Khám phá Kon Tum – Vẻ đẹp thiên đường bị lãng quên
Chuyến đi Kon Tum cùng người bạn thân đã đọng lại trong mình biết bao kỷ niệm bởi vẻ đẹp và những truyền thống thú vị của nơi đây.
Trước đây, mình từng có chuyến du lịch thú vị tới Đắk Lắk. Bài review lần đó được rất nhiều bạn bè và người đam mê du lịch ủng hộ. Lần này, mình quyết định sẽ thực hiện một chuyến du lịch khám phá vẻ đẹp của Kon Tum, tỉnh cực bắc Tây Nguyên được mệnh danh là “ngã 3 Đông Dương”.
Nên đi Kon Tum vào thời điểm nào?
Thời tiết ở Kon Tum được chia thành 2 mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Trong đó, mùa mưa thường bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau. Mỗi mùa, Kon Tum lại thu hút du khách bằng vẻ đẹp riêng. Tháng một là mùa cao su thay lá, tháng 3 mùa bông cà phê nở trắng trời, tháng 11-12 chớm đông dã quỳ vàng rực phủ khắp núi đồi, là mùa của những lễ hội truyền thống các dân tộc.
Đến Kon Tum, bạn có thể lựa chọn thời điểm tháng 12 đến tháng một, khi các lễ hội diễn ra.
Đi đến Kon Tum như thế nào?
Mình và người bạn bắt đầu xuất phát từ thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông. Sau đó, cả hai bắt xe khách giường nằm dọc đường, do ở Gia Nghĩa không có nhiều xe để đặt vé trước. Xe chạy lúc 7h30, di chuyển khoảng 350 km, mất khoảng 7 tiếng, đến Kon Tum lúc 14h30.
Do các địa điểm du lịch tại Kon Tum nằm gần nhau, nên để tiện di chuyển bạn nên thuê xe máy ở khách sạn cho chủ động.
Bạn có thể lựa chọn đi máy bay sẽ nhanh hơn. Kon Tum cách sân bay Pleiku (Gia Lai) chỉ 45 km, nên bạn có thể đáp máy bay xuống Pleiku rồi bắt xe buýt hoặc taxi đi Kon Tum, giá xe bus là 35.000 đồng/người. Hoặc nếu có thời gian, bạn đi kết hợp bay tới Buôn Ma Thuột tham quan rồi bắt xe đi Kon Tum, sau đó bay từ Pleiku (Gia Lai) về lại.
Về việc đi lại ở Kon Tum, mình thuê xe máy tại khách sạn với giá 150.000 đồng/ngày để thuê loại xe tay ga, sẽ thoải mái và chủ động hơn trong việc di chuyển. Tuy nhiên bạn vẫn có thể có lựa chọn khác là gọi taxi.
Đến Kon Tum ở đâu?
Kon Tum có khá nhiều khách sạn, nơi mình ở phòng rộng rãi, nội thất tinh tế, từng căn biệt lập kiểu villa mini. Khách sạn thuộc hàng sang chảnh và đẹp nhất ở phố núi Kon Tum nhưng giá lại rất phải chăng, chỉ 255.000 đồng/đêm/2 người tại thời điểm mình đặt.
Khu nhà thiết kế đơn giản nhưng trang nhã, sạch sẽ, giá lại phải chăng.
Ở đây có hai khu nhà mới và cũ, nhưng theo mình thì khu cũ có hồ cá, cây cảnh nhìn thoáng mát hơn. Ngoài ra, để thuận tiện cho việc tham quan, bạn nên thuê phòng trên các tuyến đường chính như Phan Đình Phùng, Trường Chinh, Duy Tân, Trần Phú… Giá một phòng dao động khoảng từ 200-300.000 đồng.
Những lối đi nhỏ bên trong khách sạn, ở giữa các căn phòng biệt lập có cả một hồ cá rất đẹp.
Những điểm check-in không thể bỏ qua
Kon Tum nổi tiếng với Ngã ba Đông Dương huyền thoại, là điểm tiếp giáp giữa 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Đến đây bạn có thể chọn tới Măng Đen với rừng thông, không khí mát mẻ như một phiên bản khác của Đà Lạt, cùng với thác Pa Sỹ.
Tuy nhiên, vì Măng Đen hơi giống Đà Lạt nên lần này mình không chọn đi. Thời điểm đi Măng Đen hợp lý nhất rơi vào tháng một đến tháng 2, lúc mai anh đào nở hồng cả bầu trời, đẹp như vườn địa đàng. Lần này đến Kon Tum, mình đã lựa chọn tới những địa điểm sau.
Măng Đen là điểm du lịch hấp dẫn mà bạn không thể bỏ qua khi tới Kon Tum, thời điểm tháng một đến tháng 2 là thích hợp nhất để bạn khám phá khi mai anh đào đã nở. Ảnh:
Video đang HOT
Nhà thờ Gỗ
Nhà thờ chánh toà Kon Tum, tên gần gũi là Nhà thờ Gỗ, nằm ở đường Nguyễn Huệ, phường Thống Nhất, ngay trung tâm thành phố Kon Tum. Nhà thờ này có niên đại hơn một thế kỷ, hoàn tất xây dựng vào năm 1918, do người Pháp thiết kế nên mang đậm phong cách Roman phối với kiểu nhà sàn người Bana đặc trưng Tây Nguyên.
Nhà Thờ Gỗ mang phong cách kiến trúc châu Âu cổ, được xây dựng từ năm 1918.
Nhà thờ hoàn toàn được làm bằng gỗ với tông màu nâu trầm khó trộn lẫn. Điểm độc đáo nữa là họ dùng đất trộn rơm để dựng tường và trần theo kiểu làm nhà truyền thống của người miền Trung.
Các giờ lễ vào buổi sáng và chiều tại đây rất đông người, nếu bạn không theo đạo và muốn có sự riêng tư có thể tới đây vào khoảng 14-15h sẽ vắng hơn.
Nhà Rông là kiểu nhà sàn đặc trưng, ngôi nhà cộng đồng dùng làm nơi tụ họp của dân làng trong các buôn làng trên Tây Nguyên. Nhà Rông có nhiều ở những buôn làng người dân tộc như Gia Rai, Ba Na… ở phía Bắc Tây Nguyên, đặc biệt là hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai.
Mỗi làng ở Kon Tum sẽ có một nhà rông nhưng nhỏ hơn. Mỗi nhà rông đều có nét đẹp và cổ riêng, người dân sẽ sinh hoạt ở đó vào các dịp trọng đại. Những lễ hội lớn như lễ hội cồng chiêng, đón năm mới… mọi người sẽ tập trung tổ chức ở nhà rông Kon Klor.
Cầu treo Kon Klor
Cầu treo Kon Klor được xem là chiếc cầu dây văng to và đẹp nhất khu vực Tây Nguyên. Cầu được xem là biểu tượng của tỉnh Kon Tum và cũng là niềm tự hào của người dân nơi đây, là một điểm đến mà bạn không thể bỏ lỡ khi ghé thăm mảnh đất Tây Nguyên này.
Cầu treo Kon Klor được xem là chiếc cầu dây văng lớn nhất ở Tây Nguyên, địa điểm tham quan hấp dẫn cho mọi người trải nghiệm.
Vì nằm ngay sát bên nên từ nhà rông Kon Klor, bạn có thể đi bộ tới cầu. Từ đây, bạn cũng có thể chạy qua cầu treo để vào buôn làng, tham quan cuộc sống, sinh hoạt của người dân ở đó.
Lượng xe, người và cả phương tiện thô sơ đi qua lại cầu mỗi ngày khá đông, thậm chí còn cả những ê-kíp chụp ảnh cưới tới đây rất nhiều nên bạn sẽ tốn khá nhiều công sức để có những tấm ảnh riêng tư tuyệt đẹp.
Bao quanh Kon Klor là những ngọn núi bao phủ bởi nương dâu xanh rờn.
Cà phê Indochine
Indochine là một khu tổ hợp nhà hàng – cà phê – khách sạn nổi tiếng không chỉ ở Kon Tum mà còn vang danh thế giới. Tổ hợp này từng được chọn vào top 5 Công trình của năm 2014 do tạp chí kiến trúc ArchDailycủa Mỹ bình chọn và đề cử.
Nét kiến trúc của quán rất độc đáo và từng lọt top 5 công trình kiến trúc của năm 2014.
Lấy cảm hứng từ chiếc nơm cá úp ngược, kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa đã cho ra đời một quán cà phê cực kỳ đặc trưng có một không hai tại Việt Nam, đảm bảo sẽ cho bạn những tấm hình đẹp miễn chê.
Bạn có thể check-in ở bất cứ góc nào tại Cafe Indochine. Giá đồ uống tại đây cũng rất vừa phải, ly nước cam của mình chỉ có giá 30.000 đồng.
Ngoài các nơi mình tới, bạn còn có thể lựa chọn rất nhiều địa điểm hấp dẫn để tham quan ở Kon Tum như ngục Kon Tum, chùa Bác Ái, khu di tích chiến thắng Đak Tô, núi Ngọc Linh, vườn quốc gia Chư Mom Rây…
Những món bún hấp dẫn mà mình và người bạn ăn ở Kon Tum. Đêm, bạn có thể lựa chọn đến Nguyễn Huệ để ăn, khu này ăn uống nhộn nhịp cả ngày.
Do chuyến đi của mình hơi gấp vì quỹ thời gian hạn hẹp, nếu muốn khám phá đầy đủ vẻ đẹp của Kon Tum hay Tây Nguyên nói chung bạn hãy dành nhiều thời gian hơn nữa có những trải nghiệm tốt nhất.
Theo zing
Tây Nguyên phiêu lưu ký với 7 điểm đến không thể bỏ qua
Cuối năm là thời điểm tuyệt vời để du lịch Tây Nguyên, tầm này có mùa hoa dã quỳ nở vàng khắp núi đồi, tạo nên khung cảnh hùng vĩ của đại ngàn rộng lớn, ngắm nhìn các vườn cafe vào mùa thu hoạch, quả cafe chín đỏ rực một góc trời. Cảnh tượng tuyệt vời đó, nếu đã nhìn một lần sẽ không bao giờ có thể quên được. Cùng tham khảo qua bài viết để chuẩn bị hành trang cho hành trình chinh phục Tây Nguyên sắp tới nhé!
1. Măng Đen - Kon Tum
Khu du lịch Măng Đen
Măng Đen là một thị trấn thuộc huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum, có rừng nguyên sinh và nhiều hồ, thác nước. Khí hậu nơi đây mát mẻ trong lành, thích hợp cho du khách tránh nóng mùa hè. Nằm ở độ cao 1.200m so với mặt biển, cách thị xã Kon Tum hơn 50km, giữa ngút ngàn thông và hoa rừng nên thời tiết ở Măng Đen lúc nào cũng se se lạnh.
Đến với Măng Đen bạn sẽ được đi trên con đường quanh co với hai bên là những rặng thông xanh ngắt, thoang thoảng mùi nhựa thông. Văng vẳng là tiếng chim hót líu lo, khí hậu mát lành mang nét hoang sơ, hùng vĩ của núi rừng. Chính vì vậy mà Măng Đen được khách du lịch yêu mến gọi là Đà Lạt của Kon Tum.
2. Thác Đắk G'lun - Đắk Nông
Thác Đăk G'lun hay còn gọi thác 72. Để tới thác Đăk G'lun, từ thị xã Gia Nghĩa theo quốc lộ 14 đi đến thị trấn Kiến Đức, huyện Đắk G'rlấp rẽ phải đi thêm khoảng 35km. Bạn chạy theo tỉnh lộ 6 đi xã Đăk Bukso, đến ngã ba Bãi 2 rẽ trái khoảng 2km là đến đường nội bộ dẫn xuống thác.
Thác Đắk G'lun
Để đến được chân thác, nơi mà bạn có thể ngắm nhìn dòng nước trắng xóa đổ từ trên cao xuống một cách đẹp nhất, bạn phải băng qua một dòng suối nhỏ và sau đó chọn một trong hai nhánh đường. Du khách có thể đi theo lối cầu thang đá, có bảng chỉ dẫn chi tiết xuống tận chân thác hoặc chọn cách leo trèo, bám vào những tảng đá núi, rễ cây rừng để tới thác.
Nét đẹp của thác còn nằm ở sự chia tách hai dòng nước như hai sợi chỉ trắng treo lơ lửng trên vách đá trông rất quyến rũ, độ ẩm cao tạo nên thảm thực vật xanh mát dưới chân thác. Xung quanh thác Đắk G'lun có nhiều cây cổ thụ tán rộng xanh rì. Ngay bên hông thác, có những bãi đất rộng và bằng phẳng để du khách cắm trại nghỉ qua đêm, đây cũng là địa điểm lý tưởng để du khách tour Tây Nguyên ngắm mặt trời lên... Du khách thích khám phá, mạo hiểm có thể luồn qua những tảng đá núi mát lạnh, trơn nhẵn để chiêm ngưỡng toàn cảnh vòm thác có hình thù như chiếc hàm ếch khổng lồ đang phun nước.
3. Cầu treo Kon Klor - Kon Tum
Cầu treo Kon Klor thuộc địa phận làng Kon Klor, thị xã Kon Tum, chiếc cầu treo công nghiệp to đẹp nhất khu vực Tây Nguyên, nối liền hai bờ của dòng sông Đăk Bla, huyền thoại những dòng sông chảy ngược về Tây của đất Tây nguyên, chảy từ Quảng Ngãi về đến thuỷ điện Yaly, nối thị xã Kon Tum với vùng kinh tế mới.
Cầu treo Kon Klor
Nằm giữa vùng núi non hoang vu, nhưng cây cầu được làm bằng sắt thép hoàn toàn kiên cô và chắc chắn, dài gần 300m, cây cầu bắc qua dòng sông Đăk Bla chảy siết. Được phủ lên màu cam và đỏ, nổi bật giữa sắc xanh của đại ngàn rừng núi càng làm cho nó trở nên uy nghi giữa chốn hoang vu này.
4. Chùa Minh Thành - Pleiku
Tọa lạc tại 14 A đường Nguyễn Viết Xuân, phường Hội Phú, cách trung tâm thành phố 2 km về hướng Tây Nam chùa Minh Thành là một quần thể kiến trúc Phật giáo rộng lớn tọa lạc trên ngọn đồi thoai thoải ở phía Tây Nam của phố Núi - Gia Lai.
Chùa Minh Thành
Với kiến trúc độc đáo, khu vực quần thể chùa Minh Thành trông như một khu vườn Nhật Bản với kiến trúc của dòng Phật giáo đại thừa. Bên cạnh những họa tiết được xử lý tinh tế bằng đá và gỗ, những cây liễu rũ bên mặt hồ tiểu cảnh càng khiến nhiều khách tour du lịch Tây Nguyên tưởng tượng rằng họ đang lạc giữa một ngôi đền thờ của xứ sở Phù Tang.
Rất dễ để khai thác các góc hình đẹp ở đây, vì không gian ngăn nắp thanh tịnh được các nhà sư chăm chút tỉ mỉ rất kỹ lưỡng, bạn nhớ nếu có tham quan thì hãy có ý thức giữ gìn tài sản và vệ sinh của chùa nhé!
5. Núi lửa Chư Đăng Ya
Ngọn núi này nằm ẩn mình giữa đại ngàn hoang sơ, thuộc địa phận xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh và cách trung tâm thành phố Pleiku khoảng 30 km. Bao quanh Chư Đăng Ya là những rừng cây cổ thụ, hoang sơ. Cảnh sắc thiên nhiên quanh khu vực núi lửa rất tự nhiên, đa dạng.
Núi lửa Chư Đăng Ya
Dọc theo con đường đất đỏ đến khám phá Chư Đăng Ya trong những ngày mùa hoa dã quỳ, bạn hẳn sẽ không khỏi ngỡ ngàng, ngẩn ngơ trước vẻ đẹp lung linh, rực rỡ của những bụi hoa vàng rực bên đường.
6. Nhà thờ gỗ Kon Tum
Nhà thờ gỗ Kon Tum nằm trên đường Nguyễn Huệ, Tp. Kon Tum. Nhà thờ được làm hoàn toàn bằng gỗ cà chít, theo phong cách Roman kết hợp với kiến trúc nhà sàn của người Ba Na được hoàn thành năm 1918.
Nhà thờ gỗ Kon Tum
Nhà thờ gỗ Kon Tum được một vị linh mục Pháp xây dựng từ năm 1913. Từ đó, trải qua bao biến thiên lịch sử, nhà thờ gỗ Kon Tum trở thành một kiệt tác bởi kiến trúc gỗ mang phong cách Basilica còn tồn tại duy nhất trên thế giới. Không chỉ được thiết kế theo kiến trúc Roman, điểm độc đáo của nhà thờ ở chỗ phối hợp hài hoà kiểu nhà sàn của người Ba Na nên đậm sắc thái văn hóa, tín ngưỡng người dân cao nguyên từ những đường nét họa tiết đến những điểm nhấn trên chất liệu. Là một công trình khép kín gồm: giáo đường, nhà tiếp khách, nhà trưng bày các sản phẩm dân tộc và tôn giáo, nhà rông. Tuy gồm nhiều công trình nhưng do sắp xếp hài hòa nên bố cục tổng thể nhà thờ không bị phá vỡ, ngược lại thánh đường còn được tôn thêm vẻ đẹp nhờ khu hoa viên với nhà rông cao vút, điểm xuyết các bức tượng làm bằng rễ cây có tính mỹ thuật cao.
7. Biển Hồ (hồ T'Nưng) - Pleiku
Biển hồ Tơ Nưng nằm ở xã Biển Hồ, Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Biển hồ Tơ Nưng nguyên là một miệng núi lửa ngừng hoạt động đã hàng trăm triệu năm. Hồ có hình bầu dục, diện tích 230ha, độ sâu trung bình 16 - 19m, nơi sâu nhất có thể tới 40m. Đây là nguồn nước sinh hoạt quan trọng cung cấp cho thành phố Pleiku. Theo người dân nơi đây, từ trước tới giờ mực nước ở hồ núi lửa Tơ Nưng chưa lúc nào cạn dù có gặp nắng hạn đến đâu.
Hồ T'Nưng
Bạn có thể thuê thuyền lướt nhẹ trên mặt hồ êm ả, vừa ngoạn cảnh vừa nghe người lái thuyền kể về những huyền thoại bí ẩn của Biển Hồ Tơ Nưng; hoặc cưỡi voi đủng đỉnh dạo quanh bờ hồ thơ mộng; hay chỉ đơn giản là thả bộ, len lỏi theo các lối mòn ven hồ rợp mát bóng cây.
Tuy nhiên hồ đang chưa được bảo tồn một cách đúng mực, hoạt động đánh bắt khai thác xung quanh khu vực hồ tràn lan mất kiểm soát gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái chung của cả khu vực. Khi tham quan nhớ giữ gìn vệ sinh và đừng làm ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên bạn nhé!
Theo trí thức trẻ
Ăn gỏi lá, uống rượu Măng Đen, khám phá Kon Tum hùng vĩ Nằm cách Đà Nẵng khoảng 300km, nhiều du khách đã chọn Kon Tum làm điểm đến để được đắm chìm vào trong cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ Trường Sơn. Du khách có thể đến được cột mốc biên giới Ngã Ba Đông dương, mua hàng miễn thuế ở cửa khẩu Bờ Y, hay ngủ một giấc giữa rừng đại ngàn ở Măng...