Khám phá Sin Suối Hồ
Bản Sin Suối Hồ thuộc xã Sin Suối Hồ (Phong Thổ – Lai Châu) nằm trên đỉnh núi cao hơn 1.400 m so với mực nước biển.
Với khí hậu mát mẻ quanh năm, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hoang sơ, những phong tục, tập quán sinh hoạt văn hóa đặc trưng cùng với phương thức lao động sản xuất thủ công truyền thống, những năm gần đây, Sin Suối Hồ đã trở thành cái tên quen thuộc thu hút không ít khách du lịch. Sin Suối Hồ được vinh danh “ Làng du lịch cộng đồng tiêu biểu năm 2019″.
Cả bản cùng làm du lịch cộng đồng
Trong tiếng của người Mông, Sin Suối Hồ có nghĩa là “suối có vàng”. 100% người dân sinh sống trong bản là người Mông với những nét đặc trưng: Sinh sống trong các căn nhà gỗ, nhà trình tường có kiến trúc đẹp và quanh nhà thường có hàng rào đá bao quanh. Từ một bản người Mông nhiều tệ nạn, đến nay đã trở thành bản du lịch cộng đồng không khói thuốc, sạch đẹp, văn minh, cuộc sống đổi thay ấm no, hạnh phúc.
Check in ở Sin Suối Hồ.
Trưởng bản Vàng A Chỉnh chia sẻ, trước năm 1992, hầu hết người dân ở Sin Suối Hồ đều trồng cây thuốc phiện và nghiện thuốc phiện. Thuốc phiện đã làm đời sống người dân nơi đây trở lên mù mịt, đói rách, khốn khổ, bệnh tật và nhiều tệ nạn khác. Tuy nhiên, sau khi người dân được chính quyền địa phương tuyên truyền, hỗ trợ phá bỏ diện tích trồng thuốc phiện, cai nghiện và đầu tư phát triển kinh tế Sin Suối Hồ thay đổi rõ nét. Đặc biệt, từ khi phát triển du lịch cộng đồng, Sin Suối Hồ “lột xác”. Hiện bản không còn người nghiện ma túy, nhiều nhà khá giả nhờ làm làm du lịch homstay.
Cả bản cùng bàn và cùng nhau bắt tay làm du lịch. Việc đầu tiên cần làm để tạo dấu ấn của Bản chính là phải quy hoạch tổng thể một cách ngăn nắp, với những con đường sạch sẽ, những ngôi nhà mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Nhà nào cũng có sân vườn, với những chiếc cổng độc đáo được trang trí theo nhiều phong cách khác nhau, mỗi cách trang trí đều gắn với hình ảnh cuộc sống, phong tục tập quán của dân bản. Hộ nào làm dịch vụ lưu trú cộng đồng tại nhà dân (homestay) thì trước cổng hoặc trước nhà được gắn tấm biển tự thiết kế thủ công bằng dây thừng hoặc dây mây trông rất mộc mạc và thân thiện với môi trường, với đầy đủ tên, số điện thoại và được dịch sang tiếng Anh.
Điều đặc biệt về cách làm du lịch ở Sin Suối Hồ là có sự chuyên nghiệp hóa, cả bản cùng làm du lịch. Không chỉ những gia đình có homestay mới làm du lịch mà những gia đình khác chưa có điều kiện làm homestay đón du khách cũng có thể tham gia như: Làm hướng dẫn du khách leo núi, làm xe ôm. Phụ nữ bán nông sản, thổ cẩm, tham gia biểu diễn văn nghệ ẩm thực gắn liền với không gian trình diễn các công đoạn sản xuất đặc trưng.
Cổng được thiết kế rất độc đáo.
So với các khu du lịch khác, mô hình có nhiều điểm mới: Xu hướng dân làm – dân hưởng đem lại động lực phát triển kinh tế bền vững cho người dân địa phương; toàn bộ nguồn thực phẩm được sử dụng là thực phẩm sạch, không hóa chất; mô hình du lịch đậm chất văn hóa và thấm đượm bản sắc dân tộc; du lịch gắn liền với tạo sinh kế nông nghiệp cho người dân. Bản Sin Suối Hồ cũng để lại ấn tượng trong lòng du khách nhờ cộng đồng người dân đoàn kết, thân thiện, hiếu khách, sống văn minh.
Video đang HOT
Tại Sin Suối Hồ còn có một “bảo tàng” ở chính giữa bản, trưng bày các nông cụ sản xuất, chiến đấu của người dân Mông qua các thời kỳ. Chợ du lịch truyền thống của người Mông, bán các sản vật địa phương như thuốc, thổ cẩm, ẩm thực ngay cạnh một sân khấu lớn được dựng ở trung tâm bản để biểu diễn các tiết mục văn nghệ.
Đến Sin Suối Hồ ngày cuối trong lịch trình 3 ngày, anh Phạm Ngọc Quỳnh cho biết, đoàn của anh gồm 4 người từ TP.HCM ra. Được trải nghiệm cuộc sống, sinh hoạt của đồng bào Mông, được thưởng thức các món ăn truyền thống như cá suối, thịt treo gác bếp, mèn mén, gà đen, rượu táo mèo, được uống thứ nước đặc trưng mà người dân bản tự pha từ thảo quả với mật ong rừng, đong trong những chiếc ống tre và được rót ra những chiếc cốc bằng tre, khiến đoàn của anh vô cùng ấn tượng. “Cảnh sắc, con người, nét văn hóa nơi đây rất tuyệt. Chúng tôi sẽ còn trở lại Sin Suối Hồ nhiều lần, vào các mùa khác nhau để cảm nhận được hết những vẻ đẹp và những điều thú vị nơi đây”, anh Phạm Ngọc Quỳnh chia sẻ.
Đời sống ấm no nhờ làm du lịch
Chủ tịch xã Sin Suối Hồ Chéo Quẩy Hòa cho biết, bản Sin Suối Hồ hiện có có 103 hộ dân với 595 nhân khẩu, trong đó 100% là người Mông, sống tập trung. Với khí hậu mát mẻ quanh năm, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hoang sơ và những phong tục, tập quán sinh hoạt văn hóa đặc trưng cùng với phương thức lao động sản xuất thủ công truyền thống, bản Sin Suối Hồ đã trở thành bản du lịch cộng đồng từ năm 2015.
Những ngôi nhà tổ chim ấn tượng.
Với những ưu đãi về khí hậu, hiện nay Sin Suối Hồ đã trở thành thủ phủ của địa lan. Toàn bản hiện có 38.000 gốc địa lan cung cấp cho các tỉnh, mỗi năm thu nhập tới 3 tỷ. 103 hộ gia đình ở bản Sin Suối Hồ đều trồng phong lan và địa lan, ít thì vài chục chậu, nhiều lên đến vài trăm.
Vàng A Tủa, một người dân trong bản cho biết, hằng năm khoảng trước Tết Nguyên đán hai tháng cho đến hết tháng giêng năm sau, khách mua hoa đánh xe từ TP Lai Châu lên, từ Sa Pa (Lào Cai) sang, thậm chí cả từ Hà Nội cũng vượt hàng trăm cây số đến Sin Suối Hồ để lựa những chậu lan nổi tiếng ở vùng Tây Bắc này, với giá lên tới vài ba triệu đồng/chậu. Vàng A Tủa cho biết, ngoài trồng lan, gia đình anh và các hộ dân trong bản vẫn giữ cả nghề trồng ngô, nuôi dê, dệt thổ cẩm của người Mông. Đây cũng chính là những sản phẩm du lịch phục vụ du khách.
Cùng với địa lan, thì thảo quả cũng đang vừa là cây trồng mang giá trị kinh tế, vừa là sản phẩm du lịch độc đáo của Sin Suối Hồ. Nếu lên Bản vào khoảng tháng 9, tháng 10, du khách sẽ được lạc vào những rừng thảo quả thơm ngát, mà khi ra khỏi rừng, cả buổi, mùi hương vẫn còn vương vấn trên áo, trên tóc, như một sự lưu luyến của núi rừng.
Trưởng bản Sin Suối Hồ Vàng A Chỉnh cho biết thêm, những năm qua, nhờ làm kinh tế gắn với phát triển du lịch mà đời sống của người dân đã trở nên ấm no và truyền thống văn hóa dân tộc được giữ gìn. Hiện nay, ngoài trồng lan, trồng thảo quả để cung cấp sản phẩm cho các nơi, dân bản còn phát huy nghề dệt truyền thống để cung cấp các sản phẩm thổ cẩm cho du khách, cung cấp các dịch vụ lưu trú và các dịch vụ du lịch cho khách. Với mỗi khách lưu trú, mỗi đêm giá thuê phòng là 100.000 đồng, nếu có thêm dịch vụ ăn uống sẽ là 250.000/ khách.
Đội văn nghệ của bản biểu diễn phục vụ du khách.
Anh Vàng A Lử, một trong những thành viên của đội văn nghệ Bản cho biết, những tiết mục văn nghệ mô phỏng lại cuộc sống sinh hoạt thường ngày do chính người dân trong bản biểu diễn có sức thu hút khách du lịch rất lớn, vừa giúp người dân bảo tồn vốn văn hóa truyền thống, vừa tạo thu nhập cho người dân.
Trước đại dịch Covid-19, mỗi năm Bản đón tới 20.000-30.000 lượt khách, trong đó có cả khách nước ngoài như: Australia, Mỹ, Singapore… Năm nay, lượng khách du lịch đến Sin Suối Hồ có thấp hơn, nhưng cũng đang tăng dần đều. Chủ tịch Chéo Quẩy Hòa cũng như trưởng bản Vàng A Chỉnh hy vọng năm tới, lượng khách sẽ đạt được hoặc cao hơn mức trước dịch. Hy vọng thế, bởi con đường từ thành phố Lai Châu lên Bản đang được thi công, theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào năm tới, sẽ đưa bước chân du khách nhanh đến với Sin Suối Hồ.
Chứng kiến cuộc sống ấm no hôm nay, người dân trong bản vẫn còn kể lại, hơn 20 năm trước, vẫn còn cảnh dân trong bản đào củ mài ăn qua ngày. Từ khi phát triển du lịch cộng đồng, đời sống bà con khấm khá. Đàn ông đã cai được rượu và ma túy, trẻ em đến trường học hành đầy đủ. Cuộc sống người dân ngày càng ấm no, vươn lên làm giàu…
Cùng với phát triển du lịch cộng đồng, với điều kiện khí hậu thuận lợi, Sin Suối Hồ hiện vươn mình trở thành vựa địa lan lớn của vùng Tây Bắc. Nhiều gia đình trong bản có mức thu nhập tăng đáng kể nhờ trồng và bán địa lan cho khách du lịch. Đến nay 100% hộ trong bản đều trồng địa lan, nhà nào ít thì vài chục chậu, nhà nào nhiều thì khoảng 500 – 600 chậu. Anh Vàng A Giàng, chủ một vườn lan ở Sin Suối Hồ cho biết: “Trung bình mỗi hộ dân ở đây thu nhập 30 – 50 triệu đồng/năm nhờ trồng lan. Những hộ vừa làm dịch vụ homestay vừa trồng địa lan còn thu tới 200 – 300 triệu đồng/năm”.
Săn mây ở Tà Xùa
Nằm ở độ cao khoảng 1.500m - 1.700m so với mặt nước biển, xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên (Sơn La) có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, khí hậu mát mẻ quanh năm, là nơi lưu giữ gần như nguyên vẹn những nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Mông.
Những năm gần đây, Tà Xùa đã trở thành điểm đến không thể thiếu trên cung đường khám phá du lịch Tây Bắc của du khách.
Thiên đường mây Tà Xùa. Ảnh: Đặng Văn Tú
Cách thị trấn Bắc Yên khoảng 14km, Tà Xùa được du khách biết đến với những cung đường nhiều dốc cao và những cua tay áo khá nguy hiểm, nhưng chính điều này lại tạo sức hấp dẫn đặc biệt đối với những du khách ưa thích săn mây.
Từ khoảng tháng 4 đến tháng 10 trong năm là thời điểm Tà Xùa hội tụ đầy đủ các yếu tố lý tưởng về độ ẩm, sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm cao, nhiều nắng ấm và sương mù giăng lối để du khách chuẩn bị cho chuyến săn mây đẹp nhất.
Thời điểm này, khi đến với Tà Xùa, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những dòng thác mây cuồn cuộn bao lấy những dãy núi cao hùng vĩ chạy dọc chân trời và đổ xuống biển mây trắng bồng bềnh dưới thung lũng, phủ trên những nếp nhà đơn sơ nép dưới tán mận, tán đào xanh mướt.
Tuổi thơ. Ảnh: Nguyễn Văn Duy
Theo kinh nghiệm của người dân bản địa và các phượt thủ, để có được những bức ảnh săn mây lý tưởng nhất, du khách nên chọn đi vào lúc bình minh hoặc hoàng hôn, đây là hai khung thời gian hợp lý nhất để đắm mình trong chốn bồng lai tiên cảnh của thiên đường mây Tà Xùa. Đây cũng là khoảng thời gian mà du khách có thể cùng với người thân yêu, bạn bè quây quần bên nhau cùng thưởng thức hương vị ấm nồng của chè Tà Xùa - đặc sản nổi tiếng của đồng bào dân tộc Mông và đắm mình trong bầu không khí mát mẻ, trong lành mà thiên nhiên ban tặng.
Ngoài những điểm săn mây như thung lũng mây ngay tại trung tâm xã Tà Xùa, lũng mây Đỉnh Gió và cây "Táo mèo cô đơn", lũng mây khu Mống Vàng bản Tà Xùa..., du khách còn có thể lựa chọn một điểm săn mây không thể thiếu trong hành trình đến với Tà Xùa đó là Sống Lưng Khủng Long Háng Đồng. Đây là một đoạn đường đất dài gần 2km nằm trên đỉnh núi cao hơn 2.000m so với mực nước biển thuộc dãy Tà Xùa hùng vĩ với đặc trưng là đầu rùa và sống lưng khủng long nằm phủ phục tạo nên ranh giới tự nhiên giữa Sơn La và Yên Bái. Tại đây, du khách được nếm trải cảm giác vô cùng mạo hiểm khi di chuyển trên con đường mòn mà hai bên là vách núi thẳng đứng có nhiều đoạn chiều rộng nhất chỉ vừa đủ cho bánh một chiếc xe máy. Nhưng đi đến điểm cuối của sống lưng khủng long, du khách như vỡ òa khi được ngắm nhìn những ngọn núi cao trùng trùng điệp điệp, những thửa ruộng bậc thang ẩn hiện giữa thiên đường mây bồng bềnh kỳ ảo.
Lên đỉnh Tà Xùa ngắm thiên đường mây. Ảnh: Phạm Doãn Quang
Nhưng Tà Xùa không chỉ có đặc sản "săn mây". Nơi đây còn có những đồi chè shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi gắn liền với đời sống, văn hóa của đồng bào dân tộc Mông. Một trong những rừng chè cổ thụ tự nhiên được nhắc đến nhiều nhất trong hành trình khám phá Tà Xùa của du khách đó chính là rừng chè cổ ở bản Bẹ, xã Tà Xùa. Đây là rừng chè tự nhiên với hơn 200 gốc chè cổ thụ có tuổi đời hơn 300 năm, nhiều thân chè bám bám đầy địa y, tầm gửi, rêu phong và là nguồn nguyên liệu quý giá để làm nên thương hiệu chè Tà Xùa trứ danh của đồng bào dân tộc Mông Tà Xùa. Đến với bản Bẹ, ngoài khám phá rừng chè cổ thụ tự nhiên, du khách có thể tìm hiểu quy trình thu hái, sao chè thủ công của bà con dân tộc Mông và thưởng thức, lựa chọn các sản phẩm chè để làm quà tặng cho người thân.
Trong hành trình săn mây tại Tà Xùa, để chuyến đi có thêm nhiều trải nghiệm thú vị, du khách có thể lựa chọn khám phá thêm một số điểm đến hấp dẫn khác như ruộng bậc thang (xã Xím Vàng), bãi đá khắc cổ Khe Hổ (xã Hang Chú), hồ sen (xã Hua Nhàn), đồi thông Pu Nhi và đặc biệt là điểm đến hang A Phủ gắn liền với câu chuyện tình của vợ chồng A Phủ trong tác phẩm văn học nổi tiếng "Vợ chồng A Phủ" của Nhà văn Tô Hoài. Đây là nơi vợ chồng A Phủ dừng chân trú ẩn trong hành trình trốn tránh sự truy lùng của bọn tay sai nhà thống lý Pá Tra, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ đi theo ánh sáng của Đảng đến với khu du kích Phiềng Sa, tham gia phong trào cách mạng giải phóng quê hương.
Hoa lau trên đỉnh Tà Xùa. Ảnh: Nguyễn Thế Bình
Hang A Phủ là hang đá tự nhiên nằm trên dãy núi U Bò thuộc Bản Hồng Ngài, xã Hồng Ngài còn được gọi là hang Thẳm Cốp (theo tiếng dân tộc Thái có nghĩa là hang Ếch bởi phía Đông của hang giống như miệng một con ếch đang đớp mồi). Hang thuộc Quần thể di tích cách mạng 99 với chiều dài khoảng 200m được chia thành 3 khoang và gồm 2 cửa, nằm ở 2 phía Đông, Tây nối thông nhau. Từ cửa phía Tây cao 2m, rộng 1,5m, du khách phải di chuyển thận trọng qua từng phiến đá theo lối vào hang nhỏ, hẹp, ít ánh sáng. Càng đi sâu, lòng hang càng mở rộng, trần hang cao trung bình từ 20 - 40m, rộng 15 - 30m với nhiều nhũ đá hình dạng khác nhau, đem lại cảm giác kỳ ảo dưới ánh đèn pin chiếu rọi. Khoang thứ 2 và 3 còn có nhiều ngách hẹp chạy dọc theo vách hang, sâu trung bình 10 - 15m, sức chứa 30 - 40 người. Đi hết khoang 3 là đến cửa phía Đông hình bầu dục, cao khoảng 50 - 60m, rộng 20m, giữa cửa hang phình ra rộng 30m để du khách thu vào tầm mắt màu xanh ngút ngát của rừng nguyên sinh bao phủ và nương rẫy của bà con trải dài trước cửa hang.
Sắc thu Xím Vàng. Ảnh: Nguyễn Văn Duy
Cách hang A Phủ khoảng 20m về phía Nam, du khách ưa mạo hiểm có thể khám phá hang nước với cửa hang nằm sâu dưới lòng đất khoảng 5m, đường xuống hang dốc, chia làm nhiều tầng, Hang có độ rộng khoảng 7m, độ cao trần hang trung bình 10 - 12m, chỗ thấp nhất chỉ cao 4 - 5m, dưới nền hang có một dòng suối chảy dọc theo hang từ Tây sang Đông, nước mát lạnh.
Đến quê hương A Phủ vào mùa sơn tra, du khách còn được đắm mình trong hương táo quyến rũ, tham gia phiên chợ vùng cao để ngắm nhìn những bộ trang phục rực rỡ của đồng bào dân tộc Mông và thưởng thức các món ăn truyền thống với chén rượu Hang Chú cay nồng...
Du lịch Yên Bái - Những điểm đến hấp dẫn Yên Bái mang vẻ đẹp hoang sơ, lay động lòng người với khí hậu mát mẻ, cảnh quan thiên nhiên như bức tranh làm say đắm lòng người với những địa danh nổi tiếng: Ruộng bậc thang Mù Cang Chải, khu du lịch Suối Giàng, hồ Thác Bà... Không chỉ ngắm nhìn những thắng cảnh được thiên nhiên ưu ái ban tặng mà...