Khâm phục chàng trai không chân vào đại học
Nhiễm chất độc da cam từ bố, Lê Văn Chiến không may mắn có được đôi chân bình thường như bao đứa trẻ khác. Vượt qua bao khó khăn, Chiến nỗ lực học tập và trở thành sinh viên đại học. Hiện Chiến học năm thứ 2 chuyên ngành Kế toán Trường ĐH Đại Nam.
Thời gian qua, câu chuyện về em Lê Văn Chiến – người đầu tiên ở làng trẻ Hòa Bình (Q. Thanh Xuân, Hà Nội) đỗ đại học đã khiến nhiều người phải khâm phục.
“Làng trẻ cho em cuộc sống mới”
Chúng tôi gặp Lê Văn Chiến trong buổi chiều khi em vừa tan giờ học. Em ấn tượng bởi trong những bước đi xiêu vẹo khó khăn là nụ cười rạng rỡ. Khuôn mặt lấm tấm những giọt mồ hôi cho dù đang trong tiết trời thu se lạnh đủ để tôi biết em mệt lắm sau cả ngày học tập trên trường. Tuy vậy, nhưng khi được hỏi về cuộc sống ở làng trẻ Hòa Bình, Chiến phấn khởi khoe: “Đây là ngôi nhà mà em đã gắn bó suốt 14 năm qua và em thấy mình may mắn vì đã được ở đây”.
Sinh ra do nhiễm chất độc da cam từ bố – một người lính đã từng vào sinh ra tử ở chiến trường Tây Ninh, Chiến không may mắn có được đôi chân bình thường như bao đứa trẻ khác. Trong kí ức của chàng trai trẻ này, ngày còn nhỏ em hoàn toàn phải di chuyển bằng cách “bò ra đất” bởi không có chân để đứng. Ngày Chiến học lớp 1, lớp 2, những hôm bố mẹ đi vắng phải ở nhà một mình ,em vẫn miệt mài bò đến lớp trong tư thế cặp sách ngậm vào miệng. Và rồi như một cơ duyên em đến với làng trẻ Hòa Bình sau một chương trình Bắc Giang đã ghi lại hình ảnh cậu bé ham học ngày ngày “bò” đến trường.
Từ ngày được sống ở Làng trẻ Hòa Bình, cậu bé kém may mắn như được mở ra một trang mới.
Ngày đó mới 8 tuổi, Chiến nhớ lại: “Hồi được các cô trên làng trẻ đón về em còn bé lắm nên suốt ngày khóc vì nhớ nhà. Lần đầu tiên bố mẹ đã ở đây với em 1 tuần để em quen dần với ngôi nhà mới rồi bố về gửi em lại cho các cô. Đến bây giờ em vẫn còn nhớ lúc bố về em đã khóc thét lên rồi cứ lăn chiếc xe bám chặt lấy chân bố làm bố em cũng khóc. Thương em, các cô trong làng ai cũng dỗ dành và quan tâm chăm sóc nên dần dần em cũng quen và không khóc nhiều nữa, em bắt đầu hòa nhập với cuộc sống ở đây từ khi đó”.
Do không có chân và di chuyển hoàn toàn bằng xe lăn nên việc vệ sinh cá nhân với Chiến là điều hết sức khó khăn. Nhớ lại quãng thời gian đó, em cười: “Ngày còn ở nhà em được mẹ tắm cho nên ban đầu lên đây không biết phải làm như thế nào nữa. Sau đó các cô và anh chị lớn tuổi hơn hướng dẫn và chỉ cho cách làm em vẫn loay hoay và không làm được. Những thao tác như di chuyển xe lăn vào nhà tắm, cách pha nước ấm… với em khó khăn lắm nên mãi một thời gian dài sau này mới quen được. Các công việc khác như mắc màn đi ngủ hay lấy đồ trên cao thì các anh chị làm hết cho em vì em không thể với lên được”.
Video đang HOT
Từ những công việc nho nhỏ ban đầu, Chiến tập làm quen và thành thạo dần. Niềm vui đến với em bất ngờ hơn khi được một tổ chức phi chính phủ giúp lắp đôi chân giả. Lần đầu tiên được đứng lên và đi lại bằng chân, Chiến khóc òa trong niềm hạnh phúc. Một cuộc sống mới mở ra với em mà có trong mơ Chiến cũng không bao giờ dám nghĩ đến.
Đam mê CNTT
Công nghệ thông tin (CNTT) đối với Chiến như một cục nam châm có sức hút kì lạ khiến em mê mẩn ngày từ khi nhìn thấy. Lần đầu tiên nhìn thấy chiếc máy tính là khi em được lên Làng học và tỏ rất ra thích thú. Những ngày đầu tiên được các thầy cô dạy đánh văn bản Word rồi học đến Excel, Powerpoint… em thấy “lạ” và “hay lắm” nên dần dần tự mầy mò và học thêm. Càng học, Chiến càng say mê hơn và mơ ước sau này được làm việc với chiếc máy tính “thông minh” này.
Năm 2011, Chiến tham cuộc thi Thách thức CNTT với trẻ em khuyết tật và đã giành giải Nhất về phần thiết kế và trình chiếu Powerpoint. Giải thưởng như một động lực khiến em càng muốn cố gắng và phấn đấu hơn trong lĩnh vực này. Sắp tới, Chiến sẽ tiếp tục tham dự cuộc thi này nhưng sẽ được tổ chức tại Hà Quốc nên em đang gấp rút chuẩn bị mọi thủ tục để đi. Em chia sẻ sẽ cố gắng hết sức đạt thành tích cao nhất để không phụ lòng các thầy cô giáo ở Làng đã dạy dỗ và chăm sóc.
Hàng ngày ở làng trẻ Hòa Bình, Chiến vẫn miệt mài tìm hiểu về CNTT.
Kể chuyện về việc lựa chọn thi và học chuyên ngành Kế toán, Chiến cho hay: “Ban đầu em cũng thích các công việc như Kinh tế, Ngân hàng hoặc liên quan nhiều đến ứng dụng CNTT, tuy nhiên bố mẹ và các thầy cô giáo cũng phân tích và khuyên em nên học Kế toán. Bản thân em hiện đã có thể đi lại bình thường tuy nhiên cũng rất khó khăn nên chọn công việc ít phải di chuyển mà vẫn tiếp cận được Internet hàng ngày”. Mong muốn của Chiến sau này ra trường được làm kế toán nhưng sẽ ứng dụng những phần mềm mới nhất và hiện đại để hiệu quả công việc cao hơn.
Chiến tâm sự: học Văn cho em thêm yêu cuộc sống.
Theo dân trí
Những cặp song sinh được sinh ra lần nữa
Song sinh dính nhau là hiện tượng hiếm gặp trên thế giới. Ở Việt Nam, nhiều cặp song sinh như thế đã được các bác sĩ phẫu thuật tách rời thành công. Đằng sau những ca mổ đó có nhiều câu chuyện cảm động chưa kể mà bản thân những người trong cuộc không thể nào quên.
Một buổi chiều đầu tháng 8/2012 tại Sài Gòn rực nắng, giáo sư Fujimoto Burno mang chậu cây Aogiri do các em học sinh từ một trường tiểu học trồng trao tận tay Nguyễn Đức: "Quà từ Nhật Bản này con trai".
Khúc ruột Việt Nam
Chiều muộn, căn nhà nhỏ xíu của vợ chồng anh Nguyễn Đức và chị Thanh Tuyền trong con hẻm nhỏ nằm trên đường Điện Biên Phủ rộn rã tiếng cười nói. Phú Sĩ và Anh Đào ngồi sà xuống bên cạnh ông nội Fujimoto Burno hồi hộp chờ ông mở những món quà bọc cẩn thận được lôi ra từ trong chiếc túi. Sau khi ôm hôn những đứa cháu nhỏ của mình, giáo sư Fujimoto Burno lôi trong túi đồ mang theo một chiếc áo còn mới, mặc vào, ngắm mình thật chỉnh tề rồi lên lầu, khấn thật lâu trước bàn thờ của anh Việt. Với giáo sư Fujimoto Burno từ mấy chục năm nay, những chuyến đi tới Việt Nam bao giờ cũng ấm áp như thế. Bởi vì ông có khúc ruột của chính mình ở Việt Nam: anh em Việt và Đức.
... Năm 1985, giáo sư Fujimoto Burno khi đó có nghe đài truyền hình Nhật Bản phát một phóng sự về hai em nhỏ bị chất độc da cam tại Hà Nội, Việt Nam. Hình ảnh đau đớn đó cộng với những kỷ niệm về thời sinh viên trai trẻ thường xuống đường biểu tình phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam, đã thôi thúc ông quyết định sẽ sang Việt Nam du học để có thể gặp hai cô bé. Nhưng khi ông vừa tới Hà Nội thì cũng là lúc hai cô bé bất hạnh đó vừa qua đời. Cảm giác mình đã đến muộn khiến ông thấy có lỗi ghê gớm. Cùng lúc đó, thông tin về cặp song sinh Việt - Đức dính nhau lan đi. Khi biết được, ông lập tức đón tàu từ Hà Nội vào Sài Gòn.
Bố con anh Đức (bìa phải), ông Fujimoto Burno (bìa trái) cùng những người bạn bên chậu cây Aogiri đến từ Nhật Bản
"Ngồi trên tàu vào Sài Gòn, tôi có cảm giác mình sắp gặp một mối nhân duyên trong đời"- ông Fujimoto Burno nhớ lại cảm giác của mình 24 năm về trước. Biết được hoàn cảnh thương tâm của Việt - Đức ông đã rơi nước mắt. "Mình có thể làm được gì đây?"- câu hỏi đó bám riết ông. Ngay sau đó ông đã trở về Nhật Bản để vận động chính phủ và nhân dân Nhật đóng góp tài trợ cho ca mổ Việt - Đức. "Những ngày ấy cho tôi rất nhiều xúc cảm đến bây giờ vẫn không thể quên được, có rất nhiều tấm lòng sẵn sàng chia sẻ với Việt và Đức. Chưa bao giờ tôi thấy con người yêu thương nhau nhiều đến vậy" - giáo sư Burno chia sẻ.
Ca phẫu thuật tách Việt - Đức thành hai người khác nhau với hai cuộc đời riêng rẽ. Việt không may phải sống đời thực vật và qua đời năm 2007. Đức may mắn hơn khi chỉ với một chân anh đã nỗ lực vươn lên, có một gia đình hạnh phúc với cô gái Thanh Tuyền. Điều tuyệt vời là họ đã có hai đứa con sinh đôi - một trai một gái khỏe mạnh. Chính ân tình từ những người bạn Nhật mà đặc biệt là người cha tận tụy hết mực yêu thương mình nên anh Đức đặt tên cho con là Phú Sĩ và Anh Đào. Mỗi lần đưa con qua Nhật Bản thăm ông nội, mọi người đều gọi hai bé là Sakura (hoa anh đào) và Fuji (núi Phú Sĩ).
Giáo sư Burno sau đó vẫn đi bên cạnh cuộc đời Việt và Đức. Mối nhân duyên mà ngay từ đầu ông cảm thấy khi quyết định vào gặp anh em Việt - Đức đã trở thành hiện thực. Sau khi ca mổ Việt - Đức thành công, ông đã lập Hội Negaukai (hội vì sự phát triển của Việt - Đức) để hỗ trợ, giúp đỡ cuộc sống của Việt và Đức cũng như những em nhỏ khuyết tật khác bớt phần khó khăn. Năm nay đã 85 tuổi, đôi chân đi lại đã chậm chạp nhưng ông vẫn là chủ tịch của hội này, vẫn tích cực đi khắp nơi để vận động mọi người giúp đỡ các em nhỏ có hoàn cảnh thương tâm ở Việt Nam.
Cây sự sống
Trong nhiều món quà mang cho Phú Sĩ và Anh đào từ Nhật Bản, ông nội Burno còn chuẩn bị một món quà cho bố Đức, là một chậu cây Aogiri (cây ngô đồng). "Đó là cây sự sống"- giáo sư Burno giải thích về chậu cây ấy. Năm ngoái, trong dịp mang vợ con sang Nhật thăm bố mẹ nuôi, anh Nguyễn Đức đã đến nói chuyện với các em học sinh ở một trường tiểu học. Câu chuyện về cuộc đời anh đã khiến các em học sinh ở đó rất xúc động. Sau khi nghe xong câu chuyện về sức sống mãnh liệt của Nguyễn Đức, các em học sinh đã gieo ở sân trường một cây Aogiri. Đó là loại cây mà người dân Nhật cho rằng tượng trưng sức sống mãnh liệt không bao giờ khuất phục. Trong lúc hai thành phố Hiroshima và Nagasaki bị ném bom nguyên tử, sự sống dường như đã lìa bỏ hai thành phố này thì những mầm cây Aogiri non nớt vẫn vươn lên xanh tươi đầy kiêu hãnh. Những người Nhật từng gặp và nói chuyện với anh Đức ví anh giống như những cây Aogiri đều mang một sức sống mãnh liệt.
Khi biết ông Burno sẽ sang Việt Nam thăm vợ chồng Nguyễn Đức, các em học sinh ở trường tiểu học này đã bứng một cây Aogiri trồng vào chậu để nhờ giáo sư Burno mang qua cho anh Đức như một món quà từ Nhật Bản. Gốc cây Aogiri trong chiếc chậu nhỏ nhắn nhưng cứng cáp và xanh tươi. Vợ chồng anh Đức và chị Tuyền nâng niu đặt chậu cây ấy ở vị trí đẹp nhất trên sân thượng nhà mình. Giáo sư Fujimoto Burno ngắm chậu cây, bất giác quay qua gọi anh Đức với giọng trìu mến: "Con trai Aogiri của ta". Mọi người bất ngờ rồi sau đó cười vang dưới bầu trời Sài Gòn lộng gió chiều.
Còn Đức nhìn vào bàn thờ anh Việt tâm sự: "Tôi may mắn hơn anh trai mình khi được sống một cuộc đời bình thường. Bao năm nay tôi luôn tự nhủ mình phải vượt lên tất cả để sống luôn cho cả anh mình. Sống cho hai cuộc đời thì phải sống thật tốt chứ, phải không!".
Nguyễn Việt và Nguyễn Đức là cặp song sinh dính sinh năm 1981 tại Sa Thầy (Kon Tum). Việt - Đức sau đó được mang xuống làng Hòa Bình của Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM và được chăm sóc tại đây. Năm 1987, Việt bị phát hiện bị viêm não ngày càng nặng nên năm 1988 ca mổ tách cặp song sinh này được tiến hành. Ca mổ này do giáo sư Trần Đông A làm trưởng kíp mổ cùng với rất nhiều bác sĩ của Việt Nam, Nhật Bản, Pháp. Sau ca phẫu thuật, người em là Nguyễn Đức mặc dù mất một chân nhưng vẫn khỏe mạnh bình thường, lập gia đình và có một cặp song sinh một trai một gái khỏe mạnh.
Theo 24h
Những tấm gương bình dị, lan tỏa Những tấm gương bình dị, những ký ức ngọt ngào về người mẹ, về cô giáo, về người bạn đời, về nhà lãnh đạo hay nữ doanh nhân... trong gần 1.500 bài dự thi từ khắp mọi miền đất nước gửi đến như một bức tranh rực rỡ về phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam. Cô gái khiếm thị, nạn nhân...