Khám phá đất Phật Ấn Độ
Đến Ấn Độ, thì không thể không biết sông Hằng, cũng như không thể không biết Bodh Gaya, thành phố thuộc quận Gaya, Bang Bihar. Người Việt ta phiên chữ Bodh Gaya thành Bồ Đề Đạo tràng.
Cái tên trên lại chứa trong nó thông điệp về một cây Bồ đề nổi tiếng nơi Đức Phật đã nhập niết bàn, cũng là nơi người Việt và nhiều cộng đồng khác vô cùng tôn kính. Nơi đây như thủ phủ của “Cõi Phật, Đất Phật” trong tâm thức mỗi người.
Lễ Phật ở Bồ Đề Đạo tràng.
Bây giờ, đi lễ Phật ở Bồ Đề Đạo Tràng, mơ màng với cổ kính Varanasi hay Di sản thế giới – Bài thơ tình bằng đá trác tuyệt Taj Mahal không còn quá vất vả như lần đầu tôi đến Ấn Độ cách đây 10 năm. Thay vì vừa bay, vừa quá cảnh chầu trực cả chục tiếng đồng hồ, khổ như đi “Tây Trúc thỉnh kinh”, các doanh nghiệp du lịch lớn như Vietravel đã thuê máy bay hiện đại, bay thẳng hơn 3 tiếng đồng hồ đã đến thủ phủ của Phật giáo thế giới.
Cây Bồ đề ở Lâm Tỳ Ny.
Người ta bảo, cây Bồ đề cổ thụ ở Bồ Đề Đạo tràng là cái cây đang được thờ cúng, tôn vinh nhiều nhất trên thế gian này. Người ta vừa mới trồng một cây mới sau khi cây cổ bị một tên tàn độc và cuồng dại phóng hỏa giết chết. Các lẵng hoa phủ kín từ đỉnh trời xuống chân tháp, lũ chim rỉa hoa trên đỉnh tháp.
Chim rỉa hoa trên đỉnh tháp.
Tháp Đại Giác đánh dấu nơi Đức Thích Ca chính thức giác ngộ trở thành Phật sau 49 ngày ngồi thiền. Nơi tối linh thiêng với mọi tín đồ Phật giáo trên toàn thế giới. Đến đây, tôi đã được cùng vị sư già trụ trì đi dạo qua con hồ với tượng thần rắn nổi lên trên mặt nước. Trong hoàng hôn, lũ chim về đông đúc đến mức, tiếng kêu của chúng át hết cả tiếng tụng kinh gõ mõ, át hết cả câu chuyện của tôi và vị sư trụ trì về lòng Nhân của con người với Mẹ Thiên Nhiên và sự bảo bọc của cây xanh, muông thú với mỗi chúng ta.
Video đang HOT
Trẻ em Ấn Độ làm quen với rắn từ bé.
Ấn tượng không kém là cảnh sắc mơ màng tuyệt sắc của nông thôn Ấn Độ, như bước ra từ thơ Targo vậy. Cuộc sống đời thường muôn màu sắc. Người thổi bóng màu, người huýt sáo “dạy” rắn độc khiêu vũ, người đóng móng ngựa và giúp khách cưỡi lạc đà, cô bé xinh đẹp bên thành quách Taj Mahal. Đâu đâu cũng giản dị mà hạnh phúc. Có lẽ hạnh phúc nào cũng cần sự giản dị.
Chim bay rợp sông Hằng.
Trở lại sông Hằng. Bình minh nào chúng tôi ghé qua, cũng thấy đen đặc chim trời, các vị đạo sỹ cổ quái bí ẩn ngồi tu tập lầm rầm. Bên cạnh là đứa bé ngồi canh một thi thể người cuốn chăn đỏ, lồng trong gióng tre tươi, để chuẩn bị đốt. Mỗi ngày, vô số vụ thiêu xác người như vậy. Người Ấn Độ nào cũng ao ước, lúc hết việc thế gian thì sẽ được hỏa táng và rải tro cốt trên sông Mẹ. Sông Hằng. Sông Hằng dài 2.500km chảy từ nóc nhà thế giới Himalaya, với hằng hà sa số các cuộc đốt xác người rải tro cốt xuống sông. Con sông linh thiêng trĩu nặng huyền thoại nhiều nghìn năm lịch sử văn hóa tộc người này cũng lại đứng đầu danh sách các dòng nước ô nhiễm nhất thế giới.
Hành hương nơi thánh địa của Phật giáo.
Varanasi, thành phố ba nghìn năm tuổi, được coi là thánh địa của Phật giáo, thánh địa của cả tỷ người Hindu, giống như Jerusalem của người Thiên Chúa giáo, giống như đất thiêng Mecca. Thành phố đang cuộn xiết tắc tị với các đoàn người hành hương này từng được nhà văn nổi tiếng Mark Twain xưng tụng: “ Cổ hơn lịch sử, cổ hơn truyền thống, cổ hơn cả huyền thoại, và trông già hơn tất cả những điều vừa nêu trên cộng lại với nhau!“
Bên dòng sông Hằng lịch sử.
Sử cũ chép, từ hơn ba nghìn năm trước Varanasi đã quần tụ đông người bên dòng sông Hằng. Và, khi Đức Phật đi giảng bài kinh đầu tiên ở vườn Lộc Uyển từ 25 thế kỷ trước, thì có lẽ, Varanasi, rồi Gaya vẫn là những xứ hoang rậm ngoài sức tưởng tượng của con người. Còn bây giờ, từ khắp nơi trên trái đất, người ta đi máy bay vù sang thánh địa Phật giáo đi đủ tứ động tâm linh cứ như đi chơi. Họ cùng thành kính lễ Phật với lòng mộ đạo vô biên. Bên ngoài, chim và sóc nhởn nhơ vui đùa, trời đất sum vầy an lạc.
Chúng tôi đi charter (máy bay thuê nguyên chiếc) trên chuyên cơ do Vietravel thuê với một đoàn hành lễ được bố trí đón tiếp hết sức trang trọng. Được gặp vị sư trụ trì danh tiếng của Bồ đề Đạo tràng. Được chuẩn bị cả mũ, pháp phục (áo thâm đi lễ), miếng lót để ngồi thiền trên nền đá lạnh giữa đêm hoặc lúc trời gần sáng. Hàng trăm người Việt Nam kính cẩn trước cội Bồ đề linh thiêng và Tháp Đại giác cổ kính.
Người dân từ nhiều quốc gia đến đây, họ trùm màn kín người, có khi đội mũ phủ vải trắng để tuyệt đối tĩnh tâm, hướng tới Đức Phật và thứ mà họ coi là năng lượng siêu việt có thể đem lại an lành. Xúc động nhất là hình ảnh trẻ em vùng Tây Tạng, Bhutan, Thái Lan thành kính bên đền tháp. Ấn tượng không kém là bà con theo Phật giáo Tạng truyền, họ đi ba bước lại nằm dài để năm bộ phận vị trí trên cơ thể chạm xuống đất để lễ (gọi là tam bộ nhất bái, ngũ thể nhập địa).
Thiên nhiên hoang sơ ở Ấn Độ.
Trời khuya, lũ chim vẫn lúc lỉu trên ngọn cây chưa thèm ngủ, tháp Đại Giác sáng rực giữa trời lạnh và mờ ảo sương đêm miền Bắc Ấn. Lòng người như chùng xuống, muốn sống chậm hơn, để tận hưởng từng sát na (khoảnh khắc nhỏ nhất) của kiếp phận mình. Tôi thầm cảm ơn trời đất và tổ tiên, đã cho mình diện kiến một xứ sở kỳ thú, mỗi bước chân một biển trời khám phá và xúc cảm.
HOÀNG QUÂN
Theo nhandan.com.vn
Tây Tạng huyền bí và đầy mê hoặc
Nằm ẩn mình trên đỉnh núi Himalaya sừng sững quanh năm tuyết trắng bao phủ, đến nay Tây Tạng vẫn luôn là vùng đất huyền thoại còn tồn tại trong thế giới hiện đại.
Một miền đất mà có lẽ chính sự khắc nghiệt đã khiến nó trở nên bí ẩn, từ truyền thuyết đến triết lý Phật giáo, từ con người đến bản sắc văn hóa... đều có sức hấp dẫn mãnh liệt, thu hút hàng ngàn lượt khách khắp thế giới đổ về đây mỗi năm.
TỪ "CHECK-IN" Ở LHASA - "TRÁI TIM CỦA TÂY TẠNG"...
Lhasa - thủ phủ của Tây Tạng xây dựng từ năm 637 nằm trên ngọn đồi Mabuge chào đón du khách trong không gian đậm màu thiền tịnh. Người dân ở đây rất tôn sùng đạo Phật, bạn dễ dàng bắt gặp họ tay lần tràng hạt, miệng liên tục trì chú nguyện phước lành. Hàng trăm lá cờ nhiều màu sắc giăng thành nhiều dải, bay phấp phới bên ngoài những mái chùa đỏ gạch chồng lớp lớp, những ngôi nhà thấp, tường được vẽ trang trí bằng các biểu tượng tôn giáo như Mandala, pháp luân, pháp khí Mật tông,... Tất cả đều có ý nghĩa thiêng liêng mà bạn khó lòng hiểu được.
Biểu tượng của Lhasa chính là cung điện Potala cao 117m gồm 13 tầng là nơi ở và làm việc của các vị Đạt Lai Lạt Ma - lãnh tụ tinh thần của người Tây Tạng. Đứng bất kỳ đâu bạn cũng có thể nhìn thấy cung điện sừng sững như một vách đá màu trắng lộng lẫy trong nắng nhẹ phảng phất hơi sương. Cung điện hoành tráng rộng 130.000m2; gồm hai tòa Hồng cung và Bạch cung với gần 1.500 gian phòng, chứa 10.000 Phật điện, 20.000 tượng điêu khắc, tháp vàng cùng vô vàn tranh, kinh kệ quý giá. Đến đây, bạn sẽ thấy khách hành hương từ khắp nơi đổ về rất đông, mắt họ chăm chú nhìn về phía trước, một tay lần tràng hạt, tay kia không ngừng xoay "kinh luân".
Lhasa còn nổi tiếng với chùa Đại Chiêu (Jokhang) xây dựng năm 693, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Chùa tạo ấn tượng du khách với bốn tầng mái mạ vàng lấp lánh, là điểm hành hương của hàng triệu tín đồ Phật giáo trên thế giới bày tỏ niềm tin nơi đức Phật. Nếu có cơ may, bạn sẽ được chứng kiến những đoàn người hành hương thực hiện hành trình "ba bước một lạy" từ Phổ Đà sơn về Ngũ Đài sơn thể hiện lòng thành kính hướng về "thánh địa", chắc hẳn để lại trong bạn nhiều ấn tượng khó quên.
... ĐẾN CHOÁNG NGỢP BỨC TRANH THIÊN NHIÊN KỲ VĨ
Tây Tạng - một vùng sơn cước yên bình, khoáng đạt mở ra trước mắt bạn khung cảnh thiên nhiên kỳ vĩ đến choáng ngợp. Người ta đến đây cũng giống như đi vào một bức tranh diễm lệ. Vùng đất của những hồ nước trong xanh như ngọc, ngọn núi tuyết trắng bao phủ, bình nguyên màu lục, những cánh đồng phì nhiêu màu mỡ với đàn trâu, đàn cừu nhởn nhơ gặp cỏ,... đã tạo nên cảnh sắc đẹp tựa chốn bồng lai.
Hồ thiêng Nam-tso nổi tiếng với truyền thuyết li kì kể rằng, nơi đây có những thủy quái kỳ lạ, càng làm cho hồ trở nên huyền bí. Nguồn nước cung cấp cho hồ chính là các suối ngầm và nước băng tan của dãy Nyenchen Tanglha. Đây là hồ nước mặn cao nhất thế giới, xanh thăm thẳm in bóng dãy núi tuyết Nyenchen Tanglha cao 7000m. Nhìn từ trên cao, hồ có hình cong cong như lưỡi liềm với ba mặt giáp núi non trùng điệp, được mặt trời chiếu rọi, lấp lánh trong ánh bình minh rực rỡ.
Đã đến Tây Tạng, bạn đừng quên chiêm ngưỡng dòng sông băng Karola tuyệt đẹp. Với những đường cong mềm mại, khối băng tồn tại hàng triệu năm, nhẹ nhàng điểm tô sắc trắng tinh khôi trải dài từ đỉnh núi xuống thung lũng. Chỉ cần vài tia nắng soi rọi, cả dòng sông băng lấp lánh tựa viên pha lê, khiến bạn tạm quên đi cái lạnh âm độ để thu vào tầm mắt toàn cảnh thiên nhiên hùng vĩ.
Theo vietravel.com
Khám phá sự linh thiêng, huyền bí của thành phố Lhasha Lhasa, Tây Tạng được mệnh danh là thành phố của ánh nắng, cội nguồn của Phật giáo và là nơi những người ưa thích khám phá trên thế giới đều muốn đặt chân đến, khám phá sự linh thiêng, huyền bí. Thành phố Lhasa là thủ phủ của Tây Tạng, có cung điện Potala nổi tiếng. Lhasa nổi tiếng với những cung điện...