Khán giả việt thích hay ghét phim việt?
“Không bao giờ xem phim Việt” là câu cửa miệng của không ít người. Nhưng, có thực sự là khán giả Việt luôn ngó lơ phim Việt và chỉ xem bom tấn từ Hollywood hay Hàn Quốc?
Lê Hồng Lâm – Nhà báo – Nhà phê bình
Lê Hồng Lâm là một trong những cây bút lâu năm và giàu năng lượng nhất của giới phê bình điện ảnh tại Việt Nam. Anh sinh năm 1977, từng làm việc tại báo Sinh viên Việt Nam, tạp chí Đẹp và 12 năm làm thư ký tòa soạn của tạp chí Thể thao Văn hóa và Đàn ông.
Năm ngoái, Em chưa 18 trở thành bộ phim ăn khách nhất từ trước đến nay tại thị trường Việt Nam (tính cả phim Việt và nước ngoài). Năm nay, có đến 4 bộ phim Việt lọt vào top 10 phim Việt ăn khách nhất và cũng nằm trong những vị trí cao của top 10 phim ăn khách của năm, tính cả phim quốc tế.
Nếu nhìn vào bảng xếp hạng doanh thu, điện ảnh nội địa Việt Nam đang có những bước tăng trưởng đột phá, điều mà không một nền điện ảnh nào trong khu vực Đông Nam Á có thể sánh bằng ở thời điểm hiện tại. Nhìn vào những con số khả quan đó, có thể thấy khán giả Việt vẫn còn đang “thích” chứ chưa đến mức “ghét” phim Việt.
Nhưng với tỷ lệ khoảng 8 phim mới có một phim có lãi, thị trường điện ảnh Việt cũng bộc lộ nhiều điểm yếu. Và nếu không có những bộ phim thực sự tốt để vực dậy thị trường, điện ảnh Việt cũng có thể sụp đổ như thị trường điện ảnh nội địa của Thái Lan trong vòng vài năm qua.
Đừng nhìn đỉnh quá cao thì phim việt không đến nỗi nào
Tâm lý của khán giả Việt Nam là luôn so sánh điện ảnh nước nhà với những nền điện ảnh hàng đầu của thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… Đó là những thị trường điện ảnh phát triển vượt trội về mọi mặt và lớn gấp thị trường điện ảnh Việt Nam non trẻ hàng chục lần.
Hãy thử tưởng tượng kinh phí sản xuất một bộ phim bom tấn của Hollywood cao gấp… 200 lần, thậm chí 400 lần tổng đầu tư của một tác phẩm điện ảnh Việt Nam hiện tại, ta sẽ thấy mọi sự so sánh đều khập khiễng đến khủng khiếp.
Tại khu vực Đông Nam Á, trong vòng 3 năm trở lại đây, thị trường điện ảnh Việt Nam cho thấy những dấu hiệu phát triển nhanh chóng. Ba năm trước (2015), trên tờ Hollywood Reporter, cây bút Patrick Brzeski qua một cuộc khảo sát cá nhân đã cho biết thị trường điện ảnh Việt Nam ở thời điểm đó có doanh thu khoảng 85 triệu USD với tốc độ tăng trưởng khoảng 10%/năm.
Trong 3 năm trở lại đây, với số lượng phim nhập khẩu ngày càng nhiều, số lượng phim sản xuất trong nước cũng tăng trưởng đột biến. Theo khảo sát cá nhân của người viết, doanh thu của thị trường điện ảnh Việt Nam năm ngoái là 142 triệu USD, tăng 13% so với năm 2016. Trong đó tỷ lệ nội địa hóa chiếm 25%, cao hơn hẳn các thị trường điện ảnh trong khu vực Đông Nam Á.
Con số cũng xấp xỉ một số thị trường điện ảnh phát triển ở châu Âu, nơi cũng bị phim bom tấn của Hollywood chiếm lĩnh. Dự báo doanh thu tại thị trường điện ảnh Việt Nam năm nay tăng khoảng 10%, tức đạt mức 154 triệu USD.
Năm ngoái, Em chưa 18 của đạo diễn Lê Thanh Sơn và nhà sản xuất Charlie Nguyễn vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng doanh thu với 171 tỷ đồng, vượt qua cả Kong: Skull Island của Hollywood.
Năm nay, Avengers: Infinity Wars đang dẫn đầu, nhưng 4 bộ phim Việt gồm Siêu sao siêu ngố (108 tỷ đồng), Chàng vợ của em (xấp xỉ 90 tỷ đồng), Lật mặt 3 (85,5 tỷ đồng) và Tháng năm rực rỡ (85 tỷ đồng) chiếm 4 vị trí cao trong bảng xếp hạng phim Việt ăn khách nhất từ trước đến nay, và nằm trong top 10 doanh thu cao nhất của năm.
Tỷ lệ 4 bộ phim nội địa nằm trong top 10 phim có doanh thu cao nhất của năm của thị trường rạp chiếu Việt Nam thấp hơn thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, nhưng vượt trội khi so với những nền điện ảnh Đông Nam Á.
Khán giả việt vẫn xem phim việt
Cũng trong bài viết trên tờ Hollywood Reporter, Patrick Brzeski đánh giá với dân số khoảng 620 triệu người (gấp đôi Mỹ và bằng một nửa Trung Quốc), dân số trẻ và tốc độ phát triển kinh tế tích cực, tương lai của thị trường điện ảnh Đông Nam Á sáng hơn bao giờ hết.
Trung Quốc vẫn có chính sách bảo hộ điện ảnh nội địa và hạn chế nhập khẩu phim Hollywood. Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ có nền điện ảnh nội địa phát triển lâu năm và luôn được khán giả nước họ ủng hộ (ít nhất là cân bằng với phim Hollywood với tỷ lệ nội địa hóa cao ngang ngửa).
Còn Đông Nam Á – nơi các nền điện ảnh nội địa chưa phát triển, việc nhập khẩu phim dễ dàng và chưa có khung pháp lý để bảo hộ điện ảnh trong nước – thực sự là một khu vực đầy tiềm năng cho các bộ phim của Hollywood. Trong vài năm qua, một số phim bom tấn của Hollywood được phát hành tại các nước Đông Nam Á còn sớm hơn cả Bắc Mỹ.
Các nước Indonesia, Philippines, Việt Nam và Thái Lan có tỷ lệ nhân khẩu trẻ và sở thích, thói quen xem phim khá đa dạng, đề cao tính giải trí. Khi mà các nền điện ảnh nội địa chưa thực sự đủ mạnh để chinh phục khán giả bản địa, phim Hollywood sẽ chiếm ưu thế.
Ví dụ sinh động nhất là Thái Lan. Nền điện ảnh nước này từng dẫn đầu khu vực với các phim nội địa có doanh thu cao, thậm chí xuất khẩu ra nước ngoài thành công. Nhưng trong vòng 5 năm trở lại đây, điện ảnh Thái Lan đang gặp khủng hoảng với tỷ lệ nội địa hóa chạm đáy.
Visute, giám đốc một hãng phim lớn ở Thái Lan, nhận định: “Thị trường phim Thái ngày nay rất khác so với khi tôi bắt đầu với hãng Tai Entertainment 30 năm trước. Nó luôn luôn khó khăn, nhưng bây giờ còn khó khăn hơn rất nhiều. Tôi thực sự lo lắng khi thấy tỷ lệ nội địa hóa của điện ảnh Thái Lan đã giảm xuống chỉ còn 18″.
Năm 2013, Pee Mak ( Tình người duyên ma) đứng số một tại thị trường Thái khi thu về 18 triệu USD (với kinh phí 1,8 triệu USD) và kiếm thêm 15 triệu USD ở các nước trong khu vực, trở thành phim Thái ăn khách nhất mọi thời đại. Nhưng trong 3 năm qua, phim Thái hoàn toàn vắng bóng trong bảng xếp hạng doanh thu.
Năm ngoái, Bad Genius rất thành công tại Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam với doanh thu lên đến gần 40 triệu USD. Nhưng ở Thái Lan, bộ phim hấp dẫn như một tác phẩm Hollywood này chỉ kiếm được 3,2 triệu USD, đứng thứ 14 trong bảng xếp hạng phim ăn khách nhất của năm và bị các phim của Hollywood vượt mặt khá xa.
Đó là một ví dụ đau lòng nhất cho việc khán giả mất niềm tin và quay lưng lại với điện ảnh nội địa. Ông Visute lý giải: “Khán giả Thái Lan mất niềm tin vào phim Thái là vì chất lượng của phim Thái ngày càng xuống thấp. Nếu phải trả cùng một số tiền cho tấm vé xem phim, bạn sẽ chọn những phim xứng đáng. Khi khán giả mất niềm tin vào điện ảnh Thái Lan, họ chọn các bộ phim của Hollywood, đơn giản thế thôi.”
Điều này cũng khá tương tự khi khảo sát các thị trường điện ảnh nội địa khác trong khu vực như Indonesia, Philippines hay Singapore, thậm chí cả những nền điện ảnh nội địa đã từng rất mạnh trước đây như Hong Kong hay Đài Loan.
Với tỷ lệ nội địa hóa 25% và luôn có phim nằm trong top 10 phim ăn khách nhất của năm, thậm chí dẫn đầu bảng xếp hạng như năm ngoái hay có 4 phim Việt ăn khách nằm trong top 10 như năm nay, có thể khẳng định rằng khán giả Việt xem phim nội địa thuộc loại cao nhất trong khu vực Đông Nam Á hiện nay.
Nhưng ai dám chắc điện ảnh nội địa của Việt Nam không dẫm vào vết xe đổ của điện ảnh Thái Lan, nếu khán giả mất niềm tin vào nền điện ảnh nội địa?
Thị trường thăng trầm suốt 30 năm
Em chưa 18 dẫn đầu bảng xếp hạng doanh thu năm ngoái hay 4 phim Việt lọt vào top phim ăn khách nhất năm nay tại thị trường Việt Nam chưa phản ánh đúng thực trạng của điện ảnh Việt Nam. Bởi với 33 phim đã ra mắt từ đầu năm, con số 4 phim thành công chỉ chiếm tỷ lệ 1/8.
Tức là cứ 8 phim làm ra mới có một bộ phim có lãi, hầu hết phim còn lại chịu cảnh thua lỗ và nhiều trong số đó thậm chí khiến nhà sản xuất mất trắng sau khi trừ đi số tiền trả cho rạp chiếu hay cho marketing, PR.
Điều quan trọng hơn là chất lượng của các bộ phim Việt Nam vẫn ở mức thấp và định kiến của khán giả dành cho phim Việt vẫn rất nặng nề.
Trong quá khứ, đặc biệt là thập niên 80, điện ảnh Việt Nam đã có những phim thu hút vài triệu lượt khán giả. Thậm chí theo đạo diễn Long Vân, Ván bài lật ngửa và Biệt động Sài Gòn từng thu hút trên dưới 10 triệu lượt người xem với một tập phim.
Nhưng cần hiểu rằng ở thời điểm đó phim Việt thường phát hành dưới hình thức chiếu bóng lưu động và len sâu đến từng ngõ ngách địa phương. Đây cũng là thời điểm mà tình yêu của khán giả dành cho phim Việt còn khá lớn và chất lượng của các bộ phim còn được đánh giá cao.
Trong đầu thập niên 90, Vị đắng tình yêu của đạo diễn Lê Xuân Hoàng với ba gương mặt trẻ là Lê Công Tuấn Anh, Lê Tuấn Anh, Thủy Tiên cũng tạo nên cơn sốt vé lớn và đoạt giải Bông sen vàng Phim hay nhất tại LHP Việt Nam năm 1991.
Thành công của Vị đắng tình yêu mở ra một giai đoạn sôi động của dòng phim “mì ăn liền”. Có thể coi đó là dòng phim thị trường của điện ảnh Việt Nam trong thập niên 90 với một loạt tác phẩm khá thành công sau đó.
Tuy nhiên, chất lượng ngày càng xuống thấp khiến phim “mì ăn liền” thoái trào nhanh chóng cuối thập niên 90. Kéo theo đó là hệ thống rạp chiếu bóng kiểu cũ cũng gần như sụp đổ.
Sau nhiều năm khán giả mất thói quen đến rạp, nhiều rạp chiếu bóng biến thành quán bar, vũ trường, sân khấu ca nhạc, thậm chí… quán bia hơi. Năm 2003, Gái nhảy của Lê Hoàng gây nên một hiện tượng hiếm có khi khán giả ùn ùn kéo đến rạp trở lại.
Theo tuần báo Time, Gái nhảy đã thu hút khoảng 500.000 lượt khán giả đến rạp, đạt doanh thu kỷ lục 12 tỷ đồng và đồng thời giúp phục hồi lại thị trường chiếu bóng, mở ra cơ hội cho dòng phim giải trí hồi sinh trở lại.
Sau Gái nhảy, Lê Hoàng thừa thắng xông lên với Lọ Lem hè phố (2004), Nữ tướng cướp (2005) với chất lượng trồi sụt thất thường và ngày càng xuống dốc. Cùng với Lê Hoàng nhưng trẻ trung tươi mới hơn là Vũ Ngọc Đãng với Những cô gái chân dài (2006) và Nguyễn Quang Dũng với Nụ hôn thần chết(2008), bộ phim từng đạt cột mốc 16 tỷ đồng vào dịp Tết 2008.
Được đào tạo hoàn toàn ở trong nước nhưng nhanh nhạy nắm bắt thị trường, Đãng và Dũng trở thành hai đạo diễn làm phim giải trí khá mát tay. Nhưng họ cũng dần “hụt hơi” khi lặp lại mình ở những phim sau.
Đây cũng là thời điểm làn sóng đạo diễn Việt kiều trở về nước làm phim ngày càng đông. Khác với các đạo diễn Việt kiều thế hệ trước chuyên làm những bộ phim có hơi hướng nghệ thuật, thế hệ đạo diễn Việt kiều giai đoạn này chủ yếu tập trung vào dòng phim giải trí.
Đại diện tiêu biểu nhất là Charlie Nguyễn và Victor Vũ với mỗi người có khoảng 10 phim đã ra mắt trong vòng 10 năm qua. Có thể coi họ là hai nhân tố giúp thị trường điện ảnh Việt phát triển khá ổn định trong một thập niên qua với số lượng khán giả đến rạp ngày càng tăng.
Phan Gia Nhật Linh, đạo diễn trong nước nhưng được đào tạo ở Mỹ, và một số đạo diễn nội địa khác như Lê Thanh Sơn, Lý Hải, Ngô Thanh Vân, Đức Thịnh… cũng năng nổ xuất hiện và giúp cho thị trường điện ảnh Việt phát triển sôi động trong vòng 3 năm qua với một số bộ phim ăn khách.
Với tốc độ tăng trưởng trên 10% mỗi năm, thị trường điện ảnh Việt phát triển sôi động. Đây cũng là lúc các đạo diễn tay ngang từ sân khấu nhảy sang, hoặc thậm chí là đạo diễn quảng cáo, đạo diễn kịch tấu hài cũng làm phim.
Họ là nguyên do khiến thị trường điện ảnh Việt Nam vừa khởi sắc trở lại đã bắt đầu có dấu hiệu bão hòa và thậm chí đi xuống với nhiều bộ phim chất lượng tạp nham và khiến định kiến của khán giả Việt dành cho điện ảnh nội địa nặng nề trở lại.
Hơn lúc nào hết, điện ảnh Việt cần một cuộc thanh lọc để điện ảnh giải trí Việt không thoái trào như dòng phim “mì ăn liền” của thập niên 90 hay bị khán giả nội địa quay lưng như nền điện ảnh Thái vài năm qua.
Có thể lọt top 5 điện ảnh châu á, nhưng…
Trả lời phỏng vấn Zing.vn năm 2017, ông Dong Won Kwak – Tổng giám đốc CGV Việt Nam khi đó – tự tin tuyên bố rằng sẽ đưa thị trường điện ảnh Việt Nam lọt vào top 5 thế giới trong vòng 7 năm tới.
Ông cho rằng với dân số 51 triệu người và đang già đi, điện ảnh Hàn Quốc đã làm được điều đó. Vậy một thị trường xấp xỉ 100 triệu người và tỷ lệ dân số trẻ cao, lại được đầu tư phát triển bài bản từ kinh nghiệm của Hàn Quốc, không lý gì điện ảnh Việt Nam không đạt được.
Quan sát thị trường điện ảnh Việt Nam hơn 20 năm qua và so sánh với các thị trường điện ảnh phát triển trên thế giới, cá nhân tôi cho rằng đó là một tham vọng lớn nhưng khá chủ quan. Với nội lực của thị trường điện ảnh Việt Nam hiện tại, lọt vào top 5 của thị trường châu Á trong tương lai gần thì có thể khả thi còn lọt vào top 5 của thế giới thì còn quá xa.
Top 5 thị trường điện ảnh châu Á, sau Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và dẫn đầu khu vực Đông Nam Á là một cột mốc thực sự vẻ vang cho điện ảnh Việt Nam và hoàn toàn có thể đạt được.
Nhưng trước khi mơ tới cột mốc đó, các nhà làm phim hãy tập trung cải thiện và nâng cao chất lượng phim Việt và phá vỡ định kiến của khán giả đối với phim ảnh nội địa. Còn với chất lượng phim thượng vàng hạ cám, tỷ lệ phim “chết yểu” quá nhiều như hiện nay thì cột mốc đó vẫn là một cái bánh vẽ mà thôi.
Theozing.vn
Phim cổ trang Việt Nam: Bao giờ hết tùy tiện?
Trước sức hút từ các bộ phim cổ trang của nước ngoài, nhiều nghệ sĩ trẻ trong nước đã và đang chạy theo xu hướng. Tuy nhiên, các sản phẩm có chất lượng khá thấp càng khiến dòng sản phẩm này bị méo mó. Khán giả Việt đang "khát" những thước phim cổ trang ấn tượng, khơi dậy lòng tự hào dân tộc.
Phim miễn phí và nỗi lo thẩm mỹ văn hóa
Trong thời gian qua, trước sức hút không thể cưỡng lại từ các bộ phim bom tấn như: Diên Hy công lược(Trung Quốc), Thâm cung kế (Hồng Kông), Nhật ký Saimdang (Hàn Quốc)..., hàng loạt sản phẩm giải trí lấy bối cảnh cổ trang Việt Nam đã được tung ra.
Ngay sau khi diễn viên trẻ Nam Thư phát hành phim Nam Phi liên hoàn kế, các nghệ sĩ trẻ khác như: Ca sĩ Thanh Duy Idol, diễn viên Quang Trung, BB Trần, Hải Triều... cũng tung ra phim Kỳ án cung Diên Thọ.
Một số phim cổ trang Việt Nam còn hời hợt, thiếu chiều sâu.
Sắp tới, nghệ sĩ Thu Trang cũng cho ra mắt phim Bổn cung giá lâm. Nghệ sĩ Thu Trang cho biết: "Ý tưởng ban đầu của series phim này hoàn toàn không có phần cổ trang nhưng chúng tôi đã thống nhất bổ sung phần cổ trang vào trong kịch bản gốc để tăng tính giải trí".
"Dòng phim cổ trang luôn là một ý tưởng hấp dẫn, không những là vùng đất màu mỡ cho sự sáng tạo, làm phong phú hơn cho câu chuyện mà còn hợp lý hóa những tình huống vô thực, cũng như dễ tạo mảng miếng hài hước", nữ diễn viên cho biết thêm.
Điểm chung của những sản phẩm này là có sự tham gia của các diễn viên trẻ, có lối diễn hài hước và được phát hành online. Tuy nhiên, chính vì kinh phí thấp nên các bộ phim đều không có sự đầu tư kỹ lưỡng về bối cảnh, phục trang.
Các tình tiết đều dễ dãi, tùy tiện vì không có câu chuyện chỉn chu. Biểu cảm của các diễn viên đa phần đều thiếu nghiêm túc, tung hứng như tấu hài.
Khán giả Giang Thanh, sinh viên tại TP.HCM nhận xét: "Các phim này chỉ có bề nổi, mượn yếu tố cổ trang để hài hước mà không chú ý đầu tư câu chuyện. Vì thế, phim không có điểm nhấn, hài hước rồi chẳng đọng lại gì".
Còn chị Diệu Loan (nhân viên văn phòng, quận 3, TP.HCM) lại gay gắt hơn khi cho rằng, những bộ phim này được phát hành miễn phí với chất lượng thấp đang khiến giới trẻ hiểu sai về văn hóa truyền thống của dân tộc.
"Sẽ ra sao nếu các em học sinh nghĩ rằng các nhân vật lịch sử như Nguyên phi Ỷ Lan, Thái hậu Dương Vân Nga,... cũng cư xử tùy tiện như cách các bộ phim thể hiện", chị Loan nói thêm.
Sáng tạo nhưng không thể bị hiểu nhầm
Nhận định về thực trạng này, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh cho biết: "Tất cả các sản phẩm giải trí về cổ trang hiện nay đều được làm bằng cảm hứng, cảm xúc nhất thời. Các bạn làm ở mức độ giải trí, như một làn gió mới chứ ít khi nghiên cứu tỉ mỉ, đầu tư bài bản. Còn về lâu dài, văn hóa giải trí có bối cảnh cổ trang cần dựa trên tư liệu lịch sử chính xác".
"Tôi rất vui mừng và trân quý các bạn nghệ sĩ trẻ tuổi, có ảnh hưởng cộng đồng làm những sản phẩm văn hóa xưa cũ. Nhưng hãy thương thế hệ tương lai bằng cách làm cho đúng, tôn trọng văn hóa và lịch sử chứ đừng chạy theo xu hướng rồi đưa ra thị trường những sản phẩm vô thưởng vô phạt", nam đạo diễn phân tích thêm.
Cũng theo đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh, điều khó nhất khi làm phim cổ trang ở Việt Nam là yếu tố hư cấu. Tuy nhiên, bên cạnh các yếu tố giải trí thì người làm phim cần hiểu rõ tính khoa học và lịch sử.
Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh.
"Sáng tạo nhưng không thể để cho khán giả trẻ hiểu nhầm. Nếu chúng ta chưa có thế mạnh và kinh nghiệm với dòng văn hóa này thì ngay từ đầu phải làm cho đúng. Các bạn nên cảnh báo trên sản phẩm của mình, rằng đây không phải câu chuyện lịch sử có thật, mà được cảm hứng từ thời kỳ nào, giai đoạn nào. Cái đẹp về lịch sử cần phải chính xác, đúng đắn. Nếu không, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng, khiến người xem ngộ nhận về lịch sử dân tộc", anh Huỳnh Tuấn Anh nói.
Cũng theo đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh, phim ảnh là một phần của văn hóa. Vì thế, muốn có phim cổ trang tạo được ấn tượng thì phong trào "cổ phong" phải phát triển, đáp ứng được những chất liệu về trang phục, ẩm thực, nghi thức,...
"Chúng ta đang làm phim ảnh cổ trang theo cách rất manh mún, tạm bợ. Nhiều nhà sản xuất có tiền nhưng chưa biết cách làm cho bài bản. Phía các cơ quan Nhà nước cũng chưa có phương hướng quản lý cụ thể cho thể loại văn hóa này. Chính vì thế, chúng ta thiếu kết nối với nhau. Nếu phía Nhà nước có chủ trương phát triển văn hóa cổ trang để tạo bản sắc cho đất nước, đầu tư các sản phẩm cổ trang để quảng bá nét đẹp văn hóa, con người, phong tục,.. thì mọi chuyện sẽ có tiến triển hơn", đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh đánh giá.
Theo Nguoiduatin.vn
Phim Việt "hốt" trăm tỷ khi công chiếu: Doanh thu cao, chất lượng có cao? 4 phim Việt có doanh thu trăm tỷ đều thuộc dòng phim hài, tình cảm vốn được khán giả Việt ưa chuộng. Tuy nhiên, không phải phim nào có doanh thu cao thì chất lượng phim cũng được đánh giá cao. 4 phim Việt có doanh thu trăm tỷ Cách đây 4 năm, "Để Mai tính 2" trở thành bộ phim Việt đầu...