Khám phá nơi nuôi loài cá song vua đặc sản, mỗi con nặng 30-60 kg
Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nuôi biển Nha Trang (Khánh Hòa) hiện đang nuôi 16 con cá song vua bố mẹ, trọng lượng mỗi con từ 30 đến 60kg.
Giống cá song vua chất lượng cao đang được cơ quan chức năng hoàn tất nghiên cứu để đưa ra thị trường, góp phần giảm thiểu sự lệ thuộc vào nguồn giống không đảm bảo.
Hướng tới tự chủ về con giống
Tiến sĩ Trương Quốc Thái – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nuôi biển Nha Trang (xã Phước Đồng, TP. Nha Trang), thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III cho biết, trung tâm đang nuôi thử nghiệm cá song vua thương phẩm.
Các nhà khoa học kiểm tra tình trạng trứng của cá song vua mẹ.
Dự án do Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia (ACIAR) tài trợ, được triển khai tại Khánh Hòa từ năm 2016, dự kiến kết thúc vào tháng 9-2019. Cá song vua có tốc độ sinh trưởng nhanh, giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, từ trước đến nay, việc phát triển đối tượng nuôi này còn nhiều khó khăn do chúng ta chưa chủ động về con giống, kiến thức nuôi còn thiếu hụt.
Nằm trong hợp phần do ACIAR tài trợ, dự án phát triển công nghệ cá song vua được triển khai tại 3 nước là Australia, Philippines và Việt Nam. Trong đó, tại Việt Nam tập trung nghiên cứu phát triển kỹ thuật sinh sản, ấp trứng, ương nuôi ấu trùng, sản xuất cá giống và nuôi thử nghiệm thành phẩm cá song vua.
Video đang HOT
Qua quan sát, tại trung tâm hiện có 16 con cá song vua bố mẹ, trọng lượng mỗi con từ 30 đến 60kg. Song song đó là hệ thống ương nuôi cá giống hiện đại để cho ra đời con giống đồng đều, chất lượng. Theo Tiến sĩ Trương Quốc Thái, với sự hỗ trợ của ACIAR, tới thời điểm này, trung tâm đã trở thành nơi cung cấp nguồn trứng cá song vua uy tín cho nhiều trại sản xuất giống trên cả nước.
Theo lãnh đạo Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa, cá song vua thực chất là một loài cá mú. Trong ảnh: Người dân TP Cam Ranh nuôi loài cá mú nghệ. Ảnh: Tiền Phong.
Ngoài ra, trung tâm đã xây dựng thành công quy trình sản xuất giống cá song vua và đã sản xuất được số lượng 80.000 con cá song vua trong năm 2018 với chất lượng tốt. Số con giống cá song vua này được bán trợ giá cho người nuôi trong và ngoài tỉnh.
Kết quả nghiên cứu còn cho thấy, hoạt động nuôi thương phẩm cá song vua đang phát triển tốt, do loài cá này có tốc độ tăng trưởng nhanh, khả năng kháng bệnh cao, chống chịu tốt với sự thay đổi của môi trường, chất lượng thịt ngon, được thị trường ưa chuộng.
Nuôi cá song vua cho hiệu quả kinh tế cao
Ông Lê Kim Hòa (thôn Tân Quý, xã Cam Thành Bắc, TP. Cam Ranh) đang thả nuôi 15.000 con cá song vua thương phẩm, ngoài ra còn sản xuất giống để cung cấp cho người nuôi khu vực lân cận.
Ông Hòa cho biết, từ trước đến nay, người nuôi cá song vua chủ yếu nhập con giống từ Đài Loan, Indonesia, Malaysia, Trung Quốc… Chất lượng con giống không đồng đều, không được bảo hành, tỷ lệ sống thấp. Ngoài ra, việc lệ thuộc vào nguồn giống từ bên ngoài dẫn tới không bền vững, không chủ động.
Những tồn tại nêu trên đã được giải quyết trong khoảng 2 năm qua, khi Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nuôi biển Nha Trang nghiên cứu thành công việc ương nuôi và cung cấp giống cá song vua cho người nuôi.
“Chất lượng con giống tại đây rất tốt, tỷ lệ sống đạt từ 80 đến 90%, có nơi hơn 90%. Thích nhất là nghiên cứu ngay tại địa phương mình để cho ra đời đàn cá song vua giống phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở đây; lại rất thuận lợi cho người nuôi cá không phải vận chuyển cá giống quá xa…”, ông Hòa cho biết.
Theo ông Hòa, hiệu quả kinh tế được nâng lên nhờ từ việc ra đời cá song vua giống ở ngay tại địa phương. Tùy thuộc vào thời tiết, mật độ, quy trình, kỹ thuật nuôi, nếu mọi sự thuận lợi, từ khi thả nuôi đến khi cá đạt trọng lượng phổ biến 1kg/con là khoảng 11 tháng. Cá song vua hiện nay được bán với giá 180.000 – 280.000 đồng/kg tùy thời điểm. Trừ chi phí, có thể mang lại cho người nuôi loài cá song vua lãi ròng hơn trăm nghìn đồng/kg.
“Thành công của dự án chưa dừng lại ở đây. Bởi số lượng con giống tại trung tâm chưa đáp ứng được nhu cầu nuôi cá song vua hiện nay trên cả nước. Những năm gần đây, việc phụ thuộc vào nguồn giống cá song vua nhập từ Đài Loan, Trung Quốc… vẫn còn lớn. Vì thế, trung tâm sẽ tiếp tục phát triển dự án này, không ngừng bổ sung, gia tăng đàn cá bố mẹ và nâng cao quy trình công nghệ sản xuất giống để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người nuôi”, Tiến sĩ Trương Quốc Thái cho biết.
Theo Hồng Đăng (Báo Khánh Hòa)
Nguyên nhân nghêu chết bất thường tại Bến Tre là do sốc nhiệt
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bến Tre cho biết đã xác định nguyên nhân gây nên tình trạng nghêu chết bất thường ở Hợp tác xã Thủy sản An Thủy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre là do sốc nhiệt.
Kiểm tra mật độ nghêu tại bãi nuôi. Ảnh minh họa: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bến Tre Phan Trung Nghĩa, kết quả xét nghiệm mẫu của Phân viện Nghiên cứu Thủy sản Nam Sông Hậu (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II) cho thấy, sự chênh lệch nhiệt độ có khả năng gây sốc nhiệt khiến nghêu chết bất thường.
Quan sát bên ngoài, nghêu ở Hợp tác xã Thủy sản An Thủy có cơ thịt trắng, không ngậm cát. Kết quả phân tích mô học cho thấy nghêu có biểu hiện sức khỏe bình thường, nhiều thức ăn trong ruột. Mẫu nghêu không có sự hiện diện của ký sinh trùng Perkinsus sp, mật độ vi khuẩn hiếu khí và Vibrio sp trong nước đều ở mức cho phép. Ngoài ra, các yếu tố chất lượng nước PH, độ mặn, hàm lượng khí độc nằm trong ngưỡng thích hợp cho nghêu phát triển; không có hiện tượng tảo nở hoa và không phát hiện tảo độc trong nước.
Sau khi xác định nguyên nhân nghêu chết, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bến Tre khuyến cáo các hợp tác xã nuôi nghêu trên địa bàn tỉnh tăng cường vệ sinh bãi nuôi, dọn vỏ, xác nghêu chết để giảm thiểu ô nhiễm môi trường vùng nuôi. Các hợp tác xã nuôi nghêu tiến hành khai thác, thu hoạch, san thưa để giảm mật độ nghêu ở bãi nuôi.
Cùng đó, các hợp tác xã cần thường xuyên theo dõi, kiểm tra bãi nuôi, theo dõi chất lượng nước, đặc biệt là độ mặn và nhiệt độ. Ngoài ra, khi phát hiện nghêu nuôi có dấu hiệu bất thường hoặc chết, các hợp tác xã báo ngay về Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện hoặc Phòng Quản lý dịch bệnh Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bến Tre.
Trước đó, vào đầu tháng 3/2019, trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã ghi nhận tình trạng nghêu chết rãi rác bất thường tại Hợp tác xã Thủy sản An Thủy, với số lượng nghêu thiệt hại hơn 100 tấn, kích cỡ từ 50-80 con/kg.
Sau khi nhận được thông tin phản ánh về tình trạng nghêu chết, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bến Tre phối hợp với Chi cục Thủy sản tỉnh đã khảo sát và tiến hành thu mẫu (mẫu nghêu, mẫu nước, mẫu bùn) gửi Phân viện Nghiên cứu thủy sản Nam Sông Hậu xét nghiệm để tìm nguyên nhân nghêu chết bất thường.
Bến Tre là một trong những tỉnh có phong trào nuôi nghêu phát triển khá mạnh ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tập trung ở các huyện biển là Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú. Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Bến Tre, trên địa bàn tỉnh hiện có 9 hợp tác xã nuôi nghêu ở 3 huyện biển với tổng diện tích 7.414 ha; trong đó, có 3.762 ha diện tích có nghêu, gồm 345 ha nghêu giống và 3.417 ha nghêu thịt.
Công Trí (TTXVN)
Theo Tintuc
Hơn 80% diện tích nuôi tôm ở Hà Tĩnh hoàn tất cải tạo ao đầm Chuẩn bị tốt cho vụ nuôi tôm đầu tiên trong năm, các chủ đầm tôm ở Hà Tĩnh đã và đang tập trung đầu tư cải tạo ao đầm. Hiện đã có 80% diện tích nuôi tôm hoàn tất việc cải tạo chuẩn bị xuống giống. Hơn 80% diện tích nuôi tôm hoàn tất việc cải tạo ao đầm Sau một vụ nuôi,...