Khám phá vẻ đẹp Cù Lao Câu (Bình Thuận)
Chuyến hành trình thứ hai trong chuyến khảo sát khám phá huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận là đến thăm đảo Cù Lao Câu, nơi không chỉ có cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp mà còn được ví như một vương quốc đá với các khối đá nhiều hình dạng: rùa, hải cẩu, gấu, chim….
Ra đảo
Hơn 7 giờ sáng, đoàn khởi hành đến địa phận xã Phước Thể, một làng chài với cơ man thuyền thúng lớn nhỏ. Nhìn từ bờ ra, Cù Lao Câu sừng sững như hàng không mẫu hạm đang neo đậu giữa biển khơi. Nằm cách đất liền 7km đường biển, thuộc địa phận xã Phước Thể, Cù Lao Câu có chiều dài 1.500m, chiều rộng lớn nhất 800m, nhỏ nhất 300m. Để ra đảo, phải đi bằng thuyền mất hơn 30 phút.
Thời gian ra đảo không lâu nhưng lại mất nhiều thời gian cho khâu chuẩn bị, nhất là việc di chuyển từ bờ lên tàu. Do chưa có bến, tàu ra đảo đa phần lại là tàu đánh cá của ngư dân nên buộc khách phải lên thuyền thúng để đi từ bờ ra. Một chiếc thuyền thúng chở được 5 hành khách mặc áo phao, chưa tính người điều khiển thúng. Để tiện cho việc điều khiển thúng, hiện các tàu đều sử dụng dây luồn qua thúng và… kéo. Cách này nhanh hơn việc chèo thúng truyền thống. Tất cả thành viên trong đoàn đều phải cẩn thận sử dụng bọc nilon để bảo vệ điện thoại di động, máy chụp hình… – những thiết bị dễ hỏng hóc nếu bị thấm nước.
Đứng trên bờ mà ngắm thì không thể hiểu hết cảm giác thú vị của người ngồi trên thúng. Nó bồng bềnh, dập dềnh và xoay tròn, chỉ một cơn sóng vỗ vào là nước có thể ào vào theo. Thế mà, đa phần ngư dân đều sử dụng thúng để lặn biển, câu cá, câu mực, di chuyển vào bờ… và nhiều việc không tên khác.
Video đang HOT
Tàu nổ máy, ra khơi. Đi được hơn 10 phút là đến khu vực các ngư dân sử dụng thuyền thúng để lặn, bắt cá, câu cá. Mỗi người một thúng, ngư dân mặc đồ bơi và dụng cụ rồi lặn xuống biển. Một vài người vẫy tay chào khi tàu chúng tôi chạy ngang qua. Cù Lao Câu ở ngay trước mặt, ngày một rõ hơn. Biển đổi màu, từ xanh dương chuyển sang xanh lá cây. Đảo hiện ra rất gần, biển lại có màu xanh ngọc bích, một màu thật đẹp, thật trong và cũng thật lạ.
Vương quốc đá
Theo yêu cầu của đoàn, chủ tàu lái tàu đi một vòng quanh đảo. Chúng tôi được dịp chiêm ngưỡng vô vàn đá với đủ hình dạng. Ai đó thốt lên “Hệt như vương quốc đá”. Đúng vậy, đá bạt ngàn, những lùm cây xanh chen vào đá, pha sắc xanh vào màu nâu bóng thời gian của đá. Để lên được đảo, chúng tôi lại phải xuống thúng di chuyển vào bờ. Một bãi cát trắng mịn màng chạy dài uốn cong bao bọc đảo, làn nước trong xanh có thể nhìn tận đáy biển, nơi từng đàn cá tung tăng bơi lội…
Đảo còn nguyên dáng vẻ hoang sơ với thảm thực vật phong phú, đa dạng; khí hậu trong lành, mát mẻ. Nhìn qua làn nước, những viên đá cuội, sỏi, vỏ ốc ẩn hiện đầy bí ẩn. Di chuyển một đoạn là đến nhà nghỉ của các ngư dân từ trong đất liền ra đảo lập quán để buôn bán. Trong nhà nghỉ tạm có võng và nhiều loại bánh, nước uống. Bố trí xong chỗ đặt ba lô, nhiều thành viên đã chạy vội ra bãi biển tận hưởng làn nước mát lạnh.
Theo chân các chiến sĩ hải quân trên đảo, đoàn bắt đầu chuyến khám phá. Dọc hai bên con đường mòn là cỏ và hoa dại đẹp mắt. Loài hoa màu trắng muốt, hương thơm ngây ngất nở đầy trên đảo. Bao quanh đảo là hàng vạn khối đá nhiều màu sắc và hình thù, trông như những đàn thú với nhiều loại lớn nhỏ…. Do vẫn còn hoang sơ, nên nhiều khu vực trên đảo chưa có tên gọi. Ngoài quần thể đá đủ hình dáng từ chim se sẻ đến rùa, gấu…, đảo còn có những hang, khe thiên tạo dáng rất lạ. Theo địa thế của từng khu, nhiều cái tên mới ra đời như hang Tình Yêu, khe Sung Sướng, bãi Tắm Tiên, bãi San Hô, bãi Cá Suốt… Trên đảo còn có cái giếng được trân trọng gọi là giếng Tiên – là nơi cung cấp nước cho cả đảo.
Ngoài cảnh đẹp, đảo còn có rất nhiều loại ốc, hải sản đặc biệt. Theo lời người hướng dẫn, trên đảo thỉnh thoảng vẫn bắt được dông (một đặc sản của đất Bình Thuận) và nếu muốn, khách có thể thưởng thức ốc đủ loại ở nhà nghỉ trên đảo. Về đêm, nếu trời sáng trăng, đi dạo dọc theo bờ biển trong ánh trăng dìu dịu sẽ mang đến cho du khách một cảm giác thật khó quên.
Hoang sơ, đầy bí ẩn và thú vị là ấn tượng mà Cù Lao Câu mang đến cho những ai đã từng một lần đến đảo. Đây là nơi thích hợp cho những người thích khám phá vẻ đẹp của biển, yêu cảm giác mạo hiểm, hứng thú với các hoạt động như đi câu mực đêm, đánh cá, ngắm san hô…
Khám phá suối nước nóng Bưng Thị, Bình Thuận
Nằm sâu trong khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú, Bưng Thị còn hoang sơ, đầy tiềm năng về du lịch. Mùa này vào Bưng Thị sẽ được thưởng thức vị ngọt, bùi, đắng, chát của những trái say, trái cám, trái thị đang vào độ chín.
Và một điều không thể bỏ qua là ngâm chân trong dòng suối có 2 nguồn nước nóng, lạnh.
Hôm ấy, chiếc UAZ nhà binh chở tôi và vài người nữa vòng vèo gần 6 cây số đường rừng không ít gai gốc mới đến được Bưng Thị. Rừng bao quanh khu Bưng Thị chủ yếu là cây sến tự nhiên, sống khỏe, toàn cảnh khu rừng đẹp như một bức tranh. Đây đó, mấy chú gà rừng, sóc nâu và một số loài chim lạ bay nhảy. Nhưng anh kiểm lâm đi cùng bảo, chúng tôi không được may mắn ngắm nhìn con công cánh rộng đến cả mét, heo rừng nặng đến 80 kg như một số người đã từng được chiêm ngưỡng.
Bưng Thị hoang sơ thật. Mọi thứ nơi đây như chưa hề có dấu chân người. Đầu nguồn con suối lạ với 2 nguồn nước nóng, lạnh được đánh dấu bằng ống sắt, nghe nói các nhà địa chất đã làm dấu lúc tìm ra nguồn nước kỳ lạ này. Quanh ống sắt đó, cái ống sắt mà mấy anh kiểm lâm gọi là "ống sắt thần" ấy được đào một cái ao sâu khoảng 30 tấc, đường kính rộng gần 1m chứa nước trong vắt, nóng hơn 80 0C, người ta thường bỏ trứng gà vào luộc hồng đào thưởng thức rất ngon.
Cũng từ đây, nước tràn ra và chảy thành dòng nhỏ xuống nơi thấp nhất của Bưng Thị. Rồi nước chảy liu riu luồn qua những gốc cây, những lá khô đến một điểm tạo thành một con suối to hơn. Con suối to này chính là nơi tồn tại 2 nguồn nước nóng và lạnh. Nước suối ở đây trong vắt, nhìn thấy rõ mọi thứ dưới đáy. Đặc biệt, dưới đáy có rất nhiều mạch nước nhỏ sôi lên trắng xoá. Đó có lẽ là những mạch nước làm lạnh dòng nước nóng tạo ra độ ấm để người ta có thể ngâm chân được.
Đến đây không chỉ thích thú với suối nước nóng. Mùa xuân này, chúng ta sẽ được tha hồ ăn những loại trái cây rừng như: say, cám, trâm, thị...Không nhiều như cây sến chỉ biết ra hoa nhưng say, thị ở đây cũng đủ để du khách thưởng thức khi vào mùa trái chín. Dễ ăn nhất là thị, thị thấp lè tè, dễ hái. Chẳng thế mà dân gian gọi khu này là Bưng Thị. Tôi cũng tranh thủ thưởng thức thật nhiều và cảm giác lạ lẫm, thú vị dâng tràn.
Trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Cú, du lịch sinh thái cáp treo lên chùa núi đã hình thành và phát triển mạnh mẽ. Còn lại Bưng Thị, với con suối nước nóng kỳ lạ và sự đa dạng phong phú của động, thực vật nơi đây cũng rất cần được đầu tư để phát triển du lịch. Có như vậy thì Bưng Thị mới được nhiều người biết đến hơn
Đảo Cù Lao Câu, Bình Thuận Đi biển phải đi tháng 3 (âm lịch), tháng mà người dân biển cho là trời yên biển lặng nhất, cũng vậy mới có câu "tháng 3 bà già đi biển", nhưng những người quen sóng nước lại khẳng định, chính những ngày biển động đi đảo mới lắm cái thú. Sự kỳ diệu của... đá Đó là thời điểm không khí dễ...