Khám phá những quy tắc trên bàn ăn của các nước Châu Á
Ở mỗi nền ẩm thực, người ta lại có những cách thưởng thức rất riêng và mang nhiều ý nghĩa thú vị.
Ẩm thực không chỉ bao gồm các món ngon vật lạ cùng kĩ thuật nấu nướng khéo léo tinh tế. Thế giới ẩm thực còn tồn tại một mảng, thường ít được chú ý hơn, nhưng kì thực rất quan trọng, đó chính là các quy tắc trên bàn ăn. Các nước Châu Á dù có nhiều điểm tương đồng trong món ăn, nhưng ở mỗi nước, cách thưởng thức món ăn lại ẩn chứa những thông điệp và ý nghĩa vô cùng khác biệt.
1. Ấn Độ
Dù nằm trong Châu Á, nhưng thực chất Ấn Độ với nguồn gốc Nam Á của mình lại sở hữu một nền văn hóa ẩm thực rất khác lạ so với Việt Nam và các quốc gia Đông Bắc Á khác. Một trong những điều lạ và điển hình nhất của ẩm thực Ấn chính là thói quen ăn bốc. Người Ấn không sử dụng dao, nĩa, thìa hay dụng cụ đặc trưng của các nước Châu Á là đũa, họ để thức ăn lên đĩa, cầm đĩa bằng tay trái và bốc ăn bằng tay phải. Quy tắc hai bàn tay này là quy tắc nghiêm ngặt trong ẩm thực Ấn, tới mức người thuận tay trái khi ăn cũng sẽ dùng tay phải, và cả những món có dạng lỏng như cà ri cũng sẽ ăn bằng tay.
Tại sao lại có phong tục kì lạ đó? Bỏ qua những nhận xét chủ quan rằng tục ăn bốc là sự mất vệ sinh, kém văn minh,… thói quen này của người Ấn cần phải được nhìn nhận trên chính phong nền văn hóa của riêng họ.
Bị ảnh hưởng bởi tôn giáo chính là Phật giáo cùng Hồi giáo, người Ấn hình thành quan niệm sùng bái tự nhiên và cho rằng thức ăn – đồ uống do đấng tối cao trao cho – phải được đón lấy bằng tay trần, như một cách thể hiện sự thành kính. Bản thân những đất nước có nguồn gốc Hồi giáo như Indonesia cũng có tục ăn bốc này. Và quan niệm “vệ sinh” của người Ấn cũng khác hẳn chúng ta: Ăn bằng tay vẫn được coi là sạch sẽ, song cầm thức ăn bằng tay trái là điều cấm kị, bởi tay trái là đại diện cho “cái ác” gồm những yếu tố tiêu cực, xấu xa và nhơ bẩn, còn tay phải đại diện cho “cái thiện” với tính chất đúng đắn, công lý và cao khiết.
Tới Ấn Độ, bạn nhớ phải ăn bằng tay phải nhé!
2. Trung Quốc
Là cái nôi của văn hóa Hán tự, khởi nguồn cho toàn bộ nền văn hóa Đông Bắc Á và cũng là một trong những nền ẩm thực lớn nhất thế giới, ẩm thực Trung Hoa bao hàm cả những phép tắc quả thực không đơn giản chút nào. Ở Trung Quốc, bữa ăn luôn được chia ra thành nhiều hình thức khác nhau: điểm tâm (dimsum), tiệc trà, tiệc bàn tròn,… Tuy nhiên, các bữa ăn này vẫn chia sẻ với nhau một điểm chung đó chính là cách bày trí bát đĩa “Lazy Susan”, hay còn gọi là bàn xoay.
Đây là kiểu bố trí bát đĩa phổ biến được áp dụng hầu hết mọi bữa ăn và trong mọi hoàn cảnh: Ở giữa bàn thường có một bộ trà nhỏ, xung quanh là bát sứ với đũa đặt bên phải, và tuyệt nhiên phải có đồ kê đũa cũng bằng sứ. Thức ăn được đặt trên một mặt phẳng hình tròn có trục xoay ở giữa, người ăn chung qua chỉ cần xoay nhẹ tay là món ăn mình muốn đã hiện ra trước mặt. Ý tưởng này vốn phát sinh từ những bộ tiệc xa hoa, hoành tráng đậm chất cung đình, giúp thực khách có thể dễ dàng thưởng thức các đĩa thức ăn dù chúng ở xa hay gần.
Ngoài việc làm quen với bàn ăn tròn, khi tới Trung Quốc , bạn còn cần bỏ túi không ít những quy tắc ăn uống khác: Trừ món súp hoặc canh, các món ăn khác luôn luôn phải được ăn bằng đũa; tuyệt đối không hút thuốc trong bàn ăn; chỗ ngồi trong bữa ăn phải dựa vào sắp xếp của gia chủ, khách không được ngồi tùy tiện,… Như vậy mới biết để thưởng thức một trong những nền ẩm thực vĩ đại nhất thế giới quả không dễ chút nào nhỉ!
3. Nhật Bản
Video đang HOT
So với Trung Quốc, ẩm thực Nhật Bản tuy không khoác lên mình vẻ ngoài rực rỡ và xa hoa, song cũng rất đặc biệt nhờ vẻ tinh tế, tỉ mỉ, cùng tính thẩm mĩ cao. Để thưởng thức món ăn Nhật đúng chuẩn, thực khách cần phải chú ý tới từng chi tiết nhỏ. Thứ nhất, bạn đừng ngạc nhiên nếu thức ăn trên đĩa thường rất ít, bởi người Nhật quan niệm không có gì là chính là phụ, mọi thứ đều tương liên và cân bằng với nhau. Do đó, không chỉ có món ăn đẹp mắt mà chính những họa tiết trang trí trên bát đĩa cũng phải được hiển lộ, bằng việc không để đầy thực phẩm lên trên.
Thứ hai, trong bữa ăn không thể quên lời mời “Itadakimasu” trước khi ăn và “Gochiso sama deshita”sau khi ăn (cả 2 đều mang ý nghĩa cảm ơn vì bữa ăn ngon). Thứ ba, người Nhật rất trọng “không gian riêng” trong bữa ăn. Mỗi người đều tự cầm bát và luôn hướng đũa về phía mình, không để bát hay tựa cùi chỏ lên bàn tức “không gian chung”.
Với món ăn “quốc hồn quốc túy” là sushi, danh sách những quy tắc cần phải nhớ lại càng dài thêm: Không gỡ nhân ra khỏi cơm, không chấm phần cơm vào xì dầu và wasabi mà chỉ chấm phần cá hoặc tôm. Thậm chí, ở một số nhà hàng sushi cao cấp, đầu bếp sẽ tự phết một lượng vừa đủ wasabi lên sushi cho bạn và bạn không được “tự ý” nêm nếm gì thêm sau đó.
Ăn sushi cũng rất mệt đó nha!
4. Hàn Quốc
Một trong những đặc điểm lớn nhất của văn hóa Hàn Quốc chính là phép tắc trên dưới. Người Hàn cực kì coi trọng thứ bậc trong xã hội, và cũng giống như việc coi trọng kính ngữ, một khi đã ngồi vào bàn ăn của người Hàn thì bạn phải nhớ một loạt những quy tắc “kinh trên nhường dưới”.
Như việc rót đồ uống, bạn phải tuân thủ các điều sau: Người ta thường chuyền tay nhau cùng thưởng thức chung một ly rượu, nếu ai đó đưa bạn ly rượu không, bạn cũng đừng ngạc nhiên mà phải chờ họ rót đầy lại cho bạn. Người trẻ tuổi luôn phải mời rượu người lớn tuổi trước, và khi người lớn tuổi chuyền ly cho người trẻ tuổi, họ phải nhận bằng hai tay và quay mặt đi chỗ khác để uống. Điều này được coi là phép lịch sự và lễ độ cơ bản nhất trong ăn uống ở Hàn.
Ngoài ra, một bữa ăn của người Hàn thường rất đa dạng về chủng loại: bữa ăn bao gồm các món hấp, món nướng, món xào, món khô, món nước,… Vì thế, bạn phải nhớ cách ăn đúng chuẩn cho từng loại, như thìa chỉ dành riêng để ăn cơm và đũa để ăn các món khác. Hãy chú ý tới việc cùng chia sẻ thức ăn với người khác thông qua những chiếc nồi lớn đặt giữa bàn, bởi người Hàn tin rằng việc san sẻ này sẽ giúp mọi người xích lại gần nhau hơn.
5. Việt Nam
Ở Việt Nam, các quy tắc bàn ăn trở thành một đề tài cực kì thú vị. Bởi nó có thể vừa phức tạp rắc rối, lại vừa đơn giản đến mức “qua loa”. Việt Nam là đất nước đã tiếp thu nhiều nền văn hóa khác nhau, vì thế phong cách bàn ăn ở nước ta cũng rất đa dạng phong phú: Có những món ăn vẫn phải cầm tay như gỏi, cuốn,…và có những món ăn phải dùng thìa, đũa, dao, nĩa, có những địa phương vẫn duy trì tục mời cơm theo thứ tự trên dưới như miền Bắc, có những nơi lại ăn uống thoải mái như miền Nam.
Tuy nhiên, không phải phong cách thưởng thức ẩm thực của Việt Nam chỉ là sự góp nhặt mà thiếu đi cá tính riêng. Chính trong bữa ăn hàng ngày của người Việt đã thể hiện một lối ăn uống giản dị mà tinh tế, đơn sơ mà ý nghĩa. Trên bàn ăn Việt Nam, nguồn tinh bột quan trọng nhất là cơm sẽ luôn được đặt đầu bàn, nơi người lớn tuổi nhất trong nhà vẫn ngồi (và thường là phụ nữ như bà hoặc mẹ), thể hiện dấu ấn rõ nét của chế độ mẫu hệ đặc trưng ở nước ta. Mọi người thường quay quần bên mâm cơm chung như một quy tắc bất di bất dịch, và khác với Nhật Bản chú trọng sự riêng tư và kín đáo trong bữa ăn, người Việt ưa chuyện trò và trao đổi về mọi thứ diễn ra trong ngày trên chính bàn ăn của mình. Tính chất cởi mở, phóng khoáng và nồng hậu của vùng văn minh lúa nước đều thể hiện rõ qua những bữa ăn giản dị ngày nào cũng có như vậy.
Đúng như câu nói: “Khi ở Rome, phải làm theo người Rome”, phép cư xử nói chung và cung cách ẩm thực nói riêng không phải là một giá trị bất biến. Ở mỗi vùng đất khác nhau, đi cùng với phông nền văn hóa đặc trưng lại có những chuẩn mực, nguyên tắc riêng trong việc ăn uống. Tìm hiểu và học theo những nguyên tắc này không chỉ giúp ích cho bạn khi du lịch hay học tập ở nước ngoài, mà trên hết, nó giúp chúng ta học tập và hiểu biết thêm về những tập tục văn hóa của các nền ẩm thực trên thế giới.
Theo Tapchiamthuc
Châu Á rực rỡ đón Tết Trung thu
Không chỉ Việt Nam, ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia, Hồng Kông... người ta cũng đón Tết Trung thu náo nức. Khắp nơi ở châu Á vào ngày này đều ngập tràn màu sắc rực rỡ.
Tết Trung thu là một trong những ngày tết truyền thống của người châu Á. Đây là dịp để các thành viên trong gia đình đoàn tụ, sum vầy bên mâm cơm và nhâm nhi những chiếc bánh dẻo, bánh nướng không thể thiếu theo phong tục.
Người đi bộ bên dưới những chiếc đèn lồng trên đường phố Bắc Kinh, Trung Quốc trước lễ hội Trung thu (Ảnh AFP)
Những chiếc đèn rực rỡ được tận dụng tối đa ở công viên Victoria, Hong Kong (Ảnh (EPA)
Một du khách đến chùa cầu nguyện (AP)
Những chiếc đèn lồng khổng lồ không thể thiếu trong dịp Tết Trung thu ở Hồng Kông. (AFP)
Mâm cỗ truyền thống của người Hàn Quốc (Ảnh: Nanbean)
Chiếc bánh dẻo của Singapore (Ảnh: Cherylchanphotography)
Chiếc bánh nướng hình tròn tượng trưng cho mặt trăng, thường được dùng với trà ở Trung Quốc (Ảnh: Gilabrand)
Đèn trung thu trên phố Hàng Mã, Hà Nội
Giới trẻ thích thú dạo phố
Chụp ảnh với lồng đèn trang trí tại Hồng Kông. Những chiếc đèn lồng đỏ được treo như một biểu tượng của may mắn.
Mặt trăng lồng giữa đèn trang trí
Một nhân viên nhà hàng dọn dẹp bên dưới những chiếc đèn lồng treo ở Bắc Kinh (Ảnh AFP)
Theo 24h