Khám phá súng trường tiến công mới của Thủy quân lục chiến Mỹ
Súng trường tiến công M27 sử dụng cơ cấu trích khí được cấp bằng sáng chế có nguồn gốc từ khẩu G36 với nhiều tính năng vượt trội.
Sự hoàn thiện từ HK416
Theo Military-today, Thủy quân lục chiến Mỹ đã quyết định lựa chọn khẩu M27, biến thể của HK416D làm súng trường tiến công tiêu chuẩn của họ trong thời gian tới. Về bản chất, HK416 là sự cải tiến từ M4 Carbine, còn M27 lại cải tiến từ HK416.
Nhà sản xuất Heckler & Koch phát triển súng M27 nhằm đáp ứng yêu cầu của Thủy quân lục chiến (TQLC) trong việc thay thế khẩu M249. Mục tiêu chính của chương trình M27 là nâng cao khả năng cơ động của súng trường tự động.
Về hình dáng thiết kế, M27 rất giống M16A4 và M4A1, điều đó giúp cho người lính có cảm giác quen thuộc như các loại súng mà họ sử dụng trước đây. Cách bố trí các bộ phận cũng tương đồng, giúp giảm thời gian cần thiết để đào tạo lại.
M27 hoạt động theo nguyên tắc trích khí, nó sử dụng cơ cấu nén bằng piston đã được cấp bằng sáng chế từ khẩu G36, loại bỏ hầu hết các nhược điểm cố hữu trong cơ cấu trích khí trực tiếp của M16 và M4. Nguyên lý hoạt động mới còn giúp giảm các sự cố, tăng tuổi thọ.
M27 kế thừa thiết kế của M16 và M4 trong khi khắc phục hầu hết các nhược điểm của mẫu súng cũ.
Máy cò của M27 có 2 chế độ bắn, bán tự động và tự động. Nòng súng có tuổi thọ khoảng 20.000 viên đạn, tay kéo bệ khóa nòng có thể sử dụng cả 2 bên. M27 sử dụng hộp tiếp đạn STANAG tiêu chuẩn NATO, cơ số 30 viên.
Súng có tốc độ bắn thiết kế 700 – 850 viên/phút, tốc độ bắn duy trì khoảng 36 viên/phút. M27 có tầm bắn hiệu quả 550 m với mục tiêu điểm, 800 m với sự hỗ trợ của kính ngắm. Thân súng có các đường ray Picatinny cho phép dễ dàng gắn thêm phụ kiện.
Báng súng làm bằng vật liệu tổng hợp có thể điều chỉnh độ dài tùy thuộc vào xạ thủ. Súng có chiều dài tổng thể 940 mm, 840 mm khi gập báng, nòng súng dài 419 mm, trọng lượng rỗng 3,6 kg.
M27 thường được trang bị kèm kính ngắm quang học Trijicon có độ phóng đại 3,5 lần. Một ưu điểm khác của M27 là nó tương thích với hầu hết phụ kiện dành cho M16 và M4 như súng phóng lựu kẹp nòng M203 40 mm.
Video đang HOT
Ngoài ra, súng M27 thường gắn kèm chân chống có thể tháo rời và một thiết bị chỉ thị mục tiêu laser.
Khẳng định giá trị trên chiến trường
Súng trường tiến công M27 đã chứng minh là một vũ khí hiệu quả trong mọi điều kiện chiến trường.
Tháng 4/2011, Tiểu đoàn 1 thuộc đơn vị TQLC số 4 được triển khai đến Afghanistan cùng với 84 khẩu M27 để đánh giá. Ban đầu, các xạ thủ tỏ ra không mấy thích thú với khẩu súng trường mới, tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn họ đã có cái nhìn khác về nó.
Ấn tượng đầu tiên là súng nhẹ hơn nhiều so với M249, đó là một sự khác biệt lớn khi làm nhiệm vụ dài hơn 5 tiếng.
Các xạ thủ đánh giá M27 là khẩu súng “2 trong 1″. Súng có khả năng bắn chính xác ở khoảng cách 800 mét như một súng bắn tỉa, bắn tự động như một súng máy.
Hình dáng bên ngoài rất giống với gia đình M16, điều đó khiến đối phương khó khăn trong việc nhận biết đâu là người lính thông thường và đâu là xạ thủ chi viện hỏa lực. Các sĩ quan chỉ huy tiểu đoàn đánh giá rất cao M27.
Trọng lượng nhẹ, dễ dàng xoay trở trong các khu vực chật hẹp, M27 cho thấy là một vũ khí phù hợp với nhiều điều kiện chiến trường khác nhau. Xét riêng khả năng duy trì hỏa lực thì M27 không bằng M249 nhưng về tổng thể nó tốt hơn nhiều.
Các thử nghiệm trên thao trường cho thấy, chỉ số MOA (phút-góc) của M27 khoảng 2 MOA (tức độ lệch của viên đạn trên bia khoảng 5,8 cm ở cự ly 100 mét). Trong khi đó, chỉ số này của biến thể mới nhất M16A4 là 4,5 MOA (khoảng 13,08 cm).
Thủy quân lục chiến Mỹ đã quyết định đặt hàng 6.500 khẩu M27 để thay thế dần cho M249. Tổng số sản xuất khoảng 400.000 khẩu đã được lên kế hoạch.
Theo Tri Thức
Mỹ đề nghị tuần tra chung Biển Đông: Hào hứng, sôi sục
Ngay khi Mỹ kêu gọi ASEAN thành lập lực lượng tuần tra chung tại Biển Đông, Nhật đã đáp lời và Philippines hưởng ứng mạnh mẽ.
Phản ứng của các bên
Phó Đô đốc Robert Thomas, Tư lệnh của Hạm đội 7 Mỹ kêu gọi ASEAN thành lập lực lượng tuần tra chung tại Biển Đông, Philippines đã tán thành sáng kiến của Mỹ. Đây là thông điệp được Phó Đô đốc Hải quân Philippines Jesus C. Millan phát đi trên đài RFI.
Phó Đô đốc Millan khẳng định cho đến nay, chính quyền Manila luôn hậu thuẫn cho các nỗ lực tuần tra hỗn hợp như trên. Theo ông Millan, khuôn khổ các hoạt động tuần tra chung phải được các quốc gia có liên quan soạn thảo và ủng hộ vì điều này phải dựa trên nền tảng tin tưởng lẫn nhau.
"Chúng tôi có thể ủng hộ việc này nếu mục đích của nó là bảo vệ sự ổn định và tự do hàng hải trong nước và quốc tế", ông Milan nói và cho rằng cần thiết lập các khuôn khổ cho hoạt động tuần tra chung.
Trong khi đó, theo &'Đa Chiều' ngày 21/3, đảng Dân chủ Tư do Nhật Bản cầm quyền hôm 20/3 đã cùng với đảng Komei triệu tập hội nghị hiệp thương chính đảng bàn bạc về phạm vi hoạt động của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đối với quyền tự vệ tập thể.
Trong đó Nhật Bản sẽ cho phép quân đội tham gia giúp Mỹ và các đồng minh đối tác khác. Hai đảng đã đạt được thống nhất, mặc dù chưa nói rõ là sẽ phái quân khi được Quốc hội phê chuẩn, nhưng chính phủ Nhật Bản đã chính thức xây dựng hàng rào pháp lý liên quan đển việc sửa đổi phương châm hợp tác quốc phòng Mỹ - Nhật.
Hãng thông tấn Kyodo News ngày 21/3 cho biết, trong hội nghị hôm 20/3 nội dung về Biển Đông trở thành trọng điểm. Hội nghị xác nhận rằng, đồng minh Mỹ - Nhật nên tập trung lực lượng nhiều hơn nữa vào Biển Đông, nơi Trung Quốc tranh chấp chủ quyền với một số nước Đông Nam Á.
Hội nghị cũng thống nhất "Phương châm hợp tác quốc phòng Nhật - Mỹ" sẽ được sửa đổi vào cuối tháng 4 và nội dung này sẽ được đưa vào. Đảng cầm quyền Nhật Bản muốn mở rộng phạm vi hợp tác quốc phòng Nhật - Mỹ ra toàn cầu.
Theo tờ The Mainichi của Nhật Bản, mục đích các hoạt động sửa đổi luật pháp lần này là nhằm xác quyết điều kiện đảm bảo an ninh Nhật - Mỹ được vận dụng một cách hiệu quả.
Theo các quy định luật pháp về đảm bảo an ninh hiện hành, phạm vi áp dụng điều ước đảm bảo an ninh Nhật Bản là Viễn Đông. Tokyo nhận định rằng khu vực từ Philippines trở lên phía Bắc cũng nằm trong phạm vi áp dụng điều ước đảm bảo an ninh Nhật - Mỹ.
Do đó trước đây giới hạn địa lý này đã hạn chế khả năng can thiệp của quân đội Nhật Bản vào Biển Đông và bây giờ nó đã được bãi bỏ.
Thủy quân lục chiến Mỹ, Philippines tập trận đổ bộ đảo tại Biển Đông.
Phản ứng của Trung Quốc
Việc các bên có phản ứng tích cực với lời đề nghị của Mỹ về việc tuần tra chung tại Biển Đông đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của Trung Quốc.
Xinhua dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói cho biết: "Chúng tôi hy vọng Mỹ sẽ nghiêm túc tôn trọng cam kết không đứng về bên nào trong vấn đề chủ quyền lãnh thổ".
Ông Hồng Lỗi cũng chỉ trích những đề xuất trên của Mỹ "sẽ không giúp gì trong việc giải quyết hợp lý các tranh chấp hoặc đóng góp vào hòa bình và ổn định trên Biển Đông".
Ông Hồng nói thêm rằng Trung Quốc đã "cam kết lâu dài rằng sẽ giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông thông qua các cuộc đàm phán và tham vấn với những nước trực tiếp liên quan".
Trước đó, hôm 17/3, chỉ huy Hạm đội 7 của hải quân Mỹ, Phó Đô đốc Robert Thomas, kêu gọi các quốc gia Đông Nam Á thiết lập một lực lượng hàng hải để tuần tra chung những khu vực có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông.
"Nếu các thành viên ASEAN muốn đi đầu trong hoạt động trên, hãy tin tôi, Hạm đội 7 Mỹ sẽ sẵn sàng hỗ trợ", ông Thomas nói trong một phiên họp với các chỉ huy hải quân.
Trung Quốc đang ngang ngược tuyên bố chủ quyền với trên 80% diện tích Biển Đông và gần đây tăng tốc cải tạo đất trên nhiều bãi đá, bất chấp sự phản đối của các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam và Philippines.
Theo Đất Việt
Nhanh chóng tìm ra kẻ dọa đánh bom Đại sứ quán Mỹ tại Nhật Cảnh sát Nhật Bản ngày 19-3 đã bắt giữ một người đàn ông 52 tuổi sống ở tỉnh Okinawa vì bị tình nghi đe dọa đánh bom Đại sứ quán Mỹ tại Thủ đô Tokyo. Sự việc càng được chú ý khi diễn ra đúng thời điểm Đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama đang có chuyến thăm tới Nhật Bản 3 ngày....