Khám phá nghề làm ông Táo bằng đất nung duy nhất còn sót lại ở xứ Huế
Địa Linh – ngôi làng duy nhất ở tỉnh Thừa Thiên Huế còn lưu giữ nghề làm ông Táo bằng đất nung.
Cứ vào dịp cuối năm, những gia đình làm nghề này lại tất bật để kịp cung ứng sản phẩm ra thị trường.
Nằm cạnh phố cổ Bao Vinh, làng Địa Linh (thuộc phường Hương Vinh, thành phố Huế) là ngôi làng duy nhất còn lại ở tỉnh Thừa Thiên Huế lưu giữ được nghề làm ông Táo bằng đất nung. Đây là nghề truyền thống đã có từ lâu đời và được gìn giữ qua bao thế hệ con cháu.
Để làm được những bức tượng ông Táo, đầu tiên người dân phải chọn lựa đất sét rất kỹ. Sau đó lọc tạp chất như sạn, đá, bao bì…, rồi nhào nặn và mang đi đúc thành tượng. Đây là công đoạn vất vả nhất để làm ra các bức tượng ông Táo.
Tượng sau khi đã đúc thành hình sẽ được mang ra phơi nắng cho khô ráo. Vào những ngày mưa, người dân phải sử dụng quạt máy để sấy khô.
Để ra thành phẩm, tượng còn phải được nung trong lò thời gian từ 2 – 3 ngày, vì vậy việc canh nhiệt độ trong lò là khâu hết sức quan trọng, đòi hỏi phải có kinh nghiệm lâu năm. Nếu nhiệt độ quá cao tượng sẽ dễ vỡ, sứt mẻ.
“Suốt tháng nay, lò nung của gia đình hoạt động liên tục, cứ 2 – 3 ngày lại phải nung một lò. Nhiều thương lái đến đặt hàng trước cả tuần nhưng vẫn chưa có để bán”, bà Lượng, người gia đình có 3 đời làm nghề chia sẻ.
Video đang HOT
Mỗi mẻ nung trong lò chứa từ 2.000 đến 3.000 tượng xếp chồng lên nhau. Với số lượng nhiều như vậy nên đòi hỏi sự tỉ mỉ rất cao.
Mỗi năm, gia đình bà Vân cung ứng ra thị trường gần 100.000 tượng ông Táo. Thị trường tiêu thụ bao gồm cả trong và ngoài tỉnh. Công việc này bắt đầu từ tháng 2 âm lịch kéo dài cho đến hết năm.
Tượng sau khi được nung sẽ được phủ một lớp sơn nền màu hồng, đây là loại sơn chuyên dùng cho đất nung.
Sau đó, các bức tượng sẽ được vẽ thêm màu và rải kim tuyến. Đây là khâu mất thời gian nhất để làm ra một bức tượng ông Táo hoàn thiện.
Các thành viên trong gia đình ông Võ Văn Nam đều có công việc riêng, tuy nhiên, cứ vào dịp giáp Tết, cả gia đình lại tất bật để hoàn thành những bức tượng ông Táo, kịp cung ứng ra thị trường.
Theo ông Nam, một bức tượng đẹp hay xấu được quyết định bởi công đoạn vẽ màu. Công đoạn này cần phải tỉ mỉ, tinh tế trong từng nét vẽ.
Ngoài các tượng sơn màu, người dân nơi đây còn sản xuất tượng sơn mài. Đối với tượng sơn mài, sau khi sơn xong sẽ mang phơi nắng để nước sơn lên màu đẹp nhất.
Tượng ông Táo thành phẩm chuẩn bị cung ứng ra thị trường. Sản phẩm là một kệ đất nung in nổi hình 3 ông Công ông Táo được sơn phủ nhũ màu cùng kim tuyến lấp lánh, kích cỡ rộng khoảng 12cm, cao khoảng 10cm.
Tượng thành phẩm sẽ được đóng gói cẩn thận để tránh va đập khi di chuyển. Giá của mỗi bức tượng ông Táo bán ra cho lái buôn dao động từ 1.200 đồng đến 1.700 đồng/tượng (lãi khoảng 700 – 900 đồng/tượng). Sau khi nhập hàng về, lái buôn sẽ bán ra thị trường với mức giá 10.000 đồng – 15.000 đồng/tượng.
Theo quan niệm dân gian Việt Nam, cứ đến ngày 23 tháng Chạp hằng năm, Táo quân – một vị thần trông coi việc bếp núc trong gia đình – sẽ cưỡi cá chép về trời để báo cáo lại những chuyện xảy ra ở nhân gian trong một năm vừa qua. Vào ngày này, mỗi gia đình thường chuẩn bị một mâm cúng, bánh trái để đưa ông Táo về trời cùng với đó là thay tượng ông Táo mới nhằm cầu mong cho sự ấm no, đầy đủ cho gia đình.
Đặc sản bánh trắng trong "chưa chộ đã sèm" hiếm có khó tìm ở Chợ Sa Nam, Nghệ An
Đã qua rồi cái thời "bánh đúc trấy tro bán bò không kịp", trải qua bao năm tháng người dân làm nghề nấu bánh đúc ở thị trấn Nam Đàn vẫn gắn bó với công việc để mưu sinh và gìn giữ một nghề truyền thống đã có từ lâu đời.
Người dân Nam Đàn thường truyền tụng câu ca: "Bánh đúc, bánh độ chưa chộ đã sèm" để nói về cái ngon của bánh đúc ở chợ Sa Nam. Bánh đúc từng là đặc sản, mang đậm chất ẩm thực vùng miền: "Sa Nam trên bến dưới đò/ Bánh đúc ba dãy thịt bò mê thiên". Ngày nay, bà con làm nghề nấu bánh đúc quanh chợ Sa Nam không nhiều như trước, nhưng một số gia đình ở đây vẫn gắn bó với nghề truyền thống. Ảnh: Huy Thư
Để làm nên những chiếc bánh đúc phải qua nhiều công đoạn: làm khuôn, xay bột, nấu nấu bột, đổ bánh... Ngày xưa, khi nấu được bánh, người dân ở đây thường đổ bánh vào những chiếc mẹt, vào bát ăn cơm. Sau này, bà con đã cải tiến dùng mo cau cắt nhỏ, khoanh tròn, tạo thành những chiếc khuôn. Những năm qua, nhiều người lại cắt ống nhựa PV làm khuôn thay thế mo cau. Chiếc khuôn bằng ống nhựa có đường kính 8 cm dày 1,5 cm, lót lá chuối sẽ cho "xuất xưởng" những chiếc bánh đúc đều nhau. Ảnh: Huy Thư
Chị Hồ Thị Liễu (36 tuổi) ở khối Nam Bắc Sơn, thị trấn Nam Đàn cho biết, gia đình phía chồng của chị đã 3 đời làm nghề bánh đúc. Theo chị Liễu, bánh đúc làm từ bột gạo và nước vôi trong. Sau khi nấu sôi nước vôi thì đổ hỗn hợp bột gạo vào, đun đều lừa, quấy đều tay. Công đoạn nấu bánh đúc là khó nhọc nhất vì người nấu phải "ôm" nồi cả buổi và quấy bánh liên tục. Mùa đông, nấu bánh đúc thì còn đỡ chứ mùa hè thì rất nóng. Ảnh: Huy Thư
Ngày trước, bánh đúc Sa Nam được nấu trực tiếp từ gạo, sau này có cối xay, máy xay bột gắn động cơ thì nấu từ hỗn hợp bột gạo, do đó nghề nấu bánh đúc cũng đỡ vất vả hơn. Tuy nhiên để nấu được 1 nồi bánh (khoảng 10kg gạo) cũng mất vài ba tiếng đồng hồ. Ảnh: Huy Thư
Khi bánh chín, phải nhắc ngay nồi xuống bếp và tiến hành múc bánh vào khuôn khi đang nóng. Gia đình chị Liễu mỗi ngày nấu khoảng 30 kg gạo, thường nấu vào lúc chập choạng và lúc rạng đông. Mỗi kg gạo có thể nấu được 20 - 25 chiếc bánh. Chị Liễu cho biết, thu nhập của nghề bánh đúc không đủ để làm giàu, nhưng cũng giúp gia đình chị ổn định cuộc sống. Ảnh: Huy Thư
Để nấu được bánh đúc ngon, theo những người làm nghề, trước hết cần phải chọn gạo chuẩn, nay bà con thường dùng gạo Khang Dân. Ngoài ra, kinh nghiệm, kỹ thuật pha chế, việc hãm lửa cũng rất quan trọng, nhất là lượng nước vôi cho mỗi nồi bánh. Một mẻ bánh ngon, chín tới, phải đảm bảo các yêu cầu "săn, mịn, đẹp màu", bánh đông chắc, màu trắng sáng, giữ được hương vị. Ảnh: Huy Thư
Bà Trần Thị Hồng (50 tuổi) ở khối Vạn An, thị trấn Nam Đàn cho biết gia đình bố mẹ của bà ở xóm Bắc Sơn, xã Vân Diên (cũ) đã có 5 đời làm nghề nấu bánh đúc bán ở chợ Sa Nam và nhiều chợ quê trong huyện. Riêng bà, từ hồi học lớp 3 đã biết xay bột, theo mẹ nấu bánh đúc, rồi mang nghề này về nhà chồng và gắn bó suốt mấy chục năm qua. Ảnh: Huy Thư
Từ món ăn dân dã, được mua bán hằng ngày, được dùng để cúng tổ tiên vào dịp lễ tết, bánh đúc Sa Nam đã trở thành đặc sản của Nam Đàn. Ăn bánh đúc chấm tương, chấm mắm tôm, hay ăn với hến, rêu cua đều để lại ấn tượng khó quên. Ảnh: Huy Thư
Dẫu trên thị trường có nhiều thứ quà ngon, bánh lạ, nhưng bánh đúc cổ xưa, dân dã ở chợ Sa Nam vẫn được khách hàng trân trọng như một thứ đặc sản "hiếm có khó tìm". Nhờ vậy, người dân làm nghề nấu bánh đúc ở thị trấn Nam Đàn cũng gắn bó, cũng yêu hơn nghề truyền thống. Ảnh: Huy Thư
"Luyện" cây da trắng, quả đỏ thành cây cảnh bonsai độc lạ, trai 9X xứ nhãn kiếm đều chục triệu/tháng Sinh ra ở "thủ phủ" nhãn lồng nhưng anh Nguyễn Duy Việt (SN1991) ở xã Hồng Tiến, huyện Khoái Châu, (Hưng Yên) lại không theo nghề truyền thống của gia đình mà lại làm hàng cây cảnh bonsai. Đến giờ chàng trai 9X này đang có thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng nhờ "luyện" sung bonsai. Mới bén duyên với cây cảnh bonsai...