Khám phá vẻ đẹp Nà Tuồng, Na Rì (Bắc Kạn)
Cảnh sắc nên thơ với dòng suối trong xanh, hang động huyền bí, nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Nùng gìn giữ nhiều đời dưới mái nhà sàn cổ kính…
khiến ai từng một lần đặt chân đến với Nà Tuồng, xã Xuân Dương (Na Rì, Bắc Kạn ) đều cảm mến, không muốn rời xa.
Sớm mùa Đông, mặt trời lên cao, làn sương tan dần. Những nếp nhà sàn có tuổi đời “vắt ngang” hai thế kỷ ở Nà Tuồng hiện dần nơi chân núi. Phía dưới, dòng suối trong xanh, hiền hòa ôm trọn bản của đồng bào Nùng chảy róc rách xen tiếng gió rừng hòa âm thành bản giao hưởng nơi non xanh. Không chỉ cung cấp nước sản xuất, sinh hoạt cho người dân, dòng suối Nà Tuồng bao đời nay tưới mát tâm hồn, nuôi dưỡng những giọng hát sli, lượn mượt mà, sâu lắng.
Khối thạch nhũ trong hang động ở Nà Tuồng
Bức tranh phong cảnh ở Nà Tuồng được nhấn điểm bởi vẻ đẹp huyền bí của hang động cách trung tâm thôn khoảng 500m. Trải qua hàng triệu năm phong hóa dưới bàn tay tài mỹ của mẹ thiên nhiên đã ban tặng cho Nà Tuồng hang động có những thạch nhũ với vẻ đẹp mê hoặc. Ý thức được giá trị của hang động này, cấp ngành chuyên môn và người dân địa phương đã có những hành động bảo vệ tính nguyên sơ để phục vụ phát triển du lịch khám phá sau này.
Văn hóa đặc sắc truyền lưu dưới mái nhà sàn
Nghề dệt vải vẫn được người dân Nà Tuồng lưu truyền từ nhiều đời nay
Nà Tuồng có 74 hộ dân thì có tới 65 hộ sinh sống trong những ngôi nhà sàn truyền thống. Nhà sàn nơi đây thường khá to, rộng, có nhiều gian, các gian được ngăn bằng vách gỗ. Nhiều ngôi nhà có tuổi đời cả trăm năm, mặc dù đã có cải tiến để phù hợp với nhu cầu sinh hoạt hiện nay nhưng vẫn còn bảo lưu những nét kiến trúc truyền thống. Ngoài ra, những đồ dùng, vật dụng từ xưa vẫn còn được lưu giữ và sử dụng như: Quạt hòm, khung cửi, xay đá, cối đá…
Video đang HOT
Những ngôi nhà sàn cổ mái âm dương tại Nà Tuồng chứa đựng chiều sâu văn hóa, đời sống tâm linh và những truyền thống tốt đẹp của đồng bào Nùng truyền giữ qua năm tháng. Trong đó đáng kể nhất là nghề dệt vải chàm và hát sli được nhiều thế hệ truyền dạy cho nhau.
Bà Lô Thị Mai năm nay đã 77 tuổi nhưng vẫn có thể tự nhuộm vải bằng cây chàm, tự may trang phục dân tộc cho người thân trong gia đình. Bà Mai cho biết: Mỗi người ở trong thôn đều có một đến vài bộ áo chàm để mặc vào dịp lễ, Tết, ngày hội. Hiện ở Nà Tuồng vẫn có 40 – 50 nhà còn khung cửi và thường xuyên dệt vải.
Nhắc đến Xuân Dương là nhiều người nhớ đến phiên chợ tình độc đáo với thể hát giao duyên – sli làm mê đắm lòng người. Đây là loại hình trình diễn nghệ thuật dân gian tiêu biểu, đặc sắc của người Nùng, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 830/QĐ-BVHTTDL ngày 09/3/2021. Cùng với cấp ủy, chính quyền và người dân trong xã, đồng bào Nùng ở Nà Tuồng đã và đang tích cực góp sức bảo tồn, phát huy nghệ thuật truyền thống này.
Bí thư Chi bộ Nà Tuồng, ông Lô Viết Kính tự hào: “Ở Nà Tuồng từ trẻ em đến người già đều biết và thích ngân nga điệu sli, trong đó có khoảng 20 người thường xuyên hát giao duyên tại chợ tình và sự kiện quan trọng của cộng đồng. Người dân Nà Tuồng trân quý sli như bát cơm, nước uống hằng ngày. Hát sli không chỉ làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần mà còn góp phần giữ mãi hồn cốt truyền thống nghệ thuật từ cha ông để lại”.
Gắn bảo tồn với phát triển du lịch
Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Na Rì, ông Lương Thanh Luyện cho rằng: “Nà Tuồng hội đủ các yếu tố về cảnh quan thiên nhiên, truyền thống văn hóa đặc sắc được lưu giữ dưới mái nhà sàn để làm chất liệu phát triển du lịch cộng đồng. Địa điểm này nằm trong không gian văn hóa Chợ tình Xuân Dương và nghệ thuật hát sli của đồng bào Nùng. Nếu được đầu tư bài bản, làm tốt công tác bảo tồn và quảng bá thì Nà Tuồng sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách gần xa”.
Năm 2023, Nà Tuồng cùng với thôn Khâu Đấng, xã Bộc Bố (Pác Nặm) được tỉnh lựa chọn thực hiện dự án Hỗ trợ đầu tư bảo tồn làng, bản, văn hóa truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch. Đây thực sự là thời cơ thuận lợi để người dân Nà Tuồng và Khâu Đấng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể đặc sắc của mình, tạo ra cơ hội phát triển du lịch bền vững.
“Nắm bắt được chủ trương của cấp trên, thôn đã đi khảo sát những gia đình đủ khả năng thực hiện dự án và vận động người dân quan tâm bảo tồn kiến trúc, văn hóa truyền thống. Những gia đình dự kiến được lựa chọn phải đáp ứng yêu cầu có nhà sàn truyền thống, lưu giữ nghề dệt vải và những vật dụng sinh hoạt, lao động tiêu biểu để sẵn sàng tiếp nhận nguồn lực đầu tư hướng tới phát triển du lịch cộng đồng”, ông Lô Viết Kính, Bí thư Chi bộ Nà Tuồng cho biết thêm./.
Na Rì (Bắc Kạn) - nét nguyên sơ, quyến rũ
Bắc Kạn - vùng đất được thiên nhiên ưu đãi các địa danh du lịch nổi tiếng như hồ Ba Bể, động Puông, thác Đầu Đẳng, bản Pác Ngòi...
Thời gian gần đây, một địa danh du lịch mới ở Bắc Kạn đang thu hút rất đông du khách, nhất là các bạn trẻ đến khám phá, trải nghiệm đó là Na Rì.
Nhiều điểm đến hấp dẫn
Na Rì là huyện vùng núi cao thuộc phía Đông Bắc của tỉnh Bắc Kạn, với diện tích tự nhiên hơn 85.000 ha, Na Rì được thiên nhiên ưu đãi, địa hình đồi núi nối dài và bao quanh tạo nên những cảnh quan thiên nhiên đẹp, còn nguyên vẹn sự hoang sơ, huyền bí với nhiều danh lam, thắng cảnh, di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc.
Điểm đến đầu tiên của du khách đó là thác Nà Đăng xã Lương Thành, đây là một thác nước chảy từ đỉnh núi cao hơn 100m xuống, nằm giữa khung cảnh núi rừng hùng vĩ, thác nước trông xa như một dải lụa. Nước thác sạch, mát lành, chạm tay vào cảm giác thật dễ chịu. Cách không xa thác Nà Đăng, du khách đến động Nàng Tiên thuộc xã Lương Hạ. Động ăn sâu xuống lòng núi khoảng 60m, cửa động cao 6m, rộng 6m, trần động cao khoảng từ 30-50m. Vào trong động, du khách được chiêm ngưỡng nhiều cảnh đẹp do các nhũ đá, cột đá và măng đá tạo nên. Cảnh tiên nữ, cảnh rồng bay, phượng múa bằng nhũ đá huyền ảo, lung linh. Trong động có nhiều ngách nhỏ có chiều dài từ chục mét đến hàng nghìn mét thông ra sườn núi. Xung quanh là những thửa ruộng bậc thang với dòng nước uốn lượn chảy quanh được người dân nơi đây gọi là ruộng tiên, suối tiên.
Rời động Nàng Tiên, du khách đến thăm khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ (thuộc địa phận các xã Kim Hỷ, Lương Thượng, Lạng San, Ân Tình, Côn Minh). Toàn khu có diện tích trên 14.000 ha, phần lớn là diện tích núi đá vôi cùng hàng trăm loài động, thực vật quý hiếm. Nơi đây đã và đang lưu giữ được hiện trạng nguyên sơ của thiên nhiên kỳ thú. Các nhà khoa học trong và ngoài nước đánh giá cao về sự phong phú của nhiều loài động, thực vật quý, hiếm, trong đó phải kể đến loài voọc má trắng, sóc, khỉ là những loài hiện nay có nguyê cơ bị tuyệt chủng trên toàn cầu. Đặc biệt, đến với khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, du khách sẽ được chứng kiến sự đa dạng của loài dơi, được coi là nhiều chủng loại nhất Việt Nam. Không những thế, đây còn coi là kho gỗ quý của tỉnh Bắc Kạn với rất nhiều cây nghiến, thông núi...
Sau khi thăm quan, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của núi rùng, du khách có thể dừng chân tại khu nhà cổ nằm ngay ở thị trấn Yên Lạc. Trải qua thời gian, vẫn còn đó khu phố cổ với những ngôi nhà có tuổi đời hàng trăm năm. Nơi đây có 3-4 thế hệ mỗi gia đình vẫn cùng chung sống dưới một mái nhà và cùng nhau lưu giữ những nét đẹp, kiến trúc tinh xảo, độc đáo của cha ông. Tại đây, du khách trẻ sẽ thỏa sức sáng tạo những tác phẩm ảnh nghệ thuật với khung hình, bối cảnh như phim cổ trang. Cũng tại khu phố cổ này, đến vào dịp tổ chức chợ đêm, du khách có thể trải nghiệm, thưởng thức những món ăn truyền thống độc đáo của địa phương, do các bà, các mẹ, các chị, các em tạo nên nét ẩm thực độc đáo, mang đậm hương vị của núi rừng như: bánh ngô, bánh khảo, quẩy... cùng với các gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP của địa phương.
Ngoài ra khi đến với Na Rì, du khách còn có thể ghé thăm nhiều di tích lịch sử như di tích lịch Pò Kép xã Văn Vũ; Nha Na Rì tại thôn Bắc Sen, xã Xuân Dương; Đồn Tây tại phố cổ thị trấn Yên Lạc; Nhà văn hóa truyền thống huyện Na Rì... Bên cạnh đó, Na Rì còn thu hút du khách nhiều hoạt động, lễ hội văn hóa mang đậm bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc sinh sống ở Na Rì như Tày, Nùng, Dao, Mông, Kinh. Tiêu biểu như Hội Lồng Tồng của dân tộc Tày, Nùng; Hội Xuân của người Mông ở Khuổi Nộc; Chợ tình Xuân Dương (ngày 25/3 âm lịch hàng năm); các lễ hội mừng lúa mới, lễ cưới hỏi... trải nghiệm hát Then, hát Páo dung, các nghi lễ cấp sắc.
Trải nghiệm và thưởng thức nét ẩm thực độc đáo
Cũng như các huyện trong tỉnh Bắc Kạn, khi đến với Na Rì ngoài khám phá nét đẹp của cảnh quan thiên nhiên, sự gần gũi, thân thiện, mến khách của người dân. Du khách còn được thưởng thức, trải nghiệm nét độc đáo của ẩm thực của vùng đất này. Ẩm thực Na Rì có hương vị rất riêng, những gia vị của núi rừng càng làm cho ẩm thực nơi đây thêm quyến rũ.
Nổi bật là thịt trâu gác bếp được chế biến với gia vị đặc biệt, kiến cho món ăn trở nên khác biệt. Cùng với thịt trâu gác bếp, miến dong thái tay cũng là một đặc sản chỉ ở vùng núi Thác Giềng của Na Rì mới có. Chất đất, kỹ thuật chăm sóc, khí hậu tạo nên nét riêng của sản phẩm này. Dù mùa đông hay ngày hè oi ả, đến đây du khách được thưởng thức một bát miến dong, thái tay của xứ sở núi rừng này, hương vị đậm đà, giúp cho mỗi du khách có những ấn tượng thật khó quên.
Nét đẹp nguyên sơ động Nàng Tiên
Ngoài ra, Na Rì còn có đặc sản bánh ngải truyền thống. Vị thơm của bánh ngải quyện với độ dẻo của nếp nương khiến cho du khách thưởng thức thật khó quên. Đến Na Rì du khách còn được thưởng thức các món ăn truyền thống khác như lạp xưởng hun khói, cá sông nướng, gà rừng, trám đen, canh gà nấu gừng là món ăn rất được đồng bào dân tộc vùng núi coi trọng và là món ăn phổ biến được dùng trong những ngày đông giá lạnh. Món canh gà gừng rất có tác dụng đối với mọi người, từ già đến trẻ, từ người khỏe đến người yếu đều có thể ăn được món này. Gừng là một vị thuốc, vì thế các món ăn chế biến với gừng thường xuyên góp mặt trong các bữa ăn của các gia đình người dân vùng cao và cũng là món ăn du khách rất thích được thưởng thức khi đến vùng đất này.
Ngoài ra, đến với Na Rì du khách còn được thưởng thức các loại bánh ngô, bánh đúc, bánh khoai, quẩy nóng, bánh khảo, bánh sao... với hương vị, đặc trưng riêng. Đến Na Rì, được khám phá nét đẹp hoang sơ, ghi lại những khoảnh khắc bên những di tích, danh thắng được thưởng thức nét ẩm thực độc đáo, nhất là sự thân thiện, mến khách của người dân để lại những dấu ấn khó quên đối với mỗi du khách, để rồi dù đi xa vẫn mong có một ngày trở lại Na Rì.
Bắc Kạn: Ngắm nét nguyên sơ, quyến rũ của miền sơn cước Na Rì Na Rì được thiên nhiên ưu đãi, địa hình đồi núi nối dài và bao quanh, tạo nên những cảnh quan thiên nhiên còn nguyên vẹn sự hoang sơ, huyền bí của vùng núi cao Bắc Kạn. Khung cảnh xanh ngát ở Na Rì, Bắc Kạn. Bắc Kạn được thiên nhiên ưu đãi với các địa danh du lịch nổi tiếng như hồ...