Khám phá nét hoang sơ của Mù Cang Chải
Bạn sẽ thấy mình trở nên nhỏ bé hơn bao giờ hết trước đất trời Tây Bắc. Bạn cũng sẽ tìm thấy yên bình – điều vốn xa xỉ nơi thị thành tấp nập ngược xuôi.
Chúng tôi đi Mù Cang Chải chẳng vào mùa lúa chín, cũng chẳng vào mùa nước đổ. Một chút tò mò, một chút chán nản sự xô bồ của thành phố cùng một chút bốc đồng của tuổi đôi mươi, hai anh em tôi nhét đồ vào balo và khởi hành sau khi kết thúc buổi học chiều.
Mù Cang Chải là một huyện miền tây của tỉnh Yên Bái. Nơi đây vốn chẳng xa lạ với dân ham mê dịch chuyển, với những cung đường uốn lượn ngút tầm mắt đầy quyến rũ. Dân nhiếp ảnh tứ xứ vượt chặng đường dài đến đây để đổi về tấm ảnh những quả đồi nhuộm trong màu vàng óng mượt của lúa chín.
Vẻ đẹp hoang sơ của Mù Cang Chải.
Với tôi, Mù Cang Chải không đẹp riêng bản làng nào, mà đẹp từ chính con đường dẫn chúng tôi đến đó. Bạn sẽ thấy mình trở nên nhỏ bé hơn bao giờ hết trước đất trời Tây Bắc. Bạn cũng sẽ tìm thấy yên bình vốn đã quá xa xỉ nơi thị thành tấp nập ngược xuôi. Như đã nói, chúng tôi không đến đây vào dịp lúa đã chín hay dịp bà con đập đất ke bờ. Chúng tôi đến Mù Cang Chải vào sát dịp Trung thu, là lúc nương lúa vẫn còn xen 2 màu.
Tôi nghĩ rằng, cái thú nhất mà dân xê dịch thích Mù Cang Chải có lẽ là bởi nơi đây hiện ít bị du lịch hóa nhất trong số các tỉnh miền núi phía Bắc. Anh em tôi đến địa phận của xã La Pán Tẩn, chọn một bãi đất rộng ở ven đường dựng lều, chuẩn bị chỗ ngủ.
Với thanh niên miền xuôi, đó là thú vui được tự do giữa đất trời. Nhưng trong mắt những đứa trẻ nơi miền ngược lúc bấy giờ, chúng tôi là một cái gì đó lạ lắm. Lũ trẻ cứ nhìn ra ngó vào, đôi mắt vừa háo hức, vừa tò mò. Thậm chí khi tôi cầm theo tuýp sữa rửa mặt ra khe nước gần đó, lũ trẻ không giấu nổi sự ngạc nhiên khi thấy tôi xoa xoa 2-3 cái là mặt trắng xóa.
Trẻ em ở đây rất mộc mạc, ngây thơ.
Trung thu của trẻ con nơi đây thực sự rất đơn giản. Nếu tôi từng nhầm tưởng Trung thu nơi tôi sống là lễ hội Halloween của các nước phương Tây xa xôi, ở đây nó thực sự là Trung thu với chị Hằng và chú Cuội. Đám trẻ háo hức với chiếc đèn ông sao chúng cầm trên tay, dán mắt vào màn múa lân được tổ chức ở sân nhà văn hóa xã.
Điều tôi thích nhất ở Mù là người dân hay trẻ con không bắt chuyện, không cười, chào với tôi, hòng để bán vài ba món đồ lưu niệm. Tôi chia cho lũ trẻ vài ba chiếc kẹo, gói bánh anh em tôi mang theo để ăn dọc đường. Đứa nào cũng lễ phép xin rồi cất túi để dành, chẳng dám ăn. Cuộc sống nơi đây tuy thiếu thốn về vật chất nhưng các em thực sự rất ngoan, từ cách cư xử với người lạ đến cách giúp đỡ cha mẹ hàng ngày. Bằng tuổi các em, em trai tôi ở nhà ngoài giờ đi học là thời gian cắm mặt vào TV, iPad và lúc nào cũng vùng vằng với mẹ chỉ vì chuyện cất sách vở không ngăn nắp.
Video đang HOT
Bọn trẻ tụ tập thành từng nhóm chơi với nhau.
Ngày bé, tôi cứ ngỡ Mù Cang Chải là nơi heo hút, xa xôi lắm. Nhưng bây giờ, đường lên Mù đã ngắn lại hơn nhiều. Cứ theo cao tốc Nội Bài – Lào Cai, vượt đèo Ô Quy Hồ và qua địa phận Lai Châu là sẽ đến Mù Cang Chải. Nếu là người mê mẩn những con đèo uốn lượn của Tây Bắc, khi trở về, bạn có thể chọn đi chinh phục đèo Khau Phạ – một trong tứ đại đỉnh đèo của nước ta, rồi xuôi theo Tú Lệ, QL32 về lại Hà Nội.
Dựng lều nghỉ ven đường.
Mù Cang Chải mùa nào cũng đẹp, từ chính sự chất phác, thân thiện của người dân nơi đây. Mù còn rất thơm, thứ hương từ lúa mới, theo gió len lỏi đến từng nếp nhà, khiến bạn cứ vấn vương mãi khi ra về. Sẽ chẳng có bất cứ lịch trình, một sự tư vấn nào hoàn hảo về xứ Mù. Nếu đã chọn nơi đây, bạn hãy cứ đi, đi bất cứ khi nào bạn thích bởi Mù Cang Chải luôn đẹp, luôn huyền bí và cuốn hút du khách theo cách mà không mảnh đất nào có được.
Theo Zing News
Yên Bái và những điểm du lịch hút hồn phượt thủ
Tỉnh Yên Bái có nhiều cảnh đẹp, như Mù Cang Chải, hồ Thác Bà, suối Giàng, Tà Xua, thác Pú Nhu...
Yên Bái là tỉnh miền núi, nằm giữa vùng Tây Bắc - Đông Bắc và trung du Bắc bộ, phía bắc giáp tỉnh Lào Cai, phía nam giáp tỉnh Phú Thọ, phía đông giáp 2 tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang và phía tây giáp tỉnh Sơn La.
Với địa hình độ dốc lớn, cao dần từ đông sang tây, từ nam lên bắc, độ cao trung bình 600 m so với mực nước biển, cảnh quan Yên Bái rất phong phú với nhiều cảnh đẹp như ruộng bậc thang Mù Cang Chải, chè xanh Suối Giàng, hay khu du lịch Hồ Thác Bà...
Ruộng bậc thang Mù Cang Chải
Mù Cang Chải là một huyện vùng cao nằm ở phía tây của tỉnh Yên Bái, với trên 90% dân số là đồng bào Mông. Từ Hà Nội để đến với Mù Cang Chải, bạn có thể lựa chọn đi theo hướng Quốc lộ 32, để cùng với đó khám phá đèo Khau Phạ, một trong tứ đại đỉnh đèo của Tây Bắc.
Mù Cang Chải nổi tiếng với khách du lịch bởi sự hùng vĩ của thiên nhiên và những triền ruộng bậc thang xanh ngút ngàn tầm mắt. Hơn 700 ha ruộng, trong đó 50% tập trung ở 3 xã là La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Dế Xu Phình trải dài suốt đoạn đường từ đèo Khau Phạ về đến trung tâm thị trấn, quyến rũ mê người từ màu vàng óng của những nương lúa.
Mù Căng Chải mùa lúa chín. Ảnh: Placehunt.
Săn mây Tà Xùa
Tà Xùa (Bắc Yên, Yên Bái) đang là điểm đến săn mây hấp dẫn của các nhiếp ảnh gia và bạn trẻ thích xê dịch trong những năm trở lại đây. Tà Xùa được hợp lại từ ba đỉnh núi hùng vĩ, quanh năm thường được mây ngàn bao phủ, và là ranh giới tự nhiên giữa Sơn La với Yên Bái.
Đến Tà Xùa, bạn có thể đi giữa rừng nguyên sinh, những cây cổ thụ rêu phong phủ kín phảng phất mùi thơm của gỗ, những vạt hoa rừng khoe sắc trong gió đông, những biển mây trôi bồng bềnh, phiêu lãng...
Biển mây trên Tà Xùa. Ảnh: Nguyễn Ngọc Minh.
Thác Pú Nhu
Thác Pú Nhu nằm ở bản Pú Nhu, thuộc xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải, cách trung tâm huyện Mù Cang Chải chừng 10 km về phía tây. Được bắt nguồn từ các con suối trên các cánh rừng đầu nguồn từ Than Uyên (Lào Cai) đổ về, thác có độ cao cột nước khoảng 20 m được chia thành nhiều bậc.
Ở khu vực thác, nhiệt độ cao nhất trong năm khoảng 26 độ C, khí hậu trong lành, mát mẻ thật lý tưởng cho những chuyến dã ngoại trong ngày. Những thềm đá được nước đổ xuống chảy êm đềm trên những mảng rong xanh sẽ để lại ấn tượng cho ai từng trầm mình trên đó mà thả hồn theo dòng nước, quên đi những lo toan bộn bề của cuộc sống.
Hồ Thác Bà
Nằm ở phía Tây Bắc Tổ quốc, hồ Thác Bà của tỉnh Yên Bái, nơi được ví như "Hạ Long trên núi" là một trong ba hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam hình thành khi xây dựng Nhà máy thủy điện Thác Bà.
Hồ Thác Bà nằm trong địa phận hai huyện Yên Bình và Lục Yên, với diện tích gần 23.500 ha, với hơn 1.300 đảo xanh lớn nhỏ soi bóng dưới mặt nước cùng hệ thống hang động đẹp ẩn sâu trong lòng những dãy núi đá vôi. Chính sự kỳ bí ấy tạo cho Thác Bà một vẻ đẹp lung linh huyền hoặc nhưng lại rất thân thiện, hữu tình.
Những làng, bản ven hồ Thác hiện nay vẫn còn giữ được nét hoang sơ, nguyên thuỷ cùng bản sắc văn hóa đặc trưng của cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Phù Lá, Cao Lan...
Suối Giàng
Suối Giàng là xã thuộc huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, nằm ở độ cao 1.371 m so với mực nước biển, với diện tích 5.922 ha, được biết đến với các loại đá cảnh quý vân hoa tím, xanh với nhiều hình thù kỳ thú phân bố chủ yếu ở dãy núi Khỉ, thôn Kang Kỷ, thôn Suối Lóp...
Ngoài những sản vật của miền sơn cước như rau cải Mèo, su su, sa mộc, pơ mu, các loại củ, quả, ngũ cốc, nét hấp dẫn du khách tìm đến với Suối Giàng là văn hóa trà của người Mông. Niềm vui lớn nhất của nhiều du khách khi đến đây là được thưởng thức đặc sản chè Shan tuyết nức tiếng xa gần ngay tại cái nôi sản sinh cây Chè Tổ.
Vùng chè cổ thụ Suối Giàng nằm ở các thôn Giàng Cao, Giàng B, Păng Cáng, Tập Lăng I, Tập Lăng II, Suối Lóp... Ngoài ra, du khách có thể tham quan các đồi chè ở tầng thấp với phong cảnh thiên nhiên hữu tình và tham gia vào cuộc sống sinh hoạt giản dị, mộc mạc của người Mông dưới chân núi.
Nương chè xanh mướt bạt ngàn. Ảnh: Hải Dương.
Bản văn hóa Ngòi Tu
Bản Ngòi Tu thuộc xã Vũ Linh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Với những đặc trưng riêng, Ngòi Tu hấp dẫn du khách không những bởi khung cảnh đẹp, hoang sơ mà còn bởi nơi đây là sự hội tụ các giá trị truyền thống văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc Dao, Cao Lan, Nùng, trong đó chủ yếu là đồng bào Dao quần trắng.
Đến với Ngòi Tu, ngoài việc được thưởng thức những món ăn dân dã, bạn sẽ còn được hòa mình vào phong cảnh hữu tình, say lòng cùng những làn điệu dân ca, những điệu múa: làm chay, xúc tép, rước dâu truyền thống... Những bạn thích lang thang khám phá còn có thể tham gia trekking núi Yến, núi Cao Biền hoặc đạp xe khắp bản để khám phá văn hóa của người Dao.
Háng Tề Chơ - làng Nhì
Háng Tề Chơ (Háng Đề Chơ) là bản xa nhất của xã Làng Nhì, Trạm Tấu, Yên Bái. Đây là một bản tập trung khoảng vài chục hộ dân người Mông Đen, bản cũng sở hữu ngọn thác cùng tên Háng Tề Chơ, được coi là một ngọn thác đẹp trong danh sách các điểm đến của Tây Bắc.
Để vào được bản Háng Tề Chơ (hay bản Đề Chơ), du khách phải đi bộ vài tiếng, bởi đường ở đây chỉ dành cho ngựa, còn xe máy không thể đi vào. Từ quãng rẽ Làng Nhì - Háng Tề Chơ, du khách phải vượt qua thêm chừng 10 con dốc dựng đứng 25 độ. Chính sự hiểm trở của nơi đây đã thôi thúc bước chân chinh phục của những lữ khách
Theo Zing News
Tháng 9 này, đến Yên Bái thăm mùa vàng Mù Căng Chải Những vạt núi, vạt đồi của Tây Bắc hửng lên sắc vàng ươm của những thửa ruộng bậc thang trập trùng. Tháng 9, khi da trời xanh ngăn ngắt, điểm xuyết những dải mây trắng bồng bềnh như chiếc khăn voan hờ hững trên bờ vai thiếu nữ, khi những vạt lá sấu vàng chạy lăn tăn dưới hơi thở của cơn gió...