các cấp chính quyền và được sự hỗ trợ tích cực của các lực lượng chức năng, đến sáng 14/9, toàn bộ 5 người trong gia đình anh Bóng bị mất tích đã tìm được thi thể và được an táng chu toàn theo phong tục của địa phương.
Không khí tang thương khủng khiếp bao trùm khắp thôn Làng Nủ. Không còn nước mắt để khóc, cạn kiệt sức lực bởi lũ quét kinh hoàng tàn phá chẳng còn để lại bất cứ thứ gì ngoài bùn đất, rác rưởi lẫn trong dòng suối giờ đang đông cứng lại. Những tiếng khóc xé lòng của thân nhân người mất tích mỗi khi lực lượng chức năng tìm thấy thi thể của người thân họ khiến những người xung quanh quặn lòng.
Cùng với Công an, lực lượng Quân đội cũng nỗ lực tìm kiếm các nạn nhân mất tích.
Sáng 12/9, khi lực lượng chức năng thông báo việc tìm thấy thi thể con gái thì tiếng gào khóc xé lòng của chị Đặng Phương Linh khiến những người xung quanh quặn lòng lại. 2 ngày nay, chị Linh đến hiện trường ngóng tin hai con bé bỏng đang học tiểu học và mẹ chồng mất tích. Những người thân luôn bên cạnh động viên chị cố gắng vượt qua nỗi đau đớn này. Trong tiếng nấc nghẹn ngào, chị Linh cho biết, sáng sớm 10/9, gia đình gồm mẹ ruột, chồng và hai con chị đang ngủ trong nhà. Một tiếng nổ lớn đã đánh thức chị dậy.
Bước ra cửa và nhìn lên phía núi Voi, chị Linh thấy một màu đỏ rực, rồi đất đá ầm ầm đổ xuống. Những tiếng hô hoán của chị bị nhấn chìm bởi hàng triệu triệu đất đá cùng những người thân của mình trong lũ quét khủng khiếp. “Thảm họa này khủng khiếp quá. Nó đến khi mẹ già và hai con nhỏ của tôi còn đang say giấc”, chị Linh nghẹn ngào khóc và cùng người thân đi theo quan tài đưa con đến nơi an táng.
Sau khi lo hậu sự xong cho con dâu và hai cháu gái, bà Hoàng Thị Sời (58 tuổi) cầm di ảnh cô cháu gái còn lại đến hiện trường tìm kiếm thông tin. Bà Sời chia sẻ nhà con trai bà gồm 5 người thì hiện chỉ có anh Hoàng Văn Nhầm (36 tuổi) may mắn sống sót, được người dân tìm thấy ở cuối làng. Hiện tại anh Nhầm đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên với chân bị gãy, đa chấn thương. 4 người còn lại là con dâu cùng 3 cháu đã chết và mất tích. Còn rất nhiều người dân vẫn đang trông chờ người thân của mình được tìm thấy sau chuỗi ngày dài mất tích bởi cơn lũ quét kinh hoàng.
Khẩn trương tái thiết, hồi sinh Làng Nủ
Chỉ 2 ngày sau khi xảy ra thảm họa lũ quét kinh hoàng ở Làng Nủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có mặt tại hiện trường. Chiều muộn ngày 12/9, dừng xe ở đầu cầu Làng Nủ, bất chấp nguy hiểm, sụt lún, Thủ tướng Phạm Minh Chính xuống đi bộ, trực tiếp lội xuống những điểm sạt lở, nơi các lực lượng Công an, Quân đội đang tìm kiếm những người mất tích để thị sát tình hình, thăm hỏi đời sống của người dân, kiểm tra, động viên các lực lượng đang làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ, phát biểu chỉ đạo nhanh tại đây.
Lực lượng Công an tỉnh Lào Cai, Bộ Công an giúp dân sau trận lũ quét kinh hoàng và tiếp tục tìm kiếm những nạn nhân còn mất tích.
Chứng kiến những hậu quả thảm khốc của cơn lũ quét kinh hoàng, lắng nghe những tâm sự buốt lòng, quặn đau của bà con nơi đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhiều lần bật khóc, bày tỏ nỗi xúc động mạnh mẽ, đau lòng trước thiệt hại vô cùng nặng nề của bão lũ gây ra trên địa bàn cả nước, trong đó có thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai. Sau khi gửi lời chia buồn, thăm hỏi ân cần, sâu sắc đến Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Lào Cai nói chung và các gia đình có người thân bị tử vong, bị thương, mất tích trong lũ lụt của thôn Làng Nủ nói riêng; động viên các lực lượng làm nhiệm vụ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo các bộ, ngành và tỉnh Lào Cai phải sớm khôi phục, xây dựng lại Làng Nủ mới an toàn, bình yên, văn minh cho người dân nơi đây, những người còn sống phần nào nguôi ngoai đi nỗi đau đớn đến tận cùng này.
Thủ tướng giao chậm nhất đến ngày 31/12/2024 phải có một ngôi làng mới đảm bảo an toàn, văn minh, lành mạnh, có nhà văn hóa, khu vui chơi cho trẻ em, người già. Cùng với đó, tỉnh Lào Cai, các đơn vị chức năng trong đó có Công an, Quân đội các lực lượng khác ổn định tình hình nhân dân, hỗ trợ khôi phục lại thôn Làng Nủ. Về xây dựng các trụ sở có thể giao cho các doanh nghiệp quân đội đảm nhiệm. Tinh thần là tỉnh phải chịu trách nhiệm là chính, cần gì, thiếu gì thì báo cáo Chính phủ để giải quyết với tinh thần không để ai bị đói rét, thiếu ăn thiếu mặc, thiếu nước sạch, chỗ ở, các lực lượng phải triển khai với tinh thần trên.
Trao đổi về công tác khắc phục hậu quả, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường cho biết: “Mất mát này là quá lớn. Địa phương đã nhanh chóng triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ người dân, đồng thời khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan chức năng khảo sát tìm kiếm và xác định vị trí tái thiết Làng Nủ sau lũ quét kinh hoàng. Chúng tôi rất mong sự chung tay của các lực lượng chức năng để địa phương sớm khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống nhân dân”.
Với sự vào cuộc kịp thời của các cấp chính quyền địa phương và lực lượng chức năng, công tác tìm kiếm nạn nhân và khắc phục hậu quả của trận lũ ống, lũ quét kinh hoàng xảy ra tại thôn Làng Nủ tiếp tục được triển khai, chạy đua theo thời gian. Cùng với đó, lãnh đạo tỉnh Lào Cai đã nhanh chóng lên phương án xây dựng khu tái định cư cho người dân Làng Nủ sớm ổn định cuộc sống.
Người dân Làng Nủ biểu quyết thống nhất về vị trí tái thiết nơi ở mới.
Chiều 15/9, tỉnh Lào Cai đã “chốt” triển khai xây dựng khu tái định cư thôn Làng Nủ. Tại cuộc họp giữa lãnh đạo tỉnh Lào Cai với Trường Đại học Mỏ – Địa chất, các chuyên gia địa chất, chính quyền địa phương, có 2 phương án lựa chọn địa điểm xây dựng Làng Nủ được đưa ra. Phương án thứ nhất: Lựa chọn xây khu tái định cư giữa cánh đồng (khoảng 3 ha). Tuy nhiên, sau khi đi thực địa cho thấy, phương án này không an toàn vì địa hình khu vực thấp, 2 dòng suối chảy quanh, nguy cơ lũ quét có thể xảy ra nguy hiểm. Phương án thứ hai: Lựa chọn khu vực đồi sim (rộng khoảng 10 ha), có địa hình cao, an toàn, thuận lợi bố trí hạ tầng giao thông, điện nước, rộng rãi. Phương án này qua khảo sát thực địa thấy rất hợp lý và được 100% người dân biểu quyết thống nhất.
Từ ngày 16/9, máy móc phương tiện kỹ thuật sẽ được huy động vào triển khai đo đạc, đền bù giải phóng mặt bằng và thi công để hoàn thành trước 31/12. Chính quyền đề nghị nhân dân cùng tham gia giúp đỡ công nhân xây dựng để có làng mới đẹp, khang trang, hồi sinh Làng Nủ. Khu tái định cư sẽ xây theo lối nhà sàn của người Tày, do Hội Kiến trúc sư Việt Nam thiết kế, đảm bảo giữ gìn và phát huy được nét truyền thống trong văn hóa của người dân nơi đây
Tang thương Làng Nủ: "Vợ con em chết hết cả rồi!"
Thảm họa kinh hoàng ập xuống Làng Nủ khiến gần 100 người chết và mất tích. Hoàng Văn Nhầm may mắn thoát chết, nhưng vợ và 3 đứa con thơ của anh đã mãi mãi không về
Khoảng 17 giờ ngày 11-9, công tác tìm kiếm hàng chục người đang còn mất tích trong vụ sạt lở kinh hoàng xảy ra tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai đã phải tạm dựng tới 7 giờ 30 sáng ngày 12-9 mới tiếp tục trở lại do nguy cơ sạt lở từ trên núi Con Voi có thể đổ xuống bất cứ lúc nào.
Hơn 30 ngôi nhà ở thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) bị san phẳng sau trận lũ quét kinh hoàng rạng sáng ngày 10-9 khiến 95 người chết và mất tích
Đến cuối giờ ngày 11-9, 34 thi thể đã được tìm thấy, trong khi 61 người khác vẫn đang mất tích dưới lớp bùn đất. Tang thương hơn, trong số 95 người chết và mất tích, có tới 18 đứa trẻ dưới 6 tuổi và 14 em dưới 14 tuổi. Tết Trung thu đang cận kề, những tưởng những đứa trẻ xóm núi nơi đây sẽ có một cái Tết Trung thu vui vẻ như bao đứa trẻ cùng trang lứa. Ai ngờ, tang thương ập đến.
Có lẽ với người dân thôn Làng Nủ, đêm nay lại một đêm không ngủ khi những người thân của của họ vẫn chưa được tìm thấy. Thảm họa ập đến khi những đứa nhỏ còn đang say giấc ngủ, chưa kịp thức giấc để tới trường, còn người lớn, phần đông chưa kịp ra đồng, đi nương, những người già đang dậy nấu nướng bữa ăn sáng.
Làng Nủ nhỏ bé định cư lâu đời bên dòng suối nhỏ hiền hòa dưới chân núi Con Voi giờ lại phải hứng chịu một trận lũ đất kinh hoàng và tang tóc. Làng Nủ đang chìm trong đau thương.
Lực lượng chức năng tìm kiếm người mất tích trong chiều 11-9
May mắn thoát chết trong trận lũ quét kinh hoàng, nhưng anh Hoàng Văn Nhầm (SN 1998) bị thương rất nặng. Anh được đưa tới bệnh viện trong tình trạng đa chấn thương, gãy xương chậu, không thể cử động được. Lúc tỉnh dậy trong bệnh viện, người đầu tiên anh hỏi là vợ và các con.
Nhưng khi nhận được câu trả lời, nước mắt anh cứ ứa ra, chảy dài trên gò mà. Rồi anh bật khóc nức nở "vợ và 3 đứa con em chết hết cả rồi, giờ em biết sống sao đây".
Nhớ lại thời khắc xảy ra trận sạt lở kinh hoàng, anh Nhầm kể lúc đó anh mới ngủ dậy thì nghe tiếng nổ lớn, nhìn lên phía núi Con Voi thì thấy một màu đỏ rực, rồi đất đá ầm ầm đổ xuống thôn.
Lực lượng chức năng tỉnh Lào Cai và các đơn vị tham gia cứu nạn cứu hộ trực tiếp tham gia chỉ đạo tìm kiếm tại hiện trường trong tối 11-9
"Lúc đó, em liền hô to gọi vợ con cùng tháo chạy lên đồi sau nhà để thoát thân. Nhưng mới tới nửa đường thì bùn đất ập xuống thổi bay cả nhà em. Khi tỉnh dậy thì thấy em mình đang nằm trong bệnh viện. Vợ con em mất hết rồi, chỉ còn mình em thôi"- anh Nhầm khóc nấc.
Ông Hoàng Văn Diệp, Trưởng thôn Làng Nủ, chưa hết bàng hoàng khi chứng kiến trận lũ quét khủng khiếp vùi lấp hơn 30 nóc nhà, trong đó là những người thân, bạn bè, hàng xóm cùng "tối lửa tắt đèn" có nhau. Ông Diệp nhớ lại: Rạng sáng ngày 10-9, thì bắt đầu có mưa to, trước đó thì mưa từng đợt nhỏ. Sau khi mưa to tầm 30 phút thì có lũ nhưng cũng không to lắm.
"Đến tầm gần 6 giờ tôi nghe thấy một tiếng nổ rất to, đất bung lên trời. Anh em chúng tôi đứng ở xa nhìn thấy bùn đất bay lên trên cao hàng trăm mét, rồi đổ ập xuống khu nhà các hộ dân. Vì điện và sóng điện thoại bị cắt hết nên tôi trực tiếp huy động bà con tìm kiếm cứu được khoảng hơn 10 người đưa đi cấp cứu, số còn lại đều bị bùn đất vùi lấp"- ông Diệp cho biết.
Anh Hoàng Văn Nhầm thẫn thờ trên giường bệnh khi mất hết người thân là vợ và 3 đứa con thơ
Theo người dân, phía trên thôn Làng Nủ là dãy núi Con Voi, do mưa lớn nước tích lại trên núi tạo nên túi nước khổng lồ. Sau đó, sạt lở xảy ra lúc sáng sớm 10-9 khiến túi nước cùng với đất bùn đổ xuống, vùi lấp hơn 30 nóc nhà.
Đến thời điểm này, trên địa bàn thôn Làng Nủ vẫn đang có mưa và nguy cơ xảy ra lũ rất cao, chính vì vậy công tác tìm kiếm cứu nạn gặp nhiều khó khăn do cả vùng gần như bị san phẳng, chỉ còn bùn, rác, nước lũ, các phương tiện hỗ trợ chưa thể tiếp cận hiện trường. Hiện tại, các lực lượng quân đội, công an tiếp tục được tăng cường vào địa bàn để tổ chức tìm kiếm, mong sớm tìm được các nạn nhân còn mất tích.
Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường nói về phương án tìm kiếm, cứu nạn
Quân khu 2 và tỉnh Lào Cai đã thành lập sở chỉ huy tiền phương tại xã Phúc Khánh để chỉ đạo công tác cứu hộ, tìm kiếm nạn nhân mất tích. Quá trình tổ chức tìm kiếm, cứu hộ sẽ do Trung tướng Phạm Hồng Chương, Tư lệnh Quân khu 2, và ông Đặng Xuân Phong, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai, trực tiếp chỉ đạo.
Đã có khoảng 600 người gồm lực lượng quân đội, công an, dân quân và chính quyền địa phương được điều động tới hiện trường hỗ trợ tìm kiếm người mất tích. Trong đó, Quân khu 2 đã điều động 300 cán bộ, chiến sĩ; công an là 200 cán bộ, chiến sĩ.
Khu vực núi Con Voi - nơi sạt lở ập xuống vùi lấp hơn 30 hộ dân thôn Làng Nủ
Ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, cho biết công tác tìm kiếm người mất tích sẽ còn khó khăn và kéo dài. Ông đề nghị phải xây dựng một đài quan sát, có hệ thống kẻng 5-6 cái xung quanh để báo động cho lực lượng tìm kiếm nhằm đảm bảo an toàn.
Theo ông Trường, khu vực này tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét nên cần thiết phải có đài quan sát. Nhiệm vụ của lực lượng tìm kiếm rất quan trọng, vì nhân dân nhưng phải đảm bảo an toàn. Quá trình tìm kiếm phải có tổng chỉ huy, không đi đơn lẻ để giữ liên lạc, nếu không khi có tình huống lại chủ quan.
Họp dân Làng Nủ trong đêm, biểu quyết chọn nơi ở mới Dưới sự tư vấn của cơ quan chức năng, đơn vị khảo sát, các hộ dân Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên (tỉnh Lào Cai) đã đồng ý chọn vị trí để xây dựng nơi ở mới. Tối 15/9, cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai đã có buổi họp với nhân dân Làng Nủ để đưa ra phương án chọn...