Khán giả chi 30.000 USD đến xem phiên tòa Johnny Depp – Amber Heard
Người hâm mộ chi tiền mạnh, không ngại đường xa, thức xuyên đêm xếp hàng để có vị trí ngồi đẹp bên trong phòng xử kiện giữa Johnny Depp và Amber Heard.
Phiên xét xử vụ kiện giữa Johnny Depp và Amber Heard hiện tạm nghỉ cho đến ngày 16/5. Sau đó, hai bên sẽ có cuộc đối chất với luật sư của đối phương. Các cuộc tranh luận sẽ kết thúc vào ngày 27/5 và bồi thẩm đoàn sẽ bắt đầu thảo luận riêng.
Phóng viên People đã có cuộc phỏng vấn với những người hâm mộ góp mặt xuyên suốt ở tòa những ngày qua. Nhiều người kể họ ăn, ngủ trong ôtô bên ngoài tòa án Fairfax (bang Virginia, Mỹ), thậm chí bỏ hàng nghìn USD tiền di chuyển và chi phí khác, xếp hàng giành chỗ ngồi ở hàng ghế đầu.
Người hâm mộ Johnny Depp xếp hàng từ sớm. Họ mang theo băng rôn, biểu ngữ “Công lý cho Johnny Depp” khi đến tòa án Fairfax. Ảnh: Getty.
Dầm mưa, thức xuyên đêm đến ủng hộ Johnny Depp
Đặt chân tới trước tòa vào rạng sáng, nhóm người hâm mộ đứng xếp thành hàng dài chờ tới lượt lấy thẻ và bước vào trong. Họ hồi hộp nhưng cũng hào hứng chờ nghe lời khai của hai ngôi sao hạng A.
“Tôi chưa bao giờ đến phiên tòa công khai trước đây hay thức qua đêm để xếp hàng”, Sabrina Harrison ở Madison, Wisconsin, nói. “Trong 46 năm cuộc đời, đây là lần đầu tôi đi xem phiên xử”, cô cho biết thêm.
Sharon Smith, 52 tuổi, đã vượt đại dương để tới nơi diễn ra phiên tố tụng. Sau 12 năm chỉ quanh quẩn ở Anh, Smith đóng gói đồ đạc vào vali lớn và đến Virginia, Mỹ khi phiên tòa giữa Johnny Depp và Amber Heard bắt đầu vào tháng 4. Trong một tuần tòa tạm nghỉ, cô đi du lịch Los Angeles, sau đó sẽ quay lại.
Smith cho biết: “Tôi đã về từ Los Angeles và lao vào kiếm tiền. Cứ mỗi lần di chuyển, tôi lại tốn 600 đến 700 USD/giờ. Tính luôn tiền thức ăn, khách sạn, thức uống, tôi phải chi ra khoảng 10.000 USD”.
Để được ngồi hàng đầu, nhiều người phải thức xuyên đêm, dầm mưa tới xếp hàng từ sớm. Ảnh: Getty.
Trước đó, Smith thường đến tòa lúc 1h sáng để ngồi hàng ghế đầu. Đặc biệt, vào một buổi sáng, cô ấy đã ướt sũng vì dầm mình trong mưa. Khi được hỏi đến ủng hộ Depp hay Heard, cô đáp: “Tôi đang bị ướt vì Johnny”.
Người phụ nữ này hiện xem phòng xử án như nhà mình. Sau khi phiên tòa kết thúc, Smith không chắc chắn nơi đến tiếp theo sẽ là đâu. Cô cho biết bản thân đang bị “khủng hoảng tuổi trung niên” nên phải đi ra ngoài để giảm stress. Lúc còn ở Anh, cô thường xuyên di chuyển giữa Liverpool, London và Leeds.
Trong khi đó, Ivan De Boer, 59 tuổi, sử dụng tất cả ngày phép tính lương trong năm để đáp chuyến bay từ Los Angeles đến nơi tổ chức phiên tòa. Cô tốn hơn 30.000 USD cho tất cả chi phí, tính đến nay.
Video đang HOT
“Tôi nghĩ cả năm để có thể ở đây, vì Johnny. Tôi bằng tuổi cậu ấy. Tôi độc thân, vì vậy, về cơ bản là tôi sẵn sàng làm những gì mình muốn”, De Boer nói với People.
Mặc dù trong quá trình nghe xét xử, người phụ nữ này đã đánh rơi nhiều tiền mặt, song cô cảm thấy không hối tiếc. Boer nhấn mạnh: “Tôi chỉ tiếc nếu không đến ủng hộ Johnny”.
“Dở hơi và điên rồ”
Hòa vào dòng người vào sáng sớm ngày 4/5, Emily (26 tuổi, sống tại Virginia) chăm chú lắng nghe toàn bộ lời khai, cũng như mục sở thị diễn biến tâm lý bất ổn của Amber Heard khi kể tội chồng cũ.
Cô thở phào nhẹ nhõm vì đã quyết định rời nhà lúc 2h sáng để đảm bảo mình sẽ là một trong 100 người đầu tiên xếp hàng và có vị trí ngồi lý tưởng.
Theo Emily, bạn bè mắng cô là “đồ điên” khi bỏ thời gian và công sức cho chuyện không liên quan đến mình. Nhưng Emily nghĩ rằng cả thế giới đang quan tâm tới phiên tòa lịch sử, sao cô lại không? Hơn nữa, nơi diễn ra vụ kiện lại không quá xa nhà của cô.
Trả lời People, Emily cho biết rất nhiều người đã đến vào 21h hôm trước. Họ ngủ trong ôtô nhằm tiết kiệm tiền, và hôm sau, họ dậy rất sớm với mong muốn nhìn thấy Depp và Heard ngoài đời.
Nhiều người chấp nhận chi nhiều tiền, đáp chuyến bay từ nơi khác đến để trực tiếp theo dõi diễn biến phiên tòa. Ảnh: Getty.
Jarva, 33 tuổi, quê Brooklyn, nói: “Tôi cảm thấy bất tiện khi phải ở Virginia trong nhiều tuần, nhưng tôi vẫn ngủ trong xe, từ ngày này sang ngày khác. Nhờ vậy, tôi quen được nhiều bạn và họ đã cho tôi ở nhờ trong căn hộ gần đó. Nhưng nếu cần, tôi sẽ trở về với con xe thân yêu”.
Angela Metha gác lại công việc để xuất hiện ở tòa án Fairfax, Virginia. Nhà cô cách nơi này không xa nên mọi chuyện đều dễ dàng. Bởi thế, nữ bác sĩ 40 tuổi tới tòa những 5 lần.
Tương tự những người khác, Metha xếp hàng lúc 4h sáng để đăng ký vào trong. Trước đó cô đã đón mẹ chồng sang ngủ với bọn trẻ. Gia đình của Metha cho rằng cô “dở hơi”, đặc biệt là sau khi cô yêu cầu chồng kỷ niệm 10 năm ngày cưới bằng việc đến nghe xử.
“Tôi bảo chồng: Anh có thể đi cùng em không? Đây xem như là món quà kỷ niệm một thập kỷ bên nhau. Nhưng anh ấy nhất quyết nói không, mặc dù thực tế, chồng tôi cũng đứng về phía Johnny”, Metha kể.
Thừa nhận thức liên tục vào giữa đêm, đứng chờ đợi trong cơn rét buốt là trải nghiệm không hề dễ dàng. Nhưng được tận mắt chứng kiến những gì diễn ra, Metha cho rằng quyết định của cô xứng đáng.
Chia sẻ trên New York Post, Jennifer (43 tuổi, đến từ Rome) hào hứng kể đã chi 2.200 USD sắm quần áo mới và xếp hàng đợi vào lúc 1h sáng để bước vào phòng xử án.
“Bản thân là người từng trải qua bạo lực gia đình, tôi tin những gì mình làm là cần thiết. Tôi đã có mặt ở Virginia từ rất sớm”, Jennifer nói, và cho biết cô kinh doanh tự do nên chủ động được thời gian.
Luật sư: 'Johnny Depp chỉ thắng được tòa án dư luận'
Các luật sư nêu quan điểm về vụ Johnny Depp kiện vợ cũ. Họ nhận định dù ai thắng, vụ kiện cũng không trở thành cột mốc trong lịch sử của luật phỉ báng.
Từ cửa sổ văn phòng, Jon Katz có tầm nhìn trực tiếp ra tòa án Fairfax ở Virginia, Mỹ. Trong nhiều tuần qua, ông đã theo dõi những người hâm mộ tụ tập bên ngoài cổ vũ Johnny Depp.
Phiên xét xử vụ kiện giữa ngôi sao Cướp biển vùng Carribean và vợ cũ là vụ án lớn nhất Katz đã chứng kiến trong hơn 20 năm làm nghề. Theo Variety, Katz từng bào chữa cho rất nhiều khách hàng, làm đại diện phát ngôn của nhiều bên (trong đó có nhà thờ Westboro Baptist) nên ông có kinh nghiệm trong việc dự đoán kết quả phiên tòa.
Theo luật sư, Depp và Heard, sẽ không ai thắng trong câu chuyện này. "Ngược lại, tôi muốn có một bản án chống lại hai người họ", ông nhấn mạnh.
Khái niệm "phỉ báng bởi ngụ ý"
Johnny Depp và Amber Heard đang kiện nhau vì tội phỉ báng. Tài tử tố nữ diễn viên vu khống hành vi bạo hành gia đình, khiến sự nghiệp anh lao đao. Heard đã phản bác lại rằng cáo buộc của cô hoàn toàn đúng sự thật.
Thường thì những phiên tòa liên quan đến người nổi tiếng diễn ra trong phòng xử kín. Công chúng chỉ nghe được thông tin qua quản lý, người đại diện hay báo giới. Bản thân người trong cuộc chọn im lặng hoặc lên tiếng sau khi mọi thứ đã qua.
Tuy vậy, vụ của hai ngôi sao The Rum Diary là ngoại lệ. Các phiên điều trần được livestream đã làm thỏa mãn trí tò mò của khán giả.
Những phiên xử kéo dài đã khuấy động các phương tiện truyền thông kỹ thuật số. Tại một thời điểm trong lời khai ngày 4/5 của Heard, có 587.285 người theo dõi livestream qua trang Law & Crime. Phạm vi phủ sóng các video ghi lại hành động, biểu cảm của Depp và Heard đã trở nên viral trên TikTok, Instagram và Twitter.
Tuy nhiên, đối với các học giả Tu chính án thứ nhất, những gì đang diễn ra không thú vị. Một số chuyên gia nhận định vụ kiện khó tạo nên tiền lệ nào hoặc trở thành cột mốc trong lịch sử của luật phỉ báng.
Eugene Volokh - giáo sư luật của Đại học California - cho biết: "Chuyện Johnny kiện Amber có vẻ như chỉ là tuyên bố bôi nhọ khá đơn giản. Tôi chưa thấy bất cứ chi tiết nào hay điều gì thực sự ảnh hưởng đến luật pháp".
Johnny Depp và Amber Heard đối mặt trực tiếp trong các phiên tòa ở Fairfax, Mỹ. Ảnh: Reuters/AFP.
Trở lại năm 2018, Amber Heard đã viết mình là nạn nhân của bạo lực gia đình, bạo lực tình dục trong bài xã luận đăng trên Washington Post. Nữ diễn viên không nhắc tên Johnny Depp nhưng cô đã gắn kết trải nghiệm của mình với phong trào #MeToo.
Về chuyện này, Depp lập luận dựa theo hướng bị Heard phỉ báng bởi ngụ ý - các tuyên bố trung lập, không nêu tên, nhưng vẫn có thể tạo ra lời bóng gió mang tính phỉ báng.
Khái niệm phỉ báng từng xuất hiện trong phiên xử giữa James Fenimore Cooper - nhà văn nổi tiếng với các bài viết đề cập vấn đề xã hội, chính trị, kinh tế, văn hóa của nước Mỹ - và loạt biên tập viên của một tờ báo vào những năm 1840.
Horace Greeley, một trong các bị đơn, đã nói: "James sẽ không mang đơn kiện đến New York cũng như Otsego, vì anh ta được biết đến nhiều tại đây", nhằm ngụ ý việc Cooper mang tiếng xấu ở khắp đất nước. Câu nói này khiến Greeley bị tòa án New York coi là phỉ báng bởi ngụ ý.
"Tòa án là công cụ để Johnny Depp thể hiện tiếng nói"
Năm 2019, Hiệp hội Báo chí Virginia (VPA) nộp bản tóm tắt về trường hợp của Depp và Heard, yêu cầu tòa án không nên mở rộng khái niệm "phỉ báng bởi ngụ ý".
Jennifer Nelson, luật sư cao cấp của VPA, phát biểu trên Variety: "Ứng dụng rộng rãi của nội dung phỉ báng bởi ngụ ý có thể gây ra sự thờ ơ cho nền báo chí". Nelson tin rằng các nhà báo không mạo hiểm đưa ra những suy luận chủ quan từ hàm ý của người nào đó khi đăng tin tức về họ. Luật sư nhấn mạnh trong các bài báo chưa đủ căn cứ như vậy, bên nguyên đơn - ở đây là các ngôi sao - nhiều khả năng còn bị kiện ngược tội vu khống.
Tuy nhiên, Bruce White - chánh án tòa án quận Fairfax - từ chối yêu cầu của VPA và cho phép Johnny Depp tiếp tục kháng cáo với lý do: "Đây là án lệ lâu đời của Virginia".
Cuộc chiến ở tòa của cặp sao Hollywood được truyền thông xem là "rạp xiếc", "phim truyền hình". Ảnh: Glamour UK.
Dù bồi thẩm đoàn quyết định như thế nào thì vụ việc cũng không làm Jack Browning - luật sư tại Davis Wright Tremaine LLP, người đại diện cho các khách hàng truyền thông bao gồm New York Post và Last Week Tonight With John Oliver - lo lắng.
Anh chỉ xem cuộc chiến giữa Depp và Heard như một vụ án "sui generis" (ý chỉ của riêng người trong cuộc) mà không rút ra được nhiều bài học lớn hơn cho công chúng.
"Liệu trường hợp của Johnny và Amber có liên hệ rộng rãi đến các khách hàng sau này không? Không rõ là chuyện gì đang xảy ra!", Jack Browning nói.
Phiên xử những ngày qua đề cập phong trào #MeToo, bạo lực và sự suy đồi của người nổi tiếng với các diễn biến "hấp dẫn như bộ phim truyền hình", "gay cấn hơn trận đấu vật" - theo CBS News mô tả. Và cuối cùng, khán giả chỉ đang chờ xem ai mới là người vào vai phản diện.
Luật sư giải trí Mitra Ahouraian đã theo dõi từng phút của quá trình tố tụng, nói: "Vụ kiện chỉ giúp Johnny Depp thắng được tòa án dư luận. Anh ấy đang sử dụng tòa án như công cụ truyền tải tiếng nói, giúp bản thân được lắng nghe".
"Nhưng kết quả thì sao?", phóng viên Variety thắc mắc, và cô lập tức đáp lại: "Không bên nào thắng cả".
7 lần Johnny Depp bật cười ở phiên tòa Tòa án là nơi diễn ra nhiều vụ kiện căng thẳng, vụ Johnny Depp kiện vợ cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, không ít lần tiếng cười xuất hiện trên phiên tòa vì lời khai của nhân chứng. Trong phiên tòa ở Fairfax, "phản đối" là từ được luật sư của Heard sử dụng nhiều nhất. Theo ABC, đó như là chiến lược...