Khám phá hồ Ba Khoang
Từ trung tâm thành phố Điện Biên nổi tiếng với đồi A1, hầm Đờ Cát, cầu Mường Thanh, nghĩa trang Điện Biên lịch sử, chỉ đi thêm 20km trên con đường quanh co đèo dốc, lên xuống theo triền núi, ngồi trên xe, du khách thỏa sức ngắm những ngôi nhà sàn của người Thái ẩn hiện dưới bóng cây rừng, thi thoảng lại xuất hiện một thảm cỏ non tung tăng hàng ngàn cánh bướm bay lượn, cùng mặt hồ Ba Khoang trong xanh, yên tĩnh. Xa xa quanh hồ là cánh rừng trúc ngả nghiêng theo chiều gió. Tiếng Thái Ba Khoang là rừng trúc, vì thế hồ Ba Khoang còn có tên là hồ Rừng Trúc.
Hồ Ba Khoang nằm trên địa phận xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Quần thể khu du lịch hồ Ba Khoang có tổng diện tích 2.400ha, trong đó diện tích rừng 1.320ha, diện tích mặt nước hồ 600ha, có sức chứa 37,2m3 nước. Hồ Ba Khoang có nhiều thảm thực vật phong phú, địa hình đa dạng, thích hợp cho việc nghỉ dưỡng, thảm rừng quanh hồ có nhiều loại thú quý, đủ các chủng loại hoa phong lan muôn hồng ngàn tía, tầng tầng, lớp lớp lơ lửng “sống nhờ” trên các cây cổ thụ. Hồ Ba Khoang nằm giữa một thung lũng có nhiều ngọn núi, nên kín đáo, uốn mình trong những khu rừng, hồ có nhiều đảo nhỏ. Mặt nước hồ trong xanh, hiền hòa, yên tĩnh, soi bóng núi non, mây trời và đại ngàn xanh thẫm. Nhiều năm nay, người dân trong các bản trồng cây lấy gỗ, cây ăn quả lâu năm quanh hồ, trên các đảo trong hồ, tạo nên thảm cây xanh dày đặc, phong phú về chủng loại thực vật. Các loài chim, nuông thú về trú ngụ, tạo nên sự cân bằng trong quá trình phát triển hệ sinh thái.
Đến với hồ Ba Khoang, du khách được hòa mình vào bầu không khí dịu mát, trong lành, màu xanh của rừng cây bạt ngàn. Thuyền đưa du khách khám phá biết bao điều bí ẩn của tự nhiên. Khách có thể neo đậu thuyền vào các rặng cây rậm rạp phủ kín ven hồ, buông câu, bắt cá, nghỉ ngơi thưởng thức cảnh quan, hít thở không khí trong lành.
Một thú vui nữa của du khách là được thưởng thức nhiều đặc sản mang đậm hương vị núi rừng. Những món ăn chế biến từ cá, tôm bắt ngay từ bè lưới trong hồ. Trữ lượng cá hồ Ba Khoang có trên 1.000 tấn cá, cá nặng từ 3 kg trở lên mới được bắt để phục vụ khách, chất lượng cao, thịt thơm, đậm đà, ngon miệng bởi được nuôi trong nguồn nước sạch, thức ăn tự nhiên dồi dào. Bữa ăn tối bao giờ cũng là cuộc liên hoan đốt lửa trại, liên hoan văn nghệ. Khách được xem những điệu múa xòe, múa sạp, nghe thổi khèn, “đàn môi”. Món ăn tự chọn có xôi đồ đựng trong cóong trông bắt mắt, khoanh cơm lam ngào ngạt mùi lúa nương, xiên cà nướng vàng rộm bày trên đĩa, thịt lợn, thịt trâu hun khói lạ miệng, ché rượu thơm ngây ngất. Cả một chảo lẩu cá nghi ngút làm cho thực khách không thể chối từ.
Theo ANTD
Thị trấn lưng chừng trời
Dừng chân nơi bản nhỏ được bao bọc bởi màu xanh mướt của cánh đồng ngô đang độ trổ bông, bỗng thấy vơi đi mệt mỏi. Tiếng cười rộn rã của đám trẻ, dăm chiếc gùi qua lại, đạp xe thong thả. Chợt vương vấn khi gặp cô gái Nậm Cắn miệt mài bên khung cửi, nắng vàng ươm bên cửa sổ.
Nậm Cắn giống như cô sơn nữ vừa căng tràn sức trẻ lại vừa e ấp vụng về
Xã vùng cao ấy nằm bên quốc lộ 7A nối xứ Nghệ với địa đầu cực Tây, cách thị trấn Mường Xén 20km lên phía Tây. Cái tên Nậm Cắn đã vượt ra ngoài những mái gỗ xám, bay cao hơn những con đường mòn vắt vẻo lưng chừng trời, hòa mình vào dòng chảy róc rách của dòng suối mát trong phân cách hai vùng lãnh thổ Việt - Lào. Bên kia là đỉnh Đia Đam, Pà Cả của huyện Noọng Hét, nước bạn Lào, bên này là Nậm Cắn của huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, Việt Nam.
Ở nơi tận cùng cực Tây ấy, Nậm Cắn giống như một cô sơn nữ, vừa căng tràn sức trẻ lại vừa e ấp vụng về. Dưới kia, thị trấn Mường Xén như một bức tranh nhiều sắc màu với mái nhà cao thấp lô nhô thấp thoáng trong cái xanh thẫm trầm mặc của đại ngàn và tha thiết chảy một dòng Nậm Mộ như sợi chỉ trắng yêu thương ôm ấp thị trấn miền sơn cước hùng vĩ.
Từ Mường Xén lên Nậm Cắn, đứng từ con đèo ngã ba Noọng Dẻ là cao điểm đẹp nhất để có thể ngắm nhìn toàn cảnh thung lũng Mường Xén. Đường 7A uốn lượn mềm mại như một dải lụa vắt ngang thung lũng.
Ai đến Nậm Cắn mà chưa đi chợ biên giới Nậm Cắn thì xem như chưa đến đây. Chợ nằm ở khu đất bằng phẳng hình bán nguyệt bao quanh là dòng suối Nậm Cắn, họp vào đầu và giữa tháng. Đặc biệt nếu đến đây vào mùa xuân, du khách sẽ được tham dự một phiên chợ độc đáo, thắm tình hữu nghị Việt - Lào. Từ chiều hôm trước phiên chợ, từ hai ngả biên giới, từng đoàn xe chở người và hàng hoá lũ lượt kéo tới tập kết trước đồn biên phòng Nậm Cắn để xuống chợ. Quang cảnh đường biên nhộn nhịp, rộn ràng lạ thường. Họ dựng lều, quán để chuẩn bị cho phiên chợ ngày mai. Sang ngày họp chợ, từ sáng sớm đã nghe tiếng người mua kẻ bán xôn xao. Hàng hóa không xếp như ở trong quầy mà được bày trên mặt đất hay trên cỏ nhưng rất gọn gàng, ngăn nắp. Hàng hóa tại đây rất phong phú: hàng Lào, hàng Việt, hàng Thái Lan đều có mặt ở đây và du khách có thể trả bằng tiền Lào hoặc Việt đều được. Phiên chợ cứ đông vui như vậy cho tới khi mặt trời sấp bóng.
Năm tháng qua đi, miền đất hùng vĩ ấy đã nhiều đổi thay, vẫn còn nguyên đó những mái nhà gỗ xám của người Mông im lìm sau hàng đào, hàng mận xanh trong trẻo, đón nắng sớm tràn về qua khe núi dệt thành tấm áo lưới óng mềm như tơ lụa.
Theo ANTD
Choáng ngợp Pù Luông Thấp thoáng những ngôi nhà ẩn mình giữa màu xanh miên man của núi rừng, của những dãy ruộng bậc thang mùa thắm vàng, mùa rợp một màu xanh tràn trề sức sống, mây lẩn vẩn quanh người tạo thành một bức tranh thiên nhiên vừa thơ mộng, vừa hoang sơ. Đó là cảnh tượng bạn có thể bắt gặp khi đặt chân...