Khẩn trương đưa tiền vào nền kinh tế
Trước tình trạng tắc nghẽn tín dụng, ứ đọng vốn huy động từ trái phiếu, tại phiên họp Chính phủ ngày 28.2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành phải nhanh chóng giải ngân vốn cho xây dựng cơ bản, khẩn trương đưa tiền vào nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên họp chính phủ – Ảnh: Nhật Bắc
Tắc vốn trái phiếu, nghẽn dòng tín dụng
Theo báo cáo của Bộ KH-ĐT, sau 2 tháng đầu năm nền kinh tế có nhiều chuyển biến tích cực. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,24% so với cuối năm 2013, lạm phát cả năm nhiều khả năng kiểm soát được sát mục tiêu 6%. Đà tăng trưởng GDP tiếp tục được khẳng định khi chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,4%. Xuất nhập khẩu 2 tháng ước đạt 12,6 tỉ USD, tăng 12,3% so với cùng kỳ 2013, giúp cán cân thương mại xuất siêu 244 triệu USD.
Phê bình Hà Nội, TP.HCM chậm cổ phần hóa Liên quan đến việc tái cơ cấu DNNN, Thủ tướng nhắc lại cần quyết liệt hơn trong sắp xếp lại, đặc biệt quá trình thoái vốn, cổ phần hóa phải làm nhanh hơn. Thủ tướng phê bình Bộ VH-TT-DL chưa CPH được DN nào, Hà Nội có 52 DN nhưng trong 3 năm chỉ CPH được 3 DN. Đặc biệt, TP.HCM trong 3 năm qua không CPH được DN nào. “Đây là chủ trương, nghị quyết của T.Ư, vì vậy các bộ, ngành và đặc biệt Hà Nội và TP.HCM là hai đầu tàu cả nước phải cố lên, phải đột phá. CPH được sẽ làm cho DNNN hiệu quả hơn, góp phần nâng cao vai trò kinh tế nhà nước, tạo môi trường kinh doanh đầy đủ”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, nền kinh tế cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt tình trạng ứ đọng tiền và tắc tín dụng. Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo con số bội chi ngân sách 20.000 tỉ đồng, bằng 9% dự toán. Nhưng đáng lo ngại hơn là dù ngân sách huy động được tới gần 57.000 tỉ đồng trái phiếu chính phủ (TPCP) nhưng lại đang được Kho bạc Nhà nước mang đi gửi ngân hàng (NH), không được giải ngân cho các dự án.
Tiền huy động bị ứ đọng không chỉ khiến nền kinh tế đói vốn, mà theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình sẽ đe dọa thanh khoản hệ thống NH nếu xảy ra tình trạng kho bạc bất ngờ rút tiền. Ông Bình cũng kiến nghị Kho bạc Nhà nước chỉ nên duy trì khoảng 20.000 – 25.000 tỉ đồng để gối đầu, còn lại phải sớm giải ngân. Lãnh đạo hai ngành tài chính – ngân hàng cùng thừa nhận nếu không sớm giải ngân, khơi thông dòng tín dụng cho các doanh nghiệp (DN), nền kinh tế thời gian tới phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Không giải cứu “đại gia” bất động sản
Đánh giá về thị trường bất động sản (BĐS), Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết sau một thời gian giá giảm mạnh nay đã có dấu hiệu chững lại. Một số dự án tại các khu đô thị, chung cư tại Hà Nội giá tăng nhẹ, cho thấy thị trường BĐS đang ấm lên. Tồn kho BĐS đang giảm, gói tín dụng 30.000 tỉ đồng tiếp tục được giải ngân, tuy nhiên vẫn khá chậm. Thời gian tới cần tiếp tục đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường, hướng đến người dân, những người có nhu cầu thực nhưng không có nhà ở.
Video đang HOT
Liên quan đến vấn đề giải cứu BĐS, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cho rằng không cần phải giải cứu bởi hiện tại giá BĐS vẫn còn quá cao, các DN vẫn tính gấp đôi so với chi phí bỏ ra, ông chủ kinh doanh lĩnh vực này hầu hết là các đại gia đi siêu xe. Vì vậy, ông Thăng đề xuất cho kiểm toán độc lập vào xác định giá thành các khu đô thị, chung cư… rồi yêu cầu bán với giá được kiểm toán. Như vậy mới giúp người dân mua được nhà với giá tốt, các NH thương mại cũng thu được nợ. “Một số DN hiện đang trông chờ NH cho vay nên không chịu giảm, còn NH cứ nói cơ cấu nợ để chuyển từ nợ quá xấu thành nợ xấu làm gì”, ông Thăng nói.
Phải giữ lại cầu Long Biên Trước thông tin có phương án di dời cầu Long Biên, tại phiên họp, Thủ tướng yêu cầu phải giữ lại, không được phá. Thủ tướng cho biết, khi làm việc, Tổng thống, Thủ tướng Pháp đều muốn VN giữ nguyên cầu Long Biên. Phía Pháp sẽ giúp tài trợ tiền để bảo tồn. “Quan điểm từ trước tới nay là giữ nguyên, còn làm cầu mới ở chỗ nào tốt nhất, hay nhất thì các bộ, ngành bàn để phục hồi theo mức nào, sử dụng theo công năng nào phù hợp”, Thủ tướng khẳng định. A.V
Kiểm tra dấu hiệu DN liên kết tăng giá sữa
Góp ý vào vấn đề kinh tế xã hội, Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc VN Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ lo ngại quyền lợi của người tiêu dùng bị xâm hại khi các DN sữa liên tục thông báo tăng giá. “Trước đây dư luận đã đề cập 3 DN viễn thông lớn tăng cước 3G cùng thời điểm liệu có vi phạm luật Cạnh tranh không. Lần này thì đến các DN sữa, chỉ trong một thời gian ngắn các DN sữa lớn đều tăng giá”, ông Nhân nói và đặt nghi vấn: Có hay không việc các DN lớn này liên kết để tăng giá, vi phạm luật Cạnh tranh gây thiệt hại tới quyền lợi người tiêu dùng? Phát biểu sau đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Công thương chỉ đạo kiểm tra việc tăng giá sữa thời gian qua, xem có dấu hiệu liên kết tăng giá bất hợp lý hay không.
Thủ tướng yêu cầu, trước mắt nguồn tiền dành để đầu tư các dự án đã được huy động đủ, kinh tế vĩ mô ổn định, nguồn vật liệu và lực lượng xây dựng có sẵn, vì vậy cần sớm vào cuộc giải ngân vốn cơ bản. Bên cạnh đó, vốn đối ứng ODA đã có sẵn, phải quyết liệt giải phóng mặt bằng, đồng thời giúp các DN có vốn FDI triển khai đẩy nhanh các dự án, tạo đà tăng trưởng ngay từ đầu năm. “Giờ DN đang cần vốn, NHNN tìm mọi cách đưa vốn vào sản xuất kinh doanh kẻo lại lo tiền vào hệ thống quá lớn. Tôi đề nghị anh Vũ Văn Ninh, Hoàng Trung Hải chỉ đạo các bộ vào cùng làm. Cần đẩy nhanh giải ngân vốn cho các dự án trong mùa khô nhưng phải đi liền với kiểm soát chất lượng đừng để thất thoát, tiêu cực”, Thủ tướng chỉ đạo.
Đứt cầu treo Chu Va do ốc neo bị làm ẩu
Tại cuộc họp, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng có báo cáo sơ bộ về sự cố đứt cầu treo Chu Va (Tam Đường, Lai Châu) làm 8 người chết, 37 người bị thương. Ông Thăng cho biết nguyên nhân ban đầu được xác định là do ốc neo cáp cầu làm ẩu. Thay vì phải đúc nguyên khối thì con ốc này lại được hàn tạo lỗ, làm cho cấu tạo bị thay đổi, khả năng chịu lực quá kém.
Trước tình trạng DN đang cần vốn nhưng dư nợ tín dụng tăng trưởng âm, Thủ tướng yêu cầu NHNN phải có giải pháp đưa nhanh tiền vào sản xuất kinh doanh, nhưng rải đều chứ không để dồn nén vào các tháng cuối năm. Về các đề xuất của NHNN xây dựng một số chương trình thí điểm cho vay tam nông, như dành riêng khoản tín dụng cho ứng dụng khoa học vào sản xuất nông nghiệp, cho các mô hình sản xuất mới, Thủ tướng yêu cầu phải làm ngay trong quý 1/2014. Tuy nhiên, NHNN cần đưa ra điều kiện rõ ràng cho vay đối tượng nào, thời hạn vay đủ dài, đặc biệt lãi suất phải thấp hơn mặt bằng chung.
Về điều hành tỷ giá, Thủ tướng đánh giá cao việc NHNN mua được hơn 4 tỉ USD tăng dự trữ ngoại hối, nhưng cần phải chú ý giữ ổn định tỷ giá, bởi nếu phá giá đồng tiền sẽ tác động tới lạm phát. Bên cạnh đó, NHNN cần tiếp tục tập trung chỉ đạo nợ xấu, cơ cấu lại nợ khi hiện tại số nợ xấu chiếm 3% tổng dư nợ, nhưng thực tế nếu tính cả khoản cơ cấu lại đã là 9%, thậm chí một số tổ chức đánh giá đang ở mức khoảng 15%.
Bộ Xây dựng khẳng định ban hành thông tư 16 đúng luật Tại họp báo Chính phủ chiều 28.2, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam khẳng định Thông tư 16 về cách tính diện tích căn hộ không trái luật và hoàn toàn hợp lý. Ông Nam đã có giải trình khá dài cho câu hỏi liên quan đến trách nhiệm của Bộ Xây dựng trong việc ban hành Thông tư 16. Dẫn lại phiên điều trần trước Ủy ban Thường vụ QH mới đây, một số đại biểu cho rằng Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 16 là trái luật, đặc biệt quy định cách tính diện tích sàn căn hộ là không đúng thẩm quyền, ông Nam khẳng định: “Việc ban hành Thông tư 16 là đúng luật pháp và thẩm quyền”. Ông Nam đưa ra lý giải, theo luật Nhà ở 2005 vẫn còn hiệu lực, trong đó điều 153 là Quốc hội giao Chính phủ hướng dẫn và thi hành chi tiết các vấn đề trong luật chưa được chi tiết hóa, Chính phủ đã ban hành NĐ 90 và sau đó là NĐ 71/2010. Trong đó NĐ 71 quy định các bên tham gia phải ghi rõ trong hợp đồng: diện tích thuộc sở hữu chung, riêng, kinh phí bảo trì, cách tính diện tích căn hộ mua bán. Chính phủ giao Bộ Xây dựng quy định cụ thể tại khoản 9 điều 63 NĐ 71, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 16, đưa ra 2 cách tính diện tích sàn cho người dân và DN lựa chọn. Quá trình ra Thông tư 16 tuân thủ theo quy định được nêu trong luật và NĐ đang có hiệu lực, ban hành đúng với trách nhiệm và thẩm quyền được giao. Để chứng minh thêm, theo ông Nam, Thông tư 16 cũng căn cứ theo thông lệ trong nước và quốc tế. Cụ thể, giai đoạn 2005 – 2010, các bên ký theo nhiều cách, rất nhiều hợp đồng ký theo phủ bì. “Trong tay tôi có hợp đồng Kaengnam bán ký năm 2002 ký theo phủ bì (tính toàn bộ tường). Cách tính này dẫn đến nhiều tranh chấp, Bộ nhận được nhiều kiến nghị của người dân nên hướng dẫn 2 cách tính tim tường và thông thủy, không bắt buộc mà để người dân và DN thỏa thuận dân sự. Hợp đồng cũng ghi rõ “hai bên lựa chọn tính tim tường”", ông Nam nói. Trả lời câu hỏi lãnh đạo Bộ Xây dựng có xin lỗi người dân khi việc ban hành Thông tư 16 của Bộ đã gây tranh chấp và thiệt hại cho người dân, ông Nam khẳng định: “Bộ Xây dựng ban hành đúng thẩm quyền và hợp lý, không có chuyện phải xin lỗi”. Trả lời chất vấn tại sao Thông tư 16 không trái luật, nhưng Bộ lại ban hành Thông tư 03 để sửa, ông Nam giải thích: Thông tư 03 chỉ sửa 1 điểm của Thông tư 16, thay vì hướng dẫn 2 cách tính diện tích thì quy về một cách (thông thủy). “Do trình độ nhận thức của DN, người dân, cách tuyên truyền hạn chế nên Thông tư 16 có nhiều cách hiểu, thậm chí có câu chuyện lợi ích. Bộ thấy không có lợi, nên sửa, Thông tư 03 quy định lại 1 cách tính thống nhất, không có nghĩa là Thông tư 16 sai mà phù hợp hơn”, ông Nam nói. Mai Hà – Lê Quân
Tái cơ cấu nợ chấm dứt vào ngày 1.4.2014 Đó là khẳng định của bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN tại cuộc họp của NHNN diễn ra ngày 28.2. Theo bà Hồng, cho tái cơ cấu nợ là một giải pháp nhằm góp phần hỗ trợ và tháo gỡ cho các DN đang gặp khó khăn tạm thời và có triển vọng phục hồi sản xuất kinh doanh. Tính đến cuối năm 2013, đã có khoảng trên 300.000 tỉ đồng nợ được cơ cấu lại theo chính sách trên. Nếu không được cơ cấu, tỷ lệ nợ xấu hiện không nằm ở mức khoảng 3% theo công bố mà rơi vào khoảng 9% tổng dư nợ. Tại cuộc họp, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng VN (VAMC), cũng cho biết sau khi mua lại từ các tổ chức tín dụng, đến nay công ty đã “đòi” được khoảng 200 tỉ đồng nợ xấu. Trong khi đó, tính đến cuối năm 2013, VAMC đã mua lại khoảng 39.000 tỉ đồng nợ xấu từ các tổ chức tín dụng. Hiện VAMC đang xem xét, phân loại để có thể mua thêm nợ xấu, và dự kiến trong quý 1/2014 sẽ mua khoảng 10.000 tỉ đồng.
Theo TNO
Vết nứt đánh động các cây cầu
Từ những vết nứt bất thường tại các trụ cầu Vĩnh Tuy, Bộ Xây dựng đã yêu cầu phải rà soát lại toàn bộ chất lượng các cây cầu trên địa bàn Hà Nội.
Hiện trường vết nứt ở trụ T22 cầu Vĩnh Tuy - Ảnh: Lê Quân
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đang thị sát, kiểm tra vết nứt trụ cầu Vĩnh Tuy - Ảnh: Lê Quân
Chiều 26.2, đoàn kiểm tra do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng dẫn đầu đã tìm hiểu nguyên nhân các vết nứt tại cầu Vĩnh Tuy. Bộ trưởng yêu cầu chủ đầu tư phải tập trung xử lý dứt điểm các vết nứt. "Phải thuê tư vấn độc lập, có thể là trong nước hay nước ngoài nhưng phải giỏi, giàu kinh nghiệm đánh giá lại mức độ an toàn của cây cầu. Cũng cần đánh giá lại tuổi thọ của cây cầu", ông Dũng nói. Ông cũng yêu cầu chủ đầu tư cho rà soát lại toàn bộ các hạng mục của cầu Vĩnh Tuy để sớm phát hiện những sự cố khác có thể gây mất an toàn. Khi khắc phục xong các vết nứt này phải mời các nhà khoa học đến kiểm tra lại.
"Trách nhiệm của Sở GTVT Hà Nội là phải rà soát lại toàn bộ các cây cầu trên địa bàn thành phố, không thể chủ quan. Đặc biệt, cần kiểm tra kỹ những cầu mà Ban Quản lý dự án hạ tầng Tả Ngạn là chủ đầu tư. Những cầu khác cũng phải kiểm tra thật kỹ. Nếu phát hiện các vết nứt hay bất kỳ sự cố nào cần thông báo để người dân được biết", Bộ trưởng Dũng nói.
Vết nứt cầu Vĩnh Tuy "khá nghiêm trọng"
Trách nhiệm của Sở GTVT Hà Nội là phải rà soát lại toàn bộ các cây cầu trên địa bàn thành phố, không thể chủ quan. Đặc biệt, cần kiểm tra kỹ những cầu mà Ban Quản lý dự án hạ tầng Tả Ngạn là chủ đầu tư. Những cầu khác cũng phải kiểm tra thật kỹ
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng
Theo ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty tư vấn thiết kế GTVT (Tedi), đơn vị tư vấn thiết kế cầu Vĩnh Tuy, ngoài vết nứt trên thân trụ T22, kết quả kiểm tra hiện trường cho thấy trụ T23 và T24 của cầu cũng xuất hiện vết nứt tương tự. Tại trụ T23, vết nứt ở vị trí tương tự trụ T22, chiều dài khoảng 2 - 3 m, chiều rộng lớn nhất khoảng 0,3 mm. Trụ T24 vết nứt có bề rộng nhỏ hơn. Theo ông Sơn, vết nứt trên trụ T23, T24 mới nhận biết bằng mắt thường, chưa tìm hiểu được nguyên nhân gây nứt. Riêng vết nứt dọc thân trụ T22 là khá trầm trọng. Dù vậy, ông Sơn vẫn khẳng định, căn cứ theo kết quả tính toán, xem xét độ an toàn thì việc vận hành, khai thác cầu này vẫn an toàn.
Đáng chú ý, vết nứt thân trụ T22 đã xuất hiện theo phương dọc từ tháng 3.2010, qua thời gian vết nứt này phát triển dọc theo thân trụ lên phía trên và mở rộng dần, từ năm 2012 đến nay vết nứt không phát triển nữa. Ông Sơn nhận định: "Nguyên nhân gây nứt trụ T22 có thể là trong quá trình thi công, khi đổ những khối bê tông lớn, có sự khác nhau giữa nhiệt độ, kết hợp với co ngót tạo ra vết nứt. Việc này rất khó phát hiện khi thi công cầu mà lúc vận hành mới dần dần lộ ra".
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Quang Tuýnh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty xây dựng Thăng Long (đơn vị thi công) khẳng định quá trình thi công đơn vị thực hiện đúng quy trình và tiêu chuẩn của nhà nước. Thăng Long đã bàn giao công trình cho Hà Nội quản lý từ năm 2009, nên không biết thông tin về vết nứt trụ cầu.
Cầu Vĩnh Tuy có chiều dài 3,777 km, chiều rộng 19,25 m, trong đó phần cầu chính vượt qua sông Hồng có chiều dài 990 m. Cầu được thiết kế chịu được động đất cấp 8. Các trụ bố trí trong phạm vi sông có thông thuyền từ T19 đến T23 đều được thiết kế chống va tàu với tải trọng thiết kế của tàu 2000 DWT. Cầu Vĩnh Tuy do Tổng công ty xây dựng Thăng Long, Tổng công ty xây dựng công trình giao thông (Cienco) 1 và Cienco 8 thi công.
Cầu Thanh Trì, Phù Đổng cũng có vết nứt
Theo ông Nguyễn Ngọc Long, Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường VN, đáng lẽ khi các nhà quản lý cầu phát hiện vết nứt từ năm 2010 phải theo dõi, xử lý hàn trám ngay. "Nếu các cơ quan thẩm tra xác định do lỗi nhà thầu, thì đây là bài học mà nhà thầu trong nước cần khắc phục. Về mặt kỹ thuật, có thể cho phép vết nứt do chịu lực rất nhỏ, với bề mặt 0,2 - 0,3 mm. Nhưng trường hợp này đã loại trừ yếu tố chịu lực, mà có thể do công tác bê tông, nhà thầu cũng cần phải khắc phục. Không thể nói không nguy hiểm là xong", ông Long nhận định.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GTVT TP.Hà Nội, cho biết tại những cầu bê tông dưỡng lực như cầu Thanh Trì, Phù Đổng... đều có những hiện tượng nứt tương tự tại các trụ T22, T23, T24 của cầu Vĩnh Tuy. Các vết nứt này hiện đang được theo dõi sát sao. "Chúng tôi khẳng định tất cả các cầu trên địa bàn TP.Hà Nội do Ban Quản lý Tả Ngạn hay các ban khác, chủ đầu tư khác thi công bàn giao đều rất an toàn, người dân hoàn toàn yên tâm khi đi qua cầu", ông Hùng nói.
Theo TNO
Hà Nội còn nhiều cầu bị nứt như cầu Vĩnh Tuy Chiều nay 26.2, trong cuộc kiểm tra vết nứt trụ T22 cầu Vĩnh Tuy, ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, TP.Hà Nội còn nhiều cầu cũng bị nứt giống trường hợp cầu Vĩnh Tuy. Hiện trường vết nứt tại trụ T22 cầu Vĩnh Tuy - Ảnh: Lê Quân Báo cáo Bộ trưởng Bộ Xây...