Khám phá những thành phố công nghiệp nổi tiếng ở phía đông nam Hàn Quốc
Những thành phố công nghiệp nổi tiếng, phát triển bậc nhất ở Hàn Quốc đều nằm ở phía đông nam.
Cảng Busan là 1 trong 9 cảng biển bận rộn nhất thế giới. Ulsan – nơi có thu nhập bình quân đầu người cao nhất Hàn Quốc và được xem là “thủ phủ” của Hyundai. Không chỉ nổi tiếng về phát triển công nghiệp, Busan, Ulsan, Daegu, Gyeongju…còn là những điểm đến du lịch hấp dẫn du khách.
Busan là thành phố lớn thứ nhì tại Hàn Quốc, sau thủ đô Seoul. Ảnh: M.H
Busan – Trung tâm của vùng đông nam Hàn Quốc
Với dân số khoảng 5 triệu người, Busan là thành phố lớn thứ nhì tại Hàn Quốc sau thủ đô Seoul (10 triệu người). Về mặt hành chính, Busan được coi là một khu vực đại đô thị tự trị. Đây là trung tâm kinh tế, văn hóa và giáo dục của vùng đông nam Hàn Quốc. Cảng Busan là cảng biển bận rộn nhất Hàn Quốc và là 1 trong 9 cảng biển bận rộn nhất trên thế giới. Khu kinh tế Đông Nam của Hàn Quốc (bao gồm cả Ulsan và Gyeongsang Nam) hiện là khu vực công nghiệp lớn nhất của Hàn Quốc.
Busan cách Seoul khoảng 500km đường bộ, di chuyển bằng tàu tốc hành KTX mất khoảng 2 giờ 30 phút. Thời gian bay từ TPHCM đến Sân bay quốc tế Gimhae tại Busan hơn 4 tiếng (bay từ Hà Nội hơn 3 tiếng).
Bến du thuyền ở Busan. Ảnh: M.H
Du khách thưởng thức vẻ đẹp của thành phố biển Busan trên những chiếc du thuyền sang trọng. Ảnh: M.H
Ảnh: M.H
Quán cà phê với kiến trúc vô cùng độc đáo ở Busan nằm ngay trên bờ biển SeongJong, đây là một địa điểm vô cùng lý tưởng để ngắm mặt trời mọc trên biển, thư giãn và thưởng thức cà phê.
Ảnh: M.H
Nếu Hồng Kông có Công viên Victoria, thì Busan có The Bay 101. Được chọn là nơi tốt nhất để ngắm cảnh đêm của Busan. Người dân và du khách đổ xô đến khu vực này sau khi màn đêm buông xuống.
Ảnh: M.H
Du khách trải nghiệm làm chả cá Hàn Quốc – món ăn nổi tiếng thường được bán tại các sạp hàng nghi ngút khói ven đường – đặc sản mùa đông thường thấy trong các bộ phim truyền hình Hàn Quốc.
Làng văn hóa Huinnyeoul là một trong những làng tranh bích họa nổi tiếng tại Busan nằm ngay cạnh bờ biển tại quận Yeongdo. Du khách có thể trải nghiệm, quan sát cuộc sống của người dân Busan và đồng thời trải nghiệm các giá trị văn hóa thông qua các bức tranh tường, phòng trưng bày nghệ thuật, các cửa hàng bán đồ hand made và đặc sản địa phương. Ảnh: M.H
Video đang HOT
Ulsan – Nơi có nhà máy đóng tàu lớn nhất thế giới
Ulsan có khoảng 1,2 triệu dân nhưng thu nhập bình quân đầu người ở đây cao nhất Hàn Quốc. Người dân Hàn Quốc cho biết, mức thu nhập bình quân của người dân Hàn Quốc ở khoảng 600 triệu Won/người/năm (hơn 30.000 USD; năm 2018 là 33.000 USD); mức thu nhập bình quân đầu người ở Ulsan vào khoảng 800-900 triệu Won/người/năm.
Tập đoàn Công nghiệp nặng Hyundai (HHI) của Hàn Quốc đặt nhà máy đóng tàu lớn nhất thế giới tại Ulsan. Nơi đây sản xuất ra những con tàu khổng lồ, lớn nhất thế giới như Globe, đã đi vào hoạt động vào tháng 12-2014. Bên cạnh đó, còn có nhiều nhà máy sản xuất ô tô đặt ở Ulsan.
Đài quan sát cầu Ulsan Daegyo (cao 203m so với mực nước biển), đài quan sát được đưa vào hoạt động từ tháng 5-2015 tới nay. Từ đây ta có thể quan sát toàn cảnh thành phố Ulsan và khu vực cảng biển rộng lớn.
Từ trên đài quan sát cầu Ulsan Daegyo có thể nhìn thấy các nhà máy đóng tàu nằm kín 2 bên bờ biển ở Ulsan. Ảnh: M.H
Được phong tặng danh hiệu Vườn Quốc gia vào tháng 7-2019, Vườn Quốc gia Taehwagang (ở Ulsan) là vườn quốc gia thứ hai sau Vườn Quốc gia Vịnh Suncheonman. Khu vườn có nhiều điểm tham quan thú vị khác nhau như con đường đi bộ trong rừng tre, viện sinh thái tre, dòng suối nhỏ, vườn hoa…
Vườn Quốc gia Taehwagang được Bộ Môi trường Hàn Quốc chọn là 1 trong 26 điểm tham quan sinh thái “rất nên đến”; Tổng cục Du lịch Hàn Quốc xếp vào danh sách 100 địa điểm không thể bỏ qua ở Hàn Quốc. Nằm ở khu vực phía tây của khu vườn, Rừng tre Simni, một khu rừng tre trải dài 4,3 km chắc chắn là nơi đáng để du khách dành thời gian dạo chơi.
Công viên Daewangam, một trong 12 điểm tham quan không thể bỏ qua của Ulsan, chào đón du khách với hơn 15.000 cây thông đã hơn 100 năm tuổi.
Con đường ven biển đến đảo Seuldo mang đến một khung cảnh tuyệt đẹp của đại dương và những tảng đá phong hóa được chạm khắc thành những hình dạng thú vị.
Daegu – Trung tâm ngành công nghiệp dệt may
Daegu có khoảng 3 triệu dân, cách Seoul 1 giờ 40 phút di chuyển bằng tàu tốc hành KTX. Thành phố du lịch Daegu có nhiều biệt danh, nhờ có nhiều thứ để chiêm ngưỡng và thử nghiệm, cũng như những đặc sản của khu vực. Vào mùa hè, Daegu thường nóng hơn so với các vùng khác, do vậy thành phố có tên gọi “Daefrica”, một từ ghép giữa Daegu và châu Phi. Thành phố này cũng là trung tâm của ngành công nghiệp dệt may của quốc gia, và là quê hương của những di tích lịch sử hiện đại của Hàn Quốc.
Cáp treo Palgongsan, một điểm thu hút du lịch được tất cả mọi người yêu thích. Tọa lạc tại Khu liên hợp Donghwa, cáp treo đưa du khách đến đỉnh núi ở độ cao trên 820m so với mực nước biển, hành trình mang đến khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, nhất là vào mùa cuối thu khi sắc lá vàng, đỏ được phủ kín cả vùng núi. Ảnh: M.H
Du khách choáng ngợp trước sắc màu cuối thu với lá vàng, lá đỏ
Tour du lịch mùa thu, ngắm lá vàng, lá đỏ hấp dẫn du khách Việt Nam. Ảnh: SAM NGUYỄN
Phố Dongseongno là khu mua sắm nổi tiếng nhất ở trung tâm thành phố Daegu, còn được gọi là “Phường Myeong của Daegu.” . Ảnh: M.H
Giống như có thể nhìn toàn cảnh Seoul từ trên cao từ tháp N Seoul, toàn cảnh Daegu có thể được ngắm nhìn từ tháp E-World 83! Đây là một điểm phải đến ở Daegu, tòa tháp được đặt tên theo chiều cao lên tới 83 tầng, cao 312m so với mực nước biển.
Toàn cảnh trung tâm TP Daegu, nhìn từ Tháp E-World 83 . Ảnh: M.H
Chợ Seomun, khu chợ truyền thống lớn nhất tại Daegu, chuyên về hàng dệt may. Chợ này cũng khá nhộn nhịp vào ban đêm với phố ẩm thực, thức ăn đường phố yêu thích của Hàn Quốc, có cả giò chả và phở Việt Nam cũng được bán ở đây, mang đến một trải nghiệm ẩm thực toàn cầu. Ảnh: M.H
Gyeongju – Cố đô của Hàn Quốc
Gyeongju là một thành phố ven biển nằm ở góc đông nam của tỉnh Gyeongsang Bắc. Đây là thành phố lớn thứ nhì về diện tích sau Andong, với 1.324 km2 và dân số khoảng 269.343 người (năm 2008). Gyeongju nằm cách 370 km về phía đông nam của Seoul, và 55 km về phía đông của tỉnh lị Daegu, giáp Ulsan ở phía nam; phía đông giáp biển Nhật Bản.
Gyeongju được xem như là cố đô của Hàn Quốc khi sở hữu nhiều di tích, di sản văn hóa của các triều đại xa xưa.
Làng Yangdong tại thành phố Gyeongju, Ngôi làng cổ này được UNESCO xếp hạng Di sản Văn hóa Thế giới. Theo UNESCO, Yangdong và Hahoe là “2 trong số những ngôi làng cổ tiêu biểu cho văn hoá Hàn Quốc”. Vào thời điểm lúc cư dân ở đây phát triển nhất, có tất cả 360 hộ với hơn 2.500 người, nhưng hiện nay làng chỉ còn khoảng 150 hộ với 300 người sinh sống. Ảnh: M.H
Một trong những khung cảnh độc đáo nhất ở Gyeongju là 23 ngọn đồi có kích thước gần như đồng nhất tại Khu quần thể lăng mộ Daereungwon. Những ngọn đồi là lăng mộ của các vị vua, hoàng hậu và quý tộc của triều đại Silla. Trong số tất cả các ngôi mộ tại Khu quần thể lăng mộ Daereungwon, Lăng mộ Cheonmacheong là nơi nổi tiếng nhất. Di tích này đã được khai quật và ngôi mộ đang mở dưới dạng phòng triển lãm. Bản sao của các cổ vật đã đang được trưng bày, còn các cổ vật nguyên bản được bảo quản tại Bảo tàng Quốc gia Gyeongju.
Trải nghiệm mặc trang phục những năm 60-70 trên phố cổ Hwangridangil, ở Gyeongju. Ảnh: SAM NGUYỄN
Một điểm hấp dẫn khách du lịch ở Gyeongju, tỉnh Gyeongsang Bắc. Ảnh: SAM NGUYỄN
KTO tại Việt Nam cho biết, nhờ sự bùng nổ, tăng chuyến bay từ các thành phố Incheon, Busan, Daegu, Muan,… đưa khách Hàn Quốc đến Việt Nam, các hãng hàng không đã xây dựng nhiều chính sách giá vé hấp dẫn cho chiều ngược lại Việt Nam – Hàn Quốc. Nhờ vậy, khách Việt Nam sẽ có cơ hội du lịch Hàn Quốc với giá tour rẻ hơn. Các doanh nghiệp du lịch cho biết, có nhiều thời điểm, giá vé máy bay khứ hồi Hà Nội – Daegu, Đà Nẵng – Busan chỉ khoảng 2 triệu đồng. Hiện nhiều công ty du lịch chào bán giá tour đi Busan (4 ngày) khoảng 8,9 – 9,9 triệu đồng/khách.
HÀ ANH
Theo sggp.org.vn
Cây cổ thụ lâu đời nhất thế giới vẫn còn sống, "nhiều tuổi" hơn Kim tự tháp Ai Cập
Được cho là cây cổ thụ sống lâu đời nhất thế giới, nảy mầm trước khi Kim tự tháp Ai Cập được xây dựng, hiện cây này vẫn còn tồn tại.
Cây Methuselah với thân hình vặn xoắn kỳ lạ, được cho là cây cổ thụ lâu đời nhất thế giới vẫn còn tồn tại tới ngày nay. Nó đã xuất hiện cách đây hàng nghìn năm, ngay cả trước khi người Ai Cập cổ đại xây dựng Kim tự tháp.
Hành trình tìm kiếm cây cổ thụ sống lâu nhất thế giới
Nằm sâu trong dãy núi trắng White Mountains phía đông bang California, Mỹ, là nơi cây cổ thụ già đời nhất thế giới còn tồn tại. Không giống như những cây bao quanh nó và hầu như chẳng mấy khi được nhắc tới tên như mọi loại cây khác tồn tại trên hành tinh, đó là cây Methuselah.
Chân dung nhà nghiên cứu người Mỹ Edmund Schulman
Vào đầu những năm 1950, một nhà nghiên cứu có tên Edmund Schulman đến từ trường Đại học Arizona, Mỹ, lên đường tìm kiếm những cây đại thụ chưa từng được phát hiện. Ông đặt chân tới các khu vườn quốc gia, sa mạc cùng nhiều vùng đất lạ để khám phá những loài cây bị ảnh hưởng biến đổi thời tiết và có khả năng thích ứng.
Vào năm 1953, một nhân viên kiểm lâm của vườn quốc gia Inyo, Mỹ, đã kể cho Schulman câu chuyện về một cái cây hàng nghìn năm tuổi, ẩn rất sâu trong dãy núi Trắng ở California. Nhà nghiên cứu này tin rằng mình sẽ khám phá ra những bí mật.
Chuyến thám hiểm đầu tiên, Schulman cùng trợ lý đã leo lên dãy núi Trắng, lấy mẫu nghiên cứu của một cây thông bristlecone để kiểm tra niên đại. Trước sự ngạc nhiên của họ, cây thông này có tuổi đời hơn 1500 năm. Từ khám phá này đã thôi thúc nhà nghiên cứu trở lại vùng núi hết lần này đến lần khác để truy tìm dấu vết của cây cổ thụ lâu đời nhất.
Cho tới những lần trở lại sau đó, Schulman thu thập thêm dữ liệu, lấy thêm mẫu từ một số loài cây khác.
Cây đại thụ có tuổi đời hơn cả Kim tự tháp Ai Cập
Năm 1957, Schulman cùng trợ lý Tom Harlan kiểm tra một mẫu cây và phát hiện nó đã 4.789 tuổi. Như vậy, ước tính cây này đã nảy mầm vào khoảng năm 2832 trước Công nguyên, xuất hiện trước khi người Ai Cập cổ đại xây dựng Kim tự tháp. Đó chính là một cây thông bristlecone.
Cây cổ thụ này phát triển tại một vùng đất nghèo dinh dưỡng, gần như bị chôn vùi dưới tuyết quanh năm. Để thích nghi với thời tiết khắc nghiệt, cây phát triển chậm hơn với phần thớ gỗ rất dày giúp chống lại côn trùng và sâu bệnh.
Nhà nghiên cứu Schulman quyết định đặt tên cho cây thông này là Methuselah, theo tên của người đàn ông có tuổi thọ cao nhất trong Kinh thánh. Nhân vật Methuselah chỉ sống đến 969 tuổi, còn cây thông này vào thời điểm phát hiện năm 1957 đã 4.789 tuổi.
Tổ chức kỷ lục Guinness thế giới đã công nhận đây là cây có tuổi đời lâu nhất thế giới, vẫn bám bộ rễ nguyên bản của mình tại nơi nó mọc lên từ hơn 4.800 năm trước. Để bảo tồn và gìn giữ loài cây cổ xưa nhất, vị trí của cây Methuselah vẫn là bí mật và không tiết lộ cho công chúng.
Ngày nay, nhiều du khách lên đường tới vườn quốc gia Inyo để tìm kiếm cây đại thụ Methuselah nhưng chưa thông tin nào được xác nhận. Ngay cả chính quyền địa phương cũng không khuyến khích việc tìm kiếm này.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn
Honda Citi 100 vẫn còn mới sau khi chạy 200.000 km Ngoại hình và động cơ được chủ giữ gần như nguyên bản từ lúc mua xe. Trải qua hơn 200.000 km, xe vẫn đáp ứng được các nhu cầu di chuyển hàng ngày trong phố. Được chủ nhân mua lại từ một cửa hàng bán xe cũ năm 1996, trải qua hơn 20 năm đồng hành, chiếc xe vẫn giữ lại các đường...