Khám phá bí ẩn vết lõm xuyên 3 thế kỷ trên thành Hà Nội
Chính Bắc Môn hay Cửa Bắc nằm trên phố Phan Đình Phùng, được xây dựng năm 1805, là cổng thành duy nhất còn lại của Thành Hà Nội thời Nguyễn. Cho đến nay, vẫn ít người biết bí ẩn lịch sử đằng sau hai vết lõm lớn trên cổng thành này.
Di tích cổng thành hiện nay nằm trên phố Phan Đình Phùng là cửa Bắc của thành Hà Nội được xây dựng đầu thời Nguyễn. Sử tích chép, Bắc Môn (cổng thành phía bắc) được xây dựng trên nền Cửa Bắc thời Lê và hoàn thành năm 1805. Bắc Môn được xây dựng theo kiến trúc vọng lâu: Phía trên là lầu, phía dưới là thành.
Tại đây, vào năm 1882, đã diễn ra trận đánh khốc liệt giữa quân nhà Nguyễn do tổng đốc Hoàng Diệu chỉ huy với quân Pháp do đại tá Henri Riviere đứng đầu. Theo một số sử liệu, ngày 25.4.1882, lúc 5h sáng, H.Rivière gửi tối hậu thư đến Tổng đốc Hoàng Diệu hạn đến 8h sáng trong thành phải giải giáp. Quan quân nhà Nguyễn trong thành Hà Nội tổ chức chống cự đơn độc. Đúng 8h15, các pháo thuyền Fanfare, Surprise, Massue và Carbine từ bờ sông Hồng bắn đại bác vào thành. Tới 10h45, quân Pháp đổ bộ tấn công vào thành. Đến 11h thì quân Pháp chiếm được thành. 4 binh sĩ Pháp bị thương. Phía quân triều đình có 40 tướng sĩ tử trận.
Cửa Bắc cao 8,7m, rộng 17m, dày 20,48m. Cổng quay hướng bắc, chếch hướng Tây 15 độ dạng hình thang, lòng hình vòm cuốn xây bằng gạch, mép cửa kè đá hình chữ nhật. Cấu trúc cổng thành này khá giống với thành nhà Hồ tại Thanh Hóa.
Hai trong số những quả đại bác của pháo thuyền Pháp bắn từ sông Hồng vào thành Hà Nội đã trúng vào mặt tường thành ở cửa Bắc và để lại di tích. Bên cạnh vết đạn đại bác có gắn tấm biển đá đề bằng tiếng Pháp: 25 avril 1882: Bombarde de la citadelle par les canonnières “Surprise” et “Fanfare”; nghĩa là: “Ngày 25.4.1882: Vết bắn phá thành của các pháo thuyền “Surprise” và “Fanfare”… Sử sách ghi lại, sau khi bình ổn Bắc Kỳ, giặc Pháp cho phá hết thành Hà Nội nhưng để lại Bắc Môn như để cảnh cáo những ai có ý định chống Pháp.
Vết đại bác sâu hơn 20cm. Hai vết lõm sâu trên tường thành đã minh chứng cho một giai đoạn khó khăn, đau thương của dân tộc Việt Nam khi phải chống trả sự xâm lược của thực dân Pháp vào thời kỳ cuối thế kỷ 19.
Phía trên vòm cửa chính có gắn biển đá xanh ghi ba chữ Hán “Chính bắc môn”. Phía trên vòm cổng trang trí diềm đá xanh cánh sen.
Hình ảnh mặt sau cổng thành. Gạch xây cổng thành cỡ 35,5cm x 10cm x 12cm. Đá kê có kích thước dài từ 38 đến 86cm. Phía trên cửa có hai máng nước bằng đá để thoát nước từ vọng lâu xuống. Riêng ở mặt trước cổng thành, một máng nước đã bị đại bác giặc Pháp bắn gục vào năm 1882.
Bên trong Bắc Môn. Dù Bắc Môn là công trình do nhà Nguyễn xây dựng, nhưng dưới chân cổng thành sừng sững này là tầng tầng lớp lớp di chỉ thành quách từ các triều đại trước đó. Năm 1998, tại khu vực Bắc Môn, các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều dấu vết kiến trúc ở độ sâu 1,66m và 2,2m, trong đó có vết tích của những đoạn tường thành xây bằng đá và gạch vồ thời Lê.
Video đang HOT
Sau hàng trăm năm, bên trong cổng thành còn lưu lại nhiều vết tích một thời đau thương của lịch sử dân tộc.
Hiện nay, lầu trên cổng thành mới được phục dựng một phần và được dành làm nơi thờ Khâm sai đại thần Nguyễn Tri Phương và Tổng đốc Hà Nội Hoàng Diệu. Cụ Hoàng Diệu đã tuẫn tiết tại Võ Miếu vào giờ Ngọ ngày 25.4.1882 vì không giữ được thành trước sự tấn công của giặc Pháp. Di tích Võ Miếu đã bị giặc phá đi sau đó, nằm tại vị trí đầu phố Chu Văn An đối diện Bộ Ngoại giao ngày nay.
Sử liệu còn ghi lại nhiều hình ảnh cổng thành phía bắc từ những năm 1890. Nguyên bản thời Nguyễn, phần lầu được dựng bằng khung gỗ theo lối chồng diêm tám mái, lợp ngói ta, trổ cửa ra bốn hướng. Sau khi chiếm được thành Hà Nội, quân đội Pháp vẫn sử dụng lầu trên Bắc Môn làm chòi canh gác.
Cửa Bắc thành Hà Nội thập niên 1890. Giai đoạn này, Chính Bắc Môn còn rất nguyên vẹn với cấu trúc thành – quách. Sau bao cuộc bể dâu, khu vực hào nước đoạn qua cổng thành giờ đã là phố Phan Đình Phùng.
Di tích Bắc Môn nay trở thành điểm tham quan không thể bỏ qua khi du khách ghé thăm Hà Nội.
Theo Phúc Hưng (Dân Trí)
Ám ảnh cảnh tra tấn tù nhân tại nhà tù "đáng sợ" nhất Việt Nam một thời
Từ năm 1862 đến năm 1975, hơn 20.000 người Việt Nam thuộc nhiều thế hệ đã bị giam cầm, hành hình bằng những đòn tra tấn thời trung cổ ở "địa ngục trần gian" Côn Đảo.
Ngày 1/2/1862, Thống đốc Bonard ở Nam Kỳ ký quyết định thành lập nhà tù Côn Đảo (nay thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Đây là một hệ thống nhà tù với nhiều khu vực biệt giam, chuồng cọp. Trại Bagne 1 (sau đó được đổi thành trại 1, trại Cộng Hòa, trại 2, trại Phú Hải) rộng hơn 12.000 m2 gồm 10 khám lớn (phòng giam lớn), 20 hầm đá biệt giam, 1 khám đặc biệt, hầm xay lúa và khu đập đá.
Phòng giam số 6 tại nhà lao Phú Hải được nhiều người biết với cái tên "Phòng chết điển hình " vì các chiến sĩ hy sinh nhiều nhất so với các buồng còn lại.
Lúc đỉnh điểm, buồng giam giam tới hơn 200 tù nhân. Tất cả các tù nhân đều bị đánh đập, tra tấn dã man, không được mặc quần áo, xích lại bằng xiềng, đi vệ sinh tại chỗ. Nhiều cựu tù cho biết, có thời điểm, chỉ trong 10 ngày có tới 3 người bị tra tấn đến chết. Chế độ cơm dành cho tù nhân tại đây luôn là chén cơm lõng bõng với mắm thúi và khô mục đắng nghét...
Vào thời Mỹ - Ngụy, năm 1957, nơi đây khởi đầu nhiều cuộc đấu tranh đẫm máu, chống thủ đoạn tàn bạo của địch. Do âm mưu phân hóa, triệt hạ tinh thần đấu tranh của tù nhân bị thất bại, địch càng ra sức đàn áp dã man. Số người hy sinh càng ngày càng gia tăng.
Bị xiềng đơn, xiềng kép, ăn cơm nhạt, uống nước lã, bắt nhịn đói, vệ sinh tại chỗ là những hình phạt thường được áp dụng tại đây.
Trại giam Phú Hải còn có đầy đủ các khu vực như giảng đường, bệnh xá, nhà thờ. Tất cả đều được dựng lên để đối phó với các đoàn giám sát về nhân quyền của quốc tế. Che giấu đằng sau đó là sự thật kinh hoàng về chế độ ngục tù tàn bạo, vô nhân tính
Được xây dựng bí mật từ năm 1940, chuồng cọp được thực dân Pháp ngụy trang kín đáo sâu trong Trại giam Phú Tường với hai lối ra vào.
Giữa khu chuồng cọp và nhà giam chỉ ngăn cách bằng cánh cửa nhỏ bị khóa và ngụy trang như cánh cửa đã không dùng lâu ngày. Trong hàng chục năm, bí ẩn khủng khiếp bị giấu kín đằng sau cánh cửa sắt này.
Chuồng cọp gồm hai khu, mỗi khu 2 dãy, mỗi dãy 20 chuồng. Phía trên chuồng cọp có giàn song sắt, hành lang để gác ngục hành hạ người tù bất kể lúc nào. Ngoài ra, tại đây còn có 60 phòng giam không có mái che được gọi là phòng "phòng tắm nắng" (chia làm 4 dãy, mỗi dãy 15 phòng). Tù nhân vào đây khoảng ba tháng thường là sẽ chết vì bị xiềng chân, bị tra tấn, bị bỏ đói.
Lối vào phòng giam chuồng cọp
Một trong những hình thức tra tấn tàn độc tại chuồng cọp đó là vào những ngày nắng nóng, cai ngục dội nước lạnh từ trên xuống, sau đó rắc vôi bột để vôi gặp nước gây bỏng cho các tù nhân. Trước đó, các cai tù thường dùng gậy bịt đồng lao thẳng từ trên xuống để gây thương vong cho người trong buồng giam
Phòng tắm nắng còn là nơi dùng để hành hạ phơi nắng, phơi mưa người tù hoặc là lôi người tù ra đó để đánh đập tra tấn...
Khu biệt giam chuồng cọp bị chính quyền thực dân Pháp và chính quyền Sài Gòn giấu kín hoàn toàn trong 30 năm. Đến tận năm 1970 nó mới được một đoàn dân biểu Mỹ phát hiện. Sự thật phơi bày đã gây chấn động với dư luận quốc tế.
Đây là trạm xá của khu chuồng cọp. Loại thuốc gần như duy nhất được cấp phát tại đây là thuốc kí ninh, được Ban quản lý trại áp dụng chữa trị cho mọi loại bệnh của tù nhân
Hệ thống nhà tù khắc nghiệt tại đây sử dụng cấu trúc "nhà tù trong nhà tù".
Chống lại áp bức, tra tấn dã man tại nhà tù, các tù nhân liên tục đấu tranh đòi nhân quyền. Hình thức đấu tranh cao nhất được ghi nhận là mổ bụng đòi giải quyết yêu sách. Việc "xếp hàng", bốc thăm để được mổ bụng trở thành thiên anh hùng ca về tinh thần bất khuất, kiên trung của người chiến sĩ cộng sản nơi đây.
Bên ngoài khu biệt giam chuồng cọp ngày nay...
Phúc Hưng
Theo Dantri
Hình ảnh mới nhất của con đường gốm sứ lập kỉ lục Guinness sắp được "đại tu" Công trình văn hóa nghệ thuật lập kỷ lục Guinness, được kì vọng là biểu tượng của Thủ đô nhưng hiện con đường giờ đã xuống cấp, nhếch nhác theo thời gian. Được khởi công xây dựng từ năm 2008, con đường gốm sứ ven sông Hồng (Hà Nội) dài gần 3.950m, diện tích khoảng 7.000 m2. Năm 2010, con đường gốm sứ...