Khám phá bí mật hậu trường kỳ thú của bom tấn ‘Bumblebee’
Để có thể xây dựng được những thước phim choáng ngợp nhưng cũng không kém phần ngọt ngào làm tan chảy trái tim người hâm mộ của ‘ Bumblebee’ không thể không nhắc đến đội ngũ hậu trường hùng mạnh.
Kể từ khi tung trailer đầu tiên đến ngày chính thức ra rạp, Bumblebee liên tục nhận được ‘cơn mưa lời khen’ từ khán giả đại chúng lẫn các nhà phê bình phim khó tính. Đạo diễn Travis Knight cuối cùng đã tạo nên một cú chuyển xoay ngoạn mục cứu cánh cho chất lượng của cả loạt phim Transformers đến từ ‘ông lớn’ Paramount.
Trailer Bumblebee
Không chỉ đơn thuần là một bom tấn với những pha hành động và kỹ xảo mãn nhãn, Bumblebee còn khai thác sâu hơn về những xúc cảm, rung động đầy chân thực giữa hai nhân vật chính là Bumblebee và cô bạn 18 tuổi Charlie Watson.
Để có thể xây dựng được những thước phim choáng ngợp nhưng cũng không kém phần ngọt ngào làm tan chảy trái tim người hâm mộ, chúng ta không thể không nhắc đến đội ngũ hậu trường hùng mạnh, những con người thầm lặng đã tạo nên sự thành công vang dội của bom tấn trong tháng 12 này.
1. Bối cảnh quay phim hoành tráng, tái hiện lại chân thực những năm 80 của thế kỷ trước
Trái với 5 phần phim trước thường lấy bối cảnh thời hiện đại, phần ngoại truyện Bumblebee lần này đưa người xem quay ngược thời gian trở về năm 1987 khi chú robot ong vàng đang ẩn náu tại một thị trấn biển California. Với các cảnh quay đậm chất cổ điển, không ngạc nhiên khi các nhà làm phim đã tận dụng mọi cơ hội để đưa những khung cảnh tuyệt mỹ nhất của vùng đất nổi tiếng với nắng và gió California lên màn ảnh rộng cùng Bumblebee.
Xuyên suốt Bumblebee, người hâm mộ sẽ được chìm đắm trong thế giới thiên nhiên tuyệt mỹ nên thơ tại quê nhà của cô nàng Charlie – một thị trấn nhỏ ven biển phía bắc California có tên gọi là Brington Falls. Chỉ cần di chuyển bằng phà trong khoảng 15 phút từ San Francisco, các nhà làm phim đã đặt chân tới thị trấn nhỏ Vallejo với khung cảnh tự nhiên hoàn toàn chính xác như những gì mong đợi: hoành tráng, kỳ vỹ nhưng vẫn mang sắc màu hoài cổ của những năm 80.
Một xưởng đóng tàu ở San Pedro đã được lựa chọn để làm địa điểm thực hiện cảnh quay diễn ra tại bãi phế liệu nơi Charlie đã tìm thấy Bumblebee trong tình trạng hỏng hóc và phủ đầy bụi bặm.
Ở các khu vực phụ cận của Vallejo, nhóm thực hiện đã tiến hành quay phim ở rất nhiều địa danh mang tính chất biểu tượng cao, trong đó phải kể tới Battery Spencer – một trong số những điểm gần nhất để quan sát trọn vẹn cây cầu Golden Gate nổi tiếng. Và tại khu Công viên Quốc gia Golden Gate, các nhà làm phim đã thực hiện rất nhiều cảnh quay tại Bán đảo Marin Headlands nên thơ và Bãi biển Rodeo rất được du khách yêu thích.
Cây cầu Golden Gate (Cầu Cổng Vàng hay còn gọi là Kim Môn Kiều) trứ danh chính là một trong những công trình xây dựng giao thông vĩ đại nhất của nước Mỹ trong thế kỷ 20
Đi sâu xuống phía Nam, Công viên bảo tồn Quốc gia với những khung cảnh đẹp như tranh vẽ là một địa điểm lý tưởng để thực hiện những cảnh quay có ý nghĩa quan trọng giữa Bumblebee và Charlie. Một số cảnh quay ngoại cảnh khác – chủ yếu xuất hiện ở đoạn mở màn của bộ phim – đã được dàn dựng tại khuôn viên của công ty khai thác gỗ tư nhân Big Creek Lumber ở Watsonville.
Mare Island – một xưởng đóng tàu hải quân giờ đã ngừng hoạt động ở Vallejo, là bối cảnh hoàn hảo cho hầu hết các cảnh quay quan trọng ở cuối phim. Các cảnh lái xe được dàn dựng tại những con đường ven biển ở Malibu, những con đường khúc khuỷu uốn lượn ở Griffith Park và những con đường với cảnh sắc đồng quê yên bình ở Thung lũng Simi.
Còn trụ sở của Sector 7 thực chất được dựng lên tại nhà máy sản xuất máy bay Boeing đã đóng cửa ở Long Beach.
Nhà sản xuất Di Bonaventura đã mời Enrique Chediak – quay phim gạo cội mà ông từng hợp tác thực hiện các bộ phim đình đám như Red 2, American Assassin và Deepwater Horizon để ghi lại những hình ảnh ấn tượng và giàu cảm xúc cho Bumblebee.
‘Enrique không những chỉ là một quay phim tài ba mà anh ấy còn là một nhà làm phim cực kỳ tinh tế. Những gì mà Travis không biết trong quá trình thực hiện bộ phim này, Enrique đều hỗ trợ rất hiệu quả’ - Ông nhận xét.
2. Hiệu ứng hình ảnh và kỹ xảo công phu, mãn nhãn
Tuy quy mô của Bumblebee có phần khiêm tốn hơn so với các tập phim trước trong loạt Transformers nhưng cảnh quay mở đầu của bộ phim này cũng đã khắc họa một trận chiến long trời lở đất giữa các Transformer thế hệ thứ nhất và các Deception. Giám sát hiệu ứng hình ảnh Jason Smith chia sẻ:
‘Chúng tôi đã có cơ hội để dàn dựng một trận chiến gay cần trên hành tinh Cybertron với sự tham chiến của những robot biến hình thế hệ thứ nhất vốn đã trở thành kinh điển. Một đội ngữ đông đảo các nhà thiết kế, chuyên gia đồ họa, họa sỹ và rất nhiều trợ lý đã cũng góp sức thực hiện nên phân cảnh này, và chúng tôi cho rằng sản phẩm cuối cùng thực sự rất ấn tượng’.
Mặc dù đạo diễn của Bumblebee lần này không phải là Michael Bay, nhưng trong vai trò sản xuất, ‘ông hoàng cháy nổ’ cùng đoàn làm phim vẫn mang đến cho người xem một chuyến phiêu lưu kỳ thú với những hiệu ứng cháy nổ cùng phần kỹ xảo cực kỳ hoành tráng.
Tuy nhiên, với một cốt truyện đi sâu vào cảm xúc nội tâm, Bumblebee trở thành một thử thách hấp dẫn với các nhà làm phim ở ILM – những người đã phụ trách toàn bộ phần hình ảnh của loạt phim Transformers. Ông Jason Smith cũng cho biết:
‘Trong quá trình sản xuất tập phim đầu tiên của Transformers, chúng tôi không hề biết mình sẽ phải làm thế nào để có thể tạo nên những hình ảnh ấn tượng cho những người máy biến hình to lớn đó. Và rồi cứ mỗi tập phim mới được ra mắt, công việc của chúng tôi là phải làm cho nó hoành tráng, mãn nhãn hơn.
Nhưng với Bumblebee, đây là một thử thách khó khăn hơn rất nhiều. Chúng tôi tự hỏi mình sẽ làm gì để có thể tạo nên sự gắn kết giữa một nhân vật được tạo ra bằng công nghệ CG với một nữ diên viễn chính của phim’.
Smith tiếp tục chia sẻ về công việc của mình:
‘Ưu tiên hàng đầu của Travis là kể với khán giả một câu chuyện đầy xúc động và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Bộ phim đi sâu khai thác mối quan hệ giữa Bumblebee và Charlie, vì thế chúng ta phải tin rằng Bumblebee cũng là một nhân vật của bộ phim này.
Travis không ngại ngần tạo ra những tình huống khi Charlie đặt tay lên vai và má của Bumblebee, và họ còn ôm nhau không chỉ một lần. Điều đó giúp củng cố cho sự thật rằng cả hai nhân vật này đều đang cùng tồn tại trên một thế giới vật lý.
Và công việc của chúng tôi là làm thế nào để khán giả không hoài nghi về điều đó, không nghĩ rằng đó chỉ là một sản phẩm của kỹ xảo. Đó quả là một thách thức lớn lao, vì những khoảnh khắc đặc biệt đó cần phải chân thực đủ để chạm được tới trái tim người xem.
Nếu chúng tôi không làm được như vậy, hiệu ứng sẽ phản tác dụng. Chúng tôi nhận thức được điều đó và đã nỗ lực hết mình để cả Travis và khán giả xem phim sẽ không phải thất vọng khi nhìn những khung cảnh đó xuất hiện trên màn ảnh rộng của Bumblebee.’
3. ‘Thư viện’ âm thanh với những ca khúc bất hủ, đã tai
Không một bộ phim nào lấy bối cảnh những năm 80 lại hoàn chỉnh nếu thiếu đi những giai điệu mang âm hưởng của thập niên đó. Việc lấy bối cảnh năm 1987 đã giúp Bumblebee có thể tận dụng được tất cả những ca khúc đình đám nhất lúc bấy giờ.
‘Rất nhiều người đã cho rằng năm 1987 là năm đỉnh cao của làng ca nhạc ở thập kỷ đó. Tôi vốn không phải là một chuyên gia, nhưng thật thú vị khi được nghe rất nhiều người làm việc trong nền công nghiệp âm nhạc nói với chúng tôi như vậy.’ – Nhà sản xuất Vahradian cho biết.
Đạo diễn Knight đưa ra những nhận định:
‘Âm nhạc chính là cách để Charlie tương tác và kết nối với thế giới bên ngoài. Cô ấy nghe nhạc của The Smiths, Elvis Costello, The Damned, Motorhead và Joy Division…một phần vì cô ấy không có cách nào để bày tỏ được nỗi đau trong tim mình, và âm nhạc của các nghệ sỹ này giúp cô truyền tải được những cung bậc cảm xúc của mình. Và Charlie cũng đã dùng âm nhạc để giúp Bumblebee làm được điều đó.’
Các nhà làm phim chia sẻ họ thấy mình thật may mắn khi đã được cộng tác với Hailee Stainfeld – nữ diễn viên đồng thời cũng là một ca sỹ sở hữu rất nhiều Chứng nhận Bạch Kim – trong bộ phim này. Steinfeld bàn bạc rất kỹ lưỡng với nhóm thực hiện để sáng tác ra ca khúc chủ đề cho Bumblebee với tựa đề Back To Life.
‘Hailee là một nữ nghệ sỹ vô cùng tài năng. Khi quá trình quay phim được hoàn tất, cô ấy đã dựa trên chính những trải nghiệm mà mình vừa có được để viết nên một ca khúc với những giai điệu ngọt ngào bay bổng, phản ánh đúng tinh thần của Bumblebee. Cũng giống như Bumblebee, Back to Life đề cập tới sức mạnh và khả năng hàn gắn vết thương của Tình yêu. Đó là một ca khúc tuyệt vời!’ - Đạo diễn Travis Knight nhận xét.
4. Phục trang cầu kỳ, giúp khắc họa cá tính nhân vật một cách rõ nét
Một trong những thành công của phần ngoại truyện là phong cách thời trang mang đậm dấu ấn những năm 1980 của các nhân vật. Trong cuộc gặp gỡ đầu tiên với đạo diễn Knight, Danya Pink đã bàn bạc khá nhiều về tạo hình của Charlie. Và lựa chọn của bà là những bộ trang phục mang phong cách rock ‘n’ roll rất được ưa chuộng ở những năm 80.
Nhà thiết kế của phim miêu tả: ‘Chúng tôi đã chú trọng khắc hoạ cá tính của nhân vật này với việc sử dụng những tông màu tối và xen lẫn với đó là những chi tiết có màu vàng, giống như dây giày có màu vàng đen mà cô ấy đã đi. Đây là nhân vật thuộc thế giới loài người duy nhất trong phim sử dụng màu vàng, nhưng người xem sẽ không thể không chú ý tới nó.’
Ngoại trừ chiếc áo phông với phong cách vintage của Charlie, nhóm của Pink đã thiết kế và may đo tất cả các bộ quần áo mà nhân vật này sử dụng trong phim – từ đôi giày ống được làm bằng tay cho tới chiếc áo phông Charlie đã mặc khi xuất hiện ở phần cuối của bộ phim.
Bên cạnh đó, Pink cùng với trợ lý của mình là Terry Mark Anderson cũng đã gặp phải khá nhiều khó khăn khi được giao nhiệm vụ thiết kế nên những bộ đồng phục hoàn toàn mới cho các mật vụ của Sector 7.
‘Tuy biết được trong suốt 30 năm qua, các mật vụ của cơ quan này thường mặc trang phục màu đen, nhưng chúng tôi cần phải làm ra những bộ đồng phục mang hơi thở thời đại của thập niên 80. Thật may mắn vì tôi đã có được Terry hỗ trợ mình trong dự án này. Anh ấy đã lấy một chiếc quần xếp li ra khỏi giá và chỉ vào một bức ảnh của Simon Le Bon. Và dựa vào đó chúng tôi đã cùng nhau làm nên hẳn một bộ sưu tập.’
Bumblebee được khởi chiếu rộng rãi trên toàn quốc kể từ ngày 21.12.2018.
Theo baodatviet.vn
Lối đi nào cho thương hiệu robot đại chiến Transformers sau "Bumblebee"?
Sau khi "Bumblebee" kết thúc, Paramount buộc phải tìm ra hướng đi tiếp theo cho "con gà đẻ trứng vàng" Transformers.
Dù được giới phê bình khen ngợi hết lời nhưng Bumblebee chỉ mới về 52,7 triệu USD sau tuần đầu công chiếu so với kinh phí hơn 100 triệu. Bộ phim có màn ra mắt kém hơn cả Transformers (2007) 10 năm về trước khiến hãng Paramount buộc phải cân nhắc những hướng đi mới.
1. Khởi động lại toàn bộ Transformers
Một trong những chi tiết khiến người xem chán ngán thương hiệu Transformers của Michael Bay là sự thiếu nhất quán về mặt nội dung. Mỗi phần phim, ông đều tiết lộ thêm những bí ẩn từ nhiều năm trước nhưng cuối cùng lại gây mâu thuẫn với nhau. Đơn cử như việc Cybertron vốn bị phá hủy trong Transformers: Dark of the Moon(2011) nhưng lại tái xuất trong Transformers: The Last Knight (2017).
Sự ra đời của Bumblebee có kết nối với phần đầu tiên nhưng lại tạo ra những lỗ hỏng mới như việc Transformers có lịch sử lâu đời trên Trái đất và Bumblebee từng tham gia Thế chiến II. Để sửa lại những sai lầm quá nặng trên, Paramount nên mạnh tay tái khởi động lại thương hiệu với một "kiến trúc sư trưởng" ngay từ ban đầu như Marvel từng làm với Kevin Feige. Người này sẽ có nhiệm vụ tạo ra dòng thời gian cố địch hay những dấu mốc trong lịch sử để tránh sự rối rắm về mặt nội dung.
2. Làm phim về cuộc chiến trên Cybertron
Series phim hoạt hình Transformers được đông đảo khán giả yêu thích bởi cuộc đối đầu giữa hai phe Decepticon và Autobot. Tuy nhiên, loạt phim của Michael Bay lại thêm quá nhiều yếu tố con người vào. Hậu quả là cuộc chiến có thêm phe thứ ba là quân đội Mỹ cũng bá đạo không kém. Phần phim của Travis Knight dù giảm vai trò của Sector 7 nhưng số cảnh hành động lại quá ít.
Vậy thì tại sao không làm một bộ phim chỉ xoay quanh cuộc chiến tại Cybertron với những pha "choảng nhau" liên tục giữa các người máy? Bởi lẽ, khán giả vốn chỉ được biết đến cuộc chiến này một cách mơ hồ thông qua lời kể của các nhân vật mà thôi. Và ai cũng phải công nhận 5 phút đầu phim Bumblebee chính là "tuyệt phẩm". Một tác phẩm hành động liên tục và không có bất kỳ con người "kỳ đà cản mũi" nào là một sự lựa chọn không tồi chút nào.
3. Thực hiện phim riêng về các nhân vật khác
Nếu cảm thấy Bumblebee quá khác biệt với dòng phim của Michael Bay, Paramount có thể tách hẳn tác phẩm thành một vũ trụ mới. Sau đó, hãng có thể tiếp tục bằng việc làm phim riêng cho các nhân vật nổi tiếng trong nhóm như Optimus Prime, Ratchet,... Sau đó kết hợp chung vào một tác phẩm hệt như các vũ trụ siêu anh hùng hiện nay.
Điều này là hoàn toàn hợp lý khi các Autobot từng phân tán khắp vũ trụ trước khi tụ về Trái đất. Ngoài ra, các phần phim riêng cũng khiến khán giả đỡ bỡ ngỡ trước một rừng người máy mới xuất hiện mà chẳng ai biết từ đâu ra.
4. Kết hợp hai phong cách Travis Knight và Michael Bay
Trên thực tế, hai vị đạo diễn này đại diện cho hai trường phái khác nhau hoàn toàn. Nếu như Bay không mấy quan tâm nội dung mà chỉ nhắm đến những pha cháy nổ hoành tráng thì Knight lại có ưu thế về phát triển tâm lý nhân vật. Không những thế, đạo diễn Kubo and the Two Strings (2016) cũng có sở trường thực hiện những cảnh hành động cận chiến rất chất. Nếu hai phong cách này có thể kết hợp trong cùng một bom tấn thì quả là "cực phẩm". Có lẽ, Paramount nên nghiêm túc nghĩ về chuyện mời lại Bay vào Bumblebee 2 chăng?
5. Dùng du hành thời gian sữa chữa tất cả
Đây là tuyệt chiêu đang được các vũ trụ siêu anh hùng áp dụng. Với X-Men: Days of Future Past (2014), Fox đã xóa được hàng loạt sự kiện bị ném đá trong X-Men: The Last Stand (2006) cũng như hồi sinh thương hiệu với X-Men: First Class (2011). Sắp tới, Avengers: Endgame (2019) cũng sẽ dùng yếu tố này đã xóa bỏ cú búng tay của Thanos (Josh Brolin) trong Avengers: Infinity War (2018) hay các fan mong chờ Flashpoint sẽ xóa sổ "bom xịt" Justice League (2017).
Với một bộ phim khoa học viễn tưởng như Transformers, việc đưa du hành thời gian vào sẽ chẳng mấy khó khăn. Lúc này, những sự kiện lịch sử rối rắm hàng chục ngàn năm có thể bị xóa bỏ để quy về một dòng thời gian trong nháy mắt.
6. "Cố đấm ăn xôi" với loạt phim cũ
Dù ăn nhiều gạch đá nhưng loạt Transformers của Michael Bay vẫn có chỗ đứng nhất định trong lòng người hâm mộ. Nếu giải quyết tốt vấn đề kịch bản, phim nhiều khả năng có thể trở về thời kỳ hoàng kim. Kết thúc Transformers: The Last Knight, nhiều câu hỏi về Quintessa (Gemma Chan) hay Unicron vẫn còn bỏ ngỏ khiến fan tò mò. Nếu "lờ" hết những sự kiện cũ và tập trung thực hiện tiếp phần hậu truyện với nội dung tốt hơn cũng là một sự lựa chọn không tệ chút nào.
Bumblebee hiện đang công chiếu tại các rạp trên toàn quốc.
Theo Helino
Ra mắt chưa được một tuần, Travis Knight đã muốn thực hiện ngay 'Bumblebee' phần 2 Sự đón nhận quá nhiệt tình của khán giả đã khiến Travis Knight nôn nóng muốn thực hiện Bumblebee phần 2. Sự có mặt của Bumblebee đã khiến cho vũ trụ phim Transformers trở nên thú vị hơn rất nhiều khi tác phẩm của đạo diễn Travis Knight thể hiện mình là bộ phim dành cho gia đình với không khí ấm cúng...