Khám phá đảo hình nhẫn giữa Thái Bình Dương
Nằm giữa Thái Bình Dương, đảo Mataiva ấn tượng nhờ có hình thù độc đáo và thiên nhiên đa dạng.
Mataiva là đảo san hô có hình chiếc nhẫn thuộc quần đảo Tuamotu của Pháp ở Thái Bình Dương.
Hình vòng tròn của đảo Mataiva là phần nổi lên mặt nước của một núi lửa đã ngừng hoạt động. Qua thời gian, các rạn san hô đã hình thành quanh sườn núi lửa trong khi vùng lòng chảo của nó đã biến thành một hồ nước khổng lồ.
Đảo Mataiva cũng có dân cư sinh sống, nhưng mật độ tương đối thưa thớt. Ngôi làng duy nhất là Pahua, nằm dọc hai bên dòng kênh kết nối hồ khổng lồ với biển. Dòng kênh này dài 110m, nhưng chỉ sâu vài mét và tàu thuyền không thể qua lại. Một cây cầu bằng bê tông được xây dựng để kết nối hai phía của ngôi làng.
Đảo Mataiva bao gồm một mạng lưới những dải đất có màu trắng trong những bức ảnh chụp từ trên cao hay từ vệ tinh. Chúng được hình thành bởi các rạn san hô bị xói mòn.
Hồ chính trên đảo Mataiva có độ sâu trung bình khoảng 8m và nước ở đây rất trong xanh, có thể nhìn thấy đáy.
Đảo Mataiva có chiều dài khoảng 10 km và phần lớn diện tích được che phủ bởi rừng.
Có một số đảo nhỏ nằm trong hồ và được bảo vệ như một khu sinh thái dành cho các loài chim biển quý hiếm.
Video đang HOT
Bên cạnh dòng kênh chính chảy qua ngôi làng Pahua, đảo Mataiva cũng có nhiều kênh hẹp khác kết nối hồ với biển và chúng cũng là một phần trong tên của hòn đảo này. Mataiva có nghĩ là “9 mắt”, tương ứng với 9 dòng kênh thông giữa hồ chính trên đảo và biển.
Đảo Mataiva chứa nhiều khoáng chất photphat, nhưng người dân địa phương và các nhà bảo vệ sinh thái đã ngăn cản những người khai thác mỏ tới khu vực này. Hoạt động khai thác photphat trên đảo Nauru ở châu Úc đã phá hủy hệ sinh thái và khiến cư dân bản địa phải tìm nơi ở mới để định cư.
Nguồn thu nhập chính của người dân trên đảo Mataiva là canh tác cây vani, dừa, đánh bắt hải sản và dịch vụ du lịch.
Theo Huy Phong (Theo Amusing) (Dân Việt)
10 thiên đường riêng tư của các tỷ phú nổi tiếng thế giới
Một số tỉ phú đã mạnh tay chi tiền mua hẳn một hòn đảo và biến chúng thành thiên đường nghỉ dưỡng riêng.
Đảo Lanai
Tỷ phú Lawrence J. Ellison đã mua gần như toàn bộ đảo Lanai, thuộc quần đảo Hawaii vào năm 2012 với giá khoảng 300 triệu USD. Ông chủ của tập đoàn Oracle dự định biến 98% diện tích của hòn đảo rộng 365 km2 thành một thiên đường du lịch và giúp cải thiện cuộc sống của người dân địa phương.
Mục tiêu của một trong những người giàu nhất thế giới là xây dựng "vườn địa đàng bền vững và thịnh vượng giữa Thái Bình Dương". Bao gồm tất cả mọi thứ từ năng lượng tái tạo, các trạm sạc pin cho ôtô điện, sản xuất và xuất khẩu rượu vang có nguồn gốc hữu cơ, hay nước hoa được sản xuất theo phương pháp truyền thống.
Đảo St. Phillips
Tỷ phú Ted Turner cùng gia đình và bạn bè đã chèo thuyền, câu cá và giải trí hơn 35 năm trên hòn đảo St. Phillips ở ngoài khơi bờ biển bang Nam Carolina, Mỹ. Thiên đường hoang sơ này có hệ thống rừng ngập nước, đầm lầy và sinh vật biển rất đa dạng nhờ được bảo vệ bởi Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên.
Theo công ty Private Islands, đảo St. Phillips thay đổi rất ít qua nhiều thế kỷ và tỷ phú Turner hiện đang giao bán hòn đảo này với giá 23,8 triệu USD.
Đảo Necker
Ngày sau khi sở hữu hòn đảo Necker thuộc quần đảo British Virgin ở Caribbean vào năm 1987, tỷ phú Richard Branson đã hào phóng gửi lời mời mọi người tới thăm "thiên đường" của ông. "Đảo Necker là nhà và nơi nghỉ dưỡng yêu thích của tôi. Tôi mời bạn tới thiên đường này để khám phá vẻ đẹp ngoạn mục của nó", Branson cho biết.
Tuy nhiên, giá tới thăm và nghỉ dưỡng tại hòn đảo của tỷ phú Richard Branson không hề rẻ. Cụ thể, mỗi cặp đôi sẽ phải bỏ ra 16.460 USD cho 4 đêm lưu lại tại khu nghỉ dưỡng Love Temple và 29.960 USD cho 7 đêm tại đây.
Đảo Moskito
Nằm cách đảo Necker khoảng 3km, tỷ phú Richard Branson tiếp tục chia sẻ tình yêu với hòn đảo Moskito thuộc quần đảo British Virgin khi ông quyết định mua thiên đường này vào năm 2007 và biến nó thành một khu nghỉ dưỡng sang trọng.
"Chào mừng tới thiên đường vô cùng riêng tư của bạn", Branson viết trên trang web quảng bá cho khu nghỉ dưỡng Branson Estate trên đảo Moskito. Giá cho một biệt thự với sức chứa 22 khách ở đây là 47.300 USD/đêm (2.150 USD/người/đêm).
Đảo Sampson Cay
Một số tỷ phú hào phóng đã mua các hòn đảo và mở cửa rộng rãi cho công chúng, nhưng nhiều người khác làm hoàn toàn ngược lại như John Malone. Ông trùm trong lĩnh vực truyền thông đã mua hòn đảo Sampson Cay ở Bahamas và biến nó thành một khu nghỉ dưỡng sang trọng.
Khu nghỉ dưỡng Sampson Cay Club trên hòn đảo này bao gồm 5 biệt thự, 1 nhà hàng và 1 bến du thuyền. Nhưng khu nghỉ dưỡng này đã đóng cửa vào tháng 8.2013 để cải tạo và hiện nó ngừng khai thác thương mại mà và chỉ phục vụ gia đình và bạn bè của tỷ phú Malone.
Đảo Skorpios
Ngay cả những người giàu có và nổi tiếng không phải lúc nào cũng đạt được những gì họ muốn. Bill Gates, Giorgio Armani và Madonna đã cạnh tranh nhau để sở hữu hòn đảo Skorpios của Hi Lạp ở biển Ionian. Đây là là nơi tổ chức đám cưới của cựu Đệ nhất phu nhân Tổng thống Mỹ Jacqueline Kennedy vào năm 1968.
Nhưng người cuối cùng giành quyền sở hữu hòn đảo Skorpios là Ekaterina Rybolovlev, con gái của tỷ phú người Nga Dmitry Rybolovlev. Cô đã bỏ ra 150 triệu USD để mua hòn đảo này vào năm 2013.
Đảo Laucala
Tỷ phú đồ uống tăng lực người Áo Dietrich Mateschitz, đã mua hòn đảo Laucala thuộc quần đảo Fiji từ Malcolm Forbes vào đầu những năm 2000 và biến nó thành một thiên đường nhiệt đới với dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp.
Tới đảo Laucala, du khách có thể ở tại những biệt thự theo kiểu truyền thống của người Fiji được xây dựng giữa vườn dừa với rừng nhiệt đới ở phía sau và hướng nhìn ra biển tuyệt đẹp. Bạn có cơ hội thưởng thức những bữa tiệc ngoài trời ngay trên bãi biển, tham gia các môn thể thao dưới nước, đánh golf, cưỡi ngựa, lặn,...
Đảo New Holland
Hòn đảo nhân tạo New Holland nằm giữa một dòng kênh tại trung tâm thành phố St. Petersburg ở Nga. Ban đầu hòn đảo được Peter Đại đế sử dụng cho lực lượng hải quân, nhưng hiện nó thuộc sở hữu của Roman Abramovich sau khi tỷ phú Nga thuê hòn đảo này trong 100 năm.
Tỷ phú Roman Abramovich đã thuê một công ty kiến trúc ở Mỹ để biến hòn đảo này thành một trung tâm văn hóa và giải trí với quán cà phê, triển lãm, cửa hàng bán lẻ, khách sạn, văn phòng, nhà ở, công viên, bảo tàng,...
Đảo Brecqhou
Những người yêu lịch sử thời Trung cổ có thể tới thăm hòn đảo tư nhân Brecqhou nằm gữa eo biển Manche, không xa bờ biển Normandy ở Pháp. Cặp tỷ phú song sinh người Anh David và Frederick Barclay đã mua hòn đảo này vào năm 1993.
Họ đã dành hơn 20 năm để phát triển và cải tạo hòn đảo Brecqhou thành một điểm du lịch văn hóa với những lâu đài theo phong cách Gô-tích, vườn nho, những khu vườn đặc trưng ở Anh với hàng nghìn loài cây.
Đảo Robins
Tỷ phú Louis Moore Bacon đã phát hiện hòn đảo Robins từ khi ông mới 20 tuổi trong lúc làm việc trên tàu đánh cá ở ngoài khơi New York, Mỹ. Vào năm 1993, ông quyết định mua hòn đảo này với giá 11 triệu USD để làm nơi nghỉ dưỡng cho gia đình.
Các nhà bảo vệ môi trường địa phương khi đó miêu tả hòn đảo là thung lũng Yosemite. Hiện tại, hòn đảo này vẫn giữ được vẻ nguyên sơ do được bảo vệ tốt.
Theo 24h
Những ngôi nhà mái cỏ đẹp như tranh vẽ ở Iceland Du khách có cảm giác như lạc vào thế giới thần tiên khi chiêm ngưỡng những ngôi nhà mái cỏ ở Iceland. Nhà thờ Hofskirkja với mái bằng cỏ được xây dựng vào năm 1884 ở vùng Oaefi, Iceland. Nhiều du khách miêu tả công trình này trông giống như xứ sở thần tiên trong truyện cổ tích. Ngôi nhà đặc biệt được...