Khám phá căn lều chống nghe lén của Tổng thống Obama
Căn lều kiều cắm trại đó không phải dùng để ngủ. Căn lều đó được Tổng thống Mỹ sử dụng khi nói chuyện điện thoại hay bàn bạc các vấn đề hệ trọng với các quan chức cấp cao.
Trong các chuyến công du nước ngoài của Tổng thống Obama, ngoài những bản báo cáo tóm tắt, quà lưu niệm để tặng các nguyên thủ nước chủ nhà, các sĩ quan, nhân viên hậu cần còn mang theo một bộ đồ nghề được gọi là “lều an ninh” dành riêng cho Tổng thống Obama sử dụng.
Việc trang bị “lều an ninh” cho Tổng thống Obama không chỉ khi đi đến các quốc gia mà Mỹ xem là “đối thủ”, mà ngay cả các quốc gia đồng minh cũng thế.
Tổng thống Barack Obama đang bàn luận về tình hình Lybia bên trong SCIF trong chuyến công du đến thành phố Rio de Janeiro của Brazil năm 2011.
Theo mô tả của một số cựu quan chức an ninh, chiếc “lều an ninh” là một loại lều cắm trại được thiết kế đặc biệt không phải dùng để ngủ mà để Tổng thống Obama ngồi trong đó nói chuyện điện thoại, trò chuyện, bàn bạc các vấn đề quan trọng với các quan chức cấp cao cùng đi.
Chiếc lều được trang bị vách mờ để bên ngoài không thể nhìn thấy bên trong và được thiết kế hệ thống tạo sóng gây ồn để chống nghe trộm.
Khi Tổng thống Obama đến nghỉ tại một dãy phòng trong khách sạn, các nhân viên an ninh của ông lập tức dựng chiếc lều an ninh tại một căn phòng gần phòng nghỉ của Tổng thống.
Trong thời buổi “nhà nhà bị nghe lén”, nói chuyện trong nhà mình cũng có thể bị đối tác nghe trộm. Đó là nỗi lo mà nước Mỹ – “vua nghe lén” toàn cầu luôn lo lắng, đề phòng. Vì thế, một “Vùng bảo mật lưu động” (Portable Zone of Secrecy) đã được ngành an ninh Mỹ thiết kế đặc biệt nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối, chống nghe trộm.
Như thế, mỗi khi Tổng thống Obama cần đọc các văn bản mật hoặc trao đổi vấn đề nhạy cảm, ông sẽ “chui” vào căn lều và tránh được mọi “tai mắt” ghi âm, ghi hình của tình báo đối phương.
Một bức ảnh hiếm hoi vừa được Nhà Trắng tiết lộ, cho thấy Tổng thống Barack Obama đang gọi điện thoại bên trong chiếc lều an ninh di động – tên đầy đủ là “Cơ sở thông tin cách biệt nhạy cảm” hay SCIF – khi đang công du ở Brazil năm 2011.
Trong suốt chuyến công du này, ông Obama sử dụng SCIF để tiến hành những cuộc họp cấp cao với các thành viên phòng chiến tranh di động về tình hình chiến sự đang leo thang ở Libya.
Như trên đã nói, SCIF được thiết kế với các chất liệu đặc biệt để trở thành một trong những nơi an toàn nhất thế giới giúp tổ chức những cuộc họp tuyệt mật. SCIF có tính năng cách âm tuyệt đối, chống nghe lén, chỉ sử dụng các kết nối được kiểm soát bằng mạch điện điện tử và chống sự xâm nhập máy tính.
Khi đang công du ở Brazil, nhờ SCIF mà Tổng thống Obama có thể thực hiện cuộc gọi điện thoại bí mật cùng lúc với Ngoại trưởng Hillary Clinton, Cố vấn An ninh quốc gia Tom Donilon và Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates… để cập nhật tình hình chiến sự ở Libya.
Video đang HOT
Mark Pfeifle, Phó cố vấn An ninh quốc gia dưới thời Tổng thống George W. Bush, cho biết: “Khi một tổng thống du hành trong nước hay ra nước ngoài, có một điều mà nhóm giới chức tháp tùng phải làm là định vị và bảo đảm một khu vực nào đó có thể an toàn để dựng SCIF”.
Theo Phil Lago – một trong những người thành lập Command Consulting Group (CCG) và là nhà cung cấp SCIF cho các cơ quan chính quyền Mỹ – chiếc lều an ninh phải được bố trí cách xa các cửa sổ và nơi tập trung đông người, ví dụ phòng khách sạn là thích hợp nhất nhưng cũng còn tùy thuộc vào đặc điểm của chuyến du hành và nơi tổng thống đến.
Phil Lago mô tả SCIF như là một “vòng rào các sóng điện tử” ngăn không cho các tín hiệu đi vào từ bên ngoài hay thoát ra khỏi chiếc lều. Tín hiệu duy nhất có thể thoát ra khỏi SCIF là các giao tiếp mã hóa được thực hiện thông qua đường dây điện thoại mã hóa và an toàn để gửi “những cuộc nói chuyện” thông qua mạng lưới vệ tinh.
Phil Lago nhấn mạnh rằng, không một công cụ gì trong SCIF được hoạt động bằng thiết bị kiểm soát từ xa bởi vì đó là một tần số có thể bị chặn bắt.
Tổng thống Obama đang cất chiếc điện thoại BlackBerry vào túi quần khi bước xuống chiếc máy bay Marine One..
Ngay trong “nhà mình” cũng không an toàn
Việc trang bị những chiếc lều an ninh cho tổng thống và các quan chức cấp cao trong bộ sậu an ninh khi công du nước ngoài đã bắt đầu xuất hiện từ cách đây hơn 10 năm, và ông George J. Tenet, Giám đốc CIA giai đoạn 1997-2004, là một trong những người đầu tiên sử dụng lều an ninh.
Theo các cựu quan chức an ninh Mỹ, sở dĩ George Tenet được “ưu tiên” sử dụng lều an ninh như tổng thống là có lý. Bởi lúc đó, ông đóng vai trò như một sứ giả của Tổng thống Bill Clinton để trực tiếp làm việc với ông Yasser Arafat giải quyết các vấn đề ở khu vực Trung Đông, ông Tenet đã thường xuyên đóng trại ở Israel và sử dụng lều an ninh cho đến khi kết thúc nhiệm kỳ.
CIA giải thích, vào thời đó Tenet buộc phải dùng lều an ninh ngay tại một nước đồng minh như Israel là bởi vì Israel sở hữu một trong những phần mềm gián điệp siêu đẳng nhất.
Mỗi khi nhắc đến Israel, giới chức an ninh Mỹ luôn bị ám ảnh bởi Khách sạn King David ở Jerusalem, vì đó là nơi mà các quan chức cấp cao Mỹ hay lưu trú khi đến Israel làm việc, nhưng toàn bộ các phòng của nó, kể cả ban công, sân thượng, đều đã bị cài máy nghe lén, thậm chí bị bắn sóng thu âm nghe trộm từ những tòa nhà gần đó.
Trong quá khứ, khi du hành đến Kennebunkport – thị trấn nghỉ mát bên bờ Đại Tây Dương phía đông nam bang Maine – Tổng thống George W. Bush cũng từng sử dụng SCIF để bàn chuyện với Thủ tướng Anh Tony Blair đang có mặt ở Phủ Thủ tướng trên phố Downing về tình hình Afghanistan và Iraq.
Các đặc điểm kỹ thuật của SCIF được xếp loại “tuyệt mật”, song một tài liệu rò rỉ tiết lộ chiếc lều an ninh di động có “Hệ thống dò tìm sự xâm nhập” (IDS) để dò tìm bất cứ cuộc tấn công gián điệp nào từ bên ngoài. Chỉ những người có giấy phép đặc biệt mới được bước vào SCIF và còn đòi hỏi kiểm tra số nhận dạng cá nhân (PIN), dữ liệu sinh trắc học v.v…
Vành đai bên ngoài SCIF cũng được mật vụ canh gác cẩn mật. Không chỉ phục vụ cho các chuyến du hành của tổng thống, SCIF còn được sử dụng để tổ chức những cuộc họp bí mật trong các tòa nhà chính quyền hay đại sứ quán.
Khách hàng của CCG cũng bao gồm cả các công ty đang nghiên cứu thiết kế mới cho máy bay hay tàu thủy muốn tổ chức những cuộc họp bí mật. Nhu cầu sử dụng SCIF đặc biệt cao ở khu vực Baltimore (thành phố cảng lớn nhất bang Maryland) và Washington, những nơi đặt nhiều cơ quan chính quyền Mỹ.
Ngày nay, khi trình độ do thám đã phát triển đến mức thượng thừa với sự hỗ trợ rất đắc lực của các tiến bộ công nghệ, thì các biện pháp bảo đảm an toàn chống gián điệp càng được người Mỹ chú ý và triển khai từng bước bài bản.
Không chỉ tổng thống mà các quan chức cấp cao khi công du nước ngoài đều được cảnh báo trước về khả năng bị do thám, do đó yêu cầu họ phải kiểm tra kỹ máy điện thoại sau khi tiếp xúc văn phòng chính phủ nơi đến để xem có bị cài thiết bị nghe trộm không.
Khi đến các quốc gia đối thủ, cần đề phòng cao độ thì họ được khuyến cáo không được truy xuất hay trao đổi các thông tin mật bên ngoài Đại sứ quán Mỹ. Hoặc khi tổng thống đi công du nước ngoài sẽ được trang bị xe Limousine chuyên dụng để bảo mật thông tin.
Riêng đối với Tổng thống Obama, do ông có sở thích sử dụng điện thoại di động hiệu BlackBerry, nên ông sẽ được trang bị riêng một chiếc BlackBerry đã được cài mật mã sẵn để chống nghe trộm trong những chuyến công du nước ngoài, nhưng một thành viên nội các chính quyền Obama thì được khuyến cáo không thể mang theo chiếc iPad mình ưa thích, vì nó không được xem là thiết bị an toàn.
Các biện pháp chống gián điệp dành cho Tổng thống Obama và các quan chức chính phủ không chỉ triển khai ở nước ngoài mà còn ngay trên đất Mỹ. Khi các bộ trưởng nội các và các quan chức an ninh nhận nhiệm vụ mới, Chính phủ Mỹ sẽ trang bị lại cho họ nhà ở và các phòng an ninh mới hoàn toàn để dùng cho các cuộc nói chuyện tối mật và sử dụng máy vi tính.
Theo các hướng dẫn bảo mật, các căn phòng an ninh đó được lót một lớp kim loại mỏng và thiết kế cách âm. Vị trí đặt căn phòng an ninh này tốt nhất là nằm bên trong gian giữa của căn nhà và không có cửa sổ. Người gần đây nhất nhận nhà công vụ tái trang bị như thế là ông James B. Comey, Giám đốc FBI, với 2 căn nhà ở khu vực Washington và New England.
Cựu Giám đốc CIA R. James Woolsey Jr. cho biết, bản thân ông khi đi công cán nước ngoài trong vai trò người đứng đầu ngành tình báo Mỹ giai đoạn 1993-1995, ông chỉ được sử dụng những chiếc điện thoại đã được mã hóa. Khi công nghệ tiến bộ thì các trang bị phải ngày càng tiên tiến hơn. Một quan chức an ninh từng ngồi trong lều an ninh kể rằng, lều được trang bị rất phức tạp, “như một đám rừng”.
Theo An ninh Thế giới
Đầu não tình báo quân sự Syria bị tấn công
Một vụ đánh bom tự sát đã xảy ra ngay tại trụ sở cơ quan tình báo quân sự Syria ở thành phố phía nam Suweida hôm 6/11, khiến ít nhất 8 nhân viên an ninh thiệt mạng và làm bị thương hàng chục người khác. Cùng lúc đó, ở thủ đô Damascus, một vụ nổ khác cũng đã cướp đi sinh mạng của 8 người.
Phe nổi dậy Syria
Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria có trụ sở ở Anh cho biết, vụ nổ bom xe hơi ở Suweida là rất hiếm hoi bởi khu vực này phần lớn không phải hứng chịu tình trạng bạo lực dù cuộc nội chiến ở đất nước Syria đã kéo dài gần 3 năm qua và đã cướp đi sinh mạng của khoảng 120.000 người.
Theo các nhà hoạt động địa phương, một kẻ đánh bom tự sát đã phóng xe qua một chốt chặn an ninh bên ngoài trụ sở tình báo quân sự của Lực lượng Không quân ở Suweida và cho nổ tung khối chất nổ mang theo trong xe. Các chiến binh nổi dậy sau đó đã cố tìm cách xông vào tòa nhà và một cuộc giao tranh ác liệt đã nổ ra. Nhiều chiến binh phe nổi dậy đã bị thiệt mạng.
Một bức ảnh được các nhà hoạt động tung lên mạng cho thấy hình ảnh một cột khói đen kịt bốc lên trời từ tòa nhà ở Suweida.
Hãng thông tấn chính thức của Syria - SANA cho biết, vụ tấn công tự sát ở Suweida đã cướp đi sinh mạng của 8 nhân viên an ninh. Người đứng đầu Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria - ông Rami Abdelrahman, cho biết, trong số những người thiệt mạng có một sĩ quan cấp cao và một vị thiếu tá - trước đó được xác định là đại tá. Ông này được tin là người đứng đầu chi nhánh tình báo quân sự của Không quân Syria trong khu vực. Ngoài ra, vụ đánh bom tự sát còn làm bị thương 41 người khác.
Khu vực Suweida hiện vẫn đang nằm trong quyền kiểm soát của chính phủ và đây là nơi sinh sống chủ yếu của người Druze. Những người này phần lớn đứng trung lập trong cuộc nổi dậy ở Syria mặc dù một số họ đã tham gia vào lực lượng bán quân sự ủng hộ Tổng thống Assad.
Trước đó cùng ngày, SANA còn đưa tin, một vụ đánh bom cũng đã xảy ra ở Quảng trường Hejaz thuộc khu vực trung tâm đông đúc của thủ đô Damascus. Vụ tấn công này đã cướp đi sinh mạng của 8 người và làm bị thương ít nhất 50 người khác.
Trong khi đó, Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria dựa vào mạng lưới thông tin của các nhà hoạt động trên khắp đất nước cho rằng, con số người chết là 7 và số bị thương là 20. Tuy nhiên, tổ chức này cũng không biết vụ tấn công trên là do bom nổ hay đạn súng cối gây ra.
Người dân thủ đô Damascus còn cho biết, họ đã thấy một quả đạn súng cối được bắn vào trụ sở Tổng tham mưu Quân đội Syria ở Quảng trường Umayyad Square nhưng không có báo cáo nào về tình trạng thương vong ở đây.
Ngoài các vụ đánh bom tự sát, ngày hôm qua còn chứng kiến có tới 25 đợt tấn công bằng đạn súng cối nhằm vào một loạt quận trong thủ đô Damascus.
Những vụ nổ và các cuộc tấn công bằng đạn súng cối đã dồn dập xảy ra trên khắp đất nước trong ngày hôm qua, đúng một ngày sau khi hội nghị hòa bình quốc tế được chờ đợi lâu nay lại một lần nữa bị trì hoãn vì sự mâu thuẫn, chia rẽ trong nội bộ phe nổi dậy Syria. Thêm một lần nữa, các cường quốc lại bất lực trước cuộc chiến ở Syria và đây có thể là lý do khiến tình trạng bạo lực, giao tranh lại được dịp trỗi dậy mạnh mẽ.
Phe nổi dậy đã chiếm được một loạt các khu vực ngoại ô bao quanh thủ đô Damascus nhưng quân đội trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad đã phong tỏa, bao vây những khu vực đó nhằm giữ cho thủ đô Damascus - thành trì chính của chính quyền, được an toàn. Trong tình thế đó, các chiến binh nổi dậy gần đây đang áp dụng chiến thuận đánh bom tự sát để tấn công vào các mục tiêu chính trị và an ninh trong những khu vực của chính phủ.
Al Qaeda đang đè bẹp phe nổi dậy chính thống?
Trong lúc này, tình hình nội bộ phe nổi dậy Syria tiếp tục căng thẳng và chia rẽ. Giới các nhà hoạt động và các chuyên gia phân tích cho biết, các nhóm chiến binh nổi dậy có liên quan đến tổ chức khủng bố khét tiếng Al-Qaeda đang dần chiếm quyền thống trị ở khu vực phía bắc Syria và lực lượng này đang tìm cách áp đặt tư tưởng Hồi giáo hà khắc lên những vùng chiếm đóng.
Các nhóm chiến binh được Al-Qaeda hậu thuẫn như nhóm Quốc gia Hồi giáo Iraq và Syria (ISIS) đang đóng vai trò là lực lượng quân sự chủ chốt, có vai trò áp đảo ở phía bắc Syria - nơi phần lớn lãnh thổ đang nằm trong tay phe nổi dậy. Từ đó, lực lượng này cũng đang có ảnh hưởng rất mạnh đến đa số người dân ở khu vực này.
Ông Rami Abdul Rahman thuộc Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria cho biết: "ISIS là nhóm mạnh nhất ở phía bắc Syria - 100% là như vậy và bất kỳ ai nói với bạn về một điều khác thì rõ ràng họ đang nói dối".
Nhiều người Syria ở phía bắc đã bí mật tiết lộ thông tin về ảnh hưởng và quyền lực ngày càng gia tăng của các nhóm nổi dậy có liên quan đến Al-Qaeda ở nơi họ sinh sống. Tuy nhiên, những người này không dám tiết lộ tên thật vì sợ làm ISIS nổi giận. Họ cho biết, ở một số nơi, chỉ cần nói tên của mình cũng bị ISIS coi là một tội lỗi và trừng phạt bằng cách đánh roi.
Sự mở rộng ảnh hưởng và quyền lực nhanh chóng của Al-Qaeda ở Syria đang đặt ra tình thế tiến thoái lưỡng nan cho Mỹ và các đồng minh Châu Âu trong việc ứng xử thế nào với phe nổi dậy Syria mà lâu nay họ vẫn đang ủng hộ.
Theo_VnMedia
Mỹ: Xả súng tại sân bay Los Angeles, 1 người chết Tối qua theo giờ Việt Nam, một người đàn ông đã tiến vào khu kiểm tra an ninh ở sân bay quốc tế Los Angeles và xả đạn bừa bãi, làm ít nhất 8 người thương vong. Vụ việc khiến nhiều chuyến bay trên khắp nước Mỹ đã bị hủy. Hiện trường vụ xả súng tại sân bay quốc tế Los Angeles, bang...