Khám phá thị trường “hàng nóng” Kỳ cuối: “Hàng nóng” được tuồn về Hà Nội bằng cách nào?
Dù biết là “hàng cấm”, và việc “tiếp tế” mặt hàng này là gián tiếp gây ra những vụ “đấu súng”, nhưng vì lợi nhuận mà họ sẵn sàng coi thường pháp luật để tham gia vào những đường dây buôn bán vũ khí.
Trong khi “ hàng nóng” đang được công khai giao dịch tại chợ Đông Kinh, TP Lạng Sơn thì ở đất Hà Thành và bất cứ nơi đâu “hàng nóng” lại đang là “điểm nóng”. Bởi “hàng nóng” đang gắn liền với hàng chục vụ giết người cướp của, côn đồ truy sát để giải quyết mâu thuẫn…
Nóng bỏng ANTT
Thời gian qua đã xảy ra hàng loạt vụ trộm cướp mà các đối tượng sử dụng vũ khí nguy hiểm “hàng nóng” để uy hiếp, khống chế nạn nhân như cướp xe máy, taxi, tiệm vàng… Do đó vấn đề “hàng nóng” đang là mối lo ngại về ANTT xã hội khiến nhiều người dân hoang mang lo lắng. Điển hình là một vụ cướp xảy ra khoảng 20h30 ngày 27-1-2011, khi anh Nguyễn Văn, SN 1975, trú tại đường Miếu Hai Xã, Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân, TP Hải Phòng đi đến ngã tư Hàng Mắm-Hàng Tre thuộc phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, bị 3 đối tượng đi xe máy áp sát dùng vật cứng (nghi là súng) cùng dùi cui điện khống chế. Các đối tượng cướp của anh Cường chiếc túi xách, trong túi có 2,8 tỉ đồng.
Video đang HOT
Một vụ cướp táo tợn khác xảy ra tại bưu điện Hố Nai, tỉnh Đồng Nai. Vào lúc 12h20 ngày 29-2-2012 có 2 nhân viên bưu điện là Nguyễn Thị Nhã và chị Nguyễn Thị Thanh Tâm đang trực tại phòng giao dịch thì bất ngờ có 2 thanh niên bịt khẩu trang đi vào. Một trong hai đối tượng rút trong người ra khẩu súng ngắn chĩa thẳng về hướng chị Nhã và chị Tâm, đồng thời các đối tượng yêu cầu đưa toàn bộ tiền trong ngăn kéo bàn cho chúng nếu không sẽ bị bắn chết. Hai nữ nhân viên sợ hãi đã đưa nhóm này 64 triệu đồng và 2 điện thoại di động. Hai tên cướp nhanh chân tẩu thoát và hai nữ nhân viên bưu điện đã kịp ghi lại số xe của bọn cướp là 51T8-6944.
Trong nhiều trường hợp các nhóm côn đồ “thanh toán” lẫn nhau đều có sự xuất hiện của “hàng nóng”. Thậm chí có vụ việc liên quan đến ANTT xã hội, khi lực lượng CA vào cuộc đã xảy ra trường hợp đối tượng sử dụng “hàng nóng” để chống đối lực lượng cảnh sát. Khoảng 17h ngày 17-2-2011, tổ công tác gồm 4 cán bộ, chiến sĩ CA huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng do Đại úy Vũ Thành An, đội phó đội CSĐT tội phạm về trật tự xã hội làm tổ trưởng đang làm nhiệm vụ dẫn giải đối tượng Vũ Xuân Hồng, SN 1994, trú tại thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh bị bắt theo quyết định truy nã của CA huyện Thủy Nguyên. Khi về đến bến phà Rừng phía tỉnh Quảng Ninh, bất ngờ bị một nhóm côn đồ dùng dao, kiếm tấn công khiến Đại úy Vũ Thành An, Đại úy Nguyễn Hải Hưng bị thương vùng đầu, Thiếu úy Vũ Duy Huyến bị thương ở tay.
Súng K54 bắn đạn bi đang “sốt” trên thị trường “hàng nóng”.
Ảnh: Nguyễn Khuê
Muôn nẻo “hàng nóng” về Hà Nội
Kể từ khi tổ công tác đặc biệt 141 của CA TP Hà Nội được thành lập, đã có hàng nghìn vụ các đối tượng mang theo “hàng nóng” bị phát hiện. Trong số đó, đa số các đối tượng bao biện cho việc mang theo “hàng nóng” là để… phòng thân, và có nhiều đối tượng đã “thẳng thắn” khai báo nguồn gốc của “hàng nóng” là do họ trực tiếp đi mua ở Lạng Sơn hoặc nhờ “người quen” mua từ Lạng Sơn gửi về. Có đối tượng sau khi bị phát hiện “hàng nóng” trên xe đã vòng vo chối tội: “Xe em đi mượn nên không biết có súng ở trong xe”? Nhưng cũng có đối tượng lại ngang nhiên: “Em mang đi… chơi ấy mà”!
Trên thực tế, “hàng nóng” đang là “điểm nóng” trong việc thực hiện hành vi trộm cướp và giải quyết mâu thuẫn cá nhân… hơn là mục đích để “phòng thân”. Và chuyện sử dụng “hàng nóng” ở Hà Nội giờ đây không còn là riêng của giới giang hồ. Mà có cả đối tượng là sinh viên cũng muốn sở hữu một thứ vũ khí để sẵn trong cốp xe, và sẵn sàng sử dụng khi bốc đồng. Cho đến khi bị lực lượng CA phát hiện thu giữ thì chuyện mang theo “hàng nóng” sẽ được bao biện bằng lý do để… “phòng thân”.
Dù dao, súng hay kiếm… đều là những thứ vũ khí nguy hiểm, bởi “thị trường” “hàng nóng” này đang được công khai giao dịch ở chợ Đông Kinh nên những thứ vũ khí đó dễ có điều kiện “chảy” về Hà Nội. Hơn nữa, “hàng nóng” đang được coi như “nhu cầu” phổ thông của nhiều đối tượng, những người làm nhiệm vụ “vận chuyển” và làm cầu nối cung cấp “hàng nóng” thì họ chỉ cần nghĩ đến lợi nhuận. Dù biết là “hàng cấm”, và việc “tiếp tế” mặt hàng này là gián tiếp gây ra những vụ “đấu súng”, nhưng vì lợi nhuận mà họ sẵn sàng coi thường pháp luật để tham gia vào những đường dây buôn bán vũ khí. Chỉ cần mất nửa ngày để bắt xe khách đi Lạng Sơn, bất cứ ai cũng có thể sở hữu ngay được một thứ vũ khí nguy hiểm đó. Nếu không mất công đi tìm kiếm, chỉ cần quen biết một cậu sinh viên quê ở Lạng Sơn là ai cũng có thể nhờ vả để mua được thứ “hàng cấm” đó, và trả thù lao cho họ hoặc họ “giao hàng” được giá cao hơn…
Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng “hàng nóng” chảy về Hà Nội như mưa, và xuất hiện ở bất cứ băng nhóm tội phạm nào là do sự thiếu chặt chẽ trong công tác quản lý của cơ quan pháp luật. Kiểm soát được sự tồn tại của “hàng nóng” là những thứ vũ khí nguy hiểm, thiết nghĩ cần phải “nhổ cỏ tận rễ”. Khi việc giao dịch “hàng nóng” không còn công khai và “vượt mặt” cơ quan chức năng như ở chợ Đông Kinh thì chắc chắn sự tồn tại và lan rộng của “hàng nóng” sẽ được kiểm soát.
Theo PLXH
Khám phá thị trường "hàng nóng", Kỳ 2: Hàng nóng... không "nóng" ở chợ?
Nguyên nhân "hàng nóng" vẫn được giao dịch công khai ở chợ Đông Kinh là do những người kinh doanh loại hàng này vẫn... "đóng thuế". Chỉ có điều là loại "thuế" này "nằm ngoài" hóa đơn, hay còn được gọi là... "phí bảo kê".
"Hàng nóng" có "đóng thuế" (?)
Để khẳng định mình có một "kho hàng" đích thực, chị chủ quầy bán đồ bikini luôn miệng chào mời: "Em cần mua loại nào?". Tôi tò mò: "Chị có những loại gì". Chị ta cười một cách tự tin: "Loại gì mà chẳng có, súng, gậy, dùi cui... chị không có thì còn ai có ở đây nữa?". Tôi giả vờ tin lời và yêu cầu muốn xem hàng. Chị chủ hàng bikini lập tức lấy ra những chiếc hộp rồi chỉ tay: "Đây là súng bắn đạn bi; đây là dùi cui điện; đây là súng bắn điện...".
Tôi đề nghị chị đưa "hàng" vào "góc khuất" xem để an toàn thì chị ta thản nhiên: "Em cứ mở ra xem đi, nóng là "nóng" với người dùng chứ "nóng" gì với chuyện mua bán ở đây? Việc gì mà phải sợ mấy ông bảo vệ?". Vừa nói, chị vừa nhanh tay mở ra một chiếc hộp đen và giới thiệu: "Đây là súng K54 bắn đạn bi em nhé, khẩu này có giá 3,2 triệu đồng, không cần mặc cả, kèm theo năm chục viên bi sắt. Nếu hết đạn, em cứ ra cửa hàng phụ tùng xe đạp mua bi mà dùng thôi". Tay rút băng tiếp đạn một cách thuần thục rồi chị hướng dẫn: "Đút đạn vào đây em nhé, nạp đạn xong, khi bắn thì bóp cò đây này...".
Động tác mở băng tiếp đạn, nạp đạn và "mớm" cò của chị cũng đủ để khiến tôi sởn gai ốc. Chị chủ hàng bán đồ bikini vừa thực hiện những động tác rất thuần thục, vừa "thuyết minh" hướng dẫn cách sử dụng một khẩu súng khiến tôi liên tưởng đến chị chẳng khác gì mấy thầy dạy bài "tính năng, kỹ chiến thuật" của các loại súng trong môn kỹ thuật quân sự. Tôi cố tỏ ra "lóng ngóng" cầm khẩu súng để "xem hàng", nhưng chị ta lại không cần để ý xem tôi có "kết" hay không, chị ta lần lượt mở từng chiếc hộp:
- Em xem đi, mua súng đó thì mua, không thì mua loại hoa cải này cũng được. Mấy cái này loại nào dùng cũng hay cả đấy em ạ.
Chưa kịp "thử" hết mấy động tác để hoàn thành việc nạp đạn cho khẩu K54, tôi ngẩng mặt nhìn trên quầy hàng đã ngổn ngang nào là súng, côn, dùi cui, gậy... Tôi hỏi chị: "Không sợ bị bắt à?". Chị ta thản nhiên: "Bắt bớ cái gì? Họ mà bắt chị thì thu thuế ai bây giờ? Loại này là phải đóng "thuế" cao nhất đấy em ạ, mà toàn thuế "nằm ngoài" hóa đơn thôi".
Khẩu súng điện và 3 viên đạn được gói trong lớp vải. Ảnh: Nguyễn Khuê
"Nóng" cỡ nào cũng cóVừa loay hoay "xem" khẩu K54, vừa nhìn vào "đống" hàng ngổn ngang trước mặt, tôi cảm thấy "chóng mặt" khi cả "đống vũ khí" nằm bừa bộn ngay trên đống đồ vải mà mấy anh bảo vệ đi qua trông thấy chỉ biết "né" đi lối khác. Có một bảo vệ do "sơ ý" đi đến nhìn thấy chỉ dám nói một cách bâng quơ: "Cái gì mà bừa bộn thế này, xếp gọn gàng vào một tí". Chị chủ vẫn hồn nhiên, "liên thanh" tư vấn cho tôi về việc mua một khẩu súng hay cái dùi cui... Sau khi mở tất cả các hộp ra, đợi tôi "xem" xong khẩu K54 rồi chị lấy từng thứ một trong đống "hàng nóng" ngổn ngang để giới thiệu cho tôi về cách sử dụng, và tính năng sát thương của từng loại.
Theo "biểu giá" của chị, một khẩu K54 có giá 3,2 triệu; khẩu bắn đạn hoa cải có giá 4,8 triệu; súng bắn điện 1,3 triệu; dùi cui điện 550.000 đồng và gậy rút là 260.000 đồng. Tôi phân vân rồi mặc cả khẩu K54, chị chủ quả quyết: "Đúng giá chị bán cho em được là 2,8 triệu đồng, rẻ hơn thì không có đâu em ạ. Em không tin cứ đi hỏi cả chợ này xem có ai bán được giá của chị không?". Tôi giữ nguyên quan điểm giá 2 triệu đồng cho khẩu K54 với ý định "rút" lui và quả thật là bị từ chối.
Rời "kho" hàng nóng ở phía chân cầu thang, tôi trở lại gian hàng bán đèn pin và làm thủ tục "xem hàng". Tại đây, chị chủ dúi vào tay tôi một túi nilon đựng mấy cái hộp cứng màu đen rồi nói: "Em xem đi, ưng cái nào thì mua". Tôi tỏ vẻ ái ngại vì "sợ" bị bắt thì chị ta giật lấy cái túi: "Việc gì mà phải lo, em cứ để lên đây mà xem này". Vừa nói, chị vừa nhanh tay mở ra hộp lấy ra 1 khẩu súng bắn điện, một khẩu K54 và một chiếc dùi cui điện đặt lên mặt quầy hàng của mình. Tò mò xem khẩu súng bắn điện được lấy từ trong chiếc hộp cứng màu đen, bên trong lót một lớp vải màu vàng óng, tôi được chị giới thiệu: "Đây là viên đạn điện, nạp đạn vào chỗ này, khi bắn thì đạn sẽ bay đi khoảng 25-30m và làm cho đối thủ bị tê liệt bởi luồng điện mạnh, khi em mua súng đã có sẵn 3 viên đạn rồi, khẩu này giá 1,7 triệu đấy". Chị hướng dẫn tôi cách sạc điện cho đạn và cho biết thêm: "Loại đạn điện này bọn chị bán ra là 60.000 đồng một viên".
Tôi tỏ ra "hài lòng" với khẩu súng điện này, nhưng chị ta không chấp thuận bán với giá 1 triệu đồng nên cũng "đành" bỏ đi. Nhưng vừa bỏ đi được vài bước liền bị chị chủ lôi kéo: "Thôi quay lại chị mở hàng cho!". Vì không có ý định mua "hàng" nên tôi vẫn nhanh chân rời vị trí để đến gian hàng khác.
Tại gian hàng lúc mua máy sấy tóc, tôi được chị chủ giới thiệu rất chi tiết về những chiếc gậy rút, dùi cui điện... Và quả thật, cách diễn giải, dùng ngôn từ của những người cung cấp mặt hàng này, nếu không phải trong chợ thì dễ có người lầm tưởng họ là những "chuyên gia" về vũ khí. Thấy rất ưng ý khi nghe giới thiệu về tính năng sát thương và "hiệu quả" phòng vệ của những loại vũ khí nguy hiểm này. Nhưng biết rằng thị trường "hàng nóng" ở Hà Nội cũng rất "sốt" nên tôi và đồng nghiệp đã đi tìm câu trả lời: "Hàng nóng tràn về Hà Nội như thế nào?".
Theo PLXH
Khám phá thị trường "hàng nóng", Kỳ 1: Đi tìm kho "vũ khí bí hiểm" Tưởng rằng "hàng nóng" là thứ hàng cấm sẽ không dễ dàng tiếp cận và khai thác. Nhưng đến những "kho hàng nóng" ở chợ Đông Kinh, TP Lạng Sơn, chúng tôi có thể giao dịch như mua rau ở ngoài chợ. Dạo một vòng quanh chợ, với vai trò là khách du lịch bình thường thì khó có thể phát hiện được...