Khám phá con đường Hạnh Phúc ở miền đá nở hoa
Quốc lộ 4C còn được gọi là đường Hạnh Phúc nối thành phố Hà Giang với 4 huyện miền núi gồm: Yên Minh, Quản Bạ, Đồng Văn, Mèo Vạc với tổng chiều dài 185 km.
Không chỉ là huyết mạch kết nối giao thương, phát triển kinh tế, xã hội của đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang, chặng đường này còn quy tụ nhiều cảnh sắc hùng vĩ, in dấu bao câu chuyện anh hùng chốn cực Bắc của Tổ quốc.
Tượng đài “Thanh niên xung phong làm đường Hạnh Phúc”. (Ảnh: Thùy Linh – Minh Tâm) |
Ở con đường 185 km này, mỗi tấc đất đều ghi lại sự hy sinh của hơn 1.300 thanh niên xung phong cùng hơn 1.000 dân công thuộc 16 dân tộc ở Hà Giang và 8 tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hải Dương, Nam Định.
Được xây dựng từ năm 1959-1965, con đường được đích thân Bác Hồ kính yêu đặt tên đường Hạnh Phúc là minh chứng cho tinh thần dũng cảm, ý chí kiên cường của con người Việt Nam.
Riêng ở dốc Mã Pì Lèng, nóc nhà của vùng cao nguyên đá, những người công nhân đã phải treo mình khi làm việc trong khoảng 11 tháng để mở đường.
Qua huyện Yên Minh, du khách sẽ bắt gặp Nghĩa trang liệt sĩ thanh niên xung phong, sừng sững tượng đài “Thanh niên xung phong làm đường Hạnh Phúc”.
Nơi đây được xây dựng ngay sau khi con đường Hạnh Phúc hoàn thành vào ngày 20/3/1965, là nơi an nghỉ cuối cùng của 14 thanh niên xung phong đã hy sinh trong quá trình làm đường.
Tuổi trẻ, sức trẻ, mồ hôi và cả máu của các anh, các chị – những thanh niên xung phong năm nào đã hòa vào mảnh đất này.
Ngày nay, khi di chuyển trên tuyến Quốc lộ 4C, người ta khó có thể hình dung được hết những gian khổ mà thế hệ cha anh đã trải qua khi chiến đấu với biển đá xám xịt để mở đường.
Nhưng nhờ con đường Hạnh Phúc, cuộc sống của người dân ở các bản làng nơi đây đã dần đổi thay tốt đẹp hơn.
Video đang HOT
Các công trình hạ tầng như trụ sở, trường học, bệnh viện được xây dựng kiên cố. Điện lưới được kéo về thôn bản, thúc đẩy đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa của người dân từng bước phát triển mạnh mẽ.
Bia đá khắc hoạ hành trình mở đường của các thành niên xung phong. (Ảnh: Thùy Linh – Minh Tâm) |
Kết nối những hùng quan kỳ vĩ
Chung nhịp bước với sự tiến lên của Hà Giang, con đường Hạnh Phúc cũng phát huy tiềm năng, trở thành một điểm đến thu hút khách du lịch.
Một điểm nhấn mà du khách không thể bỏ lỡ trên cung đường này chính là chinh phục vách đá trắng Hà Giang, còn gọi là vách đá tử thần, nằm ngay trên đèo Mã Pì Lèng thuộc địa phận huyện Mèo Vạc.
Nằm giữa xã Pải Lủng và xã Pả Vi, xuất phát từ tượng đài Thanh niên xung phong mở đường Hạnh Phúc, bên cạnh là Bảo tàng con đường Hạnh Phúc, du khách chinh phục vách đá trắng theo con đường dài 7 km.
Trên đường đi có “mỏm đá sống ảo”; dãy núi hình sống mũi khủng long, đây là đoạn đường đi lại hẹp chỉ vừa một người, ngoằn ngoèo, một bên là vực sâu, một bên là vách núi cao.
Từ xa khách đã nhìn thấy vách đá trắng thẳng đứng, nằm ở độ cao hơn 1.700 m, nổi bật giữa màu xanh núi non. Vách đá này mang đến cho du khách những trải nghiệm khó quên với vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ, cùng những thử thách chinh phục đầy ngoạn mục.
Vẻ đẹp ở dốc Thẩm Mã. (Ảnh: Thùy Linh – Minh Tâm) |
Dọc tuyến đường đi, du khách được chinh phục đèo Mã Pí Lèng hùng vĩ, có thể dừng lại ghé thăm dòng sông Nho Quế thơ mộng trên du thuyền, khám phá “đệ nhất hùng quan” hẻm Tu Sản.
Một trong những điều đặc biệt thu hút du khách đi trên con đường này vào mùa Xuân (từ tháng 12 đến tháng 4) và mùa Thu (từ tháng 9 đến tháng 11) chính là những cánh đồng hoa tam giác mạch nở rộ rực rỡ, khoe sắc dọc theo thung lũng.
Không chỉ vậy, mùa Xuân còn mang đến sắc hồng của hoa đào, hoa mơ, hoa mận cùng vẻ đẹp dịu dàng của hoa cải, tạo nên bức tranh thiên nhiên vô cùng thơ mộng.
Nối tiếp hành trình, con đường Hạnh Phúc đưa ta tới trung tâm huyện Mèo Vạc. Nơi đây chào đón du khách với những trải nghiệm văn hóa độc đáo, ẩm thực phong phú mang đậm bản sắc dân tộc Mông, đặc biệt là các sản phẩm chế biến thủ công từ hoa tam giác mạch.
Vào tháng 3 âm lịch hàng năm, du khách còn có cơ hội hòa mình vào không khí náo nhiệt và lãng mạn của Chợ tình Khâu Vai – một nét đẹp văn hóa đặc trưng của vùng cao nguyên đá.
Cảnh quan hùng vì trên con đường Hạnh Phúc. (Ảnh: Thùy Linh – Minh Tâm) |
Con đường Hạnh Phúc là tuyến giao thông huyết mạch, làm nên những thay đổi to lớn đối với các huyện vùng cao nguyên đá.
Để ngày hôm nay, khi đi qua những danh thắng nổi tiếng của Hà Giang như dốc Pắc Sum, cổng trời Quản Bạ, dốc chín khoanh, dốc Thẩm Mã, đỉnh Mã Pì Lèng…, chúng ta lại nhớ về sự đồng lòng, quyết tâm cao độ của hàng ngàn thanh niên xung phong đã dành cả thanh zuân chiến đấu với biển đá mênh mông để mở đường.
Con đường ấy thấm đẫm mồ hôi và cả máu, nhưng đó cũng là con đường nở hoa mang ánh sáng mới tới vùng cao để cuộc sống nơi đây ngày một phát triển hơn.
Khám phá nét độc đáo chợ bò Mèo Vạc
Chợ bò của huyện Mèo Vạc họp vào chủ nhật hàng tuần là nét độc đáo của đồng bào Mông, Dao, Lô Lô, Tày tại Hà Giang.
Phiên chợ không chỉ là nơi để bà con trao đổi buôn bán, còn là nơi giao lưu, trao đổi kinh nghiệm sản xuất; cũng là điểm nhấn đáng chú ý để phát triển kinh tế, du lịch địa phương.
Người dân ở các xã của huyện Mèo Vạc tấp nập dắt bò về chợ thị trấn từ sớm.
Chợ nằm ngay trung tâm thị trấn, mỗi phiên chợ có khoảng 100-200 con bò được trao đổi mua bán. Điểm đặc biệt khi đến đây là phụ nữ, đàn ông đều mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình.
Theo chân ông Mua Sí Vư (tổ 1, thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc, Hà Giang) đến chợ bò, ông Vư kể: chợ bò được hình thành từ rất lâu, nhưng chỉ thực sự phát triển mạnh khi năm 2000, huyện Mèo Vạc có chủ trương đẩy mạnh phát triển đàn trâu, bò hàng hóa. Vào các ngày diễn ra phiên chợ, người dân của các xã trên địa bàn Mèo Vạc và các huyện lân cận tấp nập dắt bò về chợ thị trấn để trao đổi, mua bán. Thương lái các tỉnh dưới xuôi cũng đến phiên chợ này để thu mua bò.
Tại phiên chợ này không có cảnh chèo kéo mua và bán.
Năm giờ sáng, chợ đã bắt đầu có tiếng người, lẫn trong âm thanh của núi rừng là tiếng chân bò dồn dập đổ về chợ. Từ xa, người đi chợ đã nghe thấy những âm thanh vui tai của lục lặc đeo ở cổ những con bò. Ai cũng muốn việc mua bán diễn ra thuận lợi, nhanh chóng vì bò là tài sản lớn của người dân.
Tại phiên chợ, hàng trăm con bò xếp hàng ngang đều tăm tắp, khỏe mạnh, béo tốt, lông vàng óng. Người ra vào đông đúc nhưng không hề có sự sự bon chen, xô đẩy. Không ồn ã chào mời, các chủ bò kiên nhẫn chờ khách mua trả giá, nếu thấy vừa ý thì bán, không thì dắt bò về để đến phiên chợ sau.
Cũng như bao người, anh Vàng Mí Chứ (ở xã Xà Phìn, huyện Đồng Văn, Hà Giang) đến chợ từ lúc 5 giờ sáng. Từ khi mới đến chợ, bò của anh Chứ đã được rất nhiều người mua hỏi thăm về giá và tình trạng sức khỏe. Anh Chứ kể: Bò mang đi bán này, gia đình đã nuôi được hơn 5 năm, cả nhà có 5 con, kinh tế gia đình cũng nhờ vào đàn bò. Hiện nay, gia đình có việc cần đến tiền nên mới mang đến chợ bò để bán.
Không chỉ người bán đi sớm, người mua cũng không thể đến muộn. Có thương lái phải đến chợ bà Mèo Vạc từ chiều hôm trước, ngủ lại qua đêm để sáng sớm có thể chọn những con bò chất lượng nhất.
Chợ bò Mèo Vạc là phiên chợ buôn bán bò lớn nhất của tỉnh Hà Giang.
Là thương lái đến từ huyện Yêm Minh (Hà Giang), cũng là người buôn bò chuyên nghiệp lâu năm, anh Vàng Thìn Tháng không chỉ mua bò ở trong tỉnh, còn đi các tỉnh lân cận để tìm mua bò với chất lượng và giá tốt nhất. Anh Tháng cho biết: Vào những phiên chợ bò, các anh phải đánh xe đi từ chiều hôm trước, lên nghỉ lại ở huyện Mèo Vạc. Từ sáng sớm, các anh đã có mặt để chọn bò của bà con đem đến bán. Thông thường, một con bò trưởng thành tại chợ bò Mèo Vạc có giá chừng 10- 4 triệu đồng, đặc biệt có con to, đẹp được bán tới giá gần 20 triệu đồng.
Chợ bò Mèo Vạc không chỉ là nơi trao đổi, mua bán bò giữa nông dân và các thương lái của các tỉnh dưới xuôi, còn là nơi giao lưu, gặp gỡ, tâm tình giữa những người bạn. Chợ thường kéo dài trong buổi sáng nhưng cũng có khi cả ngày. Du khách lên tham quan, du lịch trên vùng Cao nguyên đá của Hà Giang thường không quên đến thăm, khám phá vẻ độc đáo của phiên chợ bò, chụp ảnh lưu niệm với những hình ảnh chỉ có ở đây.
Việc duy trì, phát triển chợ bò huyện Mèo Vạc đã tô điểm thêm nét văn hóa của đồng bào các dân tộc vùng Cao nguyên đá. Đồng thời, góp phần tạo động lực cho người dân tiếp tục duy trì, phát triển đàn gia súc nói chung, bò nói riêng; qua đó giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định, từng bước thoát nghèo, hướng tới làm giàu từ chính việc chăn nuôi...
'Vùng đất Rồng sấm' Bhutan mê hoặc du khách với Top 5 điểm đến tháng 5 Được mệnh danh là đất nước hạnh phúc nhất thế giới, Vương quốc nhỏ bé Bhutan trên dãy núi Himalaya đã nhanh chóng trở thành một điểm đến du lịch nổi tiếng toàn cầu. Tháng 5 là một trong những thời điểm tuyệt nhất để du khách khám phá 'Vùng đất Rồng sấm' đầy mê hoặc này. Với dân số chỉ hơn 792.000...