Khám phá vùng đất bên dòng sông Đà
Với lòng hồ thủy điện rộng trên 10.500 ha với nhiều cảnh sắc đẹp, Quỳnh Nhai được ví như “ Vịnh Hạ Long” của vùng Tây Bắc.
Nơi đây, còn là vùng đất giàu bản sắc văn hóa, có nhiều lễ hội truyền thống độc đáo của cư dân vùng sông nước dọc đôi bờ sông Đà… đang là điểm đến hấp dẫn của du khách gần xa.
Du khách tham quan Đền Nàng Han tại huyện Quỳnh Nhai.
Trong cái nắng ấm áp của những ngày xuân, chúng tôi lại có dịp đến với vùng đất huyền thoại bên dòng sông Đà. Điểm đến đầu tiên chúng tôi đặt chân tới là Đền thờ Nàng Han. Đền Nàng Han tọa lạc vị trí đắc địa của xã Mường Giàng, lưng tựa vào núi đồi, mặt hướng ra bao quát cả vùng lòng hồ, đến đây ai nấy đều có cảm giác thanh tịnh, yên lành. Đưa chúng tôi thăm Đền, cô hướng dẫn viên xinh đẹp, duyên dáng Hoàng Thị Chung trong bộ trang phục của dân tộc Thái trắng giới thiệu: Truyền thuyết xưa có vị nữ tướng anh hùng tên Nàng Han, sau khi cầm quân đánh đuổi giặc ra khỏi bờ cõi, cũng là chiều 30 Tết, Nàng lệnh cho quân sĩ xuống sông tắm rửa, gội đầu chuẩn bị đón mừng năm mới, đón mừng bản mường yên vui trở lại. Từ đó, Lễ hội gội đầu đã trở thành lễ hội quan trọng trong đời sống tâm linh của bà con dân tộc Thái trắng, thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái và đạo lý uống nước nhớ nguồn cao đẹp của dân tộc. Bước vào năm mới, mọi người trong bản đều phải gội đầu để rửa trôi, rũ bỏ những vất vả, bệnh tật, điều không may mắn của năm cũ, tống tiễn tai ương, nhọc nhằn, bệnh tật xuôi theo dòng nước đi mãi không lặp lại; đồng thời cầu cho người người có sức khỏe, năm mới tốt lành, mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tinh thần và đáp ứng nguyện vọng của đông đảo nhân dân các dân tộc huyện Quỳnh Nhai, năm 2012, huyện đã tổ chức di dời, khôi phục, xây dựng Đền Nàng Han đến địa điểm Huổi Nghịu, xã Mường Giàng. Được biết, Đền Nàng Han không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, mà còn là điểm du lịch hấp dẫn gắn với lễ hội gội đầu của người Thái trắng Quỳnh Nhai.
Rời Đền Nàng Han, chúng tôi di chuyển ra cầu Pá Uôn bắc ngang sông Đà nối Sơn La với các tỉnh vùng Tây Bắc: Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai. Từ xa nhìn lại, cây cầu tựa như dải lụa trắng vắt ngang dòng nước biếc trên lòng hồ mênh mông sông nước. Đứng trên mặt cầu, chúng tôi thưởng ngoạn bức tranh sơn thủy hữu tình, có non, có nước xen những ngọn đồi trùng điệp soi bóng xuống mặt hồ. Những tia nắng phản chiếu xuống mặt hồ sáng lấp lánh như dát bạc, thôi thúc bà con vùng hồ ra sông quăng chài, thả lưới đánh bắt cá, tôm… Cầu Pá Uôn đã được Tổ chức kỷ lục Việt Nam xác nhận là cây cầu có trụ cao nhất Việt Nam với trụ chính cao 98,6m. Đây vừa là vinh dự, là cơ hội để quảng bá du lịch Sơn La nói chung, du lịch Quỳnh Nhai nói riêng. Cây cầu không chỉ gắn với công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á mà còn tạo điểm nhấn, hấp dẫn du khách đến với Sơn La, đến với Quỳnh Nhai…
Video đang HOT
Du khách tham quan lòng hồ thủy điện Sơn La tại địa bàn Quỳnh Nhai .
Thế rồi, phần mong đợi nhất là đi thuyền khám phá lòng hồ thủy điện đã đến, khiến ai cũng háo hức. Từ bến Pá Uôn, chiếc thuyền sắt rẽ sóng đưa chúng tôi rời bến, ngược dòng Đà giang, len lỏi vào luồng lạch giữa những dãy núi đá vôi trùng điệp ẩn hiện sau lớp sương giăng. Rồi chúng tôi cũng đến cột mốc trên đồi Cao Pô giữa mênh mông sóng nước, từng là vị trí đặt trạm phát sóng truyền hình và là điểm cao nhất của trung tâm huyện lỵ Quỳnh Nhai cũ. Giữa không gian thoáng đãng, đầy nét hoang sơ, chúng tôi thỏa sức chiêm ngưỡng vẻ đẹp đôi bờ sông. Từng đảo lớn nhỏ được tô vẽ với những gam màu sống động, có đảo được phủ xanh bởi những cánh rừng; có đảo nổi bật với gam màu tươi mới của những nương lúa; rồi những bán đảo với những ngôi nhà sàn ngói đỏ ẩn hiện dưới cánh rừng xanh thẳm… du khách trong đoàn ai nấy đều trầm trồ thưởng ngoạn, người chụp ảnh, quay phim phát trực tiếp qua facebook, zalo để khoe cảnh đẹp với bạn bè.
Trưa đến, con thuyền ghé vào bản Bon, xã Mường Chiên, nằm ngay bên bờ sông Đà, với những thửa ruộng bán ngập xen vào những ngôi nhà sàn truyền thống. Đón chúng tôi, ông Điêu Văn Vĩnh, Trưởng bản Bon tay bắt mặt mừng: Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch của bản đều là những thứ gắn liền với cuộc sống hằng ngày, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Trong năm mới này, bản sẽ được huyện chọn để xây dựng bản du lịch cộng đồng, xây dựng kế hoạch tôn tạo, quy hoạch khu vực suối nước nóng trong bản. Bây giờ, đến với bản Bon không chỉ được ngắm cảnh đẹp, mà còn được tìm hiểu những nét văn hóa của người Thái trắng, được thưởng thức nét ẩm thực phong phú của người dân nơi đây với món khẩu lam, khẩu háng, pa pỉnh tộp, pa dảng, gà mọ…, hòa mình trong vòng xòe, say mê trong tiếng đàn tỉnh tẩu thanh thoát. Sự gần gũi, thân thiện giàu lòng mến khách của người dân tạo những ấn tượng không thể quên. Chị Nguyễn Thu Huyền, du khách đến từ Hà Nội thốt lên: Tôi đã đi du lịch nhiều nơi, nhưng hết sức thú vị khi được đến vùng quê này. Thiên nhiên ở đây rất hoang sơ, kỳ vĩ; con người vô cùng thân thiện; đồ ăn cũng rất đặc biệt. Chắc chắn, Quỳnh Nhai sẽ là điểm đến của nhiều du khách gần xa.
Với hơn 10.500 ha mặt hồ đã và đang trở thành một trong những thế mạnh của Quỳnh Nhai, vừa khai thác các nguồn lợi thủy sản, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế, trong đó có tiềm năng du lịch. Quỳnh Nhai đang tiếp tục tập trung khảo sát, xây dựng tuyến, điểm du lịch cộng đồng và du lịch lòng hồ thủy điện Sơn La gắn giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; tạo điều kiện tốt nhất để kêu gọi thu hút đầu tư về nguồn lực và nhân lực, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch; nâng cao nhận thức của người dân về cách làm du lịch. Thật mừng, hiện nay, đã có Công ty CP Cơ khí Sơn La đang đầu tư xây dựng khu du lịch lòng hồ tại xã Chiềng Ơn. Ngoài ra, còn có một số doanh nghiệp, HTX đang hoàn thiện các thủ tục để xây dựng nhà hàng, khách sạn, khu du lịch sinh thái tại Quỳnh Nhai.
Một ngày khám phá vùng đất, những địa điểm du lịch hấp dẫn ở Quỳnh Nhai dĩ nhiên là không đủ, nhưng đã đọng lại bao cảm xúc, ấn tượng khó quên, khiến mọi người càng thêm yêu vùng đất và con người nơi đây.
Trải nghiệm, khám phá vùng lòng hồ thủy điện Sơn La
Mênh mông sông nước, lãng đãng mây trời, hàng trăm đảo lớn, đảo nhỏ lô nhô giữa làn nước xanh trong biêng biếc, những bản làng ẩn hiện bên triền núi...
tất cả tạo thành một quần thể du lịch sinh thái nổi bật, hấp dẫn, khiến vùng hồ thủy điện Sơn La thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước tới tham quan, trải nghiệm.
Đã từng đến Quỳnh Nhai nhiều lần, nhưng lần này tham gia cùng đoàn du lịch lớp K47 Đại học Kế toán khóa 2006-2010 Trường Đại học Tây Bắc để trải nghiệm tour du lịch lòng hồ thủy điện Sơn La tại Quỳnh Nhai, lại để lại trong tôi nhiều ấn tượng sâu sắc. Sau ngày hội trường dự Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập, 45 thành viên của lớp học năm xưa hồ hởi lên xe khách vào Quỳnh Nhai. Anh Trần Đức Anh, hiện đang công tác tại Hà Nội, phấn khởi nói với tôi: Bạn bè công tác tại nhiều tỉnh thành, từ Thanh Hóa, Thái Bình, Hà Nội, Điện Biên đến Lai Châu... Sau 10 năm ra trường, tôi rất vui khi được cùng bạn bè trải nghiệm tour du lịch tại vùng sông nước, đẹp tựa "Hạ Long" thu nhỏ. Chúng tôi đã đi được khá nhiều điểm, dọc sông có nhiều đảo lớn, nhỏ, những vách đá nhiều hình thù rất đẹp. Song, tôi cảm nhận, đi tour trong ngày chưa thể khám phá hết vẻ đẹp nơi này. Nhất định tôi sẽ quay lại cùng gia đình, chọn combo 2 ngày 1 đêm để được chiêm ngưỡng cảnh đẹp và thưởng thức ẩm thực, văn hóa của đồng bào dân tộc nơi đây.
Trải nghiệm nghề dệt truyền thống tại Khu du lịch cộng đồng bản Bon, xã Mường Chiên (Quỳnh Nhai).
Du lịch lòng hồ thủy điện Sơn La, tại Quỳnh Nhai, du khách sẽ được chiêm ngưỡng cây cầu Pá Uôn với kỷ lục cao nhất Việt Nam; trải nghiệm các sản phẩm du lịch đặc trưng qua loại hình du lịch sinh thái, cộng đồng và du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần kết hợp du lịch tâm linh, với những điểm đến hấp dẫn như: Đảo Trái tim, Vịnh Uy Phong, cột mốc đánh dấu trung tâm huyện Quỳnh Nhai cũ, Đền Linh Sơn Thủy Từ - Đền Nàng Han, Tượng phật Quán Thế Âm Bồ Tát cao 30m trong khu Quy hoạch du lịch văn hóa tâm linh huyện Quỳnh Nhai... Nhiều doanh nghiệp, HTX kinh doanh dịch vụ du lịch đã và đang đầu tư, bổ sung thêm các hạng mục vui chơi, giải trí, dịch vụ lưu trú, giúp du khách có những trải nghiệm thú vị, như: Lướt ván, mô tô nước, phao kéo, chèo thuyền kayak, bể bơi trên hồ, sân bóng chuyền hơi dưới nước, cá massage chân... Đến đây, du khách còn được thưởng thức ẩm thực dân tộc Thái chế biến từ cá sông và giao lưu, thưởng thức văn nghệ với đồng bào dân tộc Thái.
Ông Đặng Quang Giàu, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Thủy sản và Du lịch sinh thái Quỳnh Nhai, thông tin: Hiện nay, HTX đã hoàn thiện và bắt đầu đưa một phần hạng mục resort Khu du lịch sinh thái vào phục vụ khách, với quy mô 10 căn trên Đảo Trái tim, còn lại khu đầu cầu Pá Uôn, với giá dịch vụ từ 300-370 nghìn đồng/người/đêm. Ngoài ra, Khu du lịch đang triển khai các hạng mục của Dự án suối nước nóng bản Bon, xã Mường Chiên; xây dựng cụm 3 đảo thuộc xã Pá Ma Pha Khinh, quy mô 5,83 ha; cụm 3 đảo thuộc xã Chiềng Ơn, quy mô 5,81 ha. Đến thời điểm này, đơn vị đã trồng hoa, cây ăn quả, đang xây dựng bến thuyền, nhà điều hành, vườn hoa công viên, bãi đỗ xe khu đầu cầu Pá Uôn...
Ngoài Khu du lịch sinh thái Quỳnh Nhai, ngay khu vực đầu cầu Pá Uôn, hiện các nhà đầu tư đang triển khai nhiều hạng mục công trình, hứa hẹn khi hoàn thành sẽ tiếp tục mang đến trải nghiệm thú vị cho du khách. Tiêu biểu có dự án Khu du lịch Tâm Anh Tây Bắc, với hạng mục: Sân gont, bến thuyền buồm, khu vui chơi giải trí, công viên nước nổi, resort... Các đơn vị đã kết nối các cơ quan, đơn vị quản lý kinh doanh du lịch ngoài tỉnh như: Sở Du lịch Hà Nội, Đoàn Famtrip lữ hành, để quảng bá, nâng cao chất lượng dịch vụ trong chuỗi các giá trị sản phẩm du lịch.
Không chỉ ấn tượng với cảnh đẹp của Quỳnh Nhai, khu du lịch lý tưởng ngay sau đập thủy điện Sơn La tại Mường La cũng không kém phần hấp dẫn. Cách Thành phố Sơn La 40 km, công trình thủy điện Sơn La là điểm du lịch được nhiều người quan tâm khi đến với Sơn La. Sau đập thủy điện, huyện Mường La đã và đang hình thành khu, điểm du lịch lòng hồ. Tại xã Mường Trai, du khách còn được chiêm ngưỡng nhiều cảnh đẹp mà tạo hóa ban tặng, đó là: Núi "đá hổ"; núi "bàn tay phật"; bãi đá cuội có hình bộ xương cá; núi đá thủng. Mỗi cảnh vật đều gắn với sự tích mang đậm bản sắc của đồng bào dân tộc Thái. Người dân đã đầu tư xây dựng Nhà nổi Mường Trai, ngoài phục vụ tour du lịch lòng hồ, dịch vụ ẩm thực, chèo thuyền kaya, đã xây dựng và hoàn thành nhà nghỉ cộng đồng ngay trên bến sông, phục vụ nhu cầu lưu trú cho 50 lượt khách, với giá dịch vụ lưu trú từ 50-70 nghìn đồng/người/đêm. Cũng tại đây, du khách có thể ghé thăm mô hình nuôi cá tầm của Công ty TNHH MTV cá tầm Việt Nam - Sơn La, với những chú cá tầm khổng lồ nặng trên 50 kg...
Thời điểm lý tưởng nhất để du lịch trải nghiệm lòng hồ thủy điện Sơn La là từ tháng 9 năm nay đến tháng 4 năm sau. Vì đây là mùa nước nổi, mặt nước sông Đà mênh mông trong xanh, phản chiếu mây trời, cảnh vật, mang lại cho du khách những cảnh đẹp, độc, lạ của Tây Bắc. Đây cũng là thời điểm diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, như: Lễ hội đua thuyền truyền thống; Lễ hội gội đầu người Thái Trắng Quỳnh Nhai; Lễ hội Mừng cơm mới, xã Ngọc Chiến (Mường La). Tại các điểm du lịch cộng đồng bên sông, du khách được xem các nghệ nhân biểu diễn các làn điệu dân ca, dân vũ; trải nghiệm nghề thủ công truyền thống, như: Dệt vải thổ cẩm, đan lát, làm đàn tính tẩu mang đậm bản sắc đồng bào dân tộc Tây Bắc. Hiện nay, các doanh nghiệp, HTX đã liên kết tour du lịch Quỳnh Nhai - Mường Lay (Lai Châu) và Quỳnh Nhai - Mường La, giúp du khách có trải nghiệm trọn vẹn vẻ đẹp sông Đà.
Du khách tham quan lòng hồ thủy điện Sơn La, xã Mường Trai (Mường La).
Với vẻ đẹp riêng có, "Vịnh Hạ Long" của vùng Tây Bắc chắc chắn sẽ mang lại những trải nghiệm thú vị cho du khách. Hiện nay, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã, đang tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng, thu hút nhiều nhà đầu tư có tiềm lực đến đầu tư Khu du lịch lòng hồ sông Đà, để vùng lòng hồ thủy điện Sơn La sẽ là điểm đến hấp dẫn trong hành trình du lịch Tây Bắc.
Lòng hồ sông Đà Quỳnh Nhai mùa nước nổi.
Mùa hoa gạo bên hồ thủy điện Sơn La Dọc các triền đồi bên sông Đà ở Quỳnh Nhai đang rực đỏ sắc hoa gạo, trở thành điểm hẹn cho du khách yêu khung cảnh thơ mộng, thả hồn trong thời điểm giao mùa của vùng lòng hồ thủy điện Sơn La. Những cây hoa gạo trên sườn đồi dọc vùng lòng hồ thủy điện Sơn La Cây gạo mọc tự nhiên...