Khám phá vẻ đẹp Cát Tiến (Bình Định)
Cát Tiến – thị trấn ven biển thuộc huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, cách trung tâm TP Quy Nhơn hơn 20 km về phía Bắc, mang vẻ đẹp sơn thanh thủy tú, phong cảnh hữu tình khiến du khách như vừa quen, vừa lạ.
Địa điểm thú vị này có thể gợi ý cho bạn về một chuyến du ngoạn trong ngày tự thiết kế để khám phá những điều mới mẻ.
Thị trấn Cát Tiến có nhiều lợi thế về giao thông – nằm trên tuyến QL 19B và hai tuyến tỉnh lộ 639, 640 kết nối với QL 1 – sân bay Phù Cát, các xã đồng bằng ven biển tỉnh Bình Định. Địa phương này có nhiều danh lam, thắng cảnh, di tích hấp dẫn để du khách tham quan, trải nghiệm.
Cát Tiến không lớn lắm, chỉ chạy xe quanh quẩn vài vòng là có thể khám phá rất nhiều điểm đến hấp dẫn. Ảnh: Dũng Nhân |
Điểm dừng chân đầu tiên khi đến Cát Tiến thường là chùa Ông Núi (Linh phong thiền tự) – một ngôi chùa cổ hơn 300 năm, tọa lạc ngay lưng chừng đỉnh Chóp Vung, thuộc khu phố Phương Phi. Ngôi chùa nổi tiếng với những câu chuyện lịch sử nhuốm màu tâm linh gắn liền với đạo nghiệp và công lao chữa bệnh cứu người của Thiền sư Lê Ban (tục gọi Ông Núi hay Mộc y sơn ông, tức Ông núi mặc áo vỏ cây) được ghi chép trong sách Đại Nam nhất thống chí (Quốc sử quán triều Nguyễn).
Vãn cảnh chùa Ông Núi. Ảnh: Đoan Ngọc |
Kế bên chùa Ông Núi là tượng Thích ca Mâu ni nằm trong khu Thiền viện Thiên Hưng, với chiều cao được mệnh danh là bức tượng cao nhất Đông Nam Á, mặt hướng biển. Trước đây, việc di chuyển đến chùa Ông Núi, cũng như Tượng Phật thích ca Mâu ni chủ yếu bằng cách leo lên những bậc đá cao vút, giờ đây du khách có thể di chuyển dễ dàng hơn với dịch vụ xe thồ, xe điện.
Dọc theo dãy núi Bà về phía Bắc, cách chùa Ông Núi khoảng 1 km là khu di tích Chiến thắng Núi Bà với Tượng đài Chiến thắng Núi Bà uy nghi, ghi dấu về những trang sử hào hùng của Đảng bộ, quân và dân Bình Định trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Xuôi theo đường ven biển (ĐT 639), du khách có thể ghé khu dã ngoại Trung Lương và khách sạn Crown Retreat Quy Nhơn để uống cà phê, “sống ảo” với những góc máy thú vị.
Video đang HOT |
Biển Trung Lương thu hút rất đông du khách về tắm biển giải nhiệt ngày hè. Ảnh: Đoan Ngọc |
Cát Tiến không rộng lắm, chạy xe quanh quẩn vài vòng là có thể khám phá rất nhiều điểm đến. Men theo đường Lưu Hữu Phước chạy ra đến phía biển thuộc khu phố Trung Lương, có thể bắt gặp những homestay thiết kế bắt mắt, nằm trước biển xen lẫn dưới những hàng cây tra – một loại cây đặc trưng của miền biển. Nếu khách có nhu cầu ở lại đêm thì các homestay đều có dịch vụ cắm trại đêm, theo ngư dân thả lưới đánh cá, tổ chức những bữa tiệc nhẹ trên bãi biển với hải sản tươi ngon đậm hương vị biển cả.
Đến Cát Tiến mùa này, du khách có thể thưởng thức trái tra – một loại trái cây đặc trưng miền biển. Ảnh: Đoan Ngọc |
Chiều về, du khách có thể thả bộ dạo biển xem ngư dân kéo lưới, đưa thuyền thúng lên bờ ngồi gỡ cá, ốc, ghẹ mắc lưới… Trên bãi biển, ngư dân ngồi hóng gió dưới những cây tra, trò chuyện thân tình, nở nụ cười nồng hậu chào khách phương xa đến với làng chài Trung Lương, cũng khiến du khách ấm lòng trong chuyến rong chơi.
Nằm gần cuối làng chài Trung Lương hướng từ Trường Tiểu học Cát Tiến – phân hiệu Lương Hậu hướng thẳng ra biển là nơi thu hút khá đông người đến tắm biển mỗi buổi chiều, nhất là ngày cuối tuần. Tại đây, có dịch vụ cho thuê phao, áo phao, dọc trước biển và hai bên đường có những hàng quán bán các món ăn vặt dân dã miền biển như: Chả cá cuốn rau răm, chả cuộn nướng, cá, mực khô nướng… giá rẻ, ngon miệng.
Một ngày rong chơi Cát Tiến, sẽ khám phá nhiều điều thú vị nơi đây…
Bí ẩn trụ đá cao hàng chục mét xếp thành Tà Kơn ở Bình Định
Thành đá cao 30 - 40m, dài 500m sừng sững giữa đại Vĩnh Sơn thăm thẳm, mang tên Tà Kơn, đến nay còn ẩn giấu bao điều kinh ngạc.
Rừng Vĩnh Sơn, Bình Định. Ảnh: Xuân Nhàn
Xã Vĩnh Sơn thuộc huyện miền núi Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định, là địa bàn cư trú lâu đời của cộng đồng Ba Na Kriêm. Tiếng Ba Na, Tà Kơn có nghĩa xếp chồng lên nhau.
Huyền tích
Nhìn qua mắt thường, Thành cổ Tà Kơn không khác gì tác phẩm đắc ý được sắp đặt kỳ khu bởi một thế lực siêu nhiên. Nó là sự ráp nối, xếp đặt kỳ vĩ, san sát, trật tự, lớp lang, vừa khít, bất tận của những khối đá chữ nhật, những trụ đá lục lăng kéo dài thành vệt, thành mảng ốp sát, dán chặt vách núi hun hút.
Đường bậc thang xi măng phục vụ tuần tra rừng và tham quan di tích. Ảnh: Xuân Nhàn
Cách đây hơn chục năm, khám phá Tà Kơn còn là trải nghiệm dành cho khách đi tự túc, thích phiêu lưu. Việc tiếp cận thành cổ đòi hỏi nhiều công sức và sự kiên trì. Giờ, Tà Kơn gần gũi, thân thiện hơn nhờ tuyến đường bê tông dài 3,3km, rộng 2m do Ban Quản lý dự án nông nghiệp - phát triển nông thôn Bình Định thi công hồi 2022.
Con đường luồn lách xuyên đại ngàn, được Ban Quản lý bảo vệ rừng phòng hộ Vĩnh Thạnh quản lý, khai thác. Từ trục chính nối huyện lỵ Vĩnh Thạnh với Vĩnh Sơn, muốn rẽ Tà Kơn, du khách phải qua "gác chắn" cơ quan lâm nghiệp.
Di tích lịch sử Thành Tà Kơn được UBND tỉnh Bình Định xếp hạng ngày 25.12.2013. Trước đó và ngay cả bây giờ, Tà Kơn được bao phủ bởi vô vàn huyền thoại. Có những truyền thuyết đề cao tinh thần dũng mãnh, ý chí đấu tranh bất khuất, sức sáng tạo, tình yêu và vẻ đẹp của những đứa con núi rừng Vĩnh Thạnh.
Dãy tường đá cổ dài 500m với cách "sắp đặt vừa vặn, khéo léo đến lạ lùng". Ảnh: Xuân Nhàn
Người Ba Na ở xã vùng cao Vĩnh Sơn đêm đêm vẫn thắp lửa kể cháu con nghe chuyện dân làng Kon Blo năm xưa mưu trí đánh đuổi giặc Pong Kang hung bạo. Còn đó câu chuyện về hai anh em Đrum và Đrăm khỏe đẹp có hòn đá mài do Bok Kei Dei trao tặng, có thể mài rựa, gọt đá sắc ngọt như gọt thân cây chuối. Bà con truyền tai nhau chuyện gian nan xếp đá xây thành; chuyện "nàng hoa cau" Prai Pnang tóc dài miên man, đến nỗi làn tên hai cánh ná cứng bắn ra vẫn chưa đi hết từ đầu đến cuối...
Lịch sử khắc ghi
Theo tài liệu nghiên cứu được Bảo tàng Quang Trung sử dụng khi lập hồ sơ di tích, Tà Kơn là dãy núi đá hình thành do quá trình phun trào núi lửa kỷ Đệ tứ cách nay hàng triệu năm. Quá trình nâng lên của bề mặt trái đất tạo ra những cột đá có dáng hình học xếp liền kề như được gia công nhân tạo.
Trong sách "Làng Cây Dừa", PGS. TS. Diệp Đình Hoa, chuyên gia khảo cổ học, dân tộc học, địa lý môi trường cảnh quan nổi tiếng, người con của quê hương Vĩnh Bình - Vĩnh Thạnh cho rằng vùng Vĩnh Sơn thuộc thời kỳ Holocen (đệ tứ kỷ) cách nay khoảng 1,8 - 2 triệu năm. Thềm bậc II sông Kôn có thể thuộc thời pleistocen muộn.
Đi điền dã Vĩnh Sơn, nhà nghiên cứu này phát hiện cuội sỏi, sạn cát bị tectit và laterit hóa. Chính ông nhặt được thiên thạch Tectit. Theo ông, có thể tìm thấy dấu vết văn hóa thời đại đồ đá cũ, công cụ cư dân tiền sử ở đây.
Không nhiều du khách biết đến Tà Kơn. Ảnh: Xuân Nhàn
Ông Hoa kiến giải rằng hàng triệu năm trước, Vĩnh Thạnh từng là các bậc thềm biển. Không phải ngẫu nhiên, huyền thoại Ba Na Kriêm hay nhắc con vích, con sam. Thần thoại xây thành Tà Kơn có chi tiết Đrum, Đrăm té ngã, làm sạt lở, xô đẩy cả mảng tường đá khổng lồ xuống biển.
Cạnh Tà Kơn, thác Lơ Pin hùng vĩ khai sinh bởi dòng chảy nham thạch, dệt bức màn nước sương mờ, đổ xuống từ độ cao trăm mét. Đứng bên thác, khách du lịch sẽ thấy như lạc chốn đào nguyên.
Tà Kơn gắn liền Tây Sơn thượng đạo giai đoạn khởi nghiệp của anh em Nguyễn Huệ. Có ý kiến cho rằng, lúc chưa khởi binh, Nguyễn Nhạc buôn bán trầu nguồn, từng theo sông Kôn đặt chân đến đây. Ngày nay có cả chuỗi di tích của khởi nghĩa Tây Sơn trong vùng được xác nhận.
Ngay xã Vĩnh Sơn, cách Tà Kơn không xa là di tích cấp quốc gia Vườn cam Nguyễn Huệ (xếp hạng ngày 16.1.1995). Xuôi xuống quốc lộ 19, là núi Phát Lương, núi Ông Nhạc, Ông Bình. Lên Kbang (Gia Lai), du khách sẽ gặp cánh đồng cô Hầu, điểm khuất phục đàn ngựa hoang Hòn Cong...
Tà Kơn trong chuỗi di dích về phong trào Tây Sơn. Trong ảnh là di tích quốc gia Vườn cam Nguyễn Huệ. Ảnh: Xuân Nhàn.
Trải qua cuộc đấu tranh chống ngoại xâm thời hiện đại, Tà Kơn trở thành căn cứ địa cách mạng trung kiên. Nhiều thời kỳ, Vĩnh Sơn, Vĩnh Thạnh là nơi nuôi dưỡng đầu não chỉ huy kháng chiến.
Để đến thành Tà Kơn, từ thị trấn Vĩnh Thạnh (huyện Vĩnh Thạnh), du khách đi theo tuyến ĐT 637 sẽ lên đến làng K8, xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh). Đến đây, rẽ ngang đường rừng, đi khoảng 4 km nữa sẽ đến thành Tà Kơn.
Nét nguyên sơ hồ Núi Một, Bình Định Nhiều điều thú vị đó đang nằm lẩn khuất trong một thung lũng có tên Hồ Núi Một được dãy An Trường (thuộc tỉnh Bình Định) bao bọc. Bề rộng mặt hồ 12km2 kéo theo ào ạt những làn gió the mát, rồi khuất xanh tầm mắt với vành đai núi rừng che phủ những thác nước không tên nhiều tầng nhiều lớp...