Khám phá ngôi làng cổ thơ mộng dưới chân núi Phú Sĩ
Trở về từ xứ sở mặt trời mọc, tất cả còn đọng lại trong tôi nguyên vẹn nhất là cảm giác bình yên một chiều cuối thu nắng rưới vàng như mật trên những tàn cây, mái nhà cổ khi dạo bước trên con đường làng cổ Oshino Hakkai dưới chân núi Phú Sĩ.
Cách thủ đô Tokyo chưa đầy 100 km, làng Oshino Hakkai là điểm đến thú vị đối với những du khách thích khám phá nếp sống xưa cũ còn vẹn nguyên của người dân Nhật Bản.
Trước đây khi đang còn phụ trách biên tập cho một tờ tạp chí, tôi nhận được chùm ảnh của một CTV về ngôi làng cổ Oshino Hakkai được chụp vào mùa đông. Tôi đã rất ấn tượng và có một cảm xúc rất mạnh khi nhìn những ngôi nhà cổ với những tàn cây trụi lá mùa đông phủ đặc tuyết trắng bên những hồ nước như một bức tranh thủy mặc. Cảm giác cả ngôi làng đang ngủ đông, tách biệt hẳn với sự sầm uất, huyên náo của thủ đô Kyoto. Tôi đã ước một lần đặt chân đến ngồi dưới những tán cây bên những hồ nước, bình yên ngắm những góc nhà cổ xưa…
Và tôi đã đến…
Một ngôi làng nép mình dưới chân núi Phú Sĩ. Đứng ở một nơi cao ráo trong làng, bạn có thể nhìn thấy đỉnh núi Phú Sĩ phủ tuyết trắng phía xa xa – ngọn núi biểu tượng của tinh thần kiên cường, bất khuất, sự tốt lành.
Bao bọc quanh làng là rải rác 7,8 chiếc hồ nhỏ có nước chảy trong vắt soi bóng mặt người.
Khi bước vào làng Oshino Hakkai, bạn phải làm một thủ tục vào làng, đó chính là đến chỗ bể chứa nguồn nước ở giữa hồ làm nghi thức rửa tay. Bạn phải dùng gáo bằng ống tre hứng dòng nước chảy qua khe nhỏ để rửa sạch hai bàn tay theo quy tắc. Sau đó xoa nhẹ lên mặt. Bạn cũng có thể hứng thêm một chút nước mát lạnh để uống trước khi cầm vào chuôi gáo, xối ngược gáo nước để rửa tay cầm và trao lại cho người kế tiếp. Đây là một nghi thức quen thuộc thường thấy khi đến bất cứ một đền, chùa nào ở Nhật Bản.
Dòng nước trong mát dùng để rửa tay và uống, được biết là nguồn nước chảy về từ đỉnh núi Phú Sĩ. Đó là nước từ những mảng băng, tuyết tan ra, ngấm vào mạch ngầm trong lòng đất và đổ về. Người Nhật tin rằng nước từ núi Phú Sĩ sẽ đem lại cho họ nhiều may mắn và sức khỏe. Bởi thế nên ai đến đây cũng chuẩn bị một chai nước (không có chai thì mua chai) để lấy một ít nước mang về.
Video đang HOT
Người Nhật cao tuổi đặc biệt yêu thích Oshino Hakkai còn bởi ngôi làng cổ còn lưu giữ những cách làm nghề nông theo kiểu truyền thống – một cách tự hào về góc xưa cũ còn nguyên vẹn cách Tokyo hiện đại hơn 100 km.
Là một vùng nông thôn nên những món ăn địa phương tại Oshino Hakkai thường gắn với các loại nông sản như: khoai lang, đậu đỏ, đậu xanh và các loại nấm. Những món đặc sản độc đáo không thể không thử là đậu hũ mát lạnh ngâm trong bể nước chảy từ núi Phú Sĩ, bánh mochi, trà nấm hương và bánh nướng trà xanh tốt cho sức khỏe. Tại các quầy hàng, bạn có thể được chiêm ngưỡng cách người nội trợ Nhật Bản trổ tài làm các món ăn mời khách.
Đến với khu làng cổ Oshino Hakkai, bạn sẽ được tận hưởng không gian êm đềm của làng quê và khám phá lối kiến trúc truyền thống ở xứ sở hoa anh đào. Những ngôi nhà cổ xưa rêu phủ đầy mái, bức tường phủ kín trái bắp khô và những guồng nước gỗ róc rách, thùng quạt gió bằng gỗ chính là công cụ lao động mà hơn 100 năm trước, người dân vẫn sử dụng để phục vụ cuộc sống hàng ngày.
Tôi men theo lối nhỏ dọc bên kinh nước, mùa thu lá hai bên đường phủ rợp một màu vàng thấp thoáng xen những bóng nhà cổ như một bức tranh thu thanh tịnh và bình yên. Nhìn ngắm, ngó nghiêng và hít căng lồng ngực bầu không khí trong lành.
Thỉnh thoảng tôi đứng lặng dưới tán cây để suy tư vẩn vơ – một nước Nhật với nhiều điều làm thế giới nghiêng mình sửng sốt nhưng cũng còn đó nhiều vấn đề xã hội. Nơi để ta học hỏi vạn điều hay nhưng cũng cần nhìn vào đó để học cách cân bằng. Và làng cổ Oshino Hakkai là nơi để cho bạn đến để cân bằng và để bỏ lại mọi bon chen ở đời sống thường nhật này.
Bài và ảnh: Tịnh Thu
Theo motthegioi.vn
Khám phá động Am Tiên, "Tuyệt tình cốc" của cố đô Ninh Bình
Đến với Ninh Bình, ngoài những địa danh nổi tiếng đã quá quen thuộc như Tam Cốc - Bích Động, chùa Bái Đính, Hang Múa, Tràng An...
Bạn nhớ đừng bỏ qua danh thắng Động Am Tiên, một địa điểm du lịch mới nổi chừng ba năm nay, với tên gọi đậm chất kiếm hiệp "Tuyệt tình cốc".
Là một thắng cảnh thuộc quần thể di tích quốc gia cố đô Hoa Lư, động Am Tiên nằm tại xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, cách trung tâm thành phố Ninh Bình chỉ 12km.
Trước khi xây đường hầm xuyên núi vào động, động Am Tiên nằm khá biệt lập nên không nhiều người biết, kể cả người địa phương. Dù vị trí động Am Tiên cách cửa Đông của đền vua Đinh Tiên Hoàng có 400m, tiếp giáp với thành Đông của kinh đô Hoa Lư năm xưa.
Tổng quan ngày nay, động Am Tiên nằm trong một thung lũng được bao bọc bởi những vách núi đá, có hồ nước thủy mặc chính giữa, có chùa đá trên núi, có đường hầm xuyên núi, có cổng thành oai phong...
Cổng thành đá trông như khung cảnh một bộ phim kiếm hiệp, mở ra biết bao sự tò mò phía sau lưng nó về một "cốc" núi đá hoang liêu mang đầy dấu ấn lịch sử. Có phải vì vậy mà sau này người ta đã gọi tên động Am Tiên là "Tuyệt tình cốc"?
Động Am Tiên nằm ở lưng chừng núi, năm xưa dưới thời vua Đinh là nơi nuôi nhốt hổ báo để trừng trị tử tù. Còn hồ nước lớn nằm giữa toàn bộ khu du tích chính là Ao Giải, vua Đinh cho nuôi cá sấu để ném những kẻ có tội xuống cho cá ăn thịt.
Trong hồ Ao Giải phủ kín rong rêu, những ngày đẹp trời có nắng, nước trong hồ trong xanh như ngọc bích. Ngoài ra, mùa hè ở đây còn có hoa sen, hoa súng nở kín hồ.
Trên động Am Tiên có chùa Am Tiên cùng tên, phải leo hơn 200 bậc thang đá mới có thể lên đến chùa.
Những năm cuối đời mình, Thái hậu Dương Vân Nga cũng xuất gia tu hành tại chùa Am Tiên, lấy pháp danh là Bảo quang Hoàng thái hậu. Có một bài thơ nổi tiếng của nhân gian truyền khẩu đã được khắc trên tường chùa để nói về vị hoàng hậu nổi tiếng này:
"Hai vai gồng gánh hai vua
Hai triều hoàng hậu, tu Chùa Am Tiên
Theo chồng đánh Tống, bình Chiêm
Có công với nước, vô duyên với đời".
Ngoài thờ Phật, Hoàng hậu Dương Vân Nga, chùa Am Tiên còn thờ vài vị danh nhân thời Đinh, thờ Thiền sư Nguyễn Minh Không thời Lý. Thiền sư chính là người đã tu hành trong hang, tụng kinh thuyết pháp, xây thêm các bệ đá thờ Phật mà ngày nay du khách lên đến cửa hang chính có thể nhìn thấy.
Sâu trong lòng núi của động - chùa Am Tiên, nơi đây có hình dáng giống miệng con rồng nên còn được gọi là hang Rồng. Trong hang có rất nhiều thạch nhũ đá hàng vạn năm tuổi.
Là một vùng đất tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài, động Am Tiên xứng danh tên gọi "Tuyệt tình cốc", là một ốc đảo xanh đẹp như phim kiếm hiệp, xứng đáng là điểm đến không thể bỏ qua trong hành trình khám phá cố đô Ninh Bình của bạn.
HẠ DU
Theo nhandan.com.vn
Cặp vợ chồng bỏ việc, bán nhà đưa con du lịch khắp thế giới Vì muốn con được tiếp xúc nhiều hơn với thế giới bên ngoài, đôi vợ chồng người Anh đã quyết định nghỉ việc, bán nhà và dành tiền đưa 2 đứa trẻ đi du lịch khắp nơi. Nhận thấy việc học tập ở trường của con thiếu sự trải nghiệm thực tế, cặp đôi người Anh Andre và Becky đã quyết định cho...