Khám phá thảo nguyên Ulan Bator
Chiếc máy bay nhỏ dần hạ độ cao thì bên cửa sổ, những ngọn đồi thoai thoải bắt đầu xuất hiện và nối tiếp nhau chạy.
Thế là chúng tôi đã đến sân bay Chinggis Khan ( Thành Cát Tư Hãn), sân bay nằm tại thủ đô Ulan Bator của đất nước Mông Cổ.
Phi trường khá nhỏ, tưởng chừng chỉ vừa đủ những thứ cơ bản nhất của một sân bay cần có. Bên ngoài hầu như có rất ít taxi, nhưng theo một lời chỉ dẫn trên Internet, bất kỳ chiếc xe hơi nào tại Ulan Bator cũng có thể trở thành taxi. Quả thật, anh tài xế tôi chọn đã dẫn tôi đến chiếc xe của anh ta mà không có biển taxi hay mã số.
Quang cảnh hai bên đường từ sân bay về khu trung tâm thủ đô thay đổi theo từng km. Đoạn ngoại ô nhà cửa thưa thớt, hai bên là những khu khai thác đá trơ trọi một màu xám xịt trên nền thảo nguyên tươi xanh.
Vào gần trung tâm hơn là những khu công trường với rất nhiều tòa nhà, công trình đang được xây dựng. Dường như thủ đô này đang trở mình, đang chạy đua để phát triển.
Vào khu vực trung tâm, mật độ xe cộ, nhà cửa hai bên đường nhiều hơn, và không biết sao nơi đây lại cho tôi gợi nhớ về khu phố trong những bộ phim Liên Xô đã được xem từ lâu lắm.
Những tòa nhà cao vừa phải, kiểu dáng không hiện đại, một vài thương hiệu thức ăn nhanh của Mỹ loáng thoáng đâu đó trong thủ đô này cũng gợi nhớ một Việt Nam khoảng 20 năm về trước.
Lúc này tuy là tháng 7 nhưng Ulan Bator khá lạnh (nơi đây là thủ đô có nhiệt độ trung bình thấp nhất so với bất kỳ thủ đô nào trên thế giới).
Miền xanh bao la
Đúng giờ hẹn, anh tài xế đến đón và chúng tôi bắt đầu di chuyển ra khỏi trung tâm thành phố. Xe băng ngang quảng trường Thành Cát Tư Hãn rộng lớn, rồi di chuyển chầm chậm vì kẹt xe.
Dù Mông Cổ có diện tích rộng thứ 19 trên thế giới và mật độ dân số thấp nhất hành tinh, nhưng hầu hết dân cư tập trung tại thủ đô vì thế việc tắc đường vào giờ cao điểm là điều khó tránh khỏi, nhất là khi cơ sở hạ tầng còn đang được phát triển mỗi ngày.
Xe chạy chậm, vừa đủ để du khách có thể ngắm nhìn kỹ hơn những khu phố tuy không hiện đại nhưng đẹp lung linh, được quy hoạch gọn gàng, ngăn nắp, rất ít thấy xe hai bánh và rác trên đường.
Hướng về khu National Park, nếu không tính những lúc ngồi trên máy bay thì đây là nơi đầu tiên tôi thấy được bầu trời rộng đến thế. Bầu trời thẳm màu xanh trong vắt của mùa Hè với một vài cụm mây trắng im lìm như những khối kẹo bông gòn đang say ngủ. Hai bên đường là những thảm cỏ nối tiếp nhau trên triền đồi, thi thoảng lại có dòng suối uốn quanh và những đàn gia súc bò, cừu, dê… đang nhởn nhơ gặm cỏ trên nền bức tranh xanh mướt.
Video đang HOT
Chúng tôi ghé thăm một gia đình người địa phương. Đa số người Mông Cổ sống trong cái lều hình tròn được gọi là ger. Mỗi ger là nơi sinh sống của một gia đình với đầy đủ bếp núc, chỗ ngủ bên trong.
Ger, kiểu lều hình tròn đặc trưng của người Mông Cổ.
Khi xe đến, chị chủ nhà đang làm bánh huushuur truyền thống (một dạng bánh xếp nhân thịt cừu hay bò) nên chúng tôi cũng được nếm thử bánh kèm theo ly rượu sữa ngựa có vị vừa chua vừa nồng.
Huushuur là loại bánh rất phổ biến mà du khách có thể gặp bất kỳ nơi đâu trên đất nước này, có cả trong bữa sáng tại nhiều khách sạn.
Có lẽ tập tính du mục cùng với điều kiện tự nhiên đã dẫn người Mông Cổ đến thói quen không ăn rau xanh, nên các món ăn sẽ hơi kém hấp dẫn đối với nhiều du khách.
Rời khỏi gia đình người địa phương, chúng tôi đến tham quan khu National Park với tảng đá hình con rùa và thử cưỡi lạc đà trên thảo nguyên rộng lớn.
Tuy là điểm du lịch được giới thiệu trong các ấn phẩm, nhưng National Park khá nghèo nàn và kém hấp dẫn. Tuy nhiên, đôi khi cái đẹp nhất lại là cái tự nhiên, không có sự can thiệp của con người, và ở đây cũng vậy.
Tôi còn nhớ cảm giác hạnh phúc dâng trào sau khi leo mấy trăm bậc thang để đến một tu viện trên đỉnh đồi và từ đó phóng tầm mắt xuống nhìn toàn cảnh thung lũng xa xa, thỉnh thoảng lại có một vài chú đại bàng chao đến rồi bay thật xa hút tầm mắt như chứng tỏ sự tự do của mình.
Không xa National Park lắm là bảo tàng Thành Cát Tư Hãn với tòa nhà có hình dáng vị tướng này đang ngồi trên lưng ngựa.
Bảo tàng có nhiều tầng và nơi cao nhất du khách có thể đứng quan sát chính là chóp đầu của chú ngựa mà ngài đang cưỡi.
Bảo tàng Thành Cát Tư Hãn.
Toàn bộ bức tượng khổng lồ này được dát kim loại bên ngoài sáng lấp loáng, phản chiếu từng chùm nắng Hè. Bên trong là khu bảo tàng lịch sử, cung cấp nhiều thông tin lý thú và đầy ngưỡng mộ về một vị tướng tài ba từng chinh phạt từ Âu sáng Á.
Cơ hội cho hàng Việt
Trên đường về, xe có ghé vào một siêu thị tại khu trung tâm. Thật bất ngờ khi siêu thị có một dãy quầy kệ trưng bày nhiều sản phẩm bánh kẹo “Made in Vietnam” của các thương hiệu trong nước.
Tuy không nhiều và đa dạng bằng các sản phẩm của Hàn Quốc và giá bán cũng cao hơn hàng Trung Quốc nhưng hàng Việt Nam vẫn có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng Mông Cổ.
Không chỉ bánh kẹo, chúng tôi còn bắt gặp một số sản phẩm hóa mỹ phẩm thương hiệu Việt. Các mặt hàng này hiện còn bị hàng của Nga áp đảo về số lượng lẫn kiểu mẫu. Có lẽ khi sản phẩm Việt bắt kịp hàng Nga về kiểu dáng và bao bì thì sẽ phát triển rất tốt tại những thị trường gần giống như Mông Cổ.
Theo Zing News
Mùa thu bình yên trên thảo nguyên Mông Cổ
Quê hương của Thành Cát Tư Hãn vào thu có phong cảnh thanh bình và quyến rũ với những đồng cỏ bạt ngàn, hàng dương trổ lá vàng và các căn nhà lều phảng phất khói chiều.
Mông Cổ là một quốc gia ở châu Á, phía bắc giáp Nga, phía nam, đông và tây đều giáp Trung Quốc. Mặc dù có diện tích lớn thứ 19 thế giới, đất nước này lại chỉ có hơn 3 triệu dân (ước tính 2015). Mông Cổ có cảnh sắc mênh mông, vắng lặng rất đặc trưng của nơi chủ yếu là thảo nguyên, đồi núi và sa mạc.
Mùa thu ở Mông Cổ còn cả rừng cây thông đang dần khô lá, điểm xuyết những hàng bạch dương lá vàng tạo khung cảnh nên thơ.
Du khách có thể bắt gặp những con ngỗng trời bơi lội trong hồ nước lớn và tĩnh lặng. Phía xa là các căn nhà lều của người Mông Cổ và đàn ngựa thong dong gặm cỏ.
Nhóm ngựa sau hành trình chở khách, đồ đạc và hàng hóa đã được nghỉ ngơi, tự do gặm cỏ.
Những đồng cỏ rộng lớn cũng được phủ một màu vàng khi vào thu. Cảnh sắc Mông Cổ vừa hoang sơ vừa cuốn hút, khiến nơi đây là điểm đến hấp dẫn với các du khách thích khám phá.
Du khách đến Mông Cổ có thể thuê ngựa để di chuyển, chọn điểm dừng tùy thích và tổ chức cắm trại, đốt lửa nấu ăn giữa khung cảnh khoáng đạt của thảo nguyên.
Dựng lều ngủ, nghỉ giữa không gian thanh vắng, hoang dã là một trong những trải nghiệm đáng nhớ, làm du khách có cảm giác cuộc sống thật đáng trân trọng.
Nhà lều của người Mông Cổ còn gọi là Ger có truyền thống từ hàng nghìn năm qua. Đặc điểm của chúng là tiện lợi, nhẹ nhàng cho di chuyển, chống lạnh lại thân thiện với môi trường và có khả năng chống chọi cả với gió bão.
Bên trong căn nhà lều không có nhiều đồ đạc, chiếc bếp lò là vật dụng quan trọng nhất. Vào các buổi sáng sớm hoặc chiều muộn, những làn khói mờ bốc lên từ các căn nhà lều là dấu hiệu cho sự sống nơi đây.
Bơ làm từ sữa bò Yak có bán ở chợ địa phương khá nhiều. Bơ có mùi thơm nhẹ, ít béo như bơ đặc, dùng pha với trà xanh để uống tăng nhiệt và chống lạnh cực tốt. Đây là một trong những đặc sản của người dân du mục ở Mông Cổ.
Theo VNExpress
Du khách Việt kể chuyện cái gì cũng không có ở Mông Cổ Đến với Mông Cổ - đất nước của những đồng cỏ bạt ngàn, du khách sẽ được sống trong điều kiện không có điện, nước máy, nhà vệ sinh và cả đường bê tông. Võ Văn Quang (sinh năm 1966, TP HCM) là một phượt thủ dày dặn kinh nghiệm trên diễn đàn phượt.vn với biệt danh Blackhill. Anh từng đặt chân tới...