Khán giả “đói” phim cổ trang Việt
Khán giả Việt đã “no nê” với phim cổ trang, dã sử của Trung Quốc, Hàn Quốc, Châu Âu, nhưng với chính dòng phim này của nước nhà thì họ lại bị “bỏ đói”.
Phim cổ trang nước ngoài áp đảo, phim Việt càng lép vế
Hiện nay, Trung Quốc là nước sản xuất phim cổ trang số lượng lớn với sự đầu tư rất hoành tráng công phu. Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng không chịu “kém cạnh” và đang ngày càng phát triển hơn dòng phim này. Với những dàn diễn viên trẻ đẹp, tài hoa, phim cổ trang của những nước láng giềng này đã chiếm trọn trái tim khán giả nhiều nước và cũng không ngoại trừ Việt Nam. Khán giả Việt đã “no nê” với phim cổ trang, dã sử của Trung Quốc, Hàn Quốc, Châu Âu, nhưng với chính dòng phim này của nước nhà thì họ lại bị “bỏ đói”.
Cách đây 20 năm, cũng đã có khá nhiều nhà làm phim thử sức với dòng phim dã sử, lịch sử với sự ra đời của những Thăng Long đệ nhất kiếm, Lửa cháy thành Đại La, Tráng sĩ Bồ Đề... Đặc biệt, bộ phim Đêm hội Long Trì sản xuất năm 1989 do NSND Hải Ninh đạo diễn được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết lịch sử cùng tên của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã thực sự tạo nên một ấn tượng mạnh về dòng phim lịch sử Việt Nam. Nhưng cũng từ đó đến nay, trải qua hai thập kỷ, dòng phim này dường như bị ngủ vùi trong sự quên lãng khiến nó trở nên bị lép vế.
Đêm hội long trì tạo một ấn tượng mạnh về phim lịch sử Việt Nam
Xây dựng xong “đắp chiếu”: Bị lãng quên hay lãng phí?
Năm 2010, để kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, đã có rất nhiều dự án phim cổ trang được tiến hành. Danh sách các phim cổ trang mừng đại lễ cũng kha khá. Chẳng hạn như Khát vọng Thăng Long, Long Thành cầm giả ca, Thái sư Trần Thủ Độ, Huyền sử Thiên đô, Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long, Tây Sơn hào kiệt… Tưởng chừng như đây là dấu mốc của sự trở lại của dòng phim này. Khán giả đã trông chờ phim lịch sử Việt thêm một lần khởi sắc như quá khứ vàng son của nó, nhưng rồi giấc mộng ấy lại sớm tiêu tan.
Nhiều phim được đầu tư rất hoành tráng với kinh phí khổng lồ nhưng chưa hề được công chiếu như Thái sư Trần Thủ Độ (được đầu 57 tỷ VNĐ), Lý Công Uẩn – đường tới thành Thăng Long (khoảng 100 tỷ)…
Tạo hình trong Lý Công Uẩn đường tới thành Thăng Long “đậm mùi” Trung Hoa
Trong đó, Lý Công Uẩn đường tới thành Thăng Long được thực hiện hoàn toàn ở phim trường Hoành Điếm, Trung Quốc. Biên tập phim là Kha Chương Hoà, người đã từng biên kịch cho Thái tổ mật sử, Võ Tắc Thiên, Vương Triều Ung Chính… Phim có 3 đạo diễn, trong đó có hai gương mặt Trung Quốc. Các chuyên gia hóa trang của Trung Quốc, thuê 700 bộ cổ phục Trung Quốc và diễn viên quần chúng cũng là người của họ. Phim dự kiến lên sóng vào cuối tháng 9, trên giờ vàng của VTV3 và dự định phát hành ở Trung Quốc, các nước Asean và châu Âu.
Hoành tráng và “chịu chơi” là thế, nhưng khi xem trailer, bộ phim đã bị lên án gay gắt, bị yêu cầu cắt bỏ rất nhiều đoạn nhưng cuối cùng vẫn không được công chiếu chỉ bởi nó “đậm mùi” Trung Quốc. Nói đi cũng phải nói lại, sự đầu tư hoành tráng như vậy cho một bộ phim là vô cùng đáng quý nhưng phải đầu tư như thế nào cho hợp lý. Đúng như nhiều người nhận định, không thể công chiếu một bộ phim lịch sử Việt nhưng lại tự khoác lên mình một chiếc áo Trung Hoa. Song, cũng có nhiều luồng ý kiến cho rằng, dù sao phim đã xây dựng, hãy cứ công chiếu để khán giả nhận xét và “nhặt sạn”. Khán giả là những người công tâm nhất, có “sạn” mới rút được kinh nghiệm cho những phim sau.
Video đang HOT
Cảnh trong phim Thái sư Trần Thủ Độ
Thái sư Trần Thủ Độ là bộ phim được UBND thành phố Hà Nội bỏ 57 tỷ đồng đầu tư cho hãng phim truyện I (nay là Công ty cổ phần phim truyện I) sản xuất. Phim được giao cho đạo diễn Đặng Tất Bình tổ chức sản xuất và đạo diễn Đào Duy Phúc đảm nhận phần nội dung. Phim bấm máy từ tháng 6/2009 với dự kiến sẽ hoàn tất và lên sóng đúng vào tháng 10/2010 trong không khí cả nước tưng bừng chào đón đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Với dàn diễn viên trẻ đẹp, những góc quay hấp dẫn, một phần cảnh cũng được quay bên Trung Quốc cũng hứa hẹn một bộ phim đáng xem. Nhưng hơn 1 năm qua, phim vẫn chưa hề được công chiếu trong sự chờ đợi mỏi mòn của khán giả. Và mới đây, phim đã bị loại khỏi giải Cánh diều vàng chỉ vì vi phạm quy chế. Lý do là, phim Thái sư Trần Thủ Độ vẫn chưa được bất kỳ một đài truyền hình nào kiểm duyệt cũng như có kế hoạch phát sóng.
Nhiều khán giả đã phải thắc mắc, tại sao một bộ phim lịch sử nhằm kỷ niệm Đại lễ mà đến tận bây giờ vẫn chưa có đài truyền hình nào kiểm duyệt hay có kế hoạch phát sóng? Hay phải chăng phim cổ sử Việt vẫn chưa thực sự được coi trọng? Có lẽ đây là một sự lãng phí không đáng có khi mà bản thân khán giả đang mỏi mòn trông ngóng phim lịch sử nước nhà.
Cảnh trong phim Tây Sơn hào kiệt
Cảnh phim Huyền sử thiên đô
Cảnh phim Khát vọng Thăng Long
Bên cạnh những bộ phim chưa được chiếu, cũng có một số phim đóng và kịp phát sóng trong dịp này như Tây Sơn hào Kiệt, Huyền sử thiên đô, Khát vọng Thăng Long… Đặc biệt Tây Sơn hài kiệtkhi mới tung trailer đã được coi là phim bom tấn của điện ảnh Việt Nam, khán giả háo hức chờ đợi và cũng háo hức kéo nhau đi xem. Nhưng phim cũng chưa thực sự thành công vì khản giả vẫn còn có những phản hồi chưa tốt trong kịch bản, cũng như kỹ xảo quay.
Với sự chờ đợi mỏi mòn vì mãi không chiếu phim, nhiều phim chiếu rồi nếu không bất hợp lý ở điểm này thì lại vô lý ở chỗ khác… khiến khán giả không còn mặn mà nữa. Song điều đó không có nghĩa là khán giả đang quay lưng với dòng phim lịch sử của nước nhà, chẳng qua phim chưa đáp ứng được nhu cầu của khán giả mà thôi.
Thực tế, phim cổ sử Việt đang còn gặp rất nhiều vấn đề khó khăn và thách thức. Từ việc thiếu những kịch bản hay, tinh tế, thiếu kinh phí, không có trường quay chuyên nghiệp… và khâu tuyển chọn diễn viên cũng là việc không dễ dàng. Trong khi phim cổ trang nước ngoài ngày càng phát triển mạnh mẽ và đứng ở một đẳng cấp khác. Vì vậy, chúng ta cũng không nên quá khắt khe với phim của nước nhà. Hãy tạm coi những điểm cộng (dù nhỏ bé) cho phim là một bước tiến mới của dòng phim lịch sử hiện tại sau nhiều năm vắng bóng, để các nhà làm phim có thể yên tâm “tự nhặt sạn” và làm ra tác phẩm chất lượng hơn nhiều.
Theo VNN
2011: Năm "đen đủ đường" của phim truyền hình Việt
Hãy cùng chúng mình điểm lại những sóng gió trong làng phim Việt năm vừa qua nhé.
1. Lại là những "thảm họa giờ vàng"
Sau những "tác phẩm kinh điển" Xin lỗi tình yêu, Có lẽ nào ta còn yêu nhau... năm nay đến lượt các bộ phim Xin thề anh nói thật, Anh chàng vượt thời gian lọt top thảm họa - một cụm từ ngày càng được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật của V-biz.
Xin thề anh nói thật là phim hài đi theo phong cách cường điệu hóa, thể loại không mấy xa lạ với khán giả Việt Nam. Nhưng có lẽ người làm phim không tạo dựng được những tình tiết đủ tinh tế, thú vị, hoặc khán giả nhà ta chưa quen với phong cách này trong một bộ phim Việt. Thành ra chưa chiếu được bao lâu, cả một "núi đá" đã đổ xuống đầu Xin thề anh nói thật.
Chưa kể, hình ảnh cặp nhân vật chính luôn được chọn lựa để minh họa cho hầu hết các bài báo viết về vấn đề chất lượng yếu kém của phim truyền hình Việt. Tất nhiên, cũng có những ý kiến bênh vực từ một số khán giả và lời "phản pháo" từ chính nhà sản xuất với lý lẽ rằng: đây là phim giải trí đơn thuần, đừng đòi hỏi gì nhiều thêm!
"Xin thề anh... không dở thật"
Cạnh tranh và đã có phần thắng thế với Xin thề anh nói thật trong cuộc đua giành ngôi vị Thảm họa số một năm qua là Anh chàng vượt thời gian. Bộ phim có tốc độ sản xuất vô cùng thần kì - đúng một tháng để quay lại hoàn toàn 30 tập sau sự cố thay đột ngột gần hết dàn diễn viên - và được đem phát sóng luôn.
Theo đánh giá của cả báo chí lẫn khán giả, tác phẩm này hội tụ đủ mọi yếu tố của một phim truyền hình... dở: diễn xuất nhạt nhẽo, nhịp phim dài dòng, tình tiết rời rạc. Đối mặt với những lời chê bai dữ dội, cả đoàn làm phim - thay vì tìm cách bảo vệ cho "thảm họa vượt thời gian" mà họ gây ra - lại chỉ lên báo cãi cọ, tố nhau vô đạo đức, lừa đảo, quỵt tiền... Cuối cùng, trước nguy cơ tụt giảm uy tín nghiêm trọng vì chấp nhận cho lên sóng những sản phẩm như thế này, nhà đài đã quyết định chấm dứt trình chiếu bộ phim.
2. Cơn ác mộng: ngừng phát sóng
Không chỉ có "thảm họa" mới phải ngừng phát sóng. Một bộ phim khác cũng chung số phận bị buộc dừng trình chiếu, thậm chí còn thê thảm hơn là Hãy cùng em điệu Sarikakeo. Đây là tác phẩm lấy đề tài về văn hóa, cuộc sống người dân Khmer. Tuy nhiên, vừa khởi chiếu xong tập đầu tiên, bộ phim đã biến mất ngay khỏi sóng truyền hình.
Sau đó, nguyên nhân được đưa ra là có nhiều cảnh phim không đúng với thực tế về tăng ni, Phật giáo Nam tông, văn hóa và cuộc sống của đồng bào. Không rõ hãng sản xuất đã có động thái gì để bào chữa cho tác phẩm của mình, nhưng cho đến nay, bộ phim này đã rơi vào quên lãng.
Bỏ ra gần 6 tỷ đồng sản xuất, "Hãy cùng em điệu Sarikakeo"
chỉ được trình chiếu đúng một tập?!
3. Phim lịch sử gian nan vượt khó
Dù có lợi thế là được đầu tư sản xuất công phu cộng thêm sự ủng hộ không nhỏ từ khán giả nhưng những bộ phim cổ trang/lịch sử cũng không thoát kiếp "long đong".
Để đưa được 42 tập phim đầu đến với khán giả, bộ phim Huyền sử thiên đô đã phải trải qua một quá trình xin phát sóng khá gian truân. Chưa hết, phim vẫn còn tận... 30 tập nữa chưa được thực hiện do thiếu kinh phí và nhà sản xuất đang khá bi quan về vấn đề này. Như vậy, rất có thể câu chuyện về cuộc hành trình lên ngôi vua và dời đô của Lý Thái Tổ sẽ phải kết thúc trong dang dở.
"Huyền sử thiên đô" vất vả đấu tranh phát sóng và nguy cơ "đứt đuôi" 30 tập cuối
Trong khi đó, phim Trần Thủ Độ sau hai năm sản xuất với không ít khó khăn, cuối cùng đã "cán đích" thành công. Nhưng hiện nhà sản xuất vẫn đang phải "chờ dài cổ" để biết phim sẽ được chiếu vào thời gian nào và trên đài truyền hình cụ thể gì.
Phim "Trần Thủ Độ" làm mãi mới xong và giờ... tạm đem cất kho
Chịu đựng nhiều bão táp nhất trong năm qua phải kể đến tác phẩm Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long. Đây là một bộ phim hiếm hoi thuộc dự án kỷ niệm Đại lễ nghìn năm Thăng Long được hoàn thành đúng hẹn và lẽ ra đã đến với khán giả từ tháng 10 năm ngoái. Nhưng khi vừa mới ra mắt một số hình ảnh và trailer, phim đã hứng chịu một trận "mưa đá" từ công luận vì trót mang tiếng là "phim lịch sử Việt Nam... lai Trung Quốc". Đến tháng 6 năm nay, thêm một lần nữa, phim lại thất bại trong việc lên sóng truyền hình và giờ không ai biết, số phận tác phẩm này sẽ đi đâu, về đâu.
"Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long" vẫn không thoát khỏi
cảnh bị vùi dập tơi bời
Lời kết:
Những thất bại, khó khăn của các bộ phim kể trên ắt hẳn đã để lại cho các nhà sản xuất và cả đài truyền hình những bài học thật đắt giá. Trước tình hình khán giả ngày một thêm khắt khe và giới truyền thông gia tăng liên tục ảnh hưởng mạnh mẽ của mình, những người làm phim và chịu trách nhiệm chọn phát sóng phim phải luôn làm việc nghiêm túc, nỗ lực, đặt tiêu chí mang những tác phẩm chất lượng đến cho khán giả lên hàng đầu. Mong là sang năm mới, chúng ta sẽ được thưởng thức nhiều bộ phim hay, bổ ích - đặc biệt là những phim thuộc dòng cổ trang, lịch sử vốn đang khan hiếm - và nói lời từ giã với những "thảm họa giờ vàng".
Theo PLXH
Mỹ nữ cổ trang trên màn ảnh Việt qua các thế hệ Đã bao giờ bạn tự hỏi những mỹ nhân cổ trang Việt là ai, liệu có thua kém những người đẹp Trung Hoa vốn đã quá quen thuộc không? Hãy cùng chúng mình khám phá và điểm lại những nhan sắc "mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười" trong suốt quá trình phát triển của phim cổ trang Việt nhé. Do thiếu...