Khám phá Tuyết Sơn
Cứ vào dịp đầu năm, nhiều người thường trảy hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) – lễ hội lớn nhất trong năm.
Tuy nhiên, không nhiều người biết rằng, ngoài tuyến tham quan đền Trình – chùa Thiên Trù – động Hương Tích còn có các tuyến khác, trong đó có tuyến thăm động Tuyết Sơn – chùa Bảo Đài. Tuyến tham quan với các trải nghiệm hấp dẫn như vãng cảnh chùa, thăm hang động, rừng mơ cổ…
Du khách thăm rừng mơ cổ ở thôn Phú Yên (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức).
“Kỳ sơn tú thủy”
Nằm trong quần thể Di tích quốc gia đặc biệt Khu di tích lịch sử và quần thể danh lam thắng cảnh Hương Sơn (chùa Hương), động Tuyết Sơn – chùa Bảo Đài nằm trên địa bàn thôn Phú Yên (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức). Để đến được khu vực này, du khách có thể chọn đi đò trên dòng suối Tuyết Sơn hoặc theo đường bộ bằng ô tô. Đường thủy từ bến đò thôn Phú Yên đến chùa Bảo Đài dài 1,5km, khung cảnh nên thơ với một bên là núi, một bên là cánh đồng lúa mênh mông. Vẻ đẹp yên bình, nên thơ này đã được chúa Trịnh Sâm mệnh danh là “Kỳ sơn tú thủy”.
Thuyền cập bến Tuyết Sơn, du khách đi bộ khoảng 200m sẽ thấy chùa Bảo Đài tọa lạc dưới chân núi. Theo văn bia tại động Tuyết Sơn, chùa được xây dựng bởi quận chúa Hoàng Thị Ngọc Hương, đời vua Lê Hy Tông, niên hiệu Chính Hòa thứ 15 (1694). Trải qua nhiều lần tu sửa, hiện nay, chùa mang nét kiến trúc đặc trưng của thời Nguyễn.
Bước qua tam quan đồ sộ, du khách sẽ đi qua một khoảng sân rộng, hai bên là hai hàng cau vua thẳng tắp; bên phải có một ngôi mộ tháp. Chùa Bảo Đài có khuôn viên khiêm tốn. Bước qua vài chục bậc thang, du khách sẽ tới chính điện, bên phải là 2 cây ngọc lan cổ thụ 300 tuổi với nhánh cây khổng lồ tỏa thành nhiều thân nhỏ. Kiến trúc và cách bài trí tượng Phật bên trong chùa vẫn được giữ gìn nguyên vẹn.
Sau khi vãng cảnh chùa, du khách men theo con đường nhỏ sát vách núi để lên động Tuyết Sơn. Dọc đường đi là những thảm lan rừng “bò” từ dưới đất lên vách đá. Hai bên đường là những khóm tre lớn. Đi thêm một đoạn là rừng mơ cổ được người dân gìn giữ bao năm qua. Tháng 10 hằng năm là dịp hoa mơ nở trắng rừng Hương Sơn.
Đi thêm khoảng 1km qua những tán rừng rậm rạp, đôi chỗ khó đi, du khách sẽ tới động Tuyết Sơn. Trên cửa động có khắc ba chữ Hán: “Ngọc Long động”. Bên trong có nhiều khối nhũ đá với đủ hình thù. Động được chia thành hai nhánh nhỏ, một bên là tam bảo thờ Phật cùng bức tượng phù điêu tạc hình quận chúa Ngọc Hương trong vách đá. Nhánh thứ hai được sắp xếp như một điện thờ Mẫu. Ông Bùi Văn Liêm, du khách đến từ huyện Gia Lâm chia sẻ: “Lâu nay, nhắc đến chùa Hương, tôi và người thân chỉ biết đến tuyến Thiên Trù – Hương Tích và chủ yếu là đi lễ đầu năm. Tôi ngạc nhiên khi biết chùa Hương còn có tuyến đường với những trải nghiệm mới mẻ như thế này”.
Thu hút khách vào mùa thấp điểm
Video đang HOT
Với nhiều du khách, trải nghiệm đặc sắc nhất khi thăm chùa Bảo Đài – động Tuyết Sơn là tham quan rừng mơ cổ. Ông Lê Mạnh Đông (thôn Phú Yên, xã Hương Sơn) là người duy trì vườn mơ cổ của gia đình suốt 28 năm qua. Những năm gần đây, một số cán bộ của Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã hỗ trợ gia đình lai tạo các giống mơ mới cho năng suất cao bên cạnh việc bảo tồn giống mơ Hương Sơn cổ. Hiện nay, mơ Hương Sơn là đặc sản có thương hiệu, giá thành cao hơn so với các loại mơ khác. Bên cạnh đó, gia đình ông cũng nhân rộng diện tích trồng rau sắng – một loại rau đặc sản chỉ có tại đây – để cung cấp cho du khách, mang lại nguồn thu nhập ổn định.
Chia sẻ về cơ hội phát triển tour trải nghiệm hấp dẫn này, bà Phạm Thị Hiếu, Trưởng phòng kinh doanh Công ty Wonder World Travel cho rằng: Việc phát triển tuyến chùa Bảo Đài – động Tuyết Sơn trở thành tour tuyến đặc sắc là điều cần làm ngay, nhất là khi hoạt động du lịch bắt đầu hồi phục và cần những sản phẩm mới. Chính quyền địa phương nên hỗ trợ người dân để nhân rộng diện tích trồng mơ, qua đó vừa tăng sản lượng, vừa góp phần thu hút khách khi hoa mơ nở vào dịp tháng 10. Như vậy, du khách Thủ đô sẽ có thêm một lựa chọn, ngoài những nơi xa hơn như Bắc Hà, Mộc Châu nếu muốn ngắm hoa mận. Thêm vào đó, Mỹ Đức có thể kết hợp xây dựng điểm cắm trại tại hồ Quan Sơn, hồ Tuy Lai để kéo dài thời gian lưu trú của du khách.
Thu hút du khách bằng sản phẩm bản địa, đồng thời khắc phục tình trạng thấp điểm sau 3 tháng lễ hội Chùa Hương đang là mục tiêu của huyện Mỹ Đức nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Theo Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức Nguyễn Ngọc Việt, bên cạnh việc đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển du lịch và dịch vụ, huyện cũng chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng để thu hút khách vào mùa thấp điểm, trong đó có sản phẩm tham quan, chụp ảnh theo các mùa hoa như mùa hoa sen, hoa súng, hoa mộc miên… Cùng với đó, huyện sẽ phát triển một số sản phẩm nông nghiệp phục vụ khách du lịch như rau sắng, mơ Hương Sơn, sen An Phú… nhằm tăng mức chi tiêu của du khách, đồng thời góp phần tạo sinh kế bền vững cho người dân.
Ngồi thuyền khám phá 'Nam thiên đệ nhất động'
Sắp xếp thời gian đến với động Hương Tích, chùa Hương, ngồi trên thuyền, du khách được chiêm ngưỡng cảnh mây trời, sông nước hữu tình và nhất là thích thú khoảnh khắc nhìn thấy giọt nước từ núi đá vôi rơi xuống tạo thành các nhũ đá hình thù kỳ thú.
Bao đời nay, lễ hội chùa Hương luôn thu hút đông đảo người dân, du khách về trẩy hội. Dòng người tấp nập về chùa Hương để lễ bái dịp đầu năm, tham quan, viếng cảnh và chiêm ngưỡng cảnh đẹp thiên nhiên.
Du khách tham quan chùa Hương.
Cách trung tâm TP Hà Nội khoảng 50 cây số, chùa Hương thuộc địa phận xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức. Chùa Hương chỉ cách nhà khoảng 20 cây số và đường đi dễ dàng, cô bạn Nguyễn Ngọc Tú, đến từ Hà Nội, đã đến ngôi chùa nổi tiếng này để tham quan, lễ bái dịp đầu năm và chiêm ngưỡng cảnh đẹp của chùa.
"Đây là nơi mình muốn cầu an, cầu may cũng như thưởng ngoạn những phong cảnh đẹp tựa tranh vẽ của vùng đất này. Đó cũng là lý do năm nào dù bận rộn đến đâu, mình cũng cố gắng sắp xếp thời gian để đi tham quan, vãn cảnh", cô gái 26 tuổi cho hay.
Với cô bạn này, chuyến đi này rất ý nghĩa, vì không phải bon chen khi xuống đò, không bị cò mồi chèo kéo, ban quản lý đã sắp xếp lại theo quy củ. Ngọc Tú không chọn đi vào cuối tuần nên không có cảnh đông đúc và thư thả vãn cảnh chùa.
"Từ năm nay, các hoạt động của chùa Hương đều được sắp xếp và quản lý lại nên sẽ không còn cảnh cò mồi đi theo như đợt trước nên mọi người yên tâm, mọi thứ đều được niêm yết và công khai. Đây là bước thay đổi mà mình thấy khác biệt và tích cực hơn so với mọi năm", Ngọc Tú nói.
Du khách viếng cảnh chùa Hương.
Dù đã viếng cảnh chùa Hương nhiều lần, nhưng mỗi lần đến với chùa này, Ngọc Tú cứ ngỡ như lần đầu được tới đây. Trong tiết trời ủng hộ với nắng nhẹ, nữ du khách thích thú ngồi thuyền chiêm ngưỡng cảnh mây trời, sông nước hữu tình...
Đi qua Đền Trình và các ngọn núi có hình thù khác nhau, du khách được nghe những người lái thuyền kể về nguồn gốc và truyền thuyết của các địa điểm.
Nhiều người nói rằng, nếu đã đi chùa Hương nhưng chưa đến động Hương Tích xem như chưa đặt chân đến chùa Hương... Được mệnh danh "Nam thiên đệ nhất động" (nghĩa là động đẹp nhất trời Nam), động Hương Tích trở thành nơi yêu thích của nhiều du khách.
Lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ.
"Mình thích nhất lúc ngồi thuyền ngắm cảnh non nước, nếu ai đi muộn thì chiều về còn được ngắm cảnh hoàng hôn. Lúc leo lên động Hương Tích là điểm cao nhất của quần thể, du khách ngắm được toàn cảnh xung quanh. Với không khí trong động mát lạnh, mình thích khoảnh khắc thấy giọt nước từ núi đá vôi rơi xuống tạo thành nhũ đá hình thù kỳ thú", Ngọc Tú nói.
Theo Ngọc Tú, du khách nên đi chùa Hương vào mùa lễ hội chính diễn ra từ tháng 1 đến tháng 3 Âm lịch, vào tháng 3 sẽ không đông như đợt đầu hội. Tháng 3 còn có mùa hoa gạo nở đỏ rực hai bên bờ suối Yến, khung cảnh vô cùng lãng mạn để du khách tha hồ chụp ảnh.
Trong thời gian 1 ngày, cô nàng đã đi được hết các địa điểm, vì chùa Hương gần nội thành nên di chuyển thuận tiện và tốn ít thời gian. Nơi này cách trung tâm TP Hà Nội khoảng 1 tiếng đi ô tô hoặc xe máy nên đi trong ngày rất thoải mái.
Du khách này còn cho biết, về đồ ăn, nước uống, cô nàng thấy có khá nhiều với đủ các loại ở dọc đường lên động Hương Tích. Mọi người cũng có thể mang đồ ăn và nước theo nhưng nên mang đồ gọn nhẹ, vì mang sẽ hơi vất vả nếu như chọn leo bộ, còn đi cáp treo sẽ ổn hơn.
Ngồi thuyền ngắm cảnh đẹp.
Đặt chân đến với một trong những địa điểm du lịch tâm linh đặc sắc bậc nhất Hà thành, du khách được tham quan, vãn cảnh chùa và tận hưởng bầu không khí trong lành, yên bình. Hòa mình vào bức tranh sông nước, hang động..., du khách đã trở thành một phần không thể thiếu của nét đẹp văn hóa mùa lễ hội truyền thống này.
Ngoài chùa Hương, du khách Ngọc Tú còn có đam mê du lịch, thích khám phá nhiều vùng đất mới. Với cô gái này, mỗi chuyến đi không chỉ có ảnh đẹp mang về, mà còn được tìm hiểu, trải nghiệm về văn hóa, con người và những điều mới mẻ tại mỗi điểm đến...
Du khách đi chùa Hương vào mùa lễ hội chính diễn ra từ tháng 1 đến tháng 3 Âm lịch.
Du khách đến chùa viếng cảnh, tham quan các địa điểm.
Cô nàng đi chùa Hương trong 1 ngày.
Ngắm hoa gạo nở đỏ rực bên những ngôi chùa nổi tiếng Hà Nội Những ngày đầu tháng 4/2024, hoa gạo 'thắp lửa' đỏ rực trên tàng cây, báo hiệu cho mùa hạ đã thấp thoáng đâu đây. Thời điểm giữa tháng ba đến đầu tháng tư là lúc hoa gạo ở Hà Nội nở rộ nhất. Những ngày cuối tuần, người dân Thủ đô thường tìm đến hai ngôi chùa nổi tiếng là chùa Thầy (huyện...