Khám phá thú chơi” lạ mà không lạ” của cầu thủ Việt
Lâu nay, giới cầu thủ Việt Nam thường được nhắc tới với những sở thích khá xa hoa liên quan tới ô tô, máy tính, điện thoại, hàng hiệu. Nhưng ít ai biết, cũng có những tuyển thủ quốc gia chẳng quan tâm tới chuyện ăn chơi.
Ngoài trái bóng, họ chỉ biết tới những thú chơi rất thuần nông là chơi cây cảnh.
Đổ hết tiền vào… cây cảnh
Với người hâm mộ Việt Nam nói chung và những cổ động viên nổi tiếng cuồng nhiệt của đất Cảng nói riêng, chẳng ai không biết tới cựu tuyển thủ quốc gia Đặng Văn Thành. Sau những năm tháng cống hiến cho đội U23, đội tuyển quốc gia và đội bóng quê hương Hải Phòng, giờ đã ở tuổi 30 Thành vẫn luôn chứng tỏ được lối chơi tận hiến, vắt tới những giọt mồ hôi cuối cùng của mình mỗi khi được ra sân trong màu áo Bình Dương ở V.League.
Cây trong vườn của cầu thủ Đức Dương (ảnh do nhân vật cung cấp).
Đặt câu hỏi, bí quyết nào giúp Thành duy trì được sự dẻo dai đến vậy, trong khi ở V.League có không ít cầu thủ còn thua kém anh nhiều tuổi nhưng đã “đuối” trông thấy? Thành đáp: “Tôi trưởng thành từ bóng đá Hải Phòng và cảm nhận rõ sự phức tạp của cuộc sống cầu thủ phía hậu trường. Có lẽ do tính cách nên ngay từ những bước đi đầu tiên, tôi không thấy hứng thú gì với những cám dỗ đó. Đam mê của tôi sau bóng đá chỉ là… cây cảnh. Có bao nhiêu tiền dành dụm được từ bóng đá tôi đều đổ vào thú chơi này”.
Sau 10 năm mò mẫm, học hỏi, “lão nông” (biệt danh của Thành được các đồng đội đặt cho) Đặng Văn Thành đã có một “tài sản” tương đối gắn với vườn cây cảnh của mình: “Chơi cây cảnh cũng như đi học vậy, cứ từng tí, từng tí một, tăng cường vốn hiểu biết. Nhân những chuyến đi thi đấu, tôi cũng cố gắng đi tìm kiếm thêm nhiều cây lạ, độc. Những dòng chính là tùng, mai, sanh. Giờ kinh tế đang khó khăn nên khó nói giá lắm. Cách đây khoảng 4-6 năm, một cây bình thường giá 200-300 triệu đồng”- Thành chia sẻ.
Đặt vấn đề, với vốn hiểu biết của mình về cây cảnh, sau khi “treo giày”, chắc chắn Văn Thành sẽ không sợ rơi vào cảnh thất nghiệp như nhiều đồng đội khác, Thành nói: “Ngoài mảnh vườn mấy trăm mét vuông của mình ở nhà, tôi còn kinh doanh sân cỏ nhân tạo và tận dụng luôn khuôn viên sân để đặt cây cảnh.
Mỗi năm 2 lần tôi cũng thuê người cắt tỉa, tạo dáng cho cây. Vườn của tôi có 10 cây tùng 200 năm tuổi và các cây sanh, lộc, vừng… Sau những ngày thi đấu biền biệt, mỗi khi về nhà tôi cảm thấy thư dãn rất nhiều khi được ở bên cạnh vợ và con gái 4 tuổi, đắm mình trong không gian vườn cây, tự tay chăm sóc cây cảnh của mình”.
Nghề tay trái sau khi giải nghệ
Trong giới cầu thủ, ngoài Đặng Văn Thành, còn có cầu thủ cùng lứa một thời ở đội U23 và đội tuyển quốc gia là Trần Đức Dương cũng đam mê cây cảnh. So với Thành, Đức Dương mới chơi cây cảnh được 5 năm, nhưng về độ sâu sắc (như lời Văn Thành thừa nhận về bạn mình) thì không hề kém cạnh: “Mỗi khi gặp Thành, chúng tôi thường mải mê nói chuyện cây cảnh mà không biết chán. Càng chơi, càng hiểu, thì càng thấy mình cần phải học hỏi thêm rất nhiều. Trong khu vườn rộng 5.000m2 của tôi nằm ở gần Big C, đoạn đi từ Nam Định sang Ninh Bình, và khoảng 500m2 ở quê nhà Mỹ Thắng (Mỹ Lộc, Nam Định) có khoảng mấy chục cây, trong đó có cây sanh 100-200 tuổi. Hồi tôi mua cách đây 5 năm chỉ vài chục triệu, nhưng giờ đã có người trả vài trăm triệu nhưng tôi không bán”- Dương nói.
Ngoài thú chơi cây cảnh, cầu thủ Việt Nam còn có những thú chơi khác rất… nông dân. Ví như cầu thủ Mai Xuân Hợp (Thanh Hóa) thích đi câu cá như một cách giảm stress. Cùng sở thích với Xuân Hợp, một cầu thủ gốc Thanh Hóa khác là Mai Tiến Thành (hiện đang khoác áo Bình Dương) cũng rất thích đi câu. Ngoài ra Tiến Thành còn đam mê nuôi chó.
Ước mơ của Dương rất lãng mạn là mong tới một ngày có thể xây được 1 ngôi nhà gỗ trong mảnh vườn của mình, được tận hưởng cuộc sống hạnh phúc bên vợ và 2 con (con trai học lớp 1, con gái 4 tuổi). “Tôi vẫn đang sưu tầm thêm cây. Cứ đi đến đâu là tôi tranh thủ vào những mảnh vườn đẹp xem để học hỏi. Tôi quen với anh Thành “đất” (nghệ nhân Nguyễn Trọng Thành – PV) ở Hoàng Mai – Hà Nội, người chơi cây cảnh nổi tiếng và đã học hỏi được rất nhiều”.
Theo Dương, anh đam mê cây cảnh từ khá lâu rồi nhưng phải tới khi chuyển từ Nam Định tới Hải Phòng năm 2009 mới có tiền mua đất: “Nhất thổ, nhì mộc mà. Tôi mua đất trước, rồi sau này có tiền dần dần dồn vào mua thêm cây. Hết mùa giải này, tôi sẽ hết hợp đồng với HAGL và chắc cũng khó có đội nào ở V.League chọn tôi nữa bởi năm nay cũng 31 tuổi rồi. Giờ tôi chỉ chơi cây cảnh vì đam mê. Sau này “treo giày”, nếu có duyên với cây cảnh thì mới nghĩ tới chuyện kinh doanh”.
Theo Dương, nếu thực sự đam mê, thì đây cũng có thể là một nghề tay trái của cầu thủ sau khi giã từ sự nghiệp: “Chơi cây cảnh cũng lắm công phu, phải học hỏi nhiều về kiến thức nông nghiệp qua những người đi trước, qua sách, báo, và mạng Internet. Có nhiều yếu tố để định giá của cây cảnh như độ tuổi (hàng trăm năm), kiểu dáng khác lạ, đặc biệt, hợp tuổi, sở thích của người chơi…”- Dương chốt lại.
Theo VNE
Thú đam mê của dân thể thao - Kỳ 2: Tay chơi đồ cổ
Tiền vệ Đặng Văn Thành của Becamex Bình Dương có thể lang thang hàng giờ trong bảo tàng lịch sử, chỉ cần ai ho he về chuyện cụ này cụ kia có bộ bát đĩa thời Lý, Trần hay lắm, anh cũng tìm đến cho bằng được.
Các món đồ cổ được Đặng Văn Thành sưu tầm - Ảnh: nhân vật cung cấp
Không ít lần bị lừa
Niềm thích thú với những đồ gốm, đồ đồng cổ của Thành chỉ thực hiện được bắt đầu từ năm 2002, khi anh có điều kiện kinh tế cho thú vui đắt đỏ này. Thành quen biết đông đảo anh em trong giới chơi, buôn bán đồ cổ khắp cả nước. Anh thường có sở thích sưu tầm các đồ gốm, sứ cổ Trung Quốc và đồ gốm các triều đại Lý, Trần, Lê... Sự hiểu biết của một tay chơi đồ cổ lâu năm giúp anh cách phân biệt họa tiết, hoa văn, nước men ở mỗi triều đại. Nhìn nước cốt của gốm hoặc những họa tiết rồng, mây trên mỗi hiện vật là anh có thể phân biệt được vật đó ở thời nào. Ở nhà, Thành rất quý một bộ đồ đồng văn hóa Đông Sơn và những hiện vật gốm từ thời nhà Hán (Trung Quốc), phải rất khó khăn anh mới mua lại được.
Thành cho hay đồ cổ cũng có loại giá bình dân, giá cao cấp. Anh và các anh em trong giới sưu tầm đồ cổ ít khi mua được tại gốc mà thường phải qua các tay buôn trung gian. Đã là một người rất tinh trong việc nhận biết đồ cổ thật, giả nhưng Thành bảo không ít lần bị lừa, mua phải đồ... giả cổ với giá cao. "Mọi cuốn sách cũng chỉ lý thuyết thôi. Phải va vấp với thực tế để hiểu hơn về những món đồ cổ này. Ngẫm ra, trên đời này việc gì cũng thế, chơi mà cũng học được nhiều điều đấy chứ", Thành triết lý. Thực tế, tại Việt Nam có cả một trung tâm để giám định carbon hiện vật để khẳng định đồ cổ thật, giả, nhưng Thành bật mí, bôn ba ngoài thương trường nhiều, trực tiếp mua bán, trao đổi, giao lưu với những bậc đàn anh đi trước sẽ cho kết quả còn nhanh hơn, đỡ tốn kém hơn vào giám định.
Cây cảnh được Đặng Văn Thành sưu tầm - Ảnh: nhân vật cung cấp
Sưu tầm hơn 1.000 món đồ cổ
Toàn bộ số đồ cổ của Thành hiện nay vào khoảng trên dưới 1.000 món, nhưng có giá trị lớn chỉ khoảng 10 - 20 món. Tập trung cho bóng đá, xây dựng sự nghiệp cầu thủ ở Bình Dương chưa cho phép Thành đầu tư tủ, kệ để đặt những đồ cổ cho trang trọng nên có khi, đồ cổ mua xong được anh gói giấy lại, bỏ xuống gầm bàn, gầm tủ, thi thoảng lôi ra ngắm nghía cho đỡ nhớ.
Thành từng có đồ cổ mang đi tham dự một triển lãm do cá nhân tổ chức tại Ninh Bình năm 2012. Một cái đĩa thời Nguyên (Trung Quốc) và một đồ sứ trong cung đình Huế của anh sau chuỗi kiểm tra, tuyển chọn được mang ra trưng bày. Ông chủ mê đồ cổ cũng không bỏ qua cơ hội này để mở rộng mối quan hệ với nhiều nhà sưu tập đồ cổ trên tầm cũng như nhiều người cùng chung đam mê như anh. Thành tiết lộ mình từng mua đi - bán lại nhiều đồ cổ khi được giá. "Tôi không coi đó là việc kinh doanh, chỉ là một thú vui, gặp khách thì bán, không thì thôi. Nó cho tôi và bạn bè có nhiều đam mê hơn với những món đồ cổ", Thành bảo.
Ông chủ của một cơ ngơi khang trang thuê người coi sóc tại Hải Phòng còn là một người rất mê cây cảnh. Ngoài diện tích vườn nhà 800 m2 tại thị trấn Núi Đối, Kiến Thụy, Thành còn thuê thêm diện tích vườn khoảng 1.000 m2 để trồng, trưng bày cây cảnh. Anh mê cây tùng, cây sanh, đam mê bản lĩnh của những loài cây quân tử ấy nên có thể bỏ ra nhiều ngày trời để tỉ mẩn, uốn cắt cho từng cành non. Số tùng, sanh trên 200 năm tuổi của Thành khoảng 20 - 30 cây.
Theo VNE
Mẹ liệt sĩ ôm hài cốt con khóc, chính quyền vẫn không cho đưa vào nghĩa trang Liệt sĩ Đặng Trường Thanh - quê phường Đồng Tiến, thị xã Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình sinh năm 1953, hy sinh ngày 26/1/1973 do bị phục kích trong lúc vượt kênh Vĩnh Tế. Mẹ Thược bên di cốt của con Các thông tin này được ghi rõ trong hồ sơ của liệt sĩ tại Bộ tư lệnh Quân khu 7, cũng như...