Khám phá sức mạnh ‘Sát thủ diệt tàu ngầm’ của Mỹ
Tuy đã ra đời khá lâu, nhưng lớp Seawolf vẫn được xem là một những tàu ngầm hạt nhân mạnh hàng đầu thế giới.
Seawolf là lớp tàu ngầm tấn công hạt nhân được thiết kế chuyên “tìm và diệt” tàu ngầm hạt nhân chiến lược, tấn công của Liên Xô (Nga).
Tàu ngầm hạt nhân tấn công USS Connecticut (SSN-22) thuộc lớp Seawolf
Đầu những năm 1980, với mục đích tìm kiếm loại tàu ngầm tốc độ cao nhằm săn lùng siêu tàu ngầm hạt nhân Typhoon và Akula của Hải quân Liên Xô trong môi trường biển sâu, hãng General Dyanmics Electric Boat đã phát triển lớp tàu Seawolf (sói biển).
Lớp Seawolf được thiết kế hoạt động chống lại những tàu ngầm và tàu nổi hiện đại nhất thế giới. Nhiệm vụ chính của tàu là tiêu diệt tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo của Liên Xô trước khi chúng có thể tấn công các mục tiêu của Mỹ. Các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo là lực lượng sống còn trong việc duy trì khả năng tấn công hạt nhân của Liên Xô.
Ngoài khả năng chống tàu ngầm và tàu mặt nước, tàu ngầm Seawolf được thích hợp cho vai trò chuẩn bị chiến trường. Với các thiết bị điện tử tinh vi được trang bị, tàu có thể tăng cường khả năng trinh sát, cảnh báo, giám sát, và khả năng thông tin liên lạc. Nền tảng thiết kế cho phép tàu có thể tác chiến nhiều nhiệm vụ.
Tốc độ cao, độ ồn thấp
Video đang HOT
Tàu ngầm lớp Seawolf dài 107m, rộng 12m, lượng giãn nước khi lặn là 9.138 tấn, thủy thủ đoàn vận hành tàu 140 người (14 sĩ quan, 126 thủy thủ).
Về cấu trúc thân tàu, nhằm đáp ứng yêu cầu lặn sâu săn lùng tàu ngầm hạt nhân Liên Xô, Seawolf dùng thép HY-100 (thay vì loại HY-80) với độ bền cao hơn. Điều đó cho phép con tàu lặn tới độ sâu tối đa 610m (trong thử nghiệm).
Về hệ thống động lực, tàu ngầm Seawolf trang bị một lò phản ứng hạt nhân S6G (công suất 52.000 mã lực), cùng với đó là hai turbine khí kết nối với một trục duy nhất. Nhờ đó, tàu có thể đạt vận tốc tối đa khi nổi là 25 hải lí/h, khi lặn là 35 hải lí/h.
Theo đánh giá của Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FAS), hệ thống đẩy của Seawolf yên tĩnh gấp 70 lần hơn trên so với thế hệ đầu tiên của tàu ngầm lớp Los Angeles.
Hệ thống động cơ đẩy tĩnh lặng hơn của Seawolf cũng sẽ cho phép họ có tốc độ chiến thuật cao gấp 2 lần so với lớp Los Angeles. Tốc độ chiến thuật là tốc độ mà tại đó một tàu ngầm vẫn còn đủ yên tĩnh để không bị phát hiện, trong khi vẫn theo dõi tàu ngầm của đối phương một cách hiệu quả.
Hệ thống điện tử tối tân
Để trinh sát tàu ngầm đối phương, Seawolf sử dụng hệ thống định vị thủy âm trinh sát rải rộng BQQ-5D và loại chủ động BQS-24. Ngoài ra tàu ngầm còn có thể kéo theo hệ thống định vị thủy âm TB-16, TB-29.
Thông tin từ hệ định vị thủy âm thu về sẽ được hệ thống AN/BBQ-10 (V4) của Lockheed Martin lập chương trình xử lí.
Để định hướng, tàu sử dụng radar BPS-16, hoạt động trên băng tần I. Nhờ hệ thống hiện đại này, tàu có khả năng phát hiện sớm tàu ngầm đối phương, và tung đòn đánh chặn.
Hệ thống màn hình hiển thị của hệ thống chiến đấu AN/BYG-1 trên tàu ngầm Seawolf
Tàu sử dụng hệ thống xử lí dữ liệu chiến đấu BSY-2 với một mạng lưới khoảng 70 bộ vi xử lý Motorola 68030. Hiện nay, hệ thống này có thể đã được thay thế bằng hệ thống chiến đấu AN/BYG-1 hiện đại hơn của Raytheon.
Để đối phó với những đòn phản công của tàu ngầm địch, Seawolf sử dụng hệ thống phóng ngư lôi mồi WLY-1 của Northrop Grumman và một đối phó điện tử GTE WLQ-4.
Hệ thống khí tài này đã cho tàu ngầm Seawolf khả năng toàn diện: phát hiện sớm mục tiêu, tấn công mạnh mẽ, cơ động nhanh chóng và phòng ngự tránh đòn phản công…
Tên lửa chính xác cao, ngư lôi hạng nặng
Làm nhiệm vụ săn lùng tàu ngầm Liên Xô, tàu ngầm lớp Seawolf trang bị 8 ống phóng ngư lôi cỡ 533mm, nhưng lại chỉ được dùng để phóng ngư lôi hạng nặng Mk48 cỡ 533mm. Việc này nhằm giảm tiếng ồn do việc phóng ngư lôi gây ra, tránh việc bị tàu ngầm đối phương phát hiện.
Ngư lôi hạng nặng Mk48 nặng 1,5 tấn, dài 5,79m, lắp đầu đạn nặng 295kg, đạt tốc độ hành trình 55 hải lý/h. Đặc biệt, Mk48 có thể bắn mục tiêu ở độ sâu tối đa 800m, tầm bắn 38km (dẫn đường thụ động) hoặc 50km (dẫn đường chủ động).
Ngư lôi chống ngầm, chống tàu mặt nước hạng nặng Mk48
Ngoài Mk48, Seawolf có khả năng phóng một số loại ngư lôi hạng nhẹ, thủy lôi, tên lửa hành trình chống tàu UGM-84 Harpoon và cả tên lửa hành trình đối đất tầm xa Tomahwk (tối đa 50 quả).
Với tên lửa Tomahawk, tàu ngầm Seawolf không chỉ có khả năng săn ngầm mạnh mà còn đe dọa mục tiêu đất liền cách xa hàng nghìn km, độ chính xác mỗi vụ tấn công cực cao.
Có thể nói, tuy đã ra đời khá lâu, nhưng lớp Seawolf vẫn được xem là một trong những tàu ngầm hạt nhân mạnh hàng đầu thế giới. Bản thân các chuyên gia Nga cũng thừa nhận sức mạnh của Seawolf.
Tuy nhiên, do áp dụng nhiều giải pháp kỹ thuật cao nên đồng nghĩa với việc Seawolf có giá “khủng” (khoảng hơn 2 tỷ hoặc 4 tỷ USD) tới cả nền kinh tế hàng đầu thế giới cũng “ngại”. Vì thế, tuy trong kế hoạch Hải quân Mỹ muốn có 29 chiếc loại này. Nhưng sau cùng, chỉ có 3 chiếc được hoàn thành gồm: USS Seawolf (SSN-21); USS Connecticut (SSN-22) và USS Jimmy Carter (SSN-23).
Ngoài đơn giá quá đắt, một phần của việc Mỹ không tiếp tục đóng Seawolf do Chiến tranh Lạnh chấm dứt, cùng với đó là sự sụp đổ của Liên Xô. Sau 1991, Hải quân Nga gặp khá nhiều khó khăn về ngân sách nên các tàu ngầm Typhoon, Akula – “đối thủ” của Seawolf hoạt động hạn chế. Đối thủ chính không còn, tàu ngầm Seawolf mất dần vai trò quan trọng.
Theo vietbao