Khẩn trương ban hành mức phí đường bộ đối với xe máy
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng vừa báo cáo Quốc hội tình hình quản lý, sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ.
Theo đó, hoạt động từ ngày 1-1-2013, đến ngày 15-5-2013, Quỹ đã thu được 1.666 tỷ đồng (đạt 41,65% dự toán giao cả năm). Quỹ cũng đã giải ngân được 1.266,6 tỷ đồng, gồm cấp sửa chữa thường xuyên 599,6 tỷ đồng; cấp sửa chữa định kỳ 667 tỷ đồng. Đánh giá việc triển khai Quỹ bảo trì đường bộ nhìn chung là thuận lợi song Bộ trưởng Bộ GTVT cũng cho biết, một số địa phương chậm ban hành mức thu phí cụ thể đối với xe máy. Do đó, Bộ GTVT đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương khẩn trương, nghiêm túc khắc phục các tồn tại này. Theo quy định, xe máy dung tích xy lanh đến 100 cm3, mức thu từ 50.000 đồng/năm đến 100.000 đồng/năm; mức thu từ 100.000 đồng/năm đến 150.000 đồng/năm áp dụng đối với xe trên 100 cm3.
Theo ANTD
Video đang HOT
Phải xác định "địa chỉ" gây lãng phí
Ngày 25-5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2011. Cùng ngày, Quốc hội đã nghe Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật Doanh nghiệp và thảo luận về một số nội dung còn có những ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi).
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh)
Khó khăn vẫn mạnh tay chi
Theo báo cáo của Chính phủ, tổng số thu cân đối ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2011 là 962.982 tỷ đồng (bao gồm cả thu chuyển nguồn từ năm 2010 sang năm 2011, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2010, thu hồi vốn ngân sách cho vay, thu huy động đầu tư của ngân sách địa phương theo quy định của Luật NSNN.
Theo đánh giá của Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, bên cạnh các kết quả đạt được, một số địa phương, Bộ, ngành hạch toán thu, chi chưa đúng chế độ. Việc thẩm định báo cáo quyết toán còn chậm so với thời gian quy định, chất lượng thẩm định quyết toán NSNN chưa cao. Việc chấp hành NSNN còn nhiều sai phạm đã được các cơ quan kiểm tra, kiểm toán, thanh tra phát hiện và kiến nghị xử lý, khắc phục.
Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng, trong bối cảnh thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, vừa phải tiết kiệm chi thường xuyên, vừa phải cắt giảm đầu tư công, nhưng tổng chi cân đối NSNN vẫn tăng lớn (61.954 tỷ đồng), vượt 8,5% so với dự toán, trong đó chủ yếu là do tăng chi đầu tư phát triển (56.306 tỷ đồng). Đặc biệt, kết quả kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát cho thấy, số dự án triển khai dở dang, chậm tiến độ khá nhiều, gây lãng phí, khối lượng nợ đọng đầu tư xây dựng tăng cao, các vi phạm trong đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) xảy ra ở tất cả các khâu từ quy hoạch cho đến quyết toán công trình. Hiệu quả chi đầu tư XDCB hạn chế, gây thất thoát, lãng phí lớn cho NSNN. Ủy ban Tài chính ngân sách đề nghị: "Chính phủ khẩn trương có biện pháp hữu hiệu để chấn chỉnh vấn đề này". Bên cạnh đó, nhiều địa phương chi vượt dự toán chi thường xuyên. Có 13/28 địa phương được kiểm toán chi quản lý hành chính tăng trên 30%. Điều đó thể hiện kỷ luật tài chính chưa nghiêm, nhất là trong bối cảnh kinh tế đang gặp khó khăn hiện nay.
Cũng theo Ủy ban Tài chính ngân sách, năm 2011, nhờ tăng thu NSNN nên Chính phủ đã giảm bội chi từ 5,3% GDP theo Nghị quyết của Quốc hội xuống còn 4,4% (giảm 8.566 tỷ đồng), đây là một động thái tích cực. Tuy bội chi có giảm song các khoản chi ứng trước, nợ tạm ứng, thiếu hụt nguồn hoàn thuế còn khá lớn đã làm cho kết quả giảm bội chi không có nhiều ý nghĩa về mặt tài khóa.
Bên cạnh đó, tổng số dư nợ công tính đến 31-12-2011 theo Luật Quản lý nợ công bằng 54,9% GDP, tăng 24,8% so với năm 2010 song vẫn nằm trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên, nợ công vẫn tăng nhanh, mặc dù năm 2011 đã bố trí tăng chi trả nợ 15.000 tỷ đồng từ nguồn tăng thu.
Gây thất thoát phải xử lý nghiêm
Bức xúc trước tình trạng mạnh tay chi trong khi ngân sách khó khăn, ĐB Võ Thị Dung (TP.HCM) nói: "Kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm. Thất thoát ngày càng tăng trong XDCB, đầu tư dàn trải chưa được khắc phục. Đây là tiền của của nhân dân. Quốc hội cần xem xét kỹ, Chính phủ cần xác định địa chỉ cụ thể để xử lý nghiêm minh những ai làm thất thoát nguồn lực quốc gia. Cần phân tích, chỉ rõ trách nhiệm những cơ quan, tổ chức sử dụng không hiệu quả ngân sách. 2011 là năm khó khăn, việc sử dụng ngân sách vẫn còn lãng phí là không thể hiện đầy đủ trách nhiệm với nhân dân".
ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cảnh báo, phải kiểm soát gắt gao, không để chi ngân sách mãi mang tiếng là lĩnh vực nhạy cảm, tạo điều kiện cho tham nhũng, tiêu cực phát triển. ĐB Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) đặt câu hỏi: "Năm 2011 tập trung kiềm chế lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng chi đầu tư phát triển tăng 37%. Vậy chính sách tài khóa để thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô có phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ hay không? Tăng chi như vậy, hiệu quả như thế nào, có tác động đến năm 2012 không mà GDP năm 2012 chỉ tăng 5,03%?". Nhấn mạnh ngân sách là "vấn đề chuyên môn sâu và khó", ĐB Nguyễn Văn Phúc đề nghị, Quốc hội phải nghiên cứu làm sao để đổi mới cách làm, để đánh giá hiệu quả sử dụng ngân sách chính xác hơn.
Theo ANTD
Tiền dân thất thoát, ai chịu trách nhiệm? ĐBQH Võ Thị Dung (TP.HCM) cho rằng, tình trạng thất thoát khi sử dụng ngân sách nhà nước vẫn diễn ra. Đây là tiền của nhân dân nên cần làm rõ cá nhân vi phạm cũng như cơ quan sử dụng ngân sách không hiệu quả. Nhiều khu đất vàng để hoang hóa phản ánh tình trạng đầu tư dàn trải, thất thoát...