Khâm phục ý chí của cậu bé mồ côi không tay
Lúc Nhẫn lọt lòng, chị Vinh suýt ngất xỉu khi thấy con mình không có tay. Nhưng rồi Nhẫn dần lớn lên, chẳng có gì có thể khuất phục được ý chí sống và khát vọng học hành của cậu bé sớm mồ côi cha. Thiếu đôi cánh tay, Nhẫn luyện tập để viết bằng chân…
Không có đôi tay, bằng ý chí và nghị lực của mình, Nhẫn đã điều khiển đôi chân để làm mọi việc.
Số phận không may
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà nép mình giữa xóm, chị Nguyễn Thị Vinh (SN 1965, trú xóm 10, xã Nghi Kim, Tp Vinh, Nghệ An) không ít lần rơi nước mắt khi kể về cậu con trai tật nguyễn Nguyễn Đình Nhẫn. Chị mang thai Nhẫn cũng bình thường như 4 đứa con trước. Một đêm, cơn đau bụng kéo tới, chị chỉ kịp bảo đứa con đầu đi gọi bố. Khi chồng về đến nhà thì chị đã hạ sinh. Cuộc vượt cạn tại nhà nhanh chóng và thuận lợi đến nỗi chính chị cũng không ngờ.
Chỉ đến khi vươn cổ nhìn xuống phía dưới, chị suýt ngất lịm khi đứa con mới sinh không có tay. “Thằng bé đỏ hỏn, hai cánh tay cụt đến vai, đôi chân huơ huơ nhìn đến tội. Nhìn con tật nguyền lại có biểu hiện thở khó khăn, lúc đó tôi đã nghĩ chắc trời không cho mình nuôi đứa con này”, chị Vinh kể.
Không có hai cánh tay, em Nguyễn Đình Nhẫn làm các việc bằng đôi chân.
Nhìn đứa con khiếm khuyết đôi cánh tay, chị Vinh đã khóc rất nhiều. Nhưng rồi, vượt qua những khắc nghiệt của số phận, vượt qua sự hoài nghi của mẹ, thằng bé cứ lớn lên như cây cỏ, chẳng biết ốm đau là gì. Chị Vinh kể tiếp: “Nhìn con mà nước mắt cứ rơi, thương đứt ruột mà không biết làm răng. Rồi nó lớn lên, vui chơi, học hành thế nào… bao nhiêu câu hỏi cứ hiện lên trong đầu. Nhiều đêm vắt tay lên trán, tôi mới chọn được cái tên phù hợp cho con. Cuộc đời sẽ rất khó khăn, đặc biệt là một đứa không có hình hài trọn vẹn như nó. Bởi thế, tôi đặt tên con là Nhẫn, chỉ mong con đủ nhẫn nại, kiên trì trong cuộc đời này”.
Không có tay, Nhẫn chẳng biết đến lẫy hay bò. Cậu cứ nằm ngửa giữa giường, hích đôi vai lên ý chừng như muốn đứng dậy. Rồi bỗng một hôm, Nhẫn “bật dậy”, đứng vững vàng trên đôi chân của mình khiến bố mẹ mừng đến phát khóc. Đứng lên rồi tự mình tập những bước đi đầu đời, cũng ngã lên ngã xuống vì không có tay để giữ cho cơ thể cân bằng. Ngã rồi lại đứng dậy, cứ thế Nhẫn đi lại, chạy nhảy bình thường như những đứa khác trước sự ngạc nhiên của mọi người.
Khát vọng con chữ của cậu bé không tay
Video đang HOT
Rồi Nhẫn cũng đến tuổi đi học. Nhìn hình hài con, chị Vinh cũng chẳng dám hy vọng gì nhiều nhưng cứ nhìn nó hì hụi cặp cái que giữa 2 ngón chân, bặm mồm đưa từng nét nguệch ngoạc xuống sân, chị đau như cắt từng khúc ruột. Chị đưa con sang lớp mẫu giáo đóng ở nhà văn hóa xóm nhờ cậy cô giáo. Thế là Nhẫn đi học. Và con đường đến trường của em cứ tiếp diễn như thế cho đến tận hôm nay.
Vào lớp mẫu giáo, Nhẫn được cô giáo tập cho cầm phấn, rồi chuyển sang cầm bút. Nét chữ ban đầu còn ngoằn ngèo, sau mãi cũng chịu ngay hàng thẳng lối và tròn trịa dần. Nhưng do cúi nhiều, sử dụng toàn bộ sức lực để điều khiển đôi chân nên lưng của Nhẫn đã bị cong vẹo đi, vai nhô ra như mang cục bướu. “Nhiều khi tập viết, chân cặp bút tê cứng, người cứ cúi gập xuống nên vai mỏi, lưng đau tê dại đi, em đã định vứt bút rồi. Tập mãi nó cũng quen, lần đầu tiên viết được chữ O tròn trịa, được cô giáo khen, em mừng đến phát khóc”, Nhẫn kể.
Cậu học trò không tay nuôi dưỡng ước mơ trở thành ký sư công nghệ thông tin.
Hết mẫu giáo, Nhẫn được lên lớp 1. Con đường đến trường xa hơn. Hôm nào bố mẹ rảnh thì chở đi, nếu không Nhẫn đến trường bằng yên xe đạp của người em họ học cùng lớp. Nhẫn lên lớp 3 thì bố đột ngột qua đời. Một nách 6 đứa con, chị Vinh tưởng mình không đủ sức nuôi các con ăn học.
Thiếu thốn về vật chất, lại gặp cú sốc tinh thần khi bố qua đời nhưng Nhẫn vẫn không gục ngã, em vẫn tiếp tục đến trường, dù hành trình đến với con chữ của em khó khăn hơn trước. Viết chậm nhưng tiếp thu nhanh nên suốt năm cấp 1, năm nào Nhẫn cũng được nhận giấy khen. Sang cấp 2, chương trình học nặng hơn, Nhẫn viết không kịp thành ra chữ cứ xấu dần đi, học cũng chỉ ở mức trung bình khá.
Lên cấp 3 (hiện Nhẫn đang học lớp 10D, Trường THPT Nguyễn Duy Trinh, huyện Nghi Lộc, Nghệ An), trường xa nhà, mẹ bận bịu với 4 sào ruộng, chị gái lấy chồng, anh trai đi học đại học xa, Nhẫn lại đến trường cùng những người bạn tốt của mình. Thương con, thương bạn con oằn lưng đạp xe, chị Vinh xoay sở mua cho Nhẫn chiếc xe đạp điện để hành trình tới trường của con đỡ vất vả hơn.
Chị Vinh – mẹ Nhẫn chuẩn bị cho con tới trường.
Trao đổi với chúng tôi, cô giáo Đặng Thị Đào Tĩnh – giáo viên chủ nhiệm lớp 10D, Trường THPT Nguyễn Duy Trinh cho biết: “So với các bạn trong lóp thì Nhẫn học tương đối, khả năng tiếp thu tốt, đặc biệt là môn Văn. Học kỳ một vừa qua Nhẫn cũng đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. Ngoài ra em cũng khá hòa đồng và tích cực tham gia xây dựng bài. Biết hoàn cảnh của Nhẫn nên nhà trường và tập thể lớp luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho em”.
Viết bằng chân nên việc ghi bài của Nhẫn khó khăn hơn các bạn khác, bởi vậy nó đã hạn chế phần nào khả năng tiếp thu kiến thức của em. Tuy vậy, cậu học trò này lại có năng khiếu về môn văn học và đạt được điểm số khá cao. Nhưng tâm sự về ước mơ, Nhẫn cười: “Em mong sau này trở thành một kỹ sư công nghệ thông tin. Có lẽ nghề này phù hợp với người như em hơn. Nhưng hiện giờ đến cái máy tính cũng chưa có nên không biết bao giờ em mới với tới ước mơ…”.
Bằng đôi chân, Nhẫn tự soạn sách vở bỏ vào cặp rồi tròng vào cổ, không phải nhờ tới người khác.
Đôi mắt chị Vinh ngấn nước khi nghe cậu con trai tội nghiệp của mình chia sẻ ước mơ. Chồng mất sớm, hiện giờ một mình chị tần tảo nuôi 1 người con học đại học, một con học nghề, Nhẫn và đứa út đang học lớp 3. Thương con lắm nhưng chị cũng chẳng biết làm gì hơn.
“Hiện giờ Nhẫn cũng có thể tự làm một số công việc vệ sinh cá nhân, quét nhà cửa hay đi chăn bò giúp mẹ nhưng sau này không biết lấy ai chăm sóc Nhẫn. Làm mẹ, không cho con một hình hài lành lặn đã là có tội lắm rồi, không nuôi con ăn học được đến nơi đến chốn thì… Chị chỉ mong Nhẫn có đủ sức khỏe để học tập và nuôi dưỡng ước mơ của mình”, chị Vinh tâm sự.
Nhìn tấm lưng gầy còng rạp xuống để điều khiển đôi chân làm việc thay đôi tay, những dòng chữ hiện ra trên trang giấy, tôi biết, Nhẫn sẽ có đủ nghị lực, quyết tâm và cả nhẫn nại kiên trì để theo đuổi ước mơ của mình.
Hoàng Lam
Theo Dantri
Ba đường phố mới mang tên liệt sỹ chiến tranh biên giới 1979
Thường trực HĐND tỉnh Lào Cai vừa ban hành Nghị quyết về việc đặt tên 6 đường, 85 phố và 26 công trình công cộng trên địa bàn TP Lào Cai, trong số đó có 3 tuyến đường mang tên ba liệt sỹ tiêu biểu hy sinh anh dũng trong chiến tranh bảo vệ biên giới tháng 2/1979.
Đó là tên của Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân (LLVTND), liệt sỹ Võ Đại Huệ (1952 - 1979), quê quán ở huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, cán bộ phân đội thuộc Trung đoàn 16 (Công an vũ trang nhân dân) đã mưu trí, kiên cường trong chiến đấu, lập chiến công xuất sắc và anh dũng hy sinh trong chiến đấu bảo vệ biên giới ở Mường Khương (tỉnh Lào Cai) tháng 2/1979.
Liệt sỹ Võ Đại Huệ đã vinh dự được Đảng, Nhà nước, Quân đội truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng LLVTND và Huân chương Chiến công hạng Nhất.
Tên của liệt sỹ Võ Đại Huệ được đặt tên cho một đường phố mới (trục đường N7 nối với đường N8 ở khu đô thị mới Lào Cai - Cam Đường) thuộc địa bàn phường Bắc Cường, thành phố Lào Cai.
Một góc thành phố trẻ biên giới Lào Cai, nơi có 3 khu phố mới được đặt tên theo tên liệt sỹ tiêu biểu trong chiến tranh bảo vệ biên giới tháng 2/1979
Anh hùng LLVTND, liệt sỹ Quách Văn Rạng (1956 - 1979), quê quán ở huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa, là Trung đội phó chiến đấu của Đồn biên phòng 125 cửa khẩu quốc tế Lào Cai đã mưu trí, ngoan cường trong chiến đấu giữ vững trận địa khi bị địch tấn công ngày 17/2/1979 và đã dũng cảm hy sinh để giữ vững khí tiết của người chiến sỹ biên phòng Việt Nam khi bị rơi vào tay kẻ địch, góp phần bảo vệ đơn vị di chuyển về vị trí mới tiếp tục chiến đấu bảo vệ biên giới Tổ quốc.
Liệt sỹ Quách Văn Rạng đã được Đảng , Nhà nước và Quân đội truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng LLVTND và Huân chương Quân công hạng Ba.
Tên của liệt sỹ Quách Văn Rạng được đặt tên cho một khu phố mới của khu đô thị mới Lào Cai - Cam Đường nằm trên đường N11 nối với đại lộ Trần Hưng Đạo thuộc đại bàn của phường Bắc Cường, thành phố Lào Cai.
Liệt sỹ - nhà báo - nhà văn Bùi Nguyên Khiết (1945 - 1979), quê quán ở Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, là phóng viên mặt trận của báo Hoàng Liên Sơn trực thuộc Tỉnh ủy Hoàng Liên Sơn đã anh dũng hy sinh trong ngày 17/2/1979 khi đang cùng bộ đội địa phương trực tiếp chiến đấu bảo vệ chốt tiền tiêu biên giới ở khu vực xã Tả Ngải Chồ, huyện Mường Khương, tỉnh Hoàng Liên Sơn (nay là tỉnh Lào Cai).
Tên của liệt sỹ - nhà báo - nhà văn Bùi Nguyên Khiết đã được đặt tên cho khu phố mới nằm trên trục đường DN2 thuộc địa bàn phường Bình Minh trong khu đô thị mới Lào Cai - Cam Đường.
Từ ngân hàng dữ liệu dự thảo đặt tên đường, phố và công trình công cộng do các cơ quan có trách nhiệm của tỉnh Lào Cai và thành phố Lào Cai công bố công khai trên hệ thống thông tin đại chúng địa phương, lấy ý kiến của các tầng lớp nhân dân, Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai họp phiên thường kỳ cuối năm 2013 đã đưa ra thảo luận, xem xét và ra Nghị quyết về việc đặt tên mới.
Trong dịp này một số khu phố mới khác của thành phố Lào Cai cũng đã được đặt tên cho các văn nghệ sỹ nổi tiếng của đất nước nhung có nhiều gắn bó với địa phương như nhà văn Nguyễn Tuân, họa sỹ Tô Ngọc Vân, nhà văn Nguyễn Thành Long (tác giả truyện ngắn đặc sắc "Lặng lẽ Sa Pa")... và cụ Trần Văn Nỏ là một nông dân người dân tộc Tày có công phát hiện ra mỏ quý a pa tít Cam Đường đầu thế kỷ 20 và từng được Bác Hồ tặng lụa khi Người lên thăm tỉnh Lào Cai tháng 9 năm 1958 cũng được chọn đặt tên cho một khu phố mới.
Phạm Ngọc Triển
Theo Dantri
Bắt nhóm nghi can giết người do va chạm giao thông Trên đường đi chơi tết cùng bạn, anh Quy suýt xảy ra va chạm với ông Đại là người cùng xã. Hai bên xảy ra mâu thuẫn và được giảng hòa và đi về, tuy nhiên, rạng sáng ngày hôm sau, người nhà phát hiện thi thể anh Quy ở dưới sông. Nhóm nghi can tại cơ quan Công an Ngày 11-2, Cơ...