Khám phá Đồi hướng dương dưới chân đèo Tô Na
Nhân chuyến công tác về huyện Krông Pa, chúng tôi được dịp dừng chân bên đèo Tô Na (thuộc địa phận buôn Phum, xã Ia Siơm), con đèo nằm trên dòng sông Ba hiền hòa gắn liền với những giá trị văn hóa, lịch sử của vùng đất nằm về phía Đông Nam của tỉnh nhà.
Về khoảng cách địa lý, xuất phát từ thành phố Pleiku đến trung tâm huyện Krông Pa khoảng 140km. Nếu bạn đã lên kế hoạch trước để kết nối liên tuyến “lên rừng xuống biển” trong hành trình trải nghiệm của mình thì từ vị trí này rất thuận lợi bởi khoảng cách từ thị trấn Phú Túc di chuyển đến với tỉnh Phú Yên chỉ mất thêm khoảng 2 giờ đồng hồ sẽ được ngắm biển xanh, cát trắng. Hành trình này cũng là nằm trong chương trình liên kết hợp tác phát triển liên vùng giữa các tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên nhằm mở rộng và phát triển thị trường du lịch trong khu vực liên kết.
Có hẹn từ trước, hôm nay chị Trần Thị Mỹ Hiền-Bí thư đảng ủy xã Ia Siơm đón đoàn và đưa đi tham quan Thung lũng Hồng (nằm ở khu vực giáp ranh giữa thị xã Ayun Pa, huyện Ia Pa và Krông Pa), một điểm đến thơ mộng và thú vị nằm bên dòng sông Ba, phía dưới chân đèo Tô Na.
Từ chân đèo Tô Na, phóng tầm mắt về phía xa Thung lũng Hồng thi vị bên dòng sông Ba khiến cho cái nóng gay gắt ở vùng đất này dịu đi đôi phần: Ảnh: Võ Thanh Thảo
Chị Hiền cho biết, Thung lũng Hồng là một điểm đến quan trọng được huyện Krông Pa đưa vào Đề án phát triển du lịch huyện giai đoạn 2019-2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Có tên là Thung lũng Hồng có lẽ bắt nguồn từ lượng phù sa từ thượng nguồn chảy về khu vực này khiến cho màu sắc của dòng nước có sự thay đổi vào từng thời điểm trong ngày, ánh lên sắc hồng tím nhẹ. Ngoài ra, đến đây bạn sẽ được thưởng thức đặc sản cá chốt, được chế biến thành nhiều món ngon.
Dừng chân bên hàng nước ngay chân đèo, phóng tầm mắt về phía xa, dòng sông Ba hiền hòa phẳng lặng uốn lượn quanh đèo giữa núi non điệp trùng, thảnh thơi thưởng ngoạn phong cảnh rừng xanh bao bọc hai bên, mặt nước lăn tăn gợn sóng, vài chiếc thuyền đánh cá của ngư dân lãng đãng ngoài xa, lưu lại những khoảnh khắc đẹp để thấy được sự thoáng đạt của thiên nhiên vạn vật.
Ảnh: Hoàng Trung
Video đang HOT
Ảnh: Hoàng Trung
Với mỗi địa danh mà nó chảy qua, sông Ba lại gắn với nhiều giá trị văn hóa, lịch sử và góp phần nuôi sống người dân bởi những giá trị to lớn từ lượng phù sa bồi đắp cho ruộng đồng tươi tốt, cây rừng thêm xanh, đất đai màu mỡ và nguồn lợi thủy sản mà dòng sông mang lại. Vẻ đẹp thơ mộng của Thung lũng Hồng bên dòng sông Ba đã khiến cho cái nóng “hầm hập” của vùng đất chảo lửa này dịu đi đôi phần. Từ chân đèo Tô Na, di chuyển khoảng 600m chúng tôi được đưa đến tham quan Đồi hướng dương (thuộc địa phận thôn Hưng Phú, xã Ia Siơm), một khu du lịch sinh thái mới được đưa vào hoạt động thời gian gần đây. Đón đoàn là anh Nguyễn Ngọc Trung, chủ nhân của khu du lịch.
Đoàn đã lên kế hoạch sẽ ăn trưa và thưởng ngoạn cảnh quan khu vực này, vì vậy bữa trưa diễn ra hơi muộn. Thưởng thức ẩm thực ở làng giữa thiên nhiên núi đồi, phong cảnh hữu tình bao giờ cũng ngon miệng và mang đến hương vị đặc biệt, tuy đó chỉ là những món ăn dân dã. Anh Nguyễn Ngọc Trung mời đoàn những món ăn sẽ được đưa vào thực đơn phục vụ thực khách, trong đó được ưa thích nhất là các món nướng bên bếp than hồng đỏ lửa, gà đồi… Đãi khách hiển nhiên không thể thiếu món bò một nắng. Thịt bò ở Krông Pa săn chắc, đậm đà, là nguyên liệu chính để làm ra món ăn nổi tiếng không chỉ là đặc sản của địa phương, mà đã trở thành “đại sứ” giới thiệu ẩm thực, văn hóa của vùng đất này nói riêng và của Gia Lai đến với bạn bè muôn phương. Hương vị ngọt thơm, mềm dai của thịt bò khi kết hợp cùng vị chua chua cay cay tự nhiên đặc biệt của muối kiến vàng thật sự khó quên.
Ảnh: Hoàng Trung
Ảnh: Hoàng Trung
Chia sẻ về ý tưởng xây dựng Đồi hướng dương khi đưa chúng tôi đi tham quan, anh Nguyễn Ngọc Trung cho biết: Sau 5 năm xa nhà đi làm bếp tại Đà Nẵng, được làm việc trong môi trường du lịch năng động bản thân nhận thấy du khách rất ưa thích kiểu tìm về với thiên nhiên trong lành, du lịch kết hợp trải nghiệm, dã ngoại vì vậy anh quyết định về quê nhà lập nghiệp trên chính mảnh đất của gia đình để lại. Với lợi thế sẵn có về vị trí nằm bên dòng sông Ba thơ mộng, cảnh quan núi đồi hoang sơ, cỏ cây xanh tốt, đất đai màu mỡ… Đồi hướng dương được xây dựng dựa trên nắm bắt nhu cầu đó của du khách.
Anh Trung thông tin thêm: “Thời gian qua, gia đình bắt đầu cải tạo lại cảnh quan khu vực này, thử nghiệm trồng các loại hoa ngắn ngày để lựa chọn loại thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây. Khoảng hơn 3 tháng trước chúng tôi gieo trồng chủ yếu là hoa hướng dương, hoa cánh bướm, hoa cúc, vạn thọ, cỏ lau… tạo dựng thành một nông trại hoa phục vụ du khách đến tham quan, vãn cảnh. Bên cạnh đó, được sự quan tâm của chính quyền địa phương và đồng thuận của các hộ dân quanh vùng đường xá đã được chỉnh trang, bằng phẳng thuận lợi cho việc đi lại. Chúng tôi đầu tư mô hình tiểu cảnh, cơ sở phục vụ ăn uống, cắm trại, chèo thuyền SUP ven sông, cho du khách tham gia sinh hoạt sản xuất cùng dân làng… mọi thứ đã sẵn sàng để phục vụ du khách đến tham quan, thưởng ngoạn. Hy vọng đây sẽ là điểm đến hấp dẫn, đặc biệt là nơi thưởng cảnh thú vị dành cho du khách vào dịp tết Nguyên đán đang đến gần”.
Đồi hướng dương còn là nơi thích hợp để tổ chức các hoạt động dã ngoại teambuilding, camping bởi không gian thoáng đãng, trong lành giữa cảnh quan thi vị, trữ tình. Vào buổi tối khi lên đèn không gian thêm phần thơ mộng, lãng mãn tạo nên khung cảnh bình yên giữa hoang sơ núi đồi.
Ảnh: Hoàng Trung
Khu du lịch Đồi hướng dương là điểm du lịch đầu tiên của huyện được người dân triển khai đầu tư, góp thêm một điểm vui chơi, thưởng ngoạn hấp dẫn cho bản đồ du lịch huyện Krông Pa. Triển vọng trong tương lai, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và ngành chuyên môn, nơi đây sẽ là điểm dừng chân không thể bỏ qua khi du khách đi qua địa bàn huyện Krông Pa-chị Hiền chia sẻ.
Tú Lệ - bức tranh thủy mặc vùng Tây Bắc
Trong hành trình khám phá vùng cao Tây Bắc, Tú Lệ là điểm dừng chân lý tưởng của du khách.
Nơi đây là một thung lũng tươi sắc cả bốn mùa dưới chân đèo Khau Phạ.
Con đường dẫn vào bản Thái Tú Lệ đẹp nao lòng người.
Là một xã vùng cao của huyện Văn Chấn (Yên Bái), Tú Lệ từ lâu nổi tiếng và làm nức lòng du khách bốn phương bởi những đặc sản và những nét văn hóa dường như chỉ có ở vùng đất này. Tú Lệ làm say đắm lòng người bởi thung lũng ruộng bậc thang uốn lượn dưới chân ba đỉnh núi cao ngất trời là: Khau Phạ, Khau Thán và Khau Song.
Vượt qua những cung đường Tây Bắc uốn lượn mềm mại như dải lụa nối dài từ trung tâm phố huyện Văn Chấn, chúng tôi đặt chân đến Tú Lệ. Dừng ở chân đèo Khau Phạ, phóng tầm mắt xuống thung lũng Tú Lệ, nhưng cảnh thiên nhiên hoang sơ đẹp nao lòng hiện dần ra trước mắt, có lẽ còn hơn cả những gì được nghe kể, được tưởng tượng. Tú Lệ đẹp và thơ mộng hơn nhiều - nó phải xứng danh là một trong những kì quan vùng Tây Bắc. Những cung ruộng bậc thang uốn lượn quanh những bản làng người Thái tựa như những bức họa đang nhu nhú những mầm của lúa non.
Tú Lệ giàu sức sống với những bản người Thái dưới chân núi, bên những con suối chảy róc rách, con đường nối liền trung tâm xã với bản Thái tấp nập người đi lại. Tiết trời Tú Lệ mùa nào cũng trong vắt một màu. Vào mùa hè mà cái lạnh mơn man da thịt làm cho ai cũng cảm thấy xuýt xoa. Chiều chiều, những cơn mưa xuân lất phất làm cho không khí nơi đây đậm chất nơi thâm sơn cùng cốc. Đến Tú Lệ, ai cũng có cảm giác êm dịu khi được sống trong một không gian đậm chất núi, chất rừng.
Con người nơi đây như tô điểm cho nơi xứ núi này. Khu trung tâm xã, không khí tấp nập đi chợ của đồng bào Mông trên núi cao, đồng bào Thái bên các bản làng làm cho không gian căng tràn sức sống. Từ con đường nhỏ trong bản, ai ai cũng nở nụ cười mến khách.
Khu trung tâm xã, hai bên đường những ngày chợ phiên, đồng bào bày bán nào gà sống thiến, gà đen, lợn bản cắp nách, rau cải núi, gạo nếp, rượu thóc, cam sành, toàn những sản vật vùng cao có mặt trong đời sống hằng ngày. Phiên chợ Tú Lệ rực rỡ sắc màu bởi những gian hàng thổ cẩm. Đó là nơi bày bán những bộ váy áo thổ cẩm của sơn nữ Tú Lệ, món hàng sẽ làm đẹp cho phụ nữ Mông Tú Lệ. Rồi cả những gian hàng của đồng bào Thái với khăn vuông đội đầu, vòng đeo cổ, khuyên tai, áo váy truyền thống...tấp nập người mua.
Thiên nhiên đã phú cho miền đất này một "đặc sản" mà mỗi khi nhắc đến người ta đều mong được thử một lần, đó là nguồn suối nước nóng ngay bên bờ suối, ngay cạnh những thửa ruộng bậc thang. Nguồn nước này quanh năm nóng nên từ lâu, người Thái đã tập trung ở đó để tắm rửa sau một ngày làm việc. Giữa đất trời thênh thang, thanh thiên bạch nhật, ngâm mình trong làn nước nóng ở bất kỳ mùa nào cũng cảm thấy sự giao hòa trời đất thật thú vị và nhẹ nhõm tâm hồn. Trong những năm gần đây, phát triển tiềm năng này, Tú Lệ đã xây dựng, quy hoạch khu suối nóng thành những bồn tắm tự nhiên để phục vụ du khách mọi miền.
Đặc sản cốm Tú Lệ được đồng bào Thái chế biến vào mùa gặt.
Từ lâu ở vùng đất này còn có câu ca được lưu truyền "Nếp Tú Lệ, tẻ Mường Lò" là để ca ngợi đặc sản gạo nếp, vốn là đặc sản chỉ có ở riêng vùng đất này. Lúa nếp Tú Lệ được đồng bào Thái trồng cấy trên những thửa ruộng bậc thang dưới chân đèo Khau Phạ. Nơi đây hội tụ tinh hoa của khí trời, của núi, suối và bàn tay con người. Hạt nếp Tú Lệ tròn mẩy, trắng trong, mười hạt như mười. Xôi nếp Tú Lệ khá đặc biệt, khi đồ xong, dùng tay nắm thành những nắm xôi nhỏ mà hạt gạo không hề quyện nhựa và dính tay như một số giống nếp khác. Nhìn bề ngoài có vẻ như khô, rời mà nếm thử thấy mềm, dẻo và hấp dẫn. Xôi nếp Tú Lệ dẻo thơm ở gạo, tinh tế trong cách chế biến. Người Thái ở Tú Lệ trước khi đồ xôi thường ngâm gạo chừng 2-3 giờ đồng hồ với nước ấm rồi dùng nước suối nguồn trong vắt từ trên núi dẫn về để nấu xôi.
Tú Lệ mang vẻ đẹp thơ mộng, bình yên và đậm sắc màu Tây Bắc. Chính vì vậy, trong những năm gần đây, tỉnh Yên Bái, huyện Văn Chấn có chủ trương phát triển du lịch cộng đồng nhằm phát huy những tiềm năng du lịch vốn có của vùng đất này. Với sự ưu đãi của thiên nhiên, sự kiến tạo của bàn tay con người, vùng đất Tú Lệ mang đến cho du khách mọi miền những vẻ đẹp tổng hòa giữa cảnh sắc thiên nhiên và cuộc sống con người. Đến với Tú Lệ là đến với hành trình khám phá vẻ đẹp của ruộng bậc thang, văn hóa bản làng, văn hóa ẩm thực, cùng các thú vui như: Tắm nước nóng, rong ruổi chợ phiên, nghỉ dưỡng...
Đặc biệt, ở Tú Lệ, dịch vụ du lịchhomestay được người dân bản địa tổ chức và có sức hấp dẫn đối với du khách.Dạo chơi trên con đường nhỏ xinh dẫn vào các bản làng người Thái, khách du lịch sẽ cảm thấy như đang được sống trong một không gian thanh tĩnh đến lạ kì. Không ồn ã, không bụi bặm và cũng không bị ai làm phiền khi đi vãn cảnh. Bản nhà sàn ở Tú Lệ thường ở trọn dưới những thung lũng bạt ngàn màu xanh, màu vàng của lúa, hương thơm lựng của hoa trái. Tại đây, người dân bản địa sẽ đáp ứng những nhu cầu của du khách như: ăn uống, nghỉ ngơi qua đêm với những món ăn đậm đà dư vị với gà đen, lợn cắp nách, xôi ngũ sắc, cá suối lam...
Tú Lệ dù là mùa nào cũng đẹp và thi vị. Cảnh sắc nơi đây hoang sơ, khoáng đạt. Con người dân dã, cởi mở và mến khách. Tú Lệ là điểm dừng chân lý tưởng của những ai có sở thích khám phá vẻ đẹp thiên nhiên và con người vùng cao Tây Bắc. Chỉ lạc chân vào Tú Lệ một lần thôi, là mỗi chúng ta đều có cảm giác mình như lạc vào chốn "mặc khách tao nhân" khi tâm hồn được bay bỏng tưởng như quyện cả vào bức tranh thủy mặc Tú Lệ được kiến tạo từ đất trời.
Biển Hồ - điểm nhấn du lịch Gia Lai Biển Hồ còn được người bản địa gọi là Ia Nueng hoặc hồ T'nưng, là hồ nước ngọt nằm cách thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai 7 km về phía Tây Bắc, có độ cao khoảng 800 mét so với mực nước biển. Khám phá vẻ đẹp nên thơ của khu du lịch Biển Hồ Khu khuôn viên Biển Hồ. Mỗi khi nhắc...