Khẩn trương cứu lửa, dù nước gần hay xa
“ Bảo hộ công dân” có thể là cụm từ quen thuộc với rất nhiều người, nhưng không phải ai cũng hiểu được nỗi vất vả của các cơ quan đại diện ngoại giao tại nước ngoài trong triển khai công tác này. Đặc biệt là trong các tình huống khẩn cấp liên quan đến công dân Việt Nam tại nước ngoài.
Đại sứ quán Việt Nam tại UAE gặp mặt các lao động Việt Nam để làm rõ những vướng mắc sau sự cố. (Ảnh do ĐSQ cung cấp)
Những ngày qua, hai sự cố lớn liên quan đến quyền lợi và tính mạng của lao động Việt Nam ở nước ngoài đã xảy ra ở Malaysia và các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE). Dù tính chất hai sự việc hoàn toàn khác nhau, nhưng qua đó có thể thấy vai trò quan trọng của các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước sở tại trong việc can thiệp kịp thời và tích cực, cũng như thái độ chủ động, hết lòng hỗ trợ công dân của các cán bộ ta.
Chưa rõ thông tin vẫn lên đường
“Có thuyền viên nghi là người Việt tử nạn ở vùng biển thuộc Malaysia”, “ bệnh viện Kota Tinggi”… là những từ khoá thông tin mà chiều muộn ngày 13/7, Đại sứ quán (ĐSQ) Việt Nam tại Malaysia nhận được từ cơ quan chức năng nước này. Phía bạn cũng khẳng định sẽ cung cấp thông tin xác minh sớm nhất có thể tới ĐSQ và để lại số điện thoại liên hệ. Ngay sau khi nhận được tin báo, ĐSQ đã gửi công hàm về Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) thông báo tình hình và giữ liên lạc với cơ quan chức năng sở tại để xác minh thông tin.
Sau một đêm chờ đợi và nhiều lần liên hệ với phía bạn theo số máy được cung cấp nhưng vẫn chưa có tin tức mới, cuối cùng, ngay khi ngày mới bắt đầu, Đại sứ Việt Nam tại Malaysia Phạm Cao Phong quyết định họp gấp các cán bộ ĐSQ và thống nhất cử Bí thư thứ nhất Trần Quang Huy lên đường tới thành phố Kota Tinggi – cách Kuala Lumpur đúng 500km, để tìm hiểu sự việc.
Đại sứ Phạm Cao Phong xác định: “Đã có người thương vong tức là tình huống hết sức khẩn cấp. Dù chưa có thông tin cụ thể vẫn phải đi xem sự thể thế nào”. “Về nguyên tắc thì trong những tình huống như thế này, ĐSQ phải cử hai người đi để hỗ trợ cho nhau. Nhưng sự việc xảy ra đúng vào lúc Phó Đại sứ đang về nước và các cán bộ khác của ĐSQ đang phải giải quyết một số công việc gấp khác, cũng liên quan đến bảo hộ công dân tại đây nên tôi đành phải chấp nhận để anh Huy đơn thương độc mã tới Kota Tinggi”, Đại sứ chia sẻ thêm.
Video đang HOT
Do sự gấp gáp này mà ngay khi đến Kota Tinggi, dù xác định được chắc chắn những người bị nạn là người Việt nhưng đại diện ĐSQ đã không được bệnh viện cho phép tiếp cận ngay với các thuyền viên vì chưa có sự đồng ý của lực lượng chức năng Malaysia. Vậy là, một mặt, Đại sứ Phạm Cao Phong đã trực tiếp liên hệ với Bộ Ngoại giao bạn để nhờ can thiệp, mặt khác, tại Kota Tinggi, ông Trần Quang Huy lập tức thu thập các thông tin liên quan đến ba người tử nạn, một thuyền viên đang được điều trị tại đây và một thuyền viên khác – do bị thương nặng hơn – đã được chuyển tới bệnh viện Johor Bharu – cách đó khoảng 60km.
Theo thông tin ĐSQ có được, chiếc tàu treo cờ Panama mang tên MV Hi Ram chở gỗ từ bang Sarawak, Malaysia đến bang Gujarat, phía Tây Bắc Ấn Độ. Đây là hãng tàu của một chủ tàu người Singapore, với toàn bộ 23 thuyền viên trên tàu là người Việt, do một công ty cung ứng thuyền viên Việt Nam, có trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh cung cấp.
Trên đường đi, ngày 12/7, khi tàu đang chuẩn bị ghé cảng Johor, phía Nam Malaysia để tiếp nhiên liệu thì các thuyền viên phát hiện hầm chứa hàng bị ngập nước. Thuyền trưởng Nguyễn Văn Quang xuống mở cửa hầm để kiểm tra thì bị ngất do khí độc từ đồ gỗ bốc ra. Sau đó, thuyền phó và một thuyền viên khác đều lần lượt bị ngất khi xuống kiểm tra hầm hàng. Khoảng 30 phút sau, khi phát hiện sự cố, hai thuyền viên Lưu Đức Thanh và Nguyễn Văn Quảng đeo mặt nạ phòng độc xuống để hỗ trợ thì mặt nạ bị rơi trong quá trình đưa các nạn nhân ra khỏi hầm đã khiến hai thuyền viên này bị ngất, dẫn tới chấn thương. Sự cố xảy ra khi tàu MV Hi Ram cách cảng Johor hơn 4 hải lý. Khi tàu tuần tra của lực lượng chấp pháp biển Malaysia (MMEA) đến nơi thì ba thuyền viên đã tử vong.
Ông Trần Quang Huy cho biết: “Ngoài ba thuyền viên tử nạn, hiện được bảo quản tại kho lạnh Bệnh viện Kota Tinggi thì hai thuyền viên khác đang được điều trị, rất cần hỗ trợ trong việc chăm sóc, cũng như cung cấp các thông tin khi cần”.
Vậy là, trong suốt một ngày dài “trực chiến” tại bệnh viện Kota Tinggi, thậm chí đưa cơm cho thuyền viên bị thương, vừa tất bật liên hệ với cơ quan chức năng bạn để có thêm thông tin, ông Trần Quang Huy vừa phối hợp với đại diện của công ty phái cử lao động Việt Nam để giải quyết vụ việc, đồng thời liên hệ với cộng đồng người Việt tại Kota Tinggi đề nghị hỗ trợ chăm sóc thuyền viên Lưu Đức Thanh trong tình trạng không tiền bạc, không đồ đạc cá nhân. Ông cho biết: “Sáng 15/7, thuyền viên Lưu Đức Thanh đã được xuất viện và trở lại tàu. Riêng nạn nhân Nguyễn Văn Quảng, do tình trạng chấn thương sâu nên các bác sĩ tại bệnh viện Johor Bharu cho biết, anh phải điều trị trong ít nhất 1-2 tuần nữa”.
Hiện nay, sau những nỗ lực của ĐSQ Việt Nam tại Malaysia, sự cố trên tàu MV Hi Ram đã gần như được giải quyết ổn thoả. Các thuyền viên khoẻ mạnh đang tiếp tục hành trình của mình, người bị nạn đang được tích cực cứu chữa. Với ba thuyền viên tử vong, ĐSQ và Công ty phái cử lao động đang đợi thông tin về nguyện vọng của các gia đình để tiến hành các bước thu xếp, hỗ trợ tiếp theo.
Nhân viên cứu hộ cấp cứu một thuyền viên Việt Nam bị choáng do khí độc. (Nguồn: New Straits Times)
Giọt nước tràn ly ở UAE
Trước khi sự cố với các thuyền viên người Việt trên vùng biển Malaysia xảy ra ít ngày thì vụ hàng ngàn lao động người Việt ở các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) bị mất việc đã gây bức xúc không chỉ trong nội bộ những người lao động mà còn đối với cả dư luận trong nước. Theo đó, các lao động Việt Nam tại UAE không chỉ bức xúc do bị công ty sử dụng lao động phía UAE là Emirates GateWays Security Service ( EGSS) đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, không được bồi thường mà còn bị các phiên dịch UAE cấu kết với phiên dịch người Việt ăn chặn 600 USD/ người lao động.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi một sự kiện xảy ra, dư luận có thể tiếp cận rất nhiều nguồn tin, chính thức và không chính thức, chính xác hoặc đã bị bóp méo. Nhờ theo dõi sát sao dư luận lao động người Việt ở sở tại, ĐSQ Việt Nam tại UAE đã nắm được tình hình và phán đoán trước diễn biến sự việc. Ngay lập tức, ĐSQ cử các cán bộ một mặt theo dõi thông tin, vận động, thuyết phục người lao động, mặt khác làm việc với phía bạn để tránh xảy ra bạo loạn lớn, đảm bảo an toàn tính mạng cho phiên dịch. Nhờ ĐSQ vào cuộc kịp thời, quyết liệt nên tình hình đã sớm được kiểm soát, phiên dịch được đưa đến nơi an toàn và những lao động cầm đầu gây bạo loạn cũng được tách riêng để xử lý.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, ĐSQ đã tổ chức buổi làm việc với đại diện lao động Việt Nam tại UAE nhằm làm sáng tỏ sự việc. Về thông tin của buổi làm việc này, Đại sứ Việt Nam tại UAE Phạm Bình Đàm cho biết: Nguyên nhân xảy ra sự cố trên một phần do dự án của EGSS đang ở giai đoạn kết thúc. Tuy nhiên, lý do chính vẫn là ý thức kỷ luật, tuân thủ pháp luật của các lao động Việt Nam tại đây còn kém, như thường xuyên xảy ra hiện tượng tổ chức uống rượu, đánh bạc và gây gổ…
Anh em lao động có bốn kênh để nhận trợ giúp, giải quyết khúc mắc là: qua phiên dịch để khiếu nại lên Công ty, qua Đại sứ quán, qua đường dây nóng bảo hộ công dân và qua Công ty môi giới xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, một nhóm lao động đã chọn cách đánh phiên dịch, ép viết giấy ăn chặn tiền của anh em rồi gây náo loạn, bạo động, dùng mạng xã hội để kích động… Một số nói công khai trên facebook là “phải làm to chuyện để các cơ quan vào cuộc”. Việc này là giọt nước tràn ly khiến Công ty EGSS sau khi lập lại trật tự tại các trại lao động đã gửi thông báo chấm dứt hợp đồng hàng loạt.
Trong hợp đồng giữa EGSS và NLĐ Việt Nam cũng thể hiện rõ tại Điều 9 về thời hạn và chấm dứt hợp đồng: “Hợp đồng của LĐ với EGSS có thời hạn là ba năm và có hiệu lực cho đến khi một bên gửi văn bản yêu cầu chấm dứt hợp đồng trước một tháng cho bên kia”. Và trước khi chấm dứt hợp đồng, phía EGSS đã gửi văn bản trước một tháng cho người lao động. Như vậy, về mặt pháp lý, EGSS hoàn toàn tuân thủ quy định của hợp đồng lao động đã ký kết.
Vụ việc đáng tiếc ở UAE không chỉ nói lên vai trò của cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam trong quản lý sát sao các công dân nước mình tới nước sở tại lao động, nhằm kịp thời giải quyết, ngăn chặn không để những vướng mắc nhỏ phát sinh thành sự cố lớn.
Quan trọng hơn, đây cũng là một bài học cho những người lao động đi xuất khẩu ở nước ngoài. Đó là phải hiểu, nắm được quyền lợi của mình, tuyệt đối tuân thủ hợp đồng lao động và luật pháp sở tại. Khi có thắc mắc, tranh chấp hoặc gặp phải vấn đề như bị lạm dụng, chậm hoặc thiếu lương phải liên hệ với cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam để được hỗ trợ. Tất cả các hành động tự phát, vi phạm pháp luật hoặc vi phạm hợp đồng có thể phải chịu án tù hoặc bị trục xuất về nước, cũng như bị thiệt hại về tài chính.
Theo Thiên Đức
Thế giới và Việt Nam
Công bố danh tính ba thuyền viên Việt Nam thiệt mạng tại Malaysia
Tối 14/7, Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia cho biết đã xác định được danh tính ba thuyền viên Việt Nam thiệt mạng hai ngày trước đó do hít phải khí độc trên tàu mang tên MV Hi Ram, khi tàu này ở cách Tanjung Penyusup 4,1 hải lý (7,5 km) về phía Đông Nam Malaysia.
Nhân viên cứu hộ cấp cứu một nạn nhân bị choáng do khí độc. (Nguồn: New Straits Times)
Ba thuyền viên bị thiệt mạng là thuyền trưởng Nguyễn Duy Thái, đại phó Nguyễn Đình Hùng và thủy thủ trưởng Phạm Văn Quý.
Hai thuyền viên khác bị choáng là Nguyễn Văn Quảng và Lưu Đức Thanh. Hiện Lưu Đức Thanh, 22 tuổi, người Hải Dương được điều trị tại bệnh viện Kota Tingi, thị trấn Kota Tingi, bang Johor. Sức khỏe của Thanh đang hồi phục còn Nguyễn Văn Quảng bị nặng hơn nên đã được chuyển đến bệnh viện Johor, cách Kota Tingi 60 km.
Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đang nỗ lực liên hệ với các cơ quan chức năng Malaysia để có thể hỗ trợ tốt nhất cho các nạn nhân./.
Theo (TTXVN/Vietnam )
Hai người chết, hàng nghìn cây đổ vì giông lốc ở Hà Nội Trước thiệt hại nặng nề do trận giông lốc chiều tối 13/6, lãnh đạo Hà Nội xác định đây là tình huống khẩn cấp và yêu cầu huy động tối đa lực lượng khắc phục hậu quả. Sáng 14/6, thành phố Hà Nội tổ chức họp khẩn nghe báo cáo và chỉ đạo công tác khắc phục thiệt hại do trận giông lốc...