Khám phá miền tháp cổ xứ Quảng
Quảng Nam được biết đến với hai di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận là Khu di tích Mỹ Sơn ( Thánh địa Mỹ Sơn) và Phố cổ Hội An.
Ngoài Thánh địa Mỹ Sơn, trên mảnh đất Quảng Nam hiện còn lưu giữ những dấu ấn của nền văn hóa Chămpa với các công trình kiến trúc rêu phong cổ kính và mang trong mình nghệ thuật điêu khắc, tạo hình độc đáo…
Nằm ngay bên trục đường tỉnh lộ 609, tháp Bằng An (phường Điện An, thị xã Điện Bàn) là ngôi tháp duy nhất có mặt bằng hình bát giác còn tồn tại đến ngày nay và có hình dáng giống như một chiếc linga khổng lồ.
Theo nội dung tấm bia được dựng tại tháp, vào khoảng năm 875 – 977, vua Bhadravarman II đã cho xây dựng đền thờ Linga Paramesvara để dâng lên Isanesvara.
Như vậy, có thể tháp Bằng An chính là Linga Paramesvara. Tháp có chiều cao khoảng 20m, đế cao, thân hình trụ bát giác, mỗi cạnh tường dài 4m. Phần tiền sảnh khá dài, cửa ra vào ở hướng đông, hai bên tiền sảnh có hai cửa phụ. Vòm mái hình chóp, gồm 8 mái cong thu nhỏ dần và nhọn ở trên đỉnh. Bên ngoài tháp có hai pho tượng Gajasimha bằng sa thạch được chạm cách điệu.
Nhà khảo cổ học J.Boisselier đã xác định niên đại của tháp Bằng An là khoảng cuối thế kỷ XI. Một số nhà nghiên cứu khác lại cho rằng, niên đại của tháp vào khoảng cuối thế kỷ IX đến đầu thế kỷ X; còn hai pho tượng Gajasimha được dựng vào thế kỷ sau… Tháp Bằng An đã được xếp hạng Di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1989.
Từ tháp Bằng An, theo quốc lộ 1A xuôi về phía Nam khoảng 35km là Phật viện Đồng Dương, thuộc địa phận làng Đồng Dương (xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình). Theo nội dung tấm văn bia được tìm thấy tại Đồng Dương, vào năm 875, vua Indravarman II đã cho xây dựng một tu viện Phật giáo và đền thờ vị Bồ tát bảo hộ cho vương triều Laksmindra Lokesvara Svabhayada.
Video đang HOT
Dưới triều đại của Indravarman II, kinh đô của vương quốc Chămpa được dời từ vùng Panduranga (Phan Rang ngày nay) trở ra vùng Amaravati (vùng Quảng Nam – Đà Nẵng ngày nay) và có tên mới là Indrapura.
Theo một số nhà nghiên cứu, địa điểm xây dựng kinh đô là khu vực làng Đồng Dương ngày nay. Đáng tiếc là khu di tích kiến trúc quan trọng này đã bị tàn phá nặng nề bởi thiên tai, thời gian và chiến tranh; hiện chỉ còn một mảng tường tháp mà nhân dân địa phương thường gọi là “tháp Sáng”, cùng với nền móng các công trình kiến trúc khác.
Khu vực Phật viện Đồng Dương được học giả người Pháp L.Finot chủ trì khai quật vào năm 1901; năm 1902 do nhà khảo cổ học người Pháp H.Parmentier chủ trì. Hai cuộc khai quật này đã tìm thấy khu kiến trúc chính của Phật viện cùng nhiều tác phẩm điêu khắc quý giá. Phần lớn các tác phẩm điêu khắc được tìm thấy tại đây hiện được trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, đã góp phần hình thành nên phong cách Đồng Dương nổi tiếng trong nghệ thuật Chămpa giai đoạn nửa sau thế kỷ IX. Năm 2000, Phật viện Đồng Dương được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.
Tháp Chiên Đàn (xã Tam An, huyện Phú Ninh) gồm 3 tháp cổ xếp thẳng hàng theo trục Bắc – Nam, có hình dạng gần giống nhau: Mặt bằng tháp hình vuông, mái xếp tầng thu nhỏ dần lên trên. Tháp Bắc nhỏ nhất, có phần đỉnh và tiền sảnh đã bị sụp đổ hoàn toàn, vòm cuốn trên cửa ra vào còn tương đối nguyên vẹn. Tháp Giữa lớn nhất trong nhóm và được bảo tồn tốt hơn; đỉnh tháp còn lại một tầng, tiền sảnh và phần cửa giả bị sụp phần chân. Tháp Nam nhỏ hơn tháp Giữa và lớn hơn tháp Bắc; phần mái đã bị sụp đổ hoàn toàn.
Theo các nhà nghiên cứu, tháp Nam được xây dựng trước, tiếp theo là tháp Giữa rồi đến tháp Bắc. Trong đợt trùng tu di tích vào năm 1989, các nhà khảo cổ học đã khai quật quanh các tháp, làm lộ hệ thống chân tường và các trang trí bằng sa thạch cùng hàng trăm tác phẩm điêu khắc có giá trị. Phần trang trí chân tường ở tháp Giữa còn tương đối nguyên vẹn. Đó là những phiến đá lớn ghép quanh chân tháp, được chạm trổ tinh vi, gồm hình ảnh những chiến sĩ cầm vũ khí nhảy múa cùng các vũ nữ, nhạc công, các Apsara (tiên nữ), mặt Kala (quái vật) và Makara (thủy quái).
Trong số các hiện vật phát hiện được ở Chiên Đàn có 2 bàn thờ hình tròn, mặt chạm nổi hai tầng hoa sen, đường kính lớn, được để trên phần đế rời. Các tác phẩm ở Chiên Đàn được xếp vào phong cách Chánh Lộ (có niên đại thế kỷ XI đến đầu thế kỷ XII). Tháp Chiên Đàn đã được xếp hạng Di tích Kiến trúc nghệ thuật quốc gia năm 1989.
Nằm cách tháp Chiên Đàn khoảng 500m theo đường chim bay là phế tích An Phú (hay tháp Lạn), thuộc địa phận thôn An Thiện (xã Tam An, huyện Phú Ninh). Công trình này đã bị sụp đổ từ lâu và được khai quật, phát lộ vào tháng 2-2002.
Qua công tác khai quật, các nhà khảo cổ học đã đánh giá phế tích An Phú là một kiểu thức nhà dài, gần giống như các mandapa (nhà khách, nhà tĩnh tâm) ở Mỹ Sơn. Bình đồ ngôi nhà hình chữ nhật, dài 27m, rộng 9,8m; cửa ra vào ở hai đầu hồi rộng 1,12m. Phần hai đầu hồi thu hẹp thành hai tiền sảnh rộng 6,27m. Các nhà khảo cổ học cũng cho rằng, niên đại tương đối của phế tích An Phú là vào khoảng cuối thế kỷ X.
Trong di sản văn hóa Chămpa, phế tích này còn lại không nhiều; vì thế, đã góp thêm tư liệu quý cho công tác nghiên cứu kiến trúc Chăm. Trừ hai mandapa ở Mỹ Sơn, hầu hết các loại nhà dài này đã bị sụp đổ, thậm chí bị san bằng không còn dấu vết…
Đến với Quảng Nam, nếu không đủ thời gian và điều kiện tham quan Di sản văn hóa thế giới Khu di tích Mỹ Sơn, du khách có thể dành chút thời gian ghé thăm một trong những miền tháp trên. Đây đều là những “viên ngọc quý” của nền văn hóa Chămpa trên vùng đất xứ Quảng, nơi dấu thời gian còn in trên những ngôi tháp cổ u tịch ngàn năm…
Khám phá linh địa cổ Mẫu Sơn, Lạng Sơn
Các nhà khảo cổ học đã tiến hành khai quật và phát hiện ra Khu Linh địa cổ Mẫu Sơn (Lạng Sơn) - trung tâm của các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng của các tộc người ở đây.
Việc phát hiện này đã đem đến cho Mẫu Sơn một giá trị mới, đó chính là giá trị lịch sử, tâm linh bên cạnh giá trị danh thắng của Mẫu Sơn.
Khu linh địa cổ Mẫu Sơn nằm ở độ cao 1.190m so với mặt nước biển, phân bố trên sườn núi dốc trên dãy Mẫu Sơn, thuộc địa phận thôn Lặp Pịa, xã Mẫu Sơn. Đền được xây dựng để thờ vị thần trấn núi Mẫu Sơn có tên gọi là "Đức Tôn Thần Công Tịnh Quang Mậu, Hùng Trấn Đại Vương, Thượng Đẳng Phúc Thần".
Về lịch sử, khu linh địa cổ có nhiều tài liệu ghi chép khác nhau. Tuy nhiên, theo báo cáo khoa học kết quả nghiên cứu, khai quật khu di tích Mẫu Sơn năm 2003 của Bảo tàng tổng hợp Lạng Sơn, di tích này có từ lâu đời, có thể được xây dựng vào khoảng từ thế kỷ X đến thế kỷ XX.
Toàn bộ khu di tích linh địa cổ Mẫu Sơn có diện tích 24.400m 2, được coi là vị trí "đắc địa" theo luật phong thủy: Lưng tựa vào núi Mẹ Mẫu Sơn phía bắc hùng vĩ, mặt hướng ra vũng bồn địa Na Dương - Lộc Bình phía nam sông nước đồng ruộng bao la, bên phải phía tây là núi Cha sừng sững quanh năm mây phủ, bên trái phía Đông là cánh rừng nguyên sinh mọc tươi tốt trên các ngọn núi. Môi trường tự nhiên khá đa dạng và trong lành với những khe suối nhỏ, nhiều cánh rừng nguyên sinh, thảm thực vật nhiều tầng còn bảo lưu được những cây gỗ quý như Tùng la hán, Trầm hương, Các loài hoa Đỗ quyên, Trúc rừng... Thấp hơn phía chân núi là các cánh rừng thông, tre nứa, các khoảng đồi bát ngát hoa sim, mua. Nhiều loại động thực vật hoang dã như lợn rừng, hươu, nai, các loại cầy, dúi, các loài chim... Bởi vậy, đến Đền cổ Mẫu Sơn hình tâm hồn con người trở nên thanh thoát.
Ông Bế Cao Chuyển - Phó Ban quản lý Khu du lịch Mẫu Sơn cho biết: Sau đợt khảo sát và khai quật năm 2003 - 2004 của Bảo tàng Tổng hợp tỉnh kết hợp với các chuyên gia Viện khảo cổ đến nay về cơ bản di tích vẫn giữ nguyên hiện trạng như sau khai quật, gồm có 03 nền móng đắp bằng đá xây dựng đền thờ, các chân cột đá, tường đá và tường gạch, bậc thềm và cánh cửa đá... Gạch xây dựng cho thấy ngôi đền được trùng tu vào cuối thế kỷ XIX.
Hầm mộ đá với cấu trúc và quy mô lớn có vòm che và có nhiều khả năng theo kiểu quan trong ngoài quách. Toàn bộ mộ được dựng bằng những khối đá lớn khai thác tại chỗ. Ngoài ra, một hầm mộ khác có quy mô nhỏ hơn, được dựng theo kiểu trác thạch bằng cách lợi dụng hai tảng đá tự nhiên hai bên và ở trên đậy bằng một phiến đá. Trên một khu vực rộng lớn có rất nhiều tảng đá lớn nằm theo cụm hay đơn lẻ, một số tảng đá lớn có vết tích chế tác của con người. Qua kích thước và vết đục có thể nói những tảng đá này được khai thác làm nguyên liệu để xây dựng ngôi đền cổ. Các đập chắn nước phía trên ngôi đền lợi dụng địa thế của các dãy đá tự nhiên chạy ngang sườn núi có gia cố thêm bằng đá phiến.
Ông Bế Cao Chuyển cũng cho biết thêm: Đầu tháng 9/2011, Ban quản lý Khu du lịch Mẫu Sơn đã thực hiện kế hoạch số 52/KH - TTXTDL của Trung tâm Xúc tiến Du lịch về khảo sát, hội thảo đánh giá tiềm năng du lịch Linh địa cổ Mẫu Sơn. Nếu được đầu tư cơ sở hạ tầng điểm du lịch này sẽ đáp ứng yêu cầu của một khu du lịch quốc gia.
Khu đền cổ và mộ đá trên khu linh địa cổ hiện tồn tại với đầy đủ ý nghĩa của di tích tín ngưỡng, tôn giáo, vừa là nơi thờ tự thần núi Mẫu Sơn vừa là nơi có di tích mộ đá lớn. Song, nó đơn thuần không chỉ là nơi thờ tự, lăng mộ, hành lễ, mà còn là biểu tượng của sức mạnh văn hóa thể hiện đời sống tinh thần phong phú người Tày cổ ở khu vực này.
Linh địa cổ Mẫu Sơn vẫn còn đó những bí ẩn về lịch sử và bí mật về chủ nhân đã dày công xây dựng nên nó. Những câu chuyện lưu truyền trong cộng đồng các dân tộc nơi đây và những chứng tích còn lại vẫn là những bí mật mà mỗi chúng ta cần có thời gian và bằng chứng để khẳng định về một vùng linh địa đã tồn tại lâu đời tại vùng núi Mẹ nơi biên cương địa đầu tổ quốc thiêng liêng này.
Với ý nghĩa như vậy có thể khẳng định khu đền cổ và mộ đá ở khu linh địa là một điểm đến không thể bỏ qua đối với khách du lịch đến với Lạng Sơn. Đến đây du khách có thể hiểu rõ thêm về lịch sử hào hùng của các tộc người ở đây và thưởng thức các cảnh đẹp, đặc sản riêng của vùng núi Mẫu Sơn.
Khám phá vẻ đẹp kỳ thú động Ngườm Ngao, Cao Bằng Khi nói đến Cao Bằng thì nhiều người thường sẽ nhắc đến thác Bản Giốc, khu di tích Pác Bó... nhưng Cao Bằng còn một điểm tham quan rất thú vị và hấp dẫn khác đó là động Ngườm Ngao thuộc địa phận Bản Gun, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng Đường vào động Ngườm Ngao Ngườm Ngao được người...