Khám phá thác Dơi tại Đạmri
Thác Dơi như tính tình của một nàng công chúa đỏng đảnh: lúc bất ngờ buông rơi từ trên cao tạo bọt nước trắng xóa, lúc uốn lượn dịu dàng, lúc róc rách thành dòng nhỏ, lúc trốn vào kẽ đá, khi ẩn hiện dưới những bụi cỏ.
Cách TP HCM 160km hướng về Đà Lạt, thị trấn Đạmri, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng được coi là trung tuyến của cung đường TP HCM – Đà Lạt. Như mọi thị trấn miền núi khác, nơi đây sở hữu cái se lạnh của cao nguyên, những dãy núi cao chập chùng, những dòng suối uốn lượn, ẩn hiện trong màu xanh của cây, màu trắng của đá, những mái nhà thấp thoáng trong sương khiến lòng người như nhẹ lại. Trong tiết trời ấy, trong cái mênh mang ấy, nhấp thêm ngụm cà phê hay trà nóng được trồng, chế biến tại địa phương, bao đua tranh, phiền muộn của cuộc sống như biến mất.
Không chỉ vậy, thiên nhiên còn ưu ái cho thị trấn nhỏ này hàng loạt những ngọn thác hùng vĩ. Những ngọn thác có tên gọi xuất phát từ đặc điểm hay vị trí như thác 31, thác 8 tầng, thác ngược, thác Dơi…. mỗi thác có một vẻ đẹp khác nhau và đều hoang sơ, hùng vĩ nhưng do đường xá thuận tiện, địa hình đẹp, thế thác phù hợp với việc cắm trại, nối kết mọi người nên thác Dơi không những thu hút dân địa phương mà còn khiến khách phương xa xao lòng khi ghé thăm.
Video đang HOT
Nói đường xá thuận tiện không có nghĩa là có thể giong xe thẳng vào thác Dơi. Muốn tới thác ngoài 10 phút chạy xe máy, bạn phải chịu khó lội bộ hơn 3km đường đất. Đường mòn đi rừng nên khá nhỏ, khó đi nhưng bù lại, bạn sẽ được ngắm những tảng đá to nhiều hình thù, ngắm màu xanh của cây dại ven đường. Nếu may mắn, bạn còn được nhấm nháp quà của rừng. Đôi khi là trái mâm xôi đỏ tươi có vị ngọt ngọt nhân nhẫn, trái mua không những tím biêng biếc trên cây mà cũng nhuộm tím lưỡi người thưởng thức nó, hay từng chùm trái muối trắng non mang vị chua chua, chát chát là lạ. Phần thưởng lớn hơn cho việc “lội suối, vượt đèo” là được ngâm chân vào dòng nước mát lạnh, trong vắt dưới chân thác, được ngắm suối hoa tím ngát trải dài ven bờ và “nín thở” trước vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ của ngọn thác, của màn bọt nước trắng xóa, mát rượi.
Khác với những ngọn thác khác là chỉ có thác duy nhất, thác Dơi là một chuỗi liên hoàn của nhiều ngọn thác lớn nhỏ trải dài từ thượng nguồn. Dòng chảy cũng thay đổi tùy theo lượng nước từng mùa trong năm khiến thác như luôn làm mới mình, nên dù bạn có đi bao nhiêu lần, khám phá bao nhiêu lần, thác vẫn đẹp, vẫn hoang sơ, hùng vĩ và lạ lẫm trong mắt mọi người.
Bên cạnh việc luôn biến đổi theo từng mùa, từng tháng trong năm, thác Dơi cũng tự hoàn thiện mình hơn khi phình to thành một hồ nước lớn, nép mình dưới tảng đá hình con cá khổng lồ. Ngoài việc khá rộng, thoải mái bơi lội, dòng nước còn trong vắt, lạnh một cách kỳ lạ khiến du khách khi đắm mình vào dòng nước ấy, cảm thấy bao mệt mỏi, lo lắng như được gột đi hoàn toàn. Song ấn tượng mạnh nhất về dòng thác là màu xanh ngút ngàn của những cây cổ thụ vài trăm tuổi hay những dòng chảy khi ẩn khi hiện trong màu xanh của núi rừng.
Có hai kiểu khám phá thác Dơi: Một là khi đến thác, mọi người sẽ vượt từng ngọn thác, để đi đến thượng nguồn, vui chơi tại đó. Cách thứ hai là men theo đường mòn lên thượng nguồn, ăn uống, vui chơi rồi theo dòng thác đi ngược xuống. Hành trình như nhau, niềm vui như nhau điểm khác biệt là tùy theo lượng thức ăn mang theo nhiều hay ít. Nói riêng về thức ăn thì vì đây là một ngọn thác chưa được khai thác để du lịch nên trước khi đến thác, mọi người thường tạt vào chợ mua đồ ăn và nước uống. Có thể mua thức ăn chế biến sẵn nhưng khi đến thác, thức ăn nguội cùng cái lạnh của thác thì chẳng ai muốn ăn hay có ăn cũng chẳng ngon lành gì. Vì thế, cách tốt nhất là mang thức ăn, nồi, gia vị để chế biến tại thác.
Nhóm nào “xông xênh” hơn, có thể chọn cách mua gà chỉ – một hình thức bán đồ ăn gần đây của thị trấn. Khách chọn con gà nào, muốn chế biến ra sao, ướp gia vị thế nào (thường là nấu cháo, nướng, hấp rượu), chủ quán sẽ làm đúng yêu cầu của khách. Thậm chí không cần đến nơi “chỉ mặt gà”, chỉ cần gọi điện thoại. Không phải giá cho khách du lịch nên cách tính khá rẻ. Tiền gà tính theo giá chợ cùng tiền công làm gà (khoảng 5.000 đồng), công ướp gia vị (khoảng 15.000 đồng). Vị chi một con gà không đến 150k. Trên đường vào thác, bạn chỉ việc vào lấy gà, mang tới nơi cắm trại, gom củi, nhóm bếp là đã có nồi canh gà ngon lành hay món gà nướng thơm phức.
Cũng có nhiều người chọn cách thứ ba khi đến thác, là ngắm ngọn thác đầu tiên, ngâm mình vào dòng suối dưới chân thác, rồi về. Phương án này không tồi nhưng nếu chưa tận mắt trải nghiệm được sự biến đổi của dòng nước tạo nên những thế thác khác nhau, chưa cảm nhận cái nhói đau của gai rừng, cái trơn của đá do nước bào mòn, trở thành Tarzan khi đu dây xuống thác, hay cảm giác chênh vênh, nguy hiểm trên vách đá cao ngất, tiếng cười trong trẻo khi ai đó bị trượt chân, hình ảnh ngộ nghĩnh khi một bạn gái đưa tay kéo cậu bạn to gấp đôi mình, hay vẻ tự đắc trên gương mặt khi chinh phục thành công chuỗi thác thì xem như chưa từng đến thác hay cảm nhận được niềm vui do thác mang lại.
Nếu bất kỳ thời điểm nào trong năm, bạn được bàn bè là dân địa phương mời đến Đạmri, được tham quan các ngọn thác ở đây, đừng quên “mè nheo” người dẫn đường món cá suối rau rừng. Vì chỉ có thế, bạn mới cảm nhận được mùi và vị của rừng.
Hiện thác Dơi hay các thác khác tại Đạmri đều chưa được đưa vào khai thác nên rất ít người biết đến. Thị trấn cũng không có nhà nghỉ hay khách sạn, nên khách đến đó thường là bạn của dân địa phương. Song bạn hoàn toàn có thể đến và khám phá thiên nhiên tại đây bằng cách cắm trại tại thác (ở đây khá an ninh) hay ở trọ tại khách sạn của khu du lịch rừng Madagui (cách thị trấn Đạmri 7 km). Để đến Đạmri, bạn có thể đi xe máy hay, bắt tuyến xe TP HCM – Bảo Lộc với mức giá từ 80.000 tới 110.000/người ở bến xe Miền đông hoặc liên hệ với các hãng xe chất lượng cao.
Theo Bưu điện Việt Nam